Những dấu hiệu cởi mở của Trung quốc
sau sứ điệp ÐTC gửi cho đại hội quốc tế
kỷ niệm 400 năm Cha Matteo Ricci
đến truyền giáo tại Trung quốc
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Những
dấu hiệu cởi mở của Trung quốc, sau sứ điệp ÐTC gửi
cho đại hội quốc tế
kỷ niệm 400 năm Cha Matteo Ricci đến truyền giáo tại Trung quốc.
Ngày
24 tháng 10/2001, nhân dịp mừng kỷ niệm 400
năm Cha Matteo Ricci, Dòng
Tên, nhà truyền giáo người Ý và nhà khoa học lỗi lạc, đến
tuyền giáo tại Trung quốc, ÐTC Gioan Phaolô II gửi một sứ điệp
cho các vị tham dự Ðại hội quốc tế, do Ðại Học Gregoriana
(Roma) tổ chức, trong sứ điệp ÐTC xin lỗi về những sai lầm
của con cái Giáo hội và ước mong tái lập lại những quan
hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh
và Cộng hòa nhân dân Trung quốc. Chính phủ Bắc Kinh đã có
những dấu hiệu cởi mở. Ngay sau khi sứ điệp được phổ
biến, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung quốc tuyên bố: Chính
phủ sẽ cứu xét cẩn thận sứ điệp này. Trái lại,
theo hãng thông tấn quốc tế Fides, các linh mục thuộc Giáo
hội hầm trú và nhiều nhà trí thức công giáo hết sức cảm
động về thái độ và những
lời xin lỗi khiêm tốn, thành thực của ÐTC biểu lộ trong sứ
điệp. Một linh mục trung thành
với Roma tuyên bố: "Khi nghe lời của ÐTC, tôi có một ước muốn mạnh
mẽ được quì gối trước mặt ngài, để cảm ơn ngài về sự
can đảm và tình yêu thương đối với Trung quốc, cách riêng
đối với Giáo hội công giáo tại đây.
Chúng tôi các người công giáo không sợ sự thật lịch
sử và cũng không sợ công nhận những sai lầm của mình".
Sau Ðại
hội quốc tế ở Roma, tại Ðại học Công giáo Milano, Giáo sư
Agostino Giovagnoli, chuyên về sử học hiện đại, tổ chức một
cuộc gặp gỡ để thảo luận về đề tài: "Giáo hội công
giáo và Trung quốc: gia tài của quá khứ và những vấn đề
hiện tại". Tham dự cuộc gặp gỡ này có Giáo sư Ren Yan Li,
nhà sử học Trung quốc, một
trong số rất ít người tại Trung quốc chuyên về "Kitô
giáo". Giáo sư là người được Chính phủ Bắc kinh tôn
trọng và tham khảo về vấn đề Kitô giáo, mỗi khi cần đến.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Avvenire số ra ngày 31 tháng 10/2001, Giáo sư Ren Yan-Li tuyên bố:
"Giáo hội công giáo và Trung quốc", đây là một đề tài
rất quan trọng và mang một ý nghĩa đặc biệt, sau "lời xin
lỗi" của Ðức Gioan Phaolô II đã biểu lộ trong sứ điệp vừa
qua gửi cho đại hội quốc tế do Ðại học Gregoriana tổ chức,
để kỷ niệm 400 năm nhà truyền giáo Dòng Tên Matteo Ricci đến
Trung quốc. Chính phủ Trung quốc sẽ đón nhận cách tích cực
đề nghị về đối thoại của Vatican".
Dấu
hiệu tích cực hơn cả về việc cởi mở sau sứ điệp của
ÐTC là Ngày mồng 02 tháng 11/2001, một nhà truyền giáo ngoại
quốc được vào Trung quốc. Ðó là Thầy Thadu Kang, người Ðại Hàn, thuộc
Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa, cũng thường được gọi là "Fatebenefratelli",
chuyên về Bệnh viện. Thầy có nhiệm vụ mở một trung tâm Y
tế để chữa những người mắc chứng bệnh "ung thư", cách
riêng các bệnh nhân nghèo túng tại Thành phố Yanji, trong Tỉnh
Jinin.
Theo giáo
sư Li, bác sĩ đã mời các Fatebenefratelli đến Trung quốc (dĩ
nhiên có phép của Chính phủ), thì mỗi năm có khoảng 3 ngàn
người bị chứng bệnh ung thư trong thành phố Yangji, trong số này
có độ một ngàn người nghèo khó không có phương tiện để
chữa chứng bệnh này. Ðể giúp đỡ những người nghèo túng
này, Bác sĩ Li đã xin các Tu sĩ Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa
khởi sự công việc thành lập trung tâm Y tế tại Yanji. Tháng
12/2001 này sẽ có Thầy Brendan Flahive, người Ái nhĩ lan, đến
cộng tác với Thầy Kang và
vào đầu năm 2002, ba Thầy khác nữa: một Ðại Hàn và hai
Việt nam, đến Yanji. Các Thầy này được trao trách nhiệm huấn
luyện nhân sự người Trung quốc.
Trong sứ
điệp gửi cho Ðại hội quốc tế mừng kỷ niệm 400 năm Cha
Matteo Ricci đến truyền giáo tại Trung quốc, ÐTC Gioan Phaolô II
đã gây ngạc nhiên nhiều người, cách riêng Nhà Cầm quyền
Trung quốc, vì trong sứ điệp ngài biểu lộ ý muốn được
thấy tái lập nhanh chóng hết sức các con đường thông thương
và cộng tác giữa Tòa Thánh và Cộng hòa nhân dân Trung quốc.
Và để tái lập mối quan hệ này, ngài
đã không ngần ngại xin "tha thứ", bởi vì có những
thành viên con cái Giáo hội đã có những hành động, nhiều
lúc không tránh khỏi những sai lầm tại Trung quốc. Trong sứ
điệp ÐTC nhấn mạnh đến sự cần thiết mở lại với Bắc
Kinh, những quan hệ đã bị gián đoạn từ 50 năm nay. Ngài viết
cách rất rõ ràng rằng: "Giáo hội không xin Trung quốc và
Nhà Cầm quyền chính trị nước này
một đặc ân nào cả, nhưng chỉ ước mong được đối
thoại, để tái lập những quan hệ trong sự tôn trọng và sự
hiểu biết sâu xa giữa hai bên".
Trong bối cảnh này, việc một nhà truyền giáo (ngoại quốc)
được đến Trung quốc hoạt động, tạo nên lý do chính đáng
về một hy vọng lớn lao trong tương lai.
Việc
Thầy Kang, người Ðại Hàn, được trao trách nhiệm tổ chức
trung tâm Y tế tại Yanji, là kết quả của những tiếp xúc giữa
Dòng Fatebenefratelli và bác sĩ Li từ hai năm nay. Lần thứ
nhất Bác sĩ gặp Thầy Brendan Flahive, một Y tá lành nghề, tại
một Hội nghị chuyên về việc chữa các chứng bệnh ung thư,
được tổ chức tại Nam Hàn, nơi Thầy đã hoạt động tông
đồ từ 41 năm nay. Bác sĩ Li là người trách nhiệm về chín
bệnh viện trong tỉnh Jinin, trong số này có một trung tâm chữa
chứng ung thư tại Yanji. Trong những ngày Hội nghị Bác sĩ đã
viếng thăm Bệnh viện của các Fatebenefratelli tại Thành phố
Kwangiu, chuyên chữa những người mắc chứng ung thư nặng. Bác
sĩ hết sức cảm phục việc
tổ chức, điều hành và tính cách chuyên nghiệp, đến độ
xin các Tu sĩ công giáo này đến mở bệnh viện như vậy tại
Trung quốc.
Sau những năm chuẩn bị, công việc trong lúc này được khởi sự và khởi sự vào chính lúc ÐTC đề nghị tái lập các quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Trung quốc. Một sự trùng hợp lạ lùng, mang ý nghĩa sâu xa về một hy vọng mới. Một quốc gia theo chế độ Cộng sản cho phép các Tu sĩ công giáo ngoại quốc đến hoạt động trong nước, chắc chắn báo hiệu một hy vọng về cởi mở của Nhà Cầm quyền Trung quốc. Tại Yanji, các Tu sĩ Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa không được có những hoạt động tôn giáo công khai, nhưng các Thầy có thể cầu nguyện trong cộng đồng của mình. Ngoài ra, các Thầy còn được phép cầu nguyện cho bệnh nhân và cầu nguyện với các bệnh nhân và các người trong gia đình của họ, miễn là họ yêu cầu rõ ràng.