Bài phỏng vấn ÐHY Roger Etchegaray
và Ðại đức Dalai Lama
về cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho Hòa Bình Thế Giới
tại Assisi ngày 24/02/2002
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Bài phỏng vấn
ÐHY Roger Etchegaray và Ðại đức Dalai Lama nói về cuộc gặp gỡ
cầu nguyện cho Hòa Bình tại Assisi ngày 24/02/2002: Hướng về
Assisi để cùng cầu nguyện cho hòa bình thế giới.
Ngày 24 tháng
Giêng năm 2002, ÐTC sẽ lên đường đi Assisi để cùng với đại
diện các Giáo hội và các Tôn giáo lớn trên thế giới cầu
nguyện cho Hòa bình. Nhiều báo chí đã bắt đầu viết về biến
cố quan trọng này. Trong bài nói chuyện hôm nay, chúng tôi xin
tường thuật bài phỏng vấn ÐHY Roger Etchegaray và Ðại đức
Dalai Lama nói về cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho Hòa Bình Thế
Giới tại Assisi, do ÐTC Gioan Phaolô II chủ tọa với sự tham dự
của đại diện các Giáo hội và tôn giáo.
ÐHY Roger
Etchegaray, người Pháp, trước đây đã giữ chức vụ Chủ tịch
Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình và cũng là
một trong các Vị chủ chốt của ngày cầu nguyện 26 tháng 10 năm
1986 tại Assisi. Sau khi từ chức Chủ tịch vì hạn tuổi hồi hưu,
ÐTC đã bổ nhiệm ngài làm chủ tịch Ủy Ban trung ương Năm Thánh
2000. Ngài cũng là một trong các Vị Hồng Y được ÐTC trao cho
nhiều trách nhiệm khó khăn. Ngài đã viếng thăm Liên xô
trong dịp mừng một Ngàn năm
Phép Rửa tội của dân tộc này. Trong dịp này ngài đã
được Chủ tịch Mikhail Gorbaciov tiếp tại Ðiện Cảm Linh cùng với
ÐHY Agostino Casaroli, lúc đó là Quốc Vụ Khanh, trưởng Phái đoàn
Tòa Thánh. Ngài đã viếng thăm Trung quốc ba lần, rồi viếng
thăm Mozambic để giàn xếp cuộc nội chiến tại đây. Ngài đã
viếng thăm Việt nam và được tiếp đón nồng hạu với nhiều
thiện cảm.
Ðối vối ÐHY
Etchegaray, phải nhìn thế giới bằng con mắt của Thiên Chúa ,
phải có cái nhìn của việc tạo dựng, nghĩa là về vũ trụ
trong đó tất cả mọi người được Thiên Chúa dựng nên đều
bình đẳng. Ðây chính là tinh thần đúng nghĩa, để cuộc gặp
gỡ tại Assisi trở nên một bước tiến trên con đường khó
khăn của việc đối thoại giữa các cộng đồng và các tôn
giáo trên thế giới này.
Sau đây là
nguyên văn bài phỏng vấn ÐHY dành cho Nguyệt san Jesus, số
phát hành cho tháng Giêng năm 2002.
Hỏi - Kính
thưa ÐHY, tại sao lại có cuộc gặp gỡ thứ ba tại Thành phố
của Thánh Phanxicô ?
Ðáp - Bởi
vì ÐTC đã muốn nhắc lại cho mọi người biết sự quan trọng
của cầu nguyện và nhất là của việc gặp gỡ nhau. Ðây cũng
chính là tinh thần đã linh động cuộc gặp gỡ thứ nhất tại
Assisi, một cuộc gặp gỡ lúc đó (26 tháng 10 năm 1986) được
coi là rất căng thẳng, bởi vì thế giới còn chia thành hai
khối (Khối Tư bản và Cộng sản). Ðức Gioan Phaolô II đã
được thúc đẩy - nếu chúng ta có thể nói được như vậy
- đi đến cuôīc gặp gỡ
lần thứ hai (tháng 3 năm 1993) do các biến cố trầm trọng lúc
đó xẩy ra tại miền Balcan.
Hỏi - Từ
biến cố Assisi thứ hai (03/1993) đến Assisi thứ ba (01/2002), Giáo
hội công giáo đã có thể làm được cái gì hơn và khả
quan hơn không?
Ðáp -
Chúng tôi đã làm được nhiều sự. Việc Tòa Thánh nhấn
mạnh đến miền Balcan không
phải vì Ðức Gioan Phaolô II là người gốc Slavô và, vì thế,
ngài gần gũi với các dân tộc miền này. Sự chú ý của
chúng tôi về miền này, bởi vì đây là một thế giới nhỏ
trong đó các nền văn hóa, các tôn giáo và các nền văn
minh gặp nhau và va chạm nhau. Miền Balcan lúc đó là hình ảnh
của một thế giới như ta thấy ngày nay trong tính cách tổng
quát của nó: một thế giới rạn nứt, một thế giới tan vỡ,
như triết gia Gabriel Marcel đã nói. ÐTC đặt một cái nhìn của
đoàn kết, của hiệp nhất cho cái tan vỡ này. Sự đoàn kết,
hiệp nhất đây không có nghĩa là đồng nhất, nhưng là sự
chung sống hòa hợp của mọi dân tộc và mọi nền văn hóa
và mọi tôn giáo. Các tín
hữu Kitô phải đi tiên phong trên con đường này và ý thức
rằng cuộc chung sống hòa bình là một sự cần thiết, nhưng
không phải vậy thôi. Khi chúng ta nói đến sự cần thiết,
chúng ta nghĩ ngay đến một cái gì có tính cách cưỡng ép:
chúng ta khoan dung nhau trong các sự khác biệt, nhưng chúng ta
không chấp nhận hoàn toàn. Ðây chính là cái các tín hữu
Kitô phải làm hơn và làm cách tốt hơn nữa, tức là lãnh
nhận cái nhìn này - cái nhìn mà ÐTC đã có - về một thế
giới trong đó Thiên Chúa đã tạo dựng mọi người bình đẳng
và mọi người được yêu thương như nhau.
Hỏi -
Assisi sẽ là một cuộc gặp gỡ có tính cách "tiên tri hơn"
(nhìn về tương lai) hay có tính cách
"chính trị hơn"?
Ðáp - Dĩ
nhiên chính trị lan tràn khắp nơi. Nhưng tôi nghĩ rằng khía cạnh
tiên tri (nhìn về tương lai) trổi vượt hơn, bởi vì đây là
khía cạnh duy nhất, thực sự có thể phá đổ mọi biên giới
chính trị và đảng phái và liên kết mọi người với nhau
không phân biệt , không loại trừ ai.
Hỏi - Những
vụ tranh luận về "chiến tranh đúng"
không làm suy yếu cái
nhìn này của ÐTC sao?
Ðáp - Ðây
là những vụ tranh luận không thể tránh khỏi được. Ðúng
như vậy. Ðiều quan trọng là không làm suy yếu cái nhìn tổng
quát, thiết yếu và tiên tri kia. Nhưng tôi tin rằng không sẽ
không xẩy ra như vậy.
Hỏi - Nói
cách cụ thể, cuộc gặp gỡ này sẽ đem lại cái gì?
Ðáp -
Chúng tôi không tin rằng: tức khắc sẽ có một sự thay đổi:
trên thế giới này, cần tiến bước từ từ và thỉnh thoảng
ngừng lại. Ðiều quan trọng là không để mất đi mục tiêu
và biết rằng: Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta tiến trên con
đường công lý. Chắc chắn cuộc gặp gỡ sẽ là một buổi
thiêng liêng mạnh mẽ; nhưng chúng ta không đến Thành phố của
Thánh Phanxicô để mơ màng trên mây, để nhìn ngắm thế giới
cách trừu tượng và ngoài thời gian. Việc tụ họp nhau sẽ
cho chúng ta có một cái nhìn thực tế hơn về cái mà thế giới
đã trỡ nên và nhìn ngắm nó với đôi mắt Thiên Chúa. Tôi
dám nói rằng: nếu chúng ta không đặt mình vào trong bàn tay
của Thiên Chúa, hầu như đặt vào chỗ của Người, để nhìn
vào thế giới này xem nó đi đến đâu, đi về đâu, chắc
chắn sẽ không có công lý và hạnh phúc.
Ðó là nội
dung bài phỏng vấn ÐHY Roger Etchegaray.
Nguyệt san Jesus
cũng số phát hành tháng Giêng năm 2002 còn đăng bài phỏng
vấn vắn của Ðại đức Dalai Lama, vị lãnh tụ Phật Giáo Tây
Tạng (Tibet), hiện tị nạn chính trị tại Ấn độ. Dalai Lama có
nghĩa là "đại dương của sự khôn ngoan".
Ðúng tên của Ngài là
Tenzin Ghiatso, năm nay 66 tuổi. Năm 1989 được lãnh giải thưởng
Nobel về Hòa bình, vì có công tranh đấu không bạo động để
giải phóng Tibet khỏi chế độ thống trị cộng sản Trung quốc.
Ðại đức đã tham dự cuộc gặp gỡ Assisi lần thứ nhất năm 1986 và đã được Ðức Gioan Phaolô II tiếp kiến nhiều lần tại Vatican. Lần này vì mắc bận công việc quan trọng, Ngài không thể đích thân tham dự, nhưng sẽ cử vị đại diện cấp cao của mình đến Assisi.
Sau đây là bài
phỏng vấn ngắn của Ðại đức Dalai Lama, vị lãnh tụ Phật
Giáo Tây Tạng (Tibet) dành cho Nguyệt san Jesus.
Hỏi - Thưa
Ðức Ðạtlai lama, Ngài nghĩ gì về cuộc gặp gỡ liên tôn cầu
nguyện cho hòa bình sẽ diễn ra trong tháng này tại Assisi?
Ðáp - Tôi
rất hài lòng về cuộc gặp gỡ này. Tôi đã tham dự cuộc
gặp gỡ thứ nhất tại Assisi (26/10/1986) và tôi rất hài lòng
nói với ÐTC ước muốn của tôi được lặp lại cơ hội cầu
nguyện như vậy. Tôi đã nói với ÐTC (Ðại đức dùng danh xưng
này như người công giáo vậy) rằng: đây là chặng thứ nhất
của tiến trình dài hơn. Tiếc thay, tôi sẽ không có mặt lần
này, bởi vì tôi đã có những công việc khác, nhưng tôi
sẽ cử một vị đại diện rất xứng đáng của tôi đến
Assisi.
Hỏi - Vậy
chiến tranh chống khủng bố có phải là một chiến tranh sai lầm
không?
Ðáp -
Chiến tranh không phải là thể thức hiệu nghiệm hơn cả để
chặn đứng các người khủng bố, cho dù nạn khủng bố ngày
nay đi đến mức độ cực kỳ khủng khiếp. Nói tóm lại, tôi
nghĩ rằng: việc tiếp tục dùng nhãn hiệu "các người khủng
bố Hồi giáo" là một sai lầm. Như vậy khủng bố được
định nghĩa trong khía cạnh văn hóa và tôn giáo. Trái lại các
người khủng bố có thể là tín hữu cũa bất cứ tôn giáo
nào hay không tin theo tôn giáo nào cả. Ðây không phải là
chiến tranh về tôn giáo hay một vụ đụng độ về các nền văn
minh khác nhau.
Hỏi - Nhưng
các tôn giáo lớn có thể biến thành quá khích, cuồng tín.
Làm cách nào để ngăn chặn nguy hiểm này?
Ðáp - Có hai cách. Thứ nhất: các tín hữu của các tôn giáo lớn, xét đúng ra, tất cả các tôn giáo rao giảng hòa bình, tình yêu và sự cãm thương, phải sống đức tin của mình cách thành thực và nghiêm chỉnh. Thứ hai: các tín hữu phải cởi mở đối với các tôn giáo khác, đi lại trao đổi với các tín hữu khác và tìm hiểu biết nhiều hơn các tôn giáo khác.