ÐTC tiếp Ủy ban Liên Giáo Hội

phiên dịch Thánh Kinh tại Ý

nhân dịp kỷ niệm 25 năm cộng tác

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC tiếp Ủy ban Liên Giáo Hội phiên dịch Thánh Kinh tại Ý, nhân dịp kỷ niệm 25 năm cộng tác.

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm xuất bản cuốn "Parola del Signore" (Lời Chúa)   (phần Tân Ước) do Ủy Ban Liên Giáo Hội tại Ý cộng tác dịch ra tiếng nói chung của người dân, hôm thứ Hai 26/11/2001,  ÐTC tiếp chung các thành viên thuộc Ủy Ban phiên dịch, do Ðức Cha Alberto Ablondi, chủ tịch Liên hiệp Thánh Kinh công giáo và Ông Markku Kotila, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu-Cận Ðông của Liên Hiệp Thánh Kinh chung, hướng dẫn. Ðức Cha Alberto Ablondi đã viếng thăm Việt Nam cách đây ít năm cũng để giúp phổ biến Thánh Kinh nơi Cộng đồng công giáo.

Trong diễn văn đọc cho các vị tham dự buổi tiếp kiến, ÐTC cảm ơn công việc của Ủy Ban đã thực hiện trong 25 năm qua. Ngài nói:  "Công việc do các Vị đã thực hiện là một trong các thành quả tốt đẹp và ý nghĩa hơn cả của sự cộng tác giữa các Giáo hội và các Cộng đồng giáo hội tại Ý. Ðiều rất hay đáng lưu ý là công việc học hỏi nghiên cứu để đi đến chỗ hiểu sâu xa hơn bản văn Kinh Thánh, giúp vượt qua những chia rẽ, gây nên trong dòng lịch sử, bởi những giải thích khác nhau về một số đoạn Thánh Kinh. Tất cả chúng ta ước mong rằng: cơ hội gặp gỡ nhau và đối thoại như vậy luôn luôn tiếp tục được đào sâu, trong xác tín này là Thánh Kinh có thể đem lại sự khôn ngoan và sự khôn ngoan này dẫn đưa đến ơn cứu rỗi, nhờ đức tin nơi Chúa Kitô Giêsu" (2 Tim 3, 15).

ÐTC nói đến công việc của người phiên dịch,  luôn luôn là nghệ thuật khó khăn, đòi nhiều hiểu biết về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ... của những thời gian và không gian xa xôi. ÐTC nêu lên những điều kiện cần thiết để có một bản dịch tốt lành. "Trước hết - ngài  nói - phải có một sự hiểu biết sâu xa về ngôn ngữ và nền văn hóa của thế giới nguyên thủy - rồi không thể thiếu sót việc làm quen với ngôn ngữ và bối cảnh văn hóa  nơi mình đang sống - sau cùng để thành công mỹ mãn, cần phải làm chủ được nội dung và ý nghĩa về những gì mình muốn dịch ra".

ÐTC ca ngợi những cố gắng của Ủy Ban từ lúc thành lập cho tới nay: vẫn tìm mọi cách để trung thành với bản văn nguyên thủy và làm cho bản văn trở nên dễ hiểu đối với mọi người, bằng cách dùng những lời lẽ và hình thức của tiếng nói hằng ngày của người dân.

Trong phần kết thúc diễn văn, ÐTC cầu xin phúc lành dồi dào của Thiên Chúa xuống trên công việc quí báu của Ủy Ban và ngài cầu chúc bản dịch liên Giáo Hội của Thánh Kinh được phổ biến rộng rãi hơn nữa và ước gì Lời Chúa, luôn luôn được các người thời nay, nam cũng như nữ,  biết đến và đón nhận với tâm hồn thành thực và thực hiện trong đời sống.

Trong diễn văn chào mừng ÐTC, Ông chủ tịch Ủy Ban Châu Âu-Cận Ðông của Liên Hiệp Thánh Kinh chung, kể lại những thành quả đã thực hiện được trong 25 năm cộng tác giữa các Giáo Hội trong việc phiên dịch và phổ biến Thánh Kinh.

Trong 25 năm  qua, với 30 lần xuất bản, hơn 10 triệu bản Kinh Thánh  bằng tiếng Ý đã được phổ biến khắp nơi. Mới đây nhân ngày Thế giới Thánh niên thứ 15 tại Roma-Tor Vergata, hai triệu rưởi cuốn Phúc Âm Thánh Luca và một triệu Phúc Âm Thánh Marco  bằng nhiều tiếng khác nhau, đã được phân phát cho giới trẻ, do sáng kiến và sự ủng hộ của chính ÐTC.

Hiện nay Liên Hiệp Thánh Kinh chung, còn có 149 dự án về phiên dịch Liên Giáo Hội, trong đó có Giáo Hội Công Giáo. 149 dự án được phân chia như sau: 86 sẽ được thực hiện tại Châu Phi- 8 tại Châu Mỹ - 32 tại Châu Á và 23 tại Châu Âu và Cận Ðông.

Trong phần kết thúc diễn văn chào mừng ÐTC, ông chủ tịch Markku Kotila trưng lại lời Tông thư: "Novo Millennio ineunte" (Bước vào ngàn năm mới): "Không ai hồ nghi là điểm tối cao của sự thánh thiện và của việc cầu nguyện chỉ có thể quan niệm được bằng khởi sự từ việc trở lại lắng nghe Lời Chúa. Từ lúc Công đồng chung Vatican II nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Lời Chúa trong đời sống Giáo hội, chắc chắn đã có những bước tiến dài trong việc lắng nghe luôn luôn Lời Chúa và trong việc chú ý đọc Thánh Kinh" (số 39). Ông nói thêm: "Cuộc họp mặt của chúng ta hôm nay đây,  để mừng 25 năm của Bản dịch Liên Giáo hội của phần Tân Ước ra tiếng Ý, tiếng nói chung của người dân, chắc chắn là một thành quả của việc trở lại lắng nghe Lời Chúa nơi các Giáo hội và các cộng đồng Giáo hội"

Tư tưởng về cộng tác giữa các Giáo hội trong việc phiên dịch Thánh Kinh bắt đầu từ năm 1971 nơi các môi trường của Hội Thánh Kinh. Năm sau 1972, các Giáo hội Tin Lành tại Ý và HÐGM Ý (CEI: Conferenza Episcopale Italiana) đón nhận lời mời và chỉ định những chuyên viên, những học giả và những nhà ngữ học... để thực dự án. Năm 1976, nhờ công việc nhiệt thành của 30 chuyên viên, Bản dịch Tân Ước được giới thiệu lên Ðức Phaolô VI ngày 26 tháng 11 (cách đây đúng 25 năm), do Tổng thống Cộng hòa Ý, ông Giovanni Leone, và sau đó được phổ biến do Liên hiệp Thánh Kinh chung (Alleanza Bibblica Universale, Abu) và Ấn quán Elledici. Năm 1985, Bản dịch Toàn Bộ Thánh Kinh được hoàn tất.

Lần này, sau buổi tiếp kiến chung tại Vatican, các thành viên đã muốn đến Phủ Tổng thống, Ðiện Quirinale, để trình bày lên Tổng thống cộng hòa Ý, ông Carlo Arzeglio Ciampi và cũng để kính nhớ Cố Tổng thống Leone đã ủng hộ công việc của Ủy Ban. Cũng trong dịp kỷ niệm 25 năm cộng tác giữa các Giáo hội trong việc phiên dịch Thánh Kinh tại Ý, Ðức Cha Vincenzo Savio, giám mục Belluno-Feltre, Thư ký Ủy Ban của HÐGM Ý về Ðại kết, đã chủ tọa cuộc họp báo. Ngài gọi sự cộng tác trong việc phiên dịch Thánh Kinh là một công việc có giá trị cao cả về đại kết và về chứng tá của sự hiệp nhất nền tảng. Ngài nói: "Chúng tôi đã áp dụng một luật lệ nền tảng về đại kết: Không nên làm riêng rẽ cái có thể làm chung với nhau. Như vậy việc gặp gỡ với Thánh Kinh là một cuộc gặp gỡ dứt khoát để tiến đến việc hiệp nhất". Mục sư Valdo Bertalot thuộc Ủy Ban nhận xét như sau: "Sau biết bao thế kỷ về căng thẳng và có lúc bi đát nữa, các cộng đồng Kitô tại Ý đã gặp lại nhau để cùng nhau phiên dịch "Lời Chúa"  "Lời hòa bình" . Và đây cũng là sứ điệp gửi cho cả những ai muốn dùng tôn giáo để gây chiến tranh".

 


Back to Home Page