Bà Shalini Dewan

giám đốc cơ quan LHQ tại Ý

bình luận về Sứ điệp hòa bình

của Ðức Gioan Phaolô II

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bà Shalini Dewan, giám đốc cơ quan LHQ tại Ý bình luận về Sứ điệp hòa bình của Ðức Gioan Phaolô II.

Sứ điệp hòa bình năm 2002 của Ðức Gioan Phaolô II được ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình,  trình bày trong cuộc họp báo ngày 11 tháng 12 năm 2001. Chủ đề của sứ điệp là:  "Không có công lý, sẽ không co hòa bình; không có tha thứ sẽ không có hòa bình". Sứ điệp này được gửi tới các vị lãnh đạo các quốc gia và cho các cơ quan quốc tế, qua đường lối ngoại giao.

Nhận được sứ điệp, Tổng thống cộng hòa Ý, ông Carlo Arzeglio Ciampi, là người thứ nhất cám ơn ÐTC. Ông viết  như sau: "Kính thưa ÐTC, Sứ điệp của ÐTC về cử hành Ngày thế giới cầu nguyện cho Hòa bình là một thúc đẩy cho việc lãnh nhận trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. ÐTC chỉ vẽ một dấn thân sâu xa và cương quyết để theo đuổi công việc xây dựng một thế giới trên hòa bình và công lý. Trước hết, tôi xin chia sẻ những lo lắng của ÐTC về những đe dọa của nạn khủng bố và lời kêu gọi cương quyết cộng đồng quốc tế hãy tự bảo vệ khỏi tội ác chống lại nhân loại. Không một lý do nào, không một đường lối chính trị hay tôn giáo nào có thể biện minh cho tội ác này. Khủng bố là việc phủ nhận các giá trị của phẩm giá con người, của tín ngưỡng và của xã hội văn minh". Tổng thông Ý nhắc đến gia tài chung giữa các Quốc gia: những  nguyên tắc và những giá trị được nêu lên trong Hiến chương LHQ. Ðây là những nguyên tắc và những giá trị căn bản cần thiết cho việc xác nhận công lý và cho việc phổ biến nền thịnh vượng. Các cơ hội để biến đổi các nguyên tắc và giá trị này thành những đường lối chính trị cụ thể không thiếu, cần phải khởi sự từ việc thực hiện những mục tiêu của LHQ, được nhắc lại trong Bản tuyên ngôn của Ngàn Năm mới (2000).  Tổng thống Cộng Hòa Italia công nhận rằng: Dĩ nhiên còn rất nhiều việc phải làm, để loại trừ căn cớ của của những vụ  khủng hoảng trên thế giới này. Các quốc gia kỹ nghệ có trách nhiệm một phần nào đó, để giúp vảo việc phát triển, theo ba tiêu chuẩn này: tha hẳn hay giảm bớt số nợ ngoại quốc - để các nước kém phát triển được sản xuất và bán trên thị trường sản phẩm của mình - phát triển giáo dục và y tế tại các nước nghèo.

Tổng thống cũng nhắc đến cuộc gặp gỡ liên tôn tới đây tại Assisi, như thể đáp lại những chờ đợi, ngày nay hơn lúc nào hết, để đào sâu việc đối thoại giữa các nền văn hóa và các tôn giáo.

Và sau đây là những lời bình luận của Bà Shalini Dewan, Giám đốc  tổ chức LHQ tại Ý, trụ sở ở Roma. Bà là người Ấn độ, được bổ nhiệm giữ chức vụ này từ một tháng nay.

Trước hết, Bà Dewan nói đến những hậu quả lớn lao do vụ khủng bố vừa qua tại Hoa kỳ. Bà  nói: Có 40 ngàn trẻ em sẽ chết trước 5 tuổi và 10 triệu người lớn sẽ lâm vào cảnh nghèo khổ, xét về phương diện kinh tế mà thôi, gây nên  do vụ khủng bố ngày 11 tháng 9/2001 tại New York và Washington.

Về Sứ điệp hòa bình của Ðức Gioan Phaolô II, Bà xác nhận rằng:  "Tất cả các sứ điệp của ÐTC đều hòa hợp với lập trường của LHQ về hòa bình, xây dựng trên công lý và trên việc bảo vệ nhân quyền". Bà giải thích: "Nói cách cụ thể, nghĩa là can thiệp vào các cơn khủng hoảng quốc tế và việc nại đến Tòa án quốc tế, đã được thành lập  để xét xử các tội ác chiến tranh và để bảo đảm quyền của lý trí trên bạo động".

Bà Dewan nói tiếp: "Mới đây tổ chức LHQ được giải thưởng Nobel về Hòa bình. Ðây là một việc công nhận. Trong khi quyết  định cấp giải thưởng cho LHQ, Ủy Ban giải thưởng Nobel đã xác nhận rằng: Con đường duy nhất để đàm phán về hòa bình, qua Tòa Nhà Kính. Các thành quả về hoạt động của LHQ  đã được công nhận trong quá khứ, để đem lại hòa bình và ổn định trong những khu vực tranh chấp, như tại Mozambic, Kampuchia và Timor-Est. Nhưng giải thưởng Nobel về Hòa bình cũng là một trách nhiệm. Chúng tôi phải lãnh nhận hoàn toàn trách nhiệm này, bởi vì, hơn lúc nào hết,  thế giới nhìn vào chúng tôi".

Về sứ điệp của ÐTC, Bà nói: Ðức Thánh Cha nhấn mạnh đến nạn khủng bố: mỗi người có quyền bảo vệ mình khỏi tội ác này. Cả Hiến chương LHQ cũng để cập đến quyền tự vệ này, đối với cá nhân cũng như tập thể, trong những trường hợp bị tấn công bằng vũ khí. Bà Dewan nói thêm: "Một quyền được xác nhận lại, sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9/2001, với hai quyết nghị: quyết nghị thứ nhất mời gọi các Quốc gia cộng tác để bảo đảm việc dẫn điệu các nguời phạm tội ác đến tòa công lý; quyết nghị thứ hai liên hệ đến kế hoạch để chiến đấu diệt trừ nạn khủng bố quốc tế".

Lời kêu gọi hòa bình của Ðức Gioan Phaolô II đến vào lúc không những xẩy ra vụ khủng bố, nhưng cả lúc chiến tranh đang tiếp diễn: từ Afganistan  đến miền Trung Ðông và nhiều quốc gia Châu phi. Nạn nhân luôn luôn là một: những người nghèo khổ, các trẻ em, các phụ nữ. Bà Dewan bình luận: "Ðây là một cảnh tượng không thể chấp nhận được. Cần phải làm một cái gì đó. Về phía mình, Tổ chức LHQ lo lắng đến công bình xã hội từ lúc được thành lập. Các tổ chức phụ thuộc của chúng tôi hoạt động để chiến đấu những căn cớ gây nên các vụ tranh chấp. Trong cuốn nhật ký của LHQ, công việc thứ nhất phải làm là loại trừ cảnh nghèo khổ, chống lại chứng bệnh AIDS và bảo tồn môi sinh". Nhưng tất cả công việc này đòi sự cộng tác quốc tế, đòi một cam đoan cung cấp tài chánh và ý chí chính trị. Bà nhấn mạnh: "LHQ không thể chiến đấu một mình được. Thế giới rất nhanh chóng trong việc liên kết với nhau, để chống lại nạn khủng bố và đây là một việc rất đáng công. Tôi tin rằng: đây là lúc phải thành lập một liên hiệp quốc tế chống lại cảnh nghèo khổ".

Trong qua khứ LHQ không luôn luôn thành công trong việc bảo đảm hòa bình, tuy đã nhận được một sứ vụ. LHQ đã thất bại tại Rwanda, trong cuộc diệt chủng năm 1994, cũng như dã không ngăn cản được những vụ sát hại và thanh trừng chủng tộc trong chiến tranh miền Balcan. Bà nói: "Dĩ nhiên cần phải làm cho LHQ trở thành hiệu năng hơn; nhưng nên nhớ rằng: một cá nhân, một tổ chức... không thể hoạt động một mình được. LHQ hợp  thành bởi các quốc gia hội viên. Cần phải đề cao và gia tăng sự cộng tác quốc tế, hoạt động và trách nhiệm tập thể. LHQ chỉ có thể can thiệp, khi nào được yêu cầu và khi được cung cấp tài chánh và lực lượng  "duy trì Hòa Bình".

Theo Bà Dewan, thì từ 5 năm nay, LHQ đang bước qua từ một nền văn hóa "phản ứng" sau  khi xẩy ra các vụ tranh chấp,   để bước  sang nền văn hóa "đề phòng" các cuộc tranh chấp, bằng việc cổ võ luôn luôn và khắp mọi nơi con đường điều đình. Nhưng Bà nhấn mạnh: "Chìa khóa của thành công vẫn là việc củng cố và gia tăng sự cộng tác quốc tế, cam  đoan cung cấp tài chánh và ý chi chính trị".

 


Back to Home Page