Tương lai Giáo hội Hoa kỳ

ở nơi các người di dân và tị nạn

đến từ Châu Á và Thái bình dương

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tương lai Giáo hội Hoa kỳ ở nơi các người di dân và tị nạn đến từ Châu Á và Thái bình dương.

Cách đây gần trăm năm, số người công giáo và người di dân từ Ái nhĩ lan hoặc người Ý đến Hoa kỳ lập nghiệp bằng nhau. Lúc đó là thời Ellis Island, cửa vào trong quốc gia đầy hứa hẹn đối với từng triệu người di dân đến từ Châu Âu. Cũng là thời của Mẹ Cabrini và của Ðức Giám mục Scalabrini, cả hai là người Ý, sáng lập Tu hội  chuyên lo mục vụ cho các người di dân, cách riêng nguời dân Ý, hầu hết là công giáo. Thời đó, các vị chủ chăn Giáo hội Hoa kỳ lo ngại nhiều, bởi vì đa số các người di dân, trừ người Ý, thuộc Giáo hội Tin Lành. Những người  di dân gốc Tây ban nha và nói tiếng Tây ban nha  lúc đó thuộc thiểu số, nhưng lại là một thiểu số hoạt động và sùng đạo hơn cả, sống rải rắc tại các Tiểu Bang của Hiệp chủng quốc, khác hẳn ngày nay. Ngày nay, số người nói tiếng Tây ban nha tại Hoa kỳ khoảng hơn 20 triệu. Ðây là một trong các vấn đề mục vụ lớn lao của Giáo hội Hoa kỳ.

Ngày nay, các Giám mục Hoa kỳ lại có một thách đố mới về giáo hội và mục vụ, tức là việc đón tiếp và hội nhập các cộng đồng di dân đến từ Châu Á và các miền khác nhau của Thái Bình dương. Ðây là một sự hiện diện mỗi ngày mỗi lớn mạnh. Trong những tuần vừa qua, các vị chủ chăn Giáo hội Hoa kỳ đã gửi một thư mục vụ cho công đồng công giáo trong nước, với tít đề:  "Sự hiện diện của người Á Châu và Thái Bình Dương: sự Hòa Hợp Trong Ðức Tin" (Asian and Pacific Presence: Harmony in Faith).

Ðây là đề tài được các Giám mục quan tâm rất nhiều. Tuần lễ di dân được tổ chức tại Hoa Kỳ, từ  mồng 6 đến 12 tháng Giêng năm 2002 này, với chủ đề: "Ðược Mời Gọi Ngồi Chung Một Bàn" (Called to One Table). Một sáng kiến đến vào những lúc bi thảm của đời sống xã hội, chính trị, quân sự, kinh tế của Hoa kỳ, gây nên do bởi vụ khủng bố ghê sợ ngày 11 tháng 9/2001 vừa qua tại New York và Washington. Ðây là một vết thương quá sâu rộng nơi tâm hồn và thể xác người dân Hoa kỳ. Nhưng vết thương này lại làm cho người dân Hoa kỳ, bất cứ thuộc khuynh hướng chính trị, chủng tộc hay tôn giáo nào, đều đoàn kết chặt chẽ chung quanh vị lãnh đạo quốc gia, để cùng nhau đối phó với tình trạng mới.

Biến cố khủng khiếp  ngày  11  tháng 9  (năm 2001),   đặt ra vấn đề về đón nhận và hòa đồng với các người di dân,  người  tị nạn ngoại quốc vào xã hội Hoa kỳ. Ðây là những đề tài phức tạp của một quốc gia hợp thành bởi nhiều chủng tộc, văn hóa và tôn giáo... Trong lúc này, mọi người chỉ nghĩ đến những thời an ninh  xa xưa, và họ muốn dựng lên những bức tường ngăn cách, đưa ra những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoặc giới hạn việc tiếp đón các người ngoại quốc. Trong số này, các người Châu Á, nhất là những người Châu Á từ các quốc gia Á Rập và Hồi Giáo, hơn các dân tộc khác, bị nghi ngờ, bị kỳ thị lo sợ và bất khoan dung.

Ðức Giám mục Giáo phận Camden, Ðức Cha Nicholas Di Marzio, chủ tịch Ủy Ban của HÐGM Hoa kỳ về Di dân, trong một bức thư gửi cho các cộng đồng công giáo, trong bối cảnh của Tuần lễ học hỏi về chủ đề  "Ðược mời gọi ngồi đồng bàn" (Called to One Table) đã viết như sau: "Chúng ta hết thảy được mời gọi đón nhận các anh chị em mới đến - di dân hay tị nạn - trên Ðất nước chúng ta, vì một lý do đơn giản và quan trọng là: tất cả mọi người, đến từ các nơi khác nhau, với ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống và tôn giáo khác nhau, đều là anh chị em chúng ta. Trong bối cảnh này, bức thư mục vụ về đề tài: sự hiện diện của người dân Á Châu và Thái Bình Dương, cũng  được gởi kèm theo,  nêu cao vấn đề dân số:

- Các cộng đồng Châu Á đang gia tăng mạnh mẽ. Hiện nay có 12 triệu người dân Châu Á và hơn một triệu người khác đến từ miền Thái bình dương, được tập trung tại California, Hawai, Illinois, Texas, New Jersy và New York.

- Trong khoảng thời gian từ  năm 1990 và năm 2000, người dân Châu Á trên Ðất Hoa kỳ tăng tới 48%. Vào năm 2010, sẽ tăng gấp hai lần.

- Trong năm 1990, số người công giáo chỉ chiếm có 2,6% sánh với số  người công giáo Hoa kỳ trong toàn quốc, nhưng các người công giáo Châu Á đã cung cấp cho Giáo hội Hoa kỳ tới 9% con số phong chức linh mục. Có vị chủ chăn đã thú nhận rằng: Nếu không có các chủng sinh Việt nam và Châu Á, chủng viện của giáo phận đã phải đóng cửa rồi.

Các người di dân mới đến trên Ðất Hoa kỳ thuộc 53 quốc gia Châu Á khác nhau,   (Trung quốc, Philippines, Ấn độ, Việt nam chiếm con số đông hơn cả)  và từ 26 quốc gia thuộc vùng Thái Bình dương. Các người mới  đến mang theo ngôn ngữ , truyền thống, văn hóa khác nhau và tất cả các tôn giáo lớn: Kitô giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, Lão giáo, Khổng giáo... Ðịa vị xã hội cũng rất khác nhau: từ các nhà khoa học đến các người nông thôn, từ giai cấp trưởng giả đến  anh em thợ thuyền, hầu hết đến lén lút. Cũng có những cộng đồng đến lập nghiệp tại Hoa kỳ, từ một trăm năm nay, như cộng đồng các người Trung quốc, ở miền Bờ Biển Phía Tây của Hoa Kỳ.

Trong bức thư mục vụ, các Giám mục xác nhận rằng: người dân Châu Á đem đến Hoa kỳ nhiều kho tàng văn hóa và thiêng liêng, như: sự quan trọng của gia đình, tình yêu đối với sự sống, sự tôn trọng các người già cả, lòng sùng đạo sâu xa, nhiều truyền thống  đạo đức và sùng kính bình dân, ý nghĩa về sự thánh thiêng, sự hòa hợp với Thiên Chúa, với con người. Chương trình mục vụ khởi động từ điểm này: các người công giáo Châu Á yêu cầu được trở nên người chủ chốt của sứ vụ - gồm hai khía cạnh:  rao giảng Tin Mừng và thăng tiến con người.  Họ muốn hòa đồng vào xã hội Hoa kỳ, nhưng không mất đi căn cước văn hóa, ngôn ngữ, phụng tự và những sùng kính tốt lành vẫn có. Vì thế cần phải có sự huy động toàn Giáo hội trong ba cuôīc đối thoại: liên tôn, liên văn hóa, và xã hội-kinh tế đối với các người nghèo.

Các Giám mục kết thúc bức thư mục vụ bằng lời rất ý nghĩa sau đây: "Chúa Giêsu là người Châu Á (--điểm nầy  đã được nhấn mạnh trong  Thượng Hội đồng GM về Châu Á và trong văn kiện "Giáo Hội tại Á Châu" (Ecclesia in Asia). Các Giám mục chờ đợi một Mùa Xuân mới  cho Giáo hội tại Hoa kỳ từ  những anh chị em di dân Châu Á và Thái Bình Dương.

 


Back to Home Page