Các vị tử đạo của Giáo hội Công giáo

trong năm 2001

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Các vị tử đạo của Giáo hội Công giáo trong năm 2001.

(Radio Veritas Aisa 12/2001) - Các tín hữu Kitô bị bách hại trong mọi thời đại, như lời Chúa Giêsu đã loan báo trước: "Họ đã bách hại Ta, thì họ cũng sẽ bách hại các con. Họ thù ghét Ta, thì họ cũng sẽ thù ghét các con". Các cuộc bách hại không phải chỉ diễn ra trong các thế kỷ đầu của Giáo hội, nhưng trong  mọi thời đại. Các cuộc bách hại dữ dội hơn cả là những cuộc bách hại trong thế kỷ XX vừa qua  dưới chế độ độc tài Quốc xã Ðức và dưới chế độ cộng sản vô thần. Con số các vị tử đạo trong thời kỳ này phải tính từng triệu người. Trong Năm Thánh 2000, ÐTC đã kính nhớ các vị tử đạo này cách riêng và truyền ghi tên các vị đã được tôn phong lên bậc Chân phước hay Hiển Thánh vào "Cuốn hạnh các Thánh Tử đạo" của Giáo hội công giáo.

Trong năm 2001, năm thứ nhất của Ngàn năm thứ ba, cho tới ngày 15 tháng 12/2001, đã có 33 vị Tử đạo Nam Nữ tại nhiều nơi trên thế giới.  Ðây là các vị đã được biết rõ danh tính, ngày giờ và nơi bị giết. Trong số này có 25 Linh mục, 5 Nữ tu, một chủng sinh, một nữ giáo dân tận hiến và một tự nguyện viên giáo dân. Trong 33 chứng nhân của Tin Mừng, có 10 vị bị giết tại Châu Á (8 vị tại Ấn độ ) - 10 vị tại Châu Mỹ -  9 vị Châu phi -  hai vị tại Châu Âu (một tại Albania và một tại Ái nhĩ lan) và hai vị tại Châu Ðại dương: cả hai đều bị giết tại Papua Tân Guinea. Xét theo quốc tịch, có 8 vị người Ấn độ; 6 vị người Ý; ba vị người Colombia; hai vị người Hoa kỳ; hai vị người Ái nhĩ lan và hai vị người Ba lan. Một vị thuộc các nước sau đây: Bỉ, Hòa lan, Canada, Argentina, Perù, Burundi, Sénégal, Sudan, và Australia.

Chúng ta có thể nói: Năm 2001 qua đi trong bóng tối của khủng bố và chiến tranh, nhưng cũng có những ánh sáng đem lại hy vọng trong tương lai: đó là máu các vị tử đạo của Giáo hội công giáo, bởi vì Giáo hội tin rằng: máu các ngài đã đổ ra không vô ích . Các ngài bị giết, vì các ngài đã chọn sự sống. Và để được sống đời đời các ngài đã phải trả giá bằng giá của chính sự sống mình. Ðây là những cái chết trong yên lặng, khác hẳn những cái chết "rùm beeng" của các vị nắm giữ quyền hành trần thế trên thế giới, các nhà chính trị, các nhà kinh tế, và các vị thời danh trong giới văn hóa, nghệ thuật.  Còn các vị tử đạo của năm 2001 vừa kết thúc,  là những con người khiêm tốn nhỏ bé, không ai biết đến: linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân. Các ngài là những người rao giảng và chứng nhân âm thầm của Tin Mừng Tình yêu tại những phương trời xa xôi, những làng hẻo lánh, thiếu thốn mọi sự, sống khó nghèo như những người nghèo khổ khác.

Chúng ta tự hỏi: nhìn vào danh sách 33  chứng nhân của Tin Mừng bị giết trong năm vừa qua, ai là người đã biết Sr Dionitia Mary, Linh mục Nazareno Lanciotti, linh mục Raphael Paliakara, Sr Philomena Lyons, cô Sarita Toppo (giáo dân tận hiến) và Joseph Shinu, chủng sinh Ấn độ? Thực ra, khuôn mặt và danh tính của các vị không ai biết đến, trừ những người đã tiếp xúc với các vị trong việc rao giảng Tin Mừng. Không những đại đa số không biết đến các ngài, nhưng kể cả các tín hữu thường lui tới nhà thờ các  ngày chúa nhật. Ðối với phần đa số tín hữu công giáo, việc tử đạo là việc xẩy ra trong các thế kỷ đầu của Giáo hội và ngày nay được diễn tả lại qua các phim ảnh thời danh như: Quo vadis, Ben Hur...

Không phải vậy, như chúng tôi vừa nhắc trên đây. Việc tử đạo vẫn xẩy ra hằng ngày trong năm 2001. Trong 365 ngày, chỉ có tháng 3 là không có vị nào bị giết; nhưng trong nhiều tháng khác, có tới 5 hoặc 6 vị bị sát hại. Cuộc bách hại sẽ còn tiếp tục xẩy ra trong năm mới 2002 này. Năm 2001 được khởi sự bằng nhiều hy vọng, nhưng đã được kết thúc bằng những sợ hãi do nạn khủng bố gây nên, như ÐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, đã viết trong những ngày này,trên Nhật Báo L' Osservatore Romano như sau: Sự sợ hãi, sau biến cố 11 tháng 9 vừa qua tại Hoa kỳ trở nên sự sợ hãi của đời sống hằng ngày của mỗi một người trong chúng ta. Có bao giờ Hoa kỳ, một siêu cường hùng mạnh về mọi mặt trên cả thế giới, nghĩ rằng: một ngày nào đó mình sẽ bị đánh phá ngay tại trung tâm quyền bính chính trị, quân sự và kinh tế không? Vụ khủng bố ngày 11 tháng 9/2001 là một kinh nghiệm đau thương và lo sợ không những cho dân tộc Hoa kỳ, nhưng còn cho cả thế giới nữa. Cuộc sống trở nên bấp bênh.

Trong Giáo hội, cuộc tử đạo là biến cố của ngày nay, biến cố xẩy ra hằng ngày. Các vị tử đạo hiện ở giữa chúng ta. Các ngài là những con người nam nữ của thời đại ta. Hãng thống tấn quốc tế Fides viết: "Các vị tử đạo đã trở lại trong thời đại chúng ta; các ngài thường là những người không được biết đến, là những chiến sĩ "vô danh" của một lý tưởng cao quí: Thiên Chúa, như ÐTC Gioan Phaolô II đã viết trong Tông thư "Khởi Ðầu ngàn năm thứ ba" khi ngài chỉ cho chúng ta nhìn vào những cuộc bách hại của thế kỷ vừa qua đi.

Theo hãng thông tấn Fides, con số các vị tử đạo trong năm 2001 vừa qua là 33 vị. Dĩ nhiên không phải chỉ có con số này mà thôi. Chắc chắn còn nhiều vị khác bị giết cách này hay cách khác, như các vị bị giam trong các nhà tù của chế độ cộng sản hiện nay tại Trung quốc  hoặc bị mất tích... Chúng ta hãy nhìn vào các cuộc bách hại các tín hữu công giáo tại Quần đảo Molluque và Sulawesi trong những năm vừa qua. Số các tín hữu bị giết phải tính từng ngàn. Trong năm 2001 vừa qua tại Nigeria, có từng trăm tín hữu bị giết tại Jos và Kano. Biết bao tín hữu bị giết tại các thành phố của Palestine và nhiều tín hữu khác bị bách hại tại một số quốc gia Hồi giáo quá khích, như tại Pakistan cách đây hơn hai tháng. Fides kết luận: Con số 33 kia chỉ là những vị đại diện của một đạo binh hùng hồn đã chiến thắng,  của "Chiên Thiên Chúa" trên cả thế giới. Các ngài  đã sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Chúa mình và vì phục vụ anh chị em minh".

Mở đầu danh sách các vị tử đạo của năm 2001 là Sr Dionitia Mary, người Ấn độ, giáo viên, bị giết ngày 21 tháng giêng năm 2001 và kết thúc danh sách là Sr Philomena Lyons, người Ái nhĩ lan bị giết ngày 15 tháng 12/2001 vừa qua. Ða số các vị bị giết vì lý do chủng tộc hay tôn giáo. Nhưng cũng có những trường hợp bị giết trong những vụ trộm  cướp đột nhập vào nhà ở. Giám đốc hãng thông tấn Fides nhận xét: "Cách đây khoảng 10 đến 15 năm, các nhà truyền giáo vẫn được tôn kính và yêu mến. Trái lại ngày nay các ngài trở nên "những tấm bia bị nhằm". Trên cả thế giới, kể cả Ái nhĩ lan hay Hoa kỳ, xem ra chân trời thiêng liêng mỗi ngày mỗi trở nên tối tăm, quá hướng theo vật chất, nhìn vào con người như những mục tiêu cần bóc lột, những dụng cụ cần chiếm hũu". Vị Giám đốc kết luận: "Chúng ta đang đứng trước thuyết cuồng tín: cuồng tín tôn giáo và cuồng tín chiếm hữu. Nhưng các vị tử đạo không phải là những người bại trận: các ngài là dấu hiệu nói lên rằng Tình yêu có thể được và Trái đất này thuộc về Chúa Kitô, không thuộc về chiến tranh và khủng bố".

Trong lễ nghi kính nhớ các Chứng nhân đức tin  của thế kỷ XX, trong Năm Thánh vừa qua tại Hí trường Colosseo, ÐTC nói: "Các thế hệ mới phải biết rằng: đức tin mà họ đã lãnh nhận, là gia tài phải trả giá cao như thế nào, để đón nhận với lòng biết ơn bó đuốc sáng của Tin Mừng và với bó đuốc này, để soi sáng thể kỷ mới và ngàn năm mới".

 

Danh Sách Các Vị Tử Ðạo của Giáo Hội Công Giáo trong năm 2001

 

Cuối năm 2001, Thông tấn xã Công giáo Fides lập bản danh sách các chứng nhân đức tin đã bỏ mình trên đường phục vụ Chúa. Có vẻ như Fides muốn thảo một trang "Tử Ðạo Thư" (Martyrologrê) của thời hiện đại. Danh sách như sau:

1. Nữ tu Dionitia Mary, quốc tịch Ấn Ðộ, thuộc Dòng Tôi Tá Ðức Mẹ Sầu Bi, là một giáo viên, bị những kẻ ăn trộm giết ở Salem ngày 21/01/2001

2. Cha Pietro De Franceschi, quốc tịch Ý, thuộc Dòng Thánh Tâm, trong cơn lũ lụt ở Mocuba (Mozambique), cha tìm cách cứu một phụ nữ và bị chết đuối ngày 01/02/2001.

3. Cha Tom Maujaly, người Ấn Ðộ, linh mục triều, hiệu trưởng trường trung học thánh Giuse, bị kẻ cướp giết trong văn phòng ở Manipur ngày 02/02/2001.

4. Cha Nazareno Lanciotti, người Ý, linh mục triều, , bị trúng đạn và qua đời sau một cơn hấp hối dài, ở Jaurù (Brazil) ngày 21/02/2001.

5. Cha Jan Franzkevic, người Ba Lan, linh mục triều, làm việc ở Sibêri. Cha đi phục vụ ở Iarzevo nhân lễ Phục sinh. Người ta phát hiện cha đã chết trong nhà nguyện ngày 15/04/2001.

6. Nữ tu Barbara Ann Ford, người Mỹ, thuộc Dòng chị em Bác ái, có vẻ như bị kẻ trộm giết, nhưng có thể có những lý do khác (chị bảo vệ nhân quyền cho thổ dân và chăm sóc hồi phục các chấn thương tâm lý cho các nạn nhân của cuộc nội chiến. Chị cũng cộng tác viên thân cận cua Ðức Cha Juan Gerardi là người đã bị ám sát ngày 26/04/1998). Chị bị giết ngày 05/05/2001 ở Guatemala City (Guatemala).

7. Cha Ramon Gamache Bérubé, người Canada, thuộc Hội Thừa sai hải ngoại Quebec, bị kẻ trộm đột nhập giáo xứ, giết hại ở St. Isidoro, giáo phận Ica, Peru 05/2001.

8. Cha Raphael Paliakara, người Ấn Ðộ, Dòng Don Bosco, bị các phần tử quá khích tấn công vào Tập viện Imphal ngày 25/05/2001.

9. Cha Andreas Kindo, người Ấn Ðộ, Dòng Don Bosco, bị các phần tử quá khích tấn công vào Tập viện Imphal ngày 25/05/2001.

10. Chủng sinh Joseph Shinu, người Ấn Ðộ, bị sát hại trong vụ tấn công vào Tập viện Imphal ngày 25/05.

11. Cha Henryk Dejneka, người Ba Lan, Dòng Thừa sai Tận hiến Ðức Mẹ Vô Nhiễm (OMI), bị bắn chết tại giáo điểm Ngauoundéré, Cameroon, ngày 17/05/2001, không biết vì lý do gì, ngài không tham gia vào các hoạt động chính trị hay xã hội, giáo điểm cũng không mất mát gì về tài sản hay của cải.

12. Nữ tu Claire, người Burundi, Dòng Môn đệ Chúa Kitô, bị bắn chết trong một trận phục kích, các hành khách bị trấn lột, và chiếc xe bị cướp, ở Rumongi, ngày 11/06/2001.

13. Cha Leonardo A. Alzate, người Colombia, linh mục triều bị bắt cóc, và một ngày sau tìm thấy xác, ở Antioquia, hôm 14/06/2001.

14. Cha Martin Royakers, người Canada, Dòng Tên, bị giết trong xứ Ðạo ở Annotto Bay, Jamaica, ngày 21/06/2001; cha hoạt động trong một dự án phát triển nông nghiệp trên những vùng đất của nhà nước bị bỏ hoang.

15. Cha Fabian Thom, người Australia, Dòng Phanxicô (OFM), đang đêm kẻ trộm đột nhập Tập viện giết cha ở Port Moresby (Papua New Guinéa), ngày 16/08/2001.

16. Cha Galeano Buitrago, người Colombia, linh mục triều, kẻ gian vào nhà cướp của, cướp xe, và giết chaa ngày 27/08/2001 ở Medellin.

17. Cha Emil Jouret, người Bỉ, Dòng Tên, quản lý nhà trường ở Kikwit (Cộng hoà dân chủ Congo), bị phát hiện chết trong phòng riêng ngày 14/09/2001, có thể do kẻ gian ám hại.

18. Cha Rufus Halley, người Ireland, Hội dòng thánh Columban, có thể kẻ gian định bắt cóc cha, hoặc là cha bị bắn chết đang khi đi xe máy ở Malabang, Philippines, ngày 29/08/2001.

19. Cha Héctor Fabio Vélez, người Colombia, linh mục triều, người ta tìm thấy xác cha còn mang vết tích bị tra tấn, có thể do kẻ cướp ở Cartago, ngày 02/09/2001.

20. Cha John Baptist Crasta, người Ấn Ðộ, linh mục triều, bị loạn quân bắn chết khi đang ở trên xe với nhiều người khác, vì không chịu tuân lệnh quân phiến loạn, ở Jhakhand, ngày 06/09/2001.

21. Giuliano Berizzi, người Ý, giáo dân thừa sai thiện nguyện, bị giết có lẽ vì bị tưởng lầm là một linh mục thừa sai, ở Kigali, Rwanda, ngày 06/10/2001.

22. Cha Ettore Cunial, người Ý, Dòng Giuseppini del Murialdo, có lẽ do kẻ cướp giết ở Durazzo, Albania ngày 08/10/2001; cha hoạt động phục hồi nhân phẩm thanh thiếu niên.

23. Cha Ernesto Martearena, người Argentina, linh mục triều, bị những thiếu niên du đãng giết người cướp của, và đốt xác ở Salta, ngày 08/10/2001.

24. Cha Gopal, người Ấn Ðộ, linh mục triều, bị quân du kích giết ở Puthkel ngày 22/10/2001, vì cha tham gia một chiến dịch của chính phủ chống bạo lực.

25. Cha Celestino Digiovambattista, người Ý, Dòng Camillo, tuyên úy trại giam, bị một tù nhân có bệnh tâm thần giết ngày 13/10/2001 ở Ouagadougou, Burkina Faso.

26. Nữ tu Lita Castillo, người Peru, Dòng nữ Ða Minh, giáo viên, bị tấn công ngay trong trường học, chết sau 12 ngày hấp hối, ngày 29/10/2001, ở La Serena, Chilê

27. Cha Simeon Coly, người Senegal, linh mục triều, bị kẻ cướp bắn chết trên xa lộ, ở Ziguinchor, ngày 07/11/2001.

28. Cha Hubert Hofmans, người Hà Lan, dòng Mariannhill, bị kẻ cướp giết trên đường về nhà, ở Lae, Papua New Guinea, ngày 23/11/2001.

29. Cha Peter Obore, người Sudan, linh mục triều, bị loạn quân giết và đốt xe, ở Nimule, Uganda, ngày 24/11/2001.

30. Chị Sarita Toppo, người Ấn Ðộ, giáo dân tận hiến, bị hãm hiếp và giết chết khi chị đi lượm củi, ởAmbigapur, ngày 28/11/2001.

31. Cha Michele D' Annucci, người Ý, Dòng Dấu thánh, bị kẻ cướp giết khi cha đi thăm một gia đình, ngày 08/12/2001 ở Pretoria, Nam Phi.

32. Cha Michael Mac, người Mỹ, linh mục triều, bị phát hiện đã chết trong nhà, có vết tích bị đánh đập, ở Sandoval, N. Mexico, Mỹ, ngày 08/12/2001.

33. Nữ tu Philomena Lyons, người Ireland, Dòng Thánh Tâm bị hãm hiếp và giết chết gần Tu viện ở Monaghan, ngày 15/12/2001.

Tổng kết danh sách này:

- 25 linh mục

- 5 nữ tu

- 1 chủng sinh

- 2 giáo dân thừa sai tận hiến ( 1 nam, 1 nữ ).

Về nguyên quán

- 12 vị người châu Âu (6 Ý, 2 Ba Lan, 2 Ireland, 1 Bỉ, 1 Hà Lan)

- 9 vị người châu Mỹ (3 Colombia; Jamaica, Brasin, Guatemala, Peru, Argentina, Canada, Chilê, Hoa Kỳ mỗi nơi một vị).

- 8 vị người châu Á đều là người Ấn Ðộ.

- 3 vị người châu Phi: Burundi, Senegal, Sudan.

- 1 vị người châu Ðại Dương: Australia

Về hiện trường những vụ thảm tử:

- Châu Á: 10 địa điểm (8 điểm ở Ấn Ðộ, 1 ở Philippines, 1 ở Siberi).

- Châu Mỹ: 10 địa điểm (3 ở Colombia; Jamaica, Brasil, Guatemala, Peru, Argentina, Chilê, Hoa Kỳ mỗi nước một địa điểm).

- Châu Phi: 9 địa điểm (Camerun, Uganda, Burundi, CHDC Congo, Rwanda, Burkina Faso, Senegal, Nam Phi, Mozambique).

- Châu Ðại Dương: 2 địa điểm ở Papua New Guinea

- Châu Âu: 2 địa điểm (Albani và Ireland).

 


Back to Home Page