Những lời khuyến khích của ÐTC
cho các Giám mục Nigeria
đến Roma viếng Toà Thánh
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Những lời
khuyến khích của ÐTC cho các
Giám mục Nigeria đến Roma viếng
Toà Thánh.
Thứ bẩy 20/04/2002,
ÐTC tiếp chung các Giám mục Nigeria đến Roma viếng mộ hai Thánh
Tông đồ Phêrô-Phaolô và tường trình về tình cũa mỗi giáo
phận lên Tòa Thánh. Nigeria là một trong quốc gia rộng lớn
nhất tại Châu phi và cũng là một trong các quốc gia có con
số người Kitô đông hơn cả: chiếm khoảng 38%, trong đó có
khoảng 12% là công giáo. Hồi giáo khoảng 45%; phần còn lại
theo các tôn giáo truyền thống địa phương.
Người công
giáo Nigeria trong những năm vừa qua gặp nhiều khó khăn với
Hồi giáo cực đoan, cách riêng tại các Tiểu Bang miền trung
và miền bắc, bởi vì Nhà cầm quyền địa phương (các viên
thống đốc) bị áp lực của Hồi giáo (chiếm đa số trong miền
này), muốn áp đặt luật lệ Hồi giáo cho các tín hữu thuộc
các tôn giáo khác. Do đó đã xẩy ra những vụ bạo lực.
Trong diễn văn
đọc cho các Giám mục Nigeria, ÐTC nhấn mạnh đến "sự cần
thiết của việc đối thoại với các người theo các tôn giáo
truyền thống Châu phi và Hồi giáo". Ngài nói: "Tôi vui mừng
biết rằng, dù có những khó khăn, mối quan hệ tốt của quý
Ðức Cha đang đem lại những bước tiến trong nhiều môi trường
khác nhau của việc đối thoại liên tôn và đại kết. Thực
ra gia tài văn hóa của nhiều chủng tộc khác nhau sống trên
đất Nigeria phải được coi như một nguồn phong phú cho Quốc
gia, không phải như lý do tranh chấp và chia rẽ. Tôi nhận thấy
rằng, để chuẩn bị cuộc tổng tuyển cử năm tới đây, quý
Ðức Cha đang tìm cách đẩy mạnh sự cộng tác đại kết và
liên tôn, để giúp các người chính trị, các vị lãnh đạo
các tôn giáo truyền thống và các vị lãnh đạo tôn giáo cùng
chung nhau làm việc, để bảo đảm một tiến trình bầu cử tự
do, đứng đắn và trong an bình".
Ðể đối phó
với sự lo lắng về các nhóm Hồi giáo quá khích hiện
nay tại các Tiểu Bang thuộc Liên Bang Nigeria, muốn áp đặt
luật Hồi giáo cho mọi người dân và từ chối tự do tôn
giáo, ÐTC căn dặn các Vị chủ chăn Nigeria như sau: "Tôi khuyến
khích và ủng hộ mạnh mẽ mọi cố gắng của quý Ðức Cha, để
lên tiếng cách can đảm và mạnh mẽ trước hiện tượng này.
Quý Ðức Cha phải nhắc lại cho các vị lãnh
đạo Chính phủ, địa phương cũng như Liên Bang, và cho mọi
nguời thiện chí thuộc mọi tôn giáo, bổn phận bắt buộc mọi
Chính phủ phải bảo đảm công khai rằng: sự bình đẳng của
mọi công dân trong nước trước pháp luật, không bao giờ được vi phạm
cách công khai hay lén lút, vì lý do tín ngưỡng. Chính
phủ có bổn phận bảo đảm rằng: quyền tự do tôn giáo, tự
do lương tâm phải được pháp luật công nhận và thực sự
phải được tôn trọng đối với mọi công dân và đối với
cả những người ngoại quốc hiện cư ngụ trong Nước" (x. Sứ
điệp Ngày thế giới hòa bình năm 1998, số 1).
Vấn đề quan
trọng khác được ÐTC đề cao trong diễn văn là việc huấn
luyện càng ngày càng hoàn thiện thêm và liên tục cho các
linh mục, những người công tác trực tiếp của các Giám mục.
Trong các diễn văn đọc cho các đoàn Giám mục khác nhau,
đến Roma viếng Toà
Thánh, ÐTC đều nhấn mạnh đến điểm này. Chắc chắn ngài
coi đây là vấn đề nòng cốt , để công việc mục vụ và
rao giảng Tin Mừng trong mỗi giáo phận được phát triền và
tiến mạnh. Nhiều Giám mục không quan tâm đủ đối với việc
huấn luyện chu đáo các linh mục và
đồng hành với các linh mục
trong khi thi hành thừa tác vụ tại các giáo xứ . ÐTC
nhắc đi nhắc lại vấn đề nầy, để các giám mục ý thức
rõ ràng về trách nhiệm nặng nề và rất quan trọng của
mình đối với các linh mục.
Cách riêng
với các Giám mục Nigeria, ÐTC nói: "Mối liên quan của
các Ðức Cha với các linh mục phải luôn luôn được ghi dấu
bằng sự hiệp nhất, tình huynh đệ và sự tôn trọng. Tất cả
những ai đã lãnh nhận Bí tích Chức Thánh đều được đồng
hình ảnh với Chúa Kitô, là Ðầu và Chủ chăn Giáo hội. Vì
thế các vị phải bắt chước việc hiến thân hoàn toàn của
Người để mưu ích cho đàn chiên và cho sự phát triển của
Nước Chúa. Dấn thân thực
hiện việc trở lại liên lỉ nơi mỗi người, là một yếu tố
nền tảng của đời sống và thừa tác vụ linh mục. Chúng ta
phải luôn luôn làm sống lại ơn của chúng ta, ơn của việc
được đồng hình dạng với
Chúa Kitô, qua Bí tích phong chức".
ÐTC nói tiếp:
"Chức linh mục không bao giờ được coi như phương thế để
làm cho đời sống được dễ dãi, sung túc hơn, hoặc để
chiếm uy tín. Linh mục và ứng sinh lên chúc linh mục thường
sống mức độ cao hơn, về vật chất cũng như về giáo dục, (cao
hơn) các gia đình của chính các vị và những người cùng lứa
tuổi; vì thế rất dễ theo
chước cám dỗ coi mình trổi hơn người khác. Khi nào xẩy ra
như vậy, thì lý tưởng phục vụ của linh mục và của việc
hiến thân hoàn toàn có thể bị lu mờ, vừa làm cho linh mục
trở nên dễ bất mãn và nản chí".
ÐTC căn dặn
thêm: "Vì lý do này, đời sốâng của các Ðức Cha và của
linh mục phải chiếu dọi đức khó nghèo Phúc âm đích thực
và tách rời khỏi các sự
vật và khỏi những thái độ của thế gian; Hơn nữa
giá trị của luật độc thân, như việc hiến thân hoàn
toàn cho Chúa và cho Giáo hội phải được tuân giữ cách
chu đáo. Một thái độ gây nên gương mù, phải chú ý xa tránh
hết sức, --- và các Ðức Cha phải đích thân cứu xét các
vụ tố cáo về một thái độ như vậy,
vừa đưa ra những biện pháp cương quyết, để sửa chữa
tại chỗ đã xẩy ra gương mù".
ÐTC nhấn mạnh
điểm này, bởi vì hiện nay tại nhiều nơi, nhất là tại mấy
giáo phận Hoa kỳ, có những vụ tố cáo về gương mù của một
số linh mục và đòi Tòa Giám mục bồi thường. Vì thế,
trong những ngày, ÐTC triệu tập các vị Hồng Y Hoa kỳ về Roma,
để cùng với ngài và các vị cộng tác của ngài tìm giải
pháp tái lập bình an và tín nhiệm nơi cộng đồng giáo dân,
bị xúc phạm do những gương mù đã xẩy ra.
Liên hệ đến
việc huấn luyện Linh mục, ÐTC đề cao việc huấn luyện tại chủng
viện. Ngài nói: Việc huấn
luyện tại các chủng viện rất quan trọng, bởi vì những xác
tín và việc huấn luyện thực hành cho các linh mục tương lai,
là nền tảng cho những thành công của sứ vụ của Giáo
hội. Vì thế, là những người cha đích thực của các linh mục,
việc canh tân và tăng trưởng thiêng liêng các linh mục,
phải là một trong các ưu tiên của các Ðức Cha (x.
Optatam totius, số 22).
Một điểm mới
lạ, và là lần thứ nhất ÐTC nhắc lại cho các Giám
mục (thuộc xứ truyền giáo) , là việc gọi các linh mục và
tu sĩ nam nữ, do các giám
mục gửi đi học ngoại quốc,
trở về nước, sau khi đã
học xong. ÐTC nói rõ: "Ðiều đáng khuyến khích là các
Ðức Cha ấn định thời gian hợïp lý, trong thời gian đó phải
học xong và trở về Giáo phận. Ðiều này cũng có giá trị
cho các Tu sĩ nam nữ sống và học tại ngoại quốc: bất cứ lời
khuyến khích và sự ủng hộ nào mà các Ðức Cha có thể đem
đến cho các Bề trên của các Cộng đồng tu sĩ, đều là quan
trọng cả".
ÐTC giải thích:
"Thực ra, sự lo lắng và săn sóc mục vụ của các Ðức
Cha gồm cả các Tu sĩ nam, nữ, thuộc giáo phận của các Ðức
Cha... Qua lời lời khấn Phúc Âm về Khó nghèo, Khiết tịnh,
Vâng lời, họ minh chứng Nước Trời và xây dựng Nhiệm
Thể Chúa Kitô, bằng việc hướng dẫn người khác trở về
với Chúa và với đời sống thánh thiện... Trong khi các
Ðức Cha tôn trọng và bênh vực tính cách tự trị hợp lý
và việc quản trị nội bộ của các Cộng đồng tu sĩ trong địa
hạt của các Ðức Cha, vai trò của các Ðức Cha là luôn luôn
giữ những tiếp xúc chặt chẽ với các Tu sĩ nam nữ này, vừa
đem đến cho họ mọi sự ủng hộ có thể , để họ trung thành
với "đặc sủng" của Tu hội, trong lúc họ cộng tác với
các Ðức Cha, Chủ chăn của Giáo hội, bằng công việc tông
đồ của họ" (x. Mutuae relationes, số 8). Các Ðức Cha hãy tỏ
ra sự đánh giá cao và lòng biết ơn đối với các Tu sĩ nam,
nữ trong Giáo phận của các Ðức Cha về tất cả những sự
tốt lành họ làm: bằng cầu nguyện và bằng các hoạt
động trong các lãnh vực khác nhau của đời sống mục
vụ địa phương".
ÐTC không quên
căn dặn các Vị Chủ chăn Nigeria
lo lắng đến việc củng
cố gia đình, hiện bị đe dọa nơi
tận nền tảng của hiệp nhất và của tính cách bền bỉ hôn
nhân, gây nên bởi chế độ
đa thê, li dị, phá thai, mãi dâm, ngừa thai, và bởi những
hành động dục tính vô trách nhiệm, nguyên nhân làm gia tăng
chứng bệnh AIDS. ÐTC nói: "Các Ðức Cha hãy hoạt động để
giúp đỡ các gia đình sống đời sống Kitô cách trung thành
và quảng đại, như những "giáo hội tại gia đích thực"
(Lumen gentium, số 11). ÐTC khuyến khích các Giám mục nâng đỡ
giới phụ nữ Phi châu và cổ võ việc tôn trọng phẩm giá
và các quyền của họ. Thực sự người phụ nữ Châu phi còn
bị khinh miệt nhiều, bị áp bức và khai thác...
Ðối với anh
chị em giáo dân, ÐTC nhấn mạnh đến việc giảng dạy giáo lý
và học hỏi Thánh Kinh, để giúp họ sống sâu xa đức tin và
hiểu biết giáo lý Kitô, và như vậy họ có thể chiếm chổ
phù hợp với ơn gọi của
họ trong Giáo hội và trong xã hội. ÐTC ca ngợi việc nhiều
anh chị em giáo dân Nigeria đã tham gia tích cực vào đời sống
quốc gia, kể cả việc lãnh nhận trách nhiệm chính trị nữa.
Các Giám mục có bổn phận chỉ đường,
để "dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, họ
trở nên men, và góp công vào việc thánh hóa thế gian",
(x. Lumen gentium , số 31).
Sau cùng ÐTC
nhắc lại những điều các Vị chủ chăn tường trình trong dịp
viếng Toà Thánh lần này: cảnh nghèo khổ, cả cảnh cùng
cực nữa và việc lan tràn sự lãnh đạm đạo đức luân
lý, căn cớ gây nên nhiều tội ác, nạn tham nhũng, và coi
thường tính cách thánh thiêng của sự sống... Ðứng trước
những tai họa này, ÐTC nhấn mạnh đến việc phác họa những
chương trình nghiêm chỉnh về huấn luyện,
dành anh chị em giáo dân, theo giáo lý Kitô đã được
trình bày trong Cuốn sách Giáo lý của Giáo hội công giáo,
và theo Hiến chế Tín
Lý về "Lời Chúa" của
Công đồng Vatican II, để có thể tạo nên những người giáo
dân vững chắc trong đức tin, và được chuẩn bị chu đáo,
có khả năng đáp lại những đòi hỏi trong mọi hoàn cảnh
của đời sống và của hoạt động
của họ.
ÐTC kết thúc bằng nhắc lại chuyến viếng thăm của ngài cách đây bốn năm, tại Niegeria, để tôn phong Ðầy tớ Chúa, Cha Cyprian Michael Iwene Tansi, lên bậc Chân phước, và bằng việc cầu chúc các Vị chủ chăn Giáo hội Nigeria, sau cuộc hành hương bên mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô-Phaolô, trở lại quê hương với nghị lực mới, để tiếp tục việc rao giảng Tin Mừng. ÐTC phú thác các Vị chủ chăn, các linh mục, Tu sĩ nam, nữ và anh chị em giáo dân Nigeria cho sự che chở của Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo hội và là Mẹ của Chân phước Tansi.