ÐTC tiếp Hồng Y đoàn

các Viên chức Giáo Triều và Giáo phận Roma

đến chúc mừng Lễ Giáng sinh và năm mới 2002

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC tiếp Hồng Y đoàn, các Viên chức Giáo Triều và Giáo phận Roma đến chúc mừng Lễ Giáng sinh và năm mới 2002.

Thứ bẩy ngày 22/12/2001, trong Phòng Khánh tiết Clementina của Phủ Giáo Hoàng, được trang hoàng khác thường bằng bông hoa và thảm đỏ, ÐTC tiếp Hồng Y đoàn, các Viên chức Giáo Triều và Giáo phận Roma đến chúc mừng Lễ Giáng sinh và Năm mới 2002.

Buổi tiếp kiến được khởi sự bằng những lời chúc mừng của ÐHY Bernardin Gantin, Niên Trưởng Viện Hồng Y, nhân danh các Vị hiện diện và toàn Giáo hội, dâng lên Vị Chủ chăn chung. Tiếp sau đó ÐTC đọc diễn văn. Sau đây là những điểm quan trọng của bài diễn văn này.

Trước hết ÐTC nói: "Nơi khuôn mặt của Hài nhi Bêlem chiếu dọi tình thương âu yếm của Thiên Chúa. Lễ Giáng sinh là một thực tại chắc chắn và luôn luôn đem lại nhiều ơn ích, trên thực tại  này nở sinh niềm hy vọng của tất cả nhân loại".

Ðức Gioan Phaolô II nói tiếp: "Một lần nữa, Tôi muốn ca ngợi Thiên Chúa vì biết bao ơn của Ðại Toàn xá năm 2000". Bước vào Ngàn năm mới, trong khi lại bắt đầu tiến đi từ Chúa Kitô, được nâng đỡ bởi tình yêu của Chúa Cha và được bổ sức bởi ơn ban vô tận của Chúa Thánh Thần, với sự khiêm tốn, toàn Giáo hội đặt mình trong việc phục vụ thế giới;  và với chứng tá bằng đời sống và việc làm, Giáo hội chỉ muốn  cống hiến cho mọi người kho tàng duy nhất của mình là: Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế và Cứu chuộc của con người.

Nhắc lại Khóa họp khoáng đại thường lệ lần thứ 10 của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới về chủ đề: "Giám mục, người phục vụ Tin Mừng của Chúa Giêsu cho niềm hy vọng của thế giới", ÐTC nói: "Cuôīc gặp gỡ của các Giám mục thuộc các quốc gia khác nhau, một kinh nghiệm của cầu nguyện, của việc làm, của việc tìm kiếm chung, và chia sẻ trong tình huynh đệ"... (cuộc gặp gỡ nầy), đã giúp chúng ta tìm ra những con đường mà trên đó Giáo hội phải tiến đi, để rao giảng Chúa Kitô trong thời đại ta và như vậy, luôn luôn trở nên mỗi ngày mỗi thêm "muối" của Trái Ðất và "ánh sáng" của thế gian".

Nói đến các chuyến viếng thăm đã thực hiện trong năm 2001, ÐTC kể lại như sau: "Tại Atena, Damasco và Malta, những nơi liên kết với  lịch sử cứu rỗi, tôi đã hoàn tất cuộc hành hương Toàn xá. Tôi đã có thể theo vết chân Thánh Phaolô để nhớ lại cuộc mạo hiểm nhân bản và thiêng liêng của Thánh Tông đồ Dân ngoại và của việc tận hiến của ngài  cho Chúa Kitô".

Tại Damasco, trong Ðền thờ Hồi giáo Omayyadi, tôi đã biểu lộ sự tôn trọng  mà Giáo hội công giáo vẫn nuôi dưỡng đối với Hồi giáo,  cho dù vẫn  có sự công nhận rõ ràng về những khác biệt.  Tại bất cứ nước nào, tôi đã vui mừng gặp các cộng đồng công giáo thuộc các Lễ nghi khác nhau và tôi cũng có thể viếng thăm các Vị Giáo chủ, Tổng giám mục và Giám mục của các Giáo hội đáng kính chính thống bên Ðông;  với các Giáo hội này có việc tuyên xưng cũng một đức tin nơi Ðức Kitô, Chúa và Ðấng Cứu Thế duy nhất.

Tại Ukraine , tôi đã khẩn xin tha thiết Thiên Chúa điều này là Giáo hội tại Châu Âu được trở lại thở bằng hai lá phổi. Các con cái Giáo hội công giáo, cùng với các anh chị em Kitô khác, đã kinh nghiệm trong thế kỷ vừa kết thúc một cuộc bách hại dữ dội và đã minh chứng lòng trung thành của họ với Chúa Giêsu đến việc tử đạo.

Tại Kazakhstan, tôi đã mời gọi các môn đệ của bất cứ tôn giáo nào hãy cương quyết khước từ bạo động. Tôi đã có thể thu  nhận được ý chí cương quyết của dân tộc này vượt qua một quá khứ đầy khó khăn, bị đánh dấu bằng cuộc đàn áp phẩm giá và các quyền của con nguời.

Tại Armenia: Tôi đã bày tỏ sự cảm phục đối với một Quốc gia đã phải trả bằng giá cao, cho lòng trung thành với "căn cước riêng của mình". Chỉ cần nghĩ đến cuộc tiêu diệt tập thể ở ngay đầu thế kỷ XX. Tính hiếu khách,  mà tôi đã nhận được nơi Ðức Giáo chủ Catholicos Karekin đệ nhị, làm tôi xúc động sâu xa.

Nhìn về Trung quốc, ÐTC nói: "Tôi theo dõi với tình yêu mến riêng dân tộc Trung quốc.... Tôi luôn luôn nghĩ đến lễ nghi mới đây mừng kỷ niệm 400 năm về việc đến Bắc Kinh của Cha Matteo Ricci, người con thời danh của Dòng Tên. (Dòng Tên)".

Trở sang Hoa kỳ, ÐTC nhắc lại vụ khủng bố kinh khủng tại New York và Washington, và sau đó việc đáp lại bằng vũ khí tại Afganistan và việc gia tăng những căng thẳng mỗi ngày mỗi thêm và nguy hiểm tại Thánh Ðịa. Ðức Gioan Phaolô II nhấn mạnh: "Mọi hình thức bạo động của khủng bố làm ô danh sự thánh thiện của Thiên Chúa và phẩm giá con người ... Tôn giáo không bao giờ được trở thành lý do  của xâm lăng, của thù ghét và của áp đảo".

Nhắc đến cuộc gặp gỡ tới đây tại Assisi, vào ngày 24 tháng Giêng năm 2002, trong việc tiếp tục lý tưởng, với ngày ăn chay và cầu nguyện 14 tháng 12/2001 vừa qua, ÐTC giải thích: "Tại Thành phố của Thánh Phanxicô, đại diện của các tôn giáo, cách riêng Kitô giáo và Hồi giáo, sẽ dâng lên lời cầu nguyện tha thiết của mình, để cầu cho việc lướt thắng những lập trường đối địch nhau và cho việc cổ võ một nền hòa bình chân chính. Tôi mời gọi mọi người hợp ý trong việc thực hành xám hối này".

Nói đến đời sống Giáo hội, ÐTC nhấn mạnh : "Tôi cảm phục về ơn thánh thiện vẫn tiếp tục sinh ra hoa trái tốt đẹp trong cộng đồng Dân Chúa.  Giáo hội là Mẹ tất cả Các Thánh. Sức mạnh   dồi dào của ơn thánh Rửa tội đã được biểu lộ bởi đời sống của biết bao tín hữu Kitô. Trong năm vừa qua, tôi vui mừng đã tôn phong một số lên danh dự bàn thờ, tại Roma này và trong các chuyến viếng thăm mục vụ tại Ukraine và Malta. Trong toàn cảnh sáng ngời như vậy về "các chứng nhân": Giám mục, Linh mục, các người tận hiến, và giáo dân , tôi muốn nhắc lại cách riêng hai Ông Bà Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi, những vị Thánh thứ nhất trong lịch sử Giáo hội được phong Chân phước cùng nhau, như cặp vợ chồng, chứng nhân hùng hồn của sự thánh thiện trong bậc Hôn nhân".

ÐTC kết thúc diễn văn bằng lời cầu chúc sau đây: "Xin Thiên Chúa, Ðấng ngự đến, ban cho tất cả và cho mỗi một người niềm an vui và ơn hòa bình. Và đây là lời cầu chúc biết ơn và lời cầu nguyện của tôi".

 


Back to Home Page