Sự hiện diện của Tòa Thánh

trong các Tổ chức quốc tế

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bàn về "sự hiện diện của Tòa Thánh trong các Tổ chức quốc tế".

Thứ hai 22/04/2002, tại Milano, trong chương trình của một loạt các bài diễn thuyết về "Công việc quản trị Giáo hội hoàn cầu", do Phân Khoa "Luật" của Ðại Học công giáo Milano cổ võ,  Ðức TGM Jean Louis Tauran,  phụ trách các mối quan hệ ngoại giao với các nước có đại diện bên cạnh Tòa Thánh --(tương đương với chức vụ Bộ trưởng ngoại giao của các Chính phủ)-- --, trình bày đề tài: "Sự hiện diện của Tòa Thánh trong các Tổ chức quốc tế".

Ðức TGM cho biết: Khi Ðức Karol Wojtyla lên làm Giáo Hoàng, Tòa Thánh có liên hệ ngoại giao với 84 quốc gia. Ngày nay con số này lên tới 172 (gấp hai lần), và hiện có hai quốc gia nữa sắp ký kết thỏa ước,  thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Ðức TGM nhấn mạnh: Chỉ cần nhìn vào con số trên đây cũng đủ biết chiều rộng và chiều sâu của hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh như thế nào, trên bình diện giữa hai quốc gia, cũng như trên bình nhiều quốc gia và trong các tổ chức quốc tế,  mà Tòa Thánh là thành viên,  hoặc, như trường hợp LHQ, là quan sát viên thường trực. Ðức TGM nhấn mạnh rằng: Tòa Thánh, chiếc cầu nối giữa các dân tộc,   hành động "trong tư cách là một Quyền Bính tinh thần, không phải quyền bính chính trị", nhằm mục đích cổ võ một nền luân lý đạo đức, trong mối quan hệ giữa các quốc gia,  trong các tổ chức quốc tế. Ðức TGM trưng lại lời ÐTC Gioan Phaolô II đã nói về đường lối ngoại giao Tòa Thánh như sau: "Lý do hiện hữu của Tòa Thánh trong lòng Cộng đồng các quốc gia, là trở nên tiếng nói, mà lương tâm nhân loại chờ đợi, nhưng không làm giảm bớt,  do đó,  sự góp phần của các truyền thống tôn giáo khác".

Sau buổi diễn thuyết, trong bài phỏng vấn dành cho nhật báo công giáo Ý "Tương Lai" (số phát hành ngày 23/04/2002), Ðức TGM đã trả lời nhiều câu hỏi liên hệ đến những vần đề sôi bỏng hiện nay trên thế giới: Vấn đề Trung Ðông, vấn đề Trung quốc, vấn đề các nước thuộc Liên hiệp Châu Âu đang đi đến Hiến pháp chung, vấn đề Thế giới thứ ba, mỗi ngày mỗi nghèo khổ hơn, bị loại ngoài lề và trong thất vọng -- vấn đề Liên Bang Nga  thời hậu Cộng sản,  và vụ trục xuất hai vị giáo sĩ khỏi Nga  v.v...

Sau đây là những câu hỏi được đặt ra và đã được Ðức TGM, phụ trách ngoại giao Tòa Thánh,  giải thích rõ ràng.

Hỏi - Kính thưa Ðức TGM, về việc trục xuất hai vị Giáo sĩ : Linh mục  Stefano Caprio và Ðức Cha Jerzy Mazur khỏi Nga,  trong những ngày vừa qua, Tòa Thánh đã có những sáng kiến cụ thể nào?

Ðáp - Chúng tôi đã gửi sứ điệp phản đối, yêu cầu Nhà Cầm quyền Nga lưu ý, vì đối với Nhà Cầm quyền Nga, Ðức Cha Mazur và Linh Mục  Caprio là "những nhân vật không được chấp nhận". Ðây là một vi phạm các thỏa ước quốc tế về tự do tôn giáo mà chính nước Nga cũng đã ký kết và cam đoan.

Hỏi - Vậy có phải hai vụ trục xuất là do lệnh của Nhà Nước Nga không?  Nhưng,  có lẽ cũng có thể xếp  hai vụ này vào trong khung cảnh của mối quan hệ đang căng thẳng giữa Giáo hội chính thống Nga và Giáo hội công giáo. Và nếu đúng như vậy, thì phải làm gì?

Ðáp - Việc phản đối của chúng tôi không làm giảm bớt mức độ và phẩm chất sự thông cảm của chúng tôi. Chúng tôi biết rõ ràng rằng: Giáo hội chính thống đã chịu khổ trong nhiều năm của chế độ Cộng Sản Sô viết. Cô lập, đàn áp, tử đạo... Ðây là những đau khổ, cách riêng, đã đánh dấu sâu xa Giáo Hội Chính thống Nga. Vì thế tôi tuyên bố: Tòa Thánh không có sự phiền hà nào đối với Giáo hội chính thống. Trái lại, chúng tôi vui mừng có thể giúp đỡ Giáo hội này phát triển.

Hỏi - Một mặt trận khác rất sôi bỏng: Thánh địa. Lập trường Tòa Thánh như thế nào, thưa Ðức Cha?

Ðáp - Tôi xin nhắc lại: Có hai khối với những quyền  lợi ngang nhau. Người dân Do thái có quyền sinh sống trong an ninh; người dân Palestine có quyền có một phần đất và một Quốc gia. Không quyền nào được lấn át quyền nào cả.  Ðiều tuyệt đối cần thiết là sức mạnh của luật pháp phải trổi vượt luật của sức mạnh. Tôi xin nhắc lại điều này với xác tín mạnh mẽ trong những ngày này tại những nơi  việc khinh miệt sự sống và sức mạnh của vũ khí đang đưa cả một miền - có thể lan rộng  hơn nữa - đến vực sâu.

Hỏi - Thưa Ðức Cha, Làm cách nào để nối chắp lại hòa bình và công lý tại Thánh địa?

Ðáp - Việc rút quân khỏi các lãnh thổ chiếm đóng, tôn trọng các quyết nghị của Liên hiệp quốc, liên hệ với  cộng đồng quốc tế và  công nhận một qui chế pháp lý quốc tế đối với các nơi thánh.

Hỏi - Một  vấn đề đang  gây sôi nổi và là đề tài cấp bách, sau vụ hai trăm người Palestine tìm nơi trú ẩn trong Ðền thờ Giáng sinh ở Betlem ..., Ðức Cha nghĩ thế nào?

Ðáp - Việc xâm nhập của những người mang vũ khí này  là vi  phạm một nơi thánh. Nhưng chúng ta không giải quyết vấn đề bằng vũ lực. Tòa Thánh đã đề nghị lập một Ủy ban hai bên Palestine-Israel, để giải quyết vấn đề. Hơn nữa, xét chung, chúng ta có thể nhận thấy rằng - và lịch sử cũng dạy chúng ta - là những  bảo đảm sẽ giảm bớt, nếu việc bảo vệ các nơi thánh chỉ được trao cho nhà cầm quyền của một quốc gia mà thôi. Vì thế, chúng tôi  lại yêu cầu một lần nữa cộng đồng quốc tế bảo đảm các nơi  thánh, rất quí giá đối với người Do thái, Hồi giáo và Kitô. Quí giá đối với các tín hữu trên cả thế giới.

Hỏi - Trong bài diễn thuyết, Ðức Cha đã giải thích việc bảo vệ sự sống và gia đình là một trong các lãnh vực mới của hoạt động quốc tế của Tòa Thánh như thế nào rồi. Vậy làm thế nào để ghi dấn thân này vào việc xây dựng Liên hiệp Châu Âu, nơi có những quốc gia - như Hòa lan chẳng hạn - đã hợp thức hóa việc làm chết êm dịu?

Ðáp - Chúng tôi khuyến khích các Hội đồng Giám mục Châu Âu, để các ngài giúp các dân tộc ý thức về các thách đố và các người trách nhiệm chính trị chấp nhận những quyết định hợp lý, trong viễn tượng của một dự án về một xã hội biết tôn trọng phẩm giá  và tự do  con người, và tôn trọng nền luân lý tự nhiên.

Ðó là vài điểm nội dung bài phỏng vấn Ðức TGM Jean Louis Tauran. Trở lại biến cố thuyết trình của Ðức TGM Tauran: sau bài diễn thuyết, có buổi hội thảo. Trong lúc hội thảo này, Ðức TGM cho biết thêm: Các Giáo hội địa phương và các Tòa Sứ Thần Tòa Thánh sẽ canh phòng,  sao cho những món nợ tha cho các nước nghèo,  được xử dụng vào công ích của người dân. Một vấn đề khác cũng được nhắc đến trong buổi hội thảo: Vấn đề Trung quốc. Ðức Cha Tauran tiết lộ: "Ðây là một trong các vấn đề gây nhiều lo lắng cho ÐTC: làm cách nào để hiệp nhất Giáo hội hầm trú  với Giáo hội ái quốc? Cái khó hơn cả của chúng tôi -- theo lời Ðức Tauran --- là làm cho Nhà Cầm quyền Trung quốc hiểu rằng: bản chất của mối quan hệ giữa các Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn cầu, giữa các Giám mục tại địa phuơng và ÐTC  ở Roma: một vấn đề trước hết  tuỳ thuộc vào vấn đề văn hóa. Vấn đề này đòi những người đối thoại ở cấp cao. Và  đôi khi thật khó mà có được những yếu tố  thuận lợi hổ trợ cho cuộc đối thọai.


Back to Home Page