Bàn về  việc mừng Lễ Giáng Sinh

tại các quốc gia Cộng Sản và Hồi Giáo

trên thế giới hiện nay

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bàn về  việc mừng Lễ Giáng Sinh tại các quốc gia Cộng Sản và Hồi Giáo trên thế giới hiện nay.

Hiện nay, các tín hữu Kitô không được hoàn toàn tự do mừng lễ Giáng sinh tại các quốc gia cộng sản, như Bắc Hàn, Trung Quốc, Việt Nam... Tại đây, ngày Lễ Giáng Sinh vẫn là ngày làm việc như các ngày khác trong tuần, không phải là ngày lễ nghỉ có tính cách quốc tế, như tại hầu hết các nước trên thế giới. Tuy nhiên, tại Cuba, đã có một sự thay đổi nhỏ, trước khi ÐTC tới viếng thăm, tức dịp lễ Giáng sinh năm 1997. ÐTC viếng thăm Cuba vào cuối tháng Giêng năm 1998. Từ đó, chấp nhận lời yêu cầu của ÐTC, Chủ tịch Fidel Castro đã ký Sắc lệnh lấy lại hoàn toàn Lễ Giáng Sinh, như trước khi chế độ lên cầm quyền. Lễ Giáng sinh tại Cuba từ đó không những có tính cách tôn giáo, nhưng còn là ngày lễ nghỉ trong toàn quốc. Với chuyến viếng thăm của ÐTC, tình hình tôn giáo, chính trị và kinh tế tại Cuba đã thay đổi nhiều sánh với những thập niên trước đó.

Ngoài các nước theo chế độ cộng sản, các tín hữu Kitô cũng không được tự do mừng lễ Giáng sinh tại nhiều quốc gia Hồi giáo. Việc mừng Lễ này tuyệt đối bị cấm tại Arab Saudi, nơi có mộ của Tiên Tri Mahomet ở thành phố Mecca. Arab Saudi, tuy có những liên lạc chính trị, quân sự, kinh tế với Hoa kỳ, nhưng còn là một quốc gia hoàn toàn Hồi giáo và quá khích, nếu chưa muốn nói là "cuồng tín".

Các Sứ quán Tây Phương tại Thủ đô Riad, trước lễ Giáng sinh, đã gửi một thông tư cho kiều bào của mình hiện đang làm việc tại Arab Saudi.  Thông tư viết như sau: "Hãy cẩn thận, xin đừng trao đổi những lời chúc mừng Giáng sinh qua đường điện thoại". Thông cáo nói rõ rằng: những vi phạm có thể gây nhiều rắc rối.

Vào đầu tháng 12/2001, Bộ Nội vụ Arab Saudi cũng thông báo cho các tín hữu Kitô hiện sinh sống tại Arab Saudi "không được cử hành Lễ Giáng sinh". Bộ còn hứa ban thưởng cho những ai cung cấp tin tức về những vi phạm luật lệ của Nhà Nước. Ngoài thông cáo, Bộ Nôi vụ còn phái "cảnh sát tôn giáo" có trách nhiệm về thuần phong mỹ tục, trong dịp Lễ Giáng sinh, lưu ý cách riêng đến bất cứ dấu hiệu nào về việc cử hành Lễ này.

Thông cáo ghi rõ ràng những điều cảnh sát tôn giáo phải thi hành: đột nhập các nhà bị nghi ngờ, tịch thu tất cả những gì có thể dùng trong dịp Lễ Giáng sinh hay liên hệ đến việc mừng Năm mới Dương lịch: cây thông, đèn nến, thiệp chúc mừng Giáng sinh và Năm mới... Tại các siêu thị, bất cứ hàng hóa nào có ghi "Merry Christmas", đều bị xóa bỏ hay bị tịch thu, trừ khi ghi bằng tiếng khác cảnh sát không biết.

Ðể cử hành Lễ Giáng sinh, chỉ có một số nhỏ may mắn trong số 600 ngàn tín hữu Kitô làm việc tại Arab Saudi. Số nhỏ các tín hữu này đến các Sứ quán Tây phương (lãnh thổ bất khả xâm phạm), để dự thánh lễ Nửa Ðêm và Thánh Lễ Ban ngày, do một linh mục chủ tế; nhưng linh mục này trên giấy tờ chính thức của Nhà Nước phải là một công nhân hay một chuyên viên của một hãng, xưởng, hay công ti dầu hỏa nào đó của thế giới Tây phương. Các tín hữu khác, không đến Sứ quán của nước mình, chỉ có thể tụ họp trong nhà tư, từng nhóm nhỏ và với nhiều nguy hiểm. Dịp lễ Giáng sinh năm 2000 vừa qua, cảnh sát tôn giáo bắt giữ 16 người dân Philippines (có 5 trẻ em)  trong một tòa nhà ở thủ đô Riad, tụ họp nhau để đọc và chú giải Thánh Kinh. Lễ Giáng sinh năm 1993, cảnh sát tôn giáo đột nhập một trường học của Anh-Mỹ gần thành phố Yanbu, mạn bắc Jeđad, nơi đây các  học sinh đang ca hát trước  Cây sinh nhật được trang hoàng theo kiểu Tây phương. "Ông già Noel" của buổi lễ này phải chạy trốn, và lễ mừng kết thúc bằng tiếng kêu khóc của các trẻ em.

Tại Pakistan, nhiều  người còn nhớ vụ sát hại 16 tín hữu trong nhà Thánh Ða minh ở Bahawalpur vào tháng 10/2001. Tại đây lễ Giáng sinh từ trước tới giờ vẫn được cử hành với nhiều dè dặt, tránh mọi huy hoàng bên ngoài, vì việc kỳ thị và cuộc bách hại ngấm ngầm các tín hữu Kitô vẫn có từ lâu. Trong nước, hiện nay các nhóm Hồi giáo quá khích  đòi chính phủ áp dụng luật lệ Hồi giáo cho cả nước. Các tín hữu Kitô lên tiếng tố cáo một số biện pháp bất công, như luật nói về "việc xúc phạm đến Hồi Giáo". Luật này lên án tử hình những ai bị cáo về "tội xúc phạm Tiên tri Mahomet và án tù chung thân cho những ai xúc phạm Kinh Coran (Kinh Thánh của Hồi giáo). Dù có những bảo đảm đối với các nhóm thiểu số, vẫn không tránh khỏi những lạm dụng về phía những người muốn trừng phạt người khác để thắng vụ tranh chấp hay để báo thù. Tháng Tư năm 2001, Ông Pervez Masih, người công giáo, giám đốc trường tư công giáo thuộc quận Sailkot, trong miền Punjab, bị giam tù, vì bị viên giám đốc trường Hồi giáo tố cáo là "xúc phạm Hồi giáo".

Tại Indonesia - Những căng thẳng chính trị, kinh tế  và xã hội kết thúc bằng chiến tranh giành độc lập của Miền Ðông Timor. Từ đó, tiếp diễn những vụ tranh chấp đẫm máu giữa người Hồi giáo và tín hữu công giáo. Tại quần đảo Molluque, nhóm quá khích, ngoài việc sát hại và phá phách nhà cửa, chiếm tài sãn của các tín hữu Kitô, đòi chính phủ áp đặt luật Hồi giáo trong toàn quốc và dùng mọi phương tiện để gây nên sợ hãi nơi các tín hữu công giáo. Ngoài ra họ còn phái những viên chức Hồi giáo quá khích đến những quần  đảo đa số theo Kitô giáo. Từ vụ đụng độ giữa các tín hữu Kitô và người Hồi giáo tại Quần đảo Molluque tới nay, theo ước tính, trong hai năm, có tới 5 ngàn người, phần lớn là tín hữu Kitô, bị sát hại và khoảng nửa triệu ra đi khỏi  miền này.

Nhật báo Ðức "Die Welt" trong dịp Lễ Giáng sinh nhắc lại những kỳ thị và bách hại các tín hữu Kitô tại những nước theo chế độ cộng sản và tại nhiều quốc gia Hồi giáo,  nhất là từ ngày Hoa kỳ đánh phá Afganistan , để tiêu diệt những ổ khủng bố, đã  gây chết chóc cho biết bao người vô tội tại New York và Washsington ngày 11 tháng 9 năm 2001. Với chiến tranh tại Afghanistan, một quốc gia Hồi giáo cuồng tín, được nhiều quốc gia Hồi giáo ủng hộ công khai hoặc ngấm ngầm, các tín hữu Kitô tại các quốc gia này bị coi là "đồng lõa với Tây phương và đồng minh của thế giới vô đạo và bất trung".

 


Back to Home Page