Giáo Hội Công Giáo tại Pháp

trên đường phục sinh

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Giáo Hội Công Giáo tại Pháp trên đường phục sinh.

Trong tháng 11 năm 2001, tại Giáo Hoàng Học viện "Nữ vương các Thánh Tông đồ"  của Tu hội "Ðạo binh Chúa Kitô"  ở Roma, có một Ðại hội thảo luận về đề tài: "Nước Pháp, chứng nhân của hy vọng cho Ngàn Năm mới, những  viễn tượng và thách đố", do ÐHY Paul Poupard, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Văn Hóa, chủ tọa. Mục đích của Ðại hội là nêu bậc những dấu hiệu về Hy vọng của nước Pháp, đối với Giáo hội công giáo của Ngàn Năm mới, trong các môi trường khác nhau: văn hóa, tu đức, ơn gọi, gia đình và giới chuyên nghiệp. Cuộc gặp gỡ này được tổ chức với sự cộng tác của  hội "Fondation Guilé".

Tham dự Ðại hội có các vị sau đây: Linh mục Phaolô Scarafoni, Viện Trưởng Giáo Hoàng Học viện "Regina Apostolorum", ÐHY Paul Poupard, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa, Bà Marie Nicole Boiteau, người phối hợp các lớp học của "Ecole Cathédrale" (Trung tâm huấn luyện  của Tổng Giáo Phận Paris), Linh mục Francis Koln, trách nhiệm Phân Bộ Thanh niên của Hội đồng Tòa Thánh phụ trách Giáo dân, Ông André Mulliez, sáng lập "Réseau Entreprendre", Ðức Cha André Vingt-Trois, TGM giáo phận Tours, ông Thierry Boutet, bình luận gia của Tuần báo Famillle Chrétienne, người điều hành Ðại hội.

Trong bài thời sự nầy, chúng tôi xin tường thuật những nhận xét của Bà Marie Nicole Boiteau, nhà trí thức công giáo Pháp,  về việc thức tỉnh tôn giáo tại Quê hương của Bà. Bà là thành viên của Cộng đồng Emmanuel và là người phối hợp các lớp học của "Ecole Cathédrale", trung tâm huấn luyện của Tổng Giáo phận Paris. Bà cũng là một nhà thần học. Với địa vị và uy tín này, những nhận xét của Bà về tình hình hiện nay của Giáo hội công giáo tại Pháp được coi là khách quan và chính xác. Không những Bà, nhưng còn nhiều người khác nữa, cả các Vị chủ chăn, cũng công nhận: Giáo hội Pháp đang tiến đến một Mùa Xuân xinh tươi, không một sức mạnh trần thế nào cản nổi,  nhất là sau Ngày "Quốc tế giới trẻ" vào tháng 8 năm 1997 tại Paris: một thành công vĩ đại không những về phương diện thiêng liêng, nhất là đối với  giới trẻ, nhưng cả về phương diện xã hội nữa.

Trong bài thuyết trình tại Ðại hội nói trên,  Bà Marie Nicole Boiteau nói:  "Người công giáo Pháp sống mạnh mẽ, hoạt động... được thúc đẩy bởi một tinh thần lớn lao về truyền giáo và về trách nhiệm". Bà giải thích: "Trước đệ nhị thế chiến, xã hội Pháp theo truyền thống là một xã hội Kitô. Nhưng lúc đó đức tin được sống một cách thụ động. Người dân công giáo thường nghĩ đến nhất là việc tuân giữ các lề luật, hơn là nghĩ đến mối quan hệ cụ thể với  Chúa. Ngày nay, Sứ điệp của Công Ðồng Vatican II đã được đón nhận và nghe theo (tuy dã có những giải thích sai lầm và lạm dụng của một số người). Các tín hữu Kitô Pháp, đại đa số, đã hiểu rằng: mình được mời gọi tiến đến một đời sống hiệp thông đích thực với Chúa, trong ý nghĩa sâu xa nhất của danh từ này".

Bà kể lại những những dấu hiệu rõ ràng của sự thay đổi hiện nay: Sự khát khao được hiểu biết Lời Chúa, nhất là về phía giới trẻ. Rồi việc khám phá về Chúa Thánh Thần và về mối liên kết đầy tinh thần con thảo với Thiên Chúa. Chúa Ba Ngôi không những là một mầu nhiệm, nhưng còn là sự hiện diện mà con người có thể đối thoại được. Cả Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, có một sự quan trọng nền tảng, như thể Người vẫn tiếp tục sinh Chúa Giêsu mỗi ngày cho chúng ta. Sau cùng, có một sự nhậy cảm lớn lao đối với việc cầu nguyện và việc chầu Thánh Thể. Ðây không phải là những cử chỉ máy móc, nhưng như những giờ phút thực của cuộc gặp gỡ với Chúa, có sức làm cho đời sống được đầy đủ, dồi dào".

Nhà thần học Pháp  nói thêm như sau: "Sức sống động này còn thấy biểu lộ trong Phụng vụ". Bà giải thích: "Tại Pháp, chúng tôi đang chứng kiến một sự canh tân các ca đoàn và kiểu cách cầu nguyện công cộng. Dân Chúa ý thức được rằng: mình thuộc về thiểu số và đã sống những thử thách. Nhưng Phụng vụ được cử hành trong bầu khí an vui, bởi vì người tín hữu đã học biết phú thác hoàn toàn cho Chúa. Tại nhiều giáo xứ, có những buổi tổ chức chung để chuẩn bị lãnh nhận Bí Tích Hòa giải. Mọi người được mời gọi đặt một cây nến cháy dưới chân bàn thờ, biểu hiệu của ánh sáng bên trong đã tìm lại được. Thật là một quang cảnh ngoạn mục thấy các nhà thờ Pháp dần dần được chiếu sáng, nhờ việc hòa giải của các con cái mình".

Bà Marie Nicole Boiteau nhấn mạnh: "Ðức Gioan Phaolô II có một vai trò quyết định trong tiến trình phục hưng này. Năm 1980, chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài đã giúp nước Pháp chiếm lại được kho tàng quí báu của mình: kho tàng đức tin. Giảng trong thánh lễ tại sân bay Paris, ÐTC đặt câu hỏi đáng suy tư này cho mọi người dân Pháp: "Hỡi nước Pháp, ngươi còn trung thành với đức tin của Phép Rửa tội của ngươi không?". Tại  Công Viên "Các Hoàng Tử" (Parc- des-Princes) ban chiều, hơn 100 ngàn thanh niên hăng say hoan hô ngài là "Vị Ðại diện Chúa Kitô" ở trần gian đến giữa họ. Tất cả đã giúp vào việc đem lại can đảm và hy vọng cho các Phong trào mới, đang trở sinh trong lúc đó". Cho tới nay, ÐTC đã viếng thăm nước Pháp tới sáu lần lần, từ Ðông sang Tây, từ Bắc tới Nam; nhưng thành công vĩ đại hơn cả là Ngày Quốc tế Giới Trẻ"  được tổ chức dịp Lễ Ðức Mẹ linh hồn và xác lên trời năm 1997. Hơn một triệu người tham dự Thánh lễ với ÐTC tại Paris. Ngày này đã làm cho nước Pháp hiểu rằng Giáo hội của mình vẫn sống động và khác xa với những hình ảnh tưởng tượng do một số người, nhất là các phuơng tiện truyền thông mass-media bày vẽ ra hoặc trình bày, thí dụ như hình ảnh của một bệnh nhân hấp hối, sau những tiến bộ của khoa học và xã hội.

Bà Marie Nicole Boiteau xác nhận rằng: "Trái lại, một hình ảnh Phúc Âm, mới tả lại đúng hơn tình hình nước Pháp hiện nay: đó là hình ảnh người con hoang đàng trở về nhà Cha". Bà kết luận: "Ðược sinh ra như người con của Chúa, Giáo hội của chúng ta đã sống một thời kỳ khủng hoảng. Cơn khủng hoảng này đã làm cho người con này xa nhà Cha. Nhưng rồi, như người con hoang đàng, đã biết trở về trong cánh tay yêu thương của Người Cha".

 


Back to Home Page