Phản ứng của các vị Lãnh Ðạo

Giáo Hội Công Giáo tại Pháp

đối với  ứng cử viên Tổng Thống

ông Jean Marie Le Pen

lãnh tụ Mặt trận quốc gia

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài phản ứng của các vị Lãnh Ðạo Giáo Hội Công Giáo tại Pháp  đối với  ứng cử viên Tổng Thống, ông Jean Marie Le Pen, lãnh tụ Mặt trận quốc gia (phe cực hữu).

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, vòng thứ nhất cách đây hai tuần,  đã đem lại kết quả bất ngờ. Ứng cử viên Leonel Jospin, thuộc Ðảng Xã hội,  đương kim Thủ tướng từ 5 năm nay, bị loại khỏi vòng, không còn được tranh cử với ứng cử viên Jacques Chirac trong vòng thứ hai. Ứng cử viên Jean Marie Le Pen, cựu đại tá, chiến đấu tại Algérie, lãnh tụ Mặt trận quốc gia (Le Front national), đứng thứ hai, sau ứng cử viên Jacques Chirac. Như vậy, ngày  Chúa Nhật  mùng 5 tháng 5 năm 2002, người dân Pháp sẽ phải lựa chọn một  trong hai ứng cử viên Jacques Chirac và Jean Marie Le Pen.

Ðứng trước thất bại đau đớn và bất ngờ này, Thủ tướng Jospin tuyên bố sẽ bỏ hẵn nghề chính trị, rút lui về với cuộc sống lặng yên, và trao trách nhiệm lãnh đạo Ðảng Xã hội cho người khác. Ông cũng yêu cầu những người đã bỏ phiếu cho ông  dồn phiếu cho  ứng cử viên , mà ông không nhắc đến tên, để đánh bật ông Jean Marie Le Pen, ứng cử viên thuộc phe cực hữu, bởi vì ông này sẽ gây hại cho nền dân chủ của Pháp, một nền Dân chủ đã đạt được từ cuộc cách mạng năm 1789, với ba khẩu hiệu: Tự do, Bình đảng và Huynh đệ.

Thất bại của Ông Jospin là một kinh nghiệm rất chua cay cho chính ông và Ðảng Xã hội cầm quyền từ năm năm nay. Ai cũng nhận thấy  rằng: lý do thát bại chính  của những người cầm quyền hiện nay tại Pháp là việc lan tràn tội ác và nạn thất nghiệp trong những năm vừa qua, đe dọa nền an ninh của nguời dân. Người dân muốn được sống an ninh và có công ăn việc làm. Lợi dụng thời cơ và sự bất mãn của người dân, ông Le Pen  tuyên truyền: nước Pháp đón nhận quá nhiều di dân mà không lo đủ công ăn việc làm cho họ. Theo Ông, thì có đến  95%  người di dân lãnh nhận trợ cấp ,để sống trên Ðất Pháp. Và vì đón nhận nhiều người di dân và tị nạn, nên số tội ác và thất nghiệp gia tăng mỗi ngày. Rất có thể con số này không hoàn toàn đúng sự thực. Nhưng ai cũng thấy rằng, sau nước Ðức, nước Pháp là quốc gia đón nhận nhiều người di dân hơn cả. Sở dĩ các nước Châu Âu, ngoài tình nhân đạo, hiện cần rất nhiều nhân công. Số sinh mỗi ngày mỗi giảm bớt. Số người già lãnh lương hưu trí mỗi ngày mỗi thêm lên. Những hiện tượng này bắt buôīc chính phủ  phải mộ nhân công, để các xí nghiệp được tiếp tục hoạt động và mức sản xuất không bị suy giảm.

Trong khi đó, thì trái lại, Ông Le  Pen  chủ trương loại trừ những người di dân, tị nạn, bởi vì đây là căn cớ gây nên tội ác và nạn thất nghiệp, để  đem lại an ninh, thịnh vượng cho người dân Pháp. Ông quả quyết: "Nước Pháp sẽ ra khỏi Khối Liên hiệp Châu Âu. Nước Pháp không chấp nhận đồng tiền chung, bởi vì đây là những những cái gây hại cho chủ quyền và nền độc lập Nước Pháp". Những người dân ước mong được sống trong kỷ luật, muốn lấy lại uy tín và địa vị  "cao cả" của mình, và  rất có thể dồn phiếu trong đợt hai này cho ông Le Pen.

Theo kết quả thăm dò ý dân, thì ứng cử viên Jacques Chirac sẽ đắc cử với khoảng từ 70% đến 75% số phiếu. Trong lúc này, hai bên đều tung hết nghị lực để thuyết phục người dân bỏ đi bỏ phiếu và bỏ phiếu cho phe mình. Những cuộc biều tình từ hai tuần nay, nhất là cuộc biểu  tình Ngày Lễ Lao động 1/05/2002 trong cả nước Pháp, với sự tham dự của hơn một triệu người, cương quyết đánh bại ông Le Pen. Ai cũng thấy rằng: Nếu Ông Le Pen đắc cử, nước Pháp sẽ hoàn toàn bị cô lập và rất có thể phải sống dưới một chế độ độc tài. Người dân Pháp cũng như các vị lãnh đạo các nước thuộc Khối Liên hiệp Châu Âu đều lo sợ. Ðứng trước hai sự dữ, người dân Pháp bắt buộc phải chọn sự dữ  nhỏ hơn,  tức ông Jacques Chirac, một nhân vật có nhiều kinh nghiệm chính trị và được thế giới biết đến, có thể bảo đảm nền Dân chủ, Tự do cho nước Pháp và cho Khối Liên hiệp Châu Âu.

Các Giám mục Pháp cũng hết sức lo lắng. Các ngài chỉ trích  nặng lời ứng cử Le Pen, bởi vì ông này lợi dụng tôn giáo để trục lợi cho mình. Thực sự ông không phải người Công giáo đàng hoàng. Các Giám mục không đả động  đến đời tư của ông, nhưng báo chí đã phanh phiu đời tư của và mọi người đều biết. Trong những ngày tuyên truyền bầu cử này, Ông Jean Marie Le Pen lợi dụng tối đa lá bài ái quốc, đề cao Thánh Nữ Jeanne d'Arc, thành Orléans , vị Nữ anh hùng của nước Pháp, đã có công chiến đấu chống lại người Anh, và sau cùng bị người Anh lên án thiêu sinh năm 1431. Trong ngày Lễ Lao động, đoàn biểu tình của Ông tụ họp trước Ðài kỷ niệm Thánh Nữ để đặt vòng hoa, ca hát mừng Thánh Bảo hộ của mình.

Ðức Cha George Gilson, Giám mục giáo phận Sens-Auxerre, tuyên bố: "Thánh Nữ Jeanne d'Arc là vị thánh của mọi người, không riêng của một người nào. Trong lịch sử của chúng ta, Thánh nữ minh chứng việc chống lại mọi phản bội  "gian dối và thù ghét". Ngài yêu cầu đừng lợi dụng tên  Thánh Nữ, để lừa dối và gây thù ghét  trong dân Pháp.

Không những Ðức Cha Gilson, nhưng tất cả các Giám mục Pháp đều phẫn nộ trước thái độ lợi dụng tôn giáo cho đường lối chính trị của mình. Ðức Cha Hyppolite Simon, Giám mục giáo phận Clermont-Ferrand, tố cáo vị lãnh tụ Mặt trận quốc gia khai thác Thánh Nữ  một cách bè phái và vô đạo kiểu mới.

Việc lợi dụng và khai thác chỉ được tố cáo và báo động trong lúc này. Thực ra,  ông Le Pen tự phụ đã có mối quan hệ với Thánh Nữ Anh hùng thành Orleans từ năm 1988. Tứ lúc đó, ngày mùng một tháng 5/2002, ông Le Pen và các người theo ông diễn hành trước tượng của Thánh Nữ, tôn kính như Thánh Quan Thầy riêng của Phong trào mình. Vì thế, Ðức Cha Gilson - như chúng tôi vừa nhắc trên đây - tuyên bố: "Thánh Nữ là của mọi người. Nhưng nhờ việc lợi dung khéo léo, phe cực hữu đang khai triển một hình thức  "tôn phong thánh nữ làm thần tượng" , một quan niệm của việc ngoại giáo hóa mới mối quan hệ giữa Nhà Nước và Tôn giáo". Ngày mùng một tháng 5 năm 2002, ông và các người biểu tình ủng hộ ông đã tụ họp trước tượng đồng của Thánh Nữ tại "Place des Pyramides" ở Paris, để kính nhớ "Vị Thánh của mình".

Hai ngày trước lễ Lao động 1/05/2002, Ðức Cha Jean-Pierre Richard, TGM Bordeaux, kêu gọi các cử tri Pháp, để họ "phân biệt các giá trị nền tảng của nền Dân chủ", nhưng không nhắc tên ông Le Pen. Sứ điệp của Ðức TGM rất rõ ràng: "Cần phải kêu gọi trí  khôn hiểu biết hơn là  tính tự phát,  và sự xúc động chóng qua; cần kêu gọi sự phân biệt hơn là tính bộc phát, kêu gọi sự bình tĩnh hơn là sợ hãi". ÐHY Jean-Marie Lustiger, TGM Paris, còn cương quyết hơn nữa. Ngài tuyên bố: "Giáo hội và các tín hữu Kitô không thể chấp nhận điều này là những biểu hiệu và thánh tín tôn giáo bị đem ra phục vụ cho cuộc tuyên truyền tuyển cử" . Lời Ðức Hồng Y ám chỉ đến việc Ông Le Pen lợi dụng những lời của ÐTC để tăng giá trị cho những tuyên truyền của ông và thuyết phục người dân. Ðức Cha Olivier de Béranger, Giám mục Saint-Denis, cũng rất rõ ràng. Ngài nói: "Người Công giáo không thể bỏ phiếu cho ông Le Pen được, vì ông là người thừa hưởng một truyền thống của chế độ độc quyền  và chống Kitô giáo".

Tại Arles, thuộc miền Nam nước Pháp,  các cha sở thỏa thuận với nhau, trong những ngày này cho đến thứ bẩy 4/05/2002, trước ngày bầu cử đợt hai, lúc 19 giờ, sẽ cho kéo chuông các nhà thờ, báo cho mọi người biết: "Tư tưởng của Mặt trận quốc gia không phù hợp với Phúc Âm của chúng ta".


Back to Home Page