Chân phước mới Pavol Peter Gojdic

Vị chủ chăn gương mẫu của thời đại mới

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Chân phước mới Pavol Peter Gojdic, Vị chủ chăn gương mẫu của thời đại mới.

Chúa nhật 04/11/2001, tại Quảng trường Thánh Phêrô, lúc 10 giờ, trước khoảng 50 ngàn tín hữu hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới, ÐTC chủ tế Thánh lễ Phong Chân phước cho tám Vị Ðầy tớ Chúa, trong số này có ba Giám mục:

(1) Ðức Cha Pavol Peter Gojdic, tử đạo, người Slovak, chết rũ tù năm 1960, thời cộng sản cầm quyền Tiệp khắc;

(2) Ðức Cha Bartolomeu Fernandes Dos Martires, người Bồ đào nha, qua đời năm 1590;

(3) Ðức Cha Giovanni Antonio  Farina, người Ý, sáng lập Dòng các Nữ tu Dorotorea, qua đời năm 1888;

Ba linh mục:

(1) Linh Mục Metod Dominik Trcka, người Tchèque, tử đạo năm 1959, thời chế độ cộng sản cai trị Tiệp khắc;

(2) Linh Mục Luigi Tezza, người Ý, sáng lập Dòng Nữ Tử Thánh Camillo (chuyên về bệnh viện), qua đời năm 1923;

(3) Linh Mục Paolo Manna, cũng người Ý, thuộc Hội truyền giáo ngoại quốc của Ý (PIME: Pontificio Istituto Missioni Estere) trụ sở chính ở Milano, truyền giáo trong nhiều năm tại miền nam Miến điện, qua đời năm 1952;

Hai Nữ Tu:

(1) Nữ Tu Gaetana Sterni, sáng lập Dòng Nữ của Thánh Ý Chúa, người Ý, qua đời năm 1889;

(2) Nữ Tu Maria Pilar Esquierdo Albero, đồng trinh, người Tây ban nha, sáng lập Hội truyền giáo Chúa Giêsu và Ðức  Maria, qua đời năm 1945.

Ðứng đầu danh sách tám Chân phước mới là Ðức Giám mục Pavol Peter Gojdic, tử đạo. Vị chủ chăn tử đạo này, theo gương Chúa Giêsu Chủ chăn nhân lành, đã hy sinh mạng sống để trung thành với Ðức tin và với Vị Kế nghiệp Thánh Phêrô, chủ chăn Giáo hội hoàn cầu. Hình ảnh của Chân phước xuất hiện ngay sau Khóa họp của THÐGM về đề tài: "Giám mục người phục vụ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô cho niềm hy vọng của của thế giới".

Trong bài nói chuyện hôm nay, chúng tôi xin trình bày hình ảnh của Vị chủ chăn gương mẫu này, để giúp các vị chủ chăn của Giáo trong bất cứ thời đại nào, cách riêng trong Ngàn năm mới này, trở nên những vị chủ chăn đích thực luôn luôn sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đoàn chiên đã được phú thác cho các ngài, theo gương Chúa Giêsu Ðấng đã nói: "Ta là Chủ chăn nhân lành.Ta biết các chiên của Ta và các chiên của Ta biết Ta. Ta sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đàn chiên của Ta".

Trong bài giảng thánh lễ bế mạc Khóa họp THÐGM vừa qua  ngày 27 tháng 10/2001, ÐTC đã nhắc đến  các Giám mục thánh thiện trong thế kỷ vừa qua, trong số này có nhiều vị giám mục tử đạo. ÐTC cũng nhắc tới tám vị Giám mục đã hy sinh mạng sống tại Việt Nam và được ngài tôn phong lên Bậc Hiển Thánh ngày 19/06/1988 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Chân phước Pavol Peter Gojdic được tôn phong lên danh dự bàn thờ Chúa nhật  mùng vừa 4 tháng 11/2001, là một trong các vị chủ chăn đã hy sinh mạng sống, như Chúa Giêsu, như nhiều vị giám mục thánh thiện khác, trong thời kỳ bách hại dưới chế độ cộng sản cầm quyền tại Tiệp khắc. Cuộc tử đạo của ngài giống hệt cuộc tử đạo của Chân phước Giám Mục Aloisius Stepinac, TGM giáo phận Zagreb, tử đạo thời Thống chế Titô thống trị Yougoslavie, và được ÐTC Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc Chân phước tháng 10 năm 1998.

Pavol Peter Gojdic sinh ngày 17.7.1888 tại Slovak, trong một gia đình của linh mục Stefan Gojdic, thuộc Giáo hội công giáo Ðông phương. Trong thời kỳ học tại chủng viện, cha linh hướng đã nói một câu làm cho Gojdic suy nghĩ rất nhiều và nhận như châm ngôn hướng dẫn tất cả đời sống: "Con nhớ:  đời sống không phải khó khăn gì, nhưng cần sống rất nghiêm chỉnh". Thụ phong linh mục ngày 11.8.1911 tại Presov và được cử đi làm cha phó của cha ngài trong thời gian vắn. ---(Cũng nên nhắc lại: trong Giáo hội Ðông phương, linh mục không buộc giữ luật độc thân, chỉ buộc các Giám mục mà thôi; nhưng linh mục phải lập gia đình trước khi lãnh chức linh mục. Sau khi người bạn đã chết, không được phép tái giá)---. Vì thế, chúng ta thấy:  trong trường hợp này, cha Pavol Peter được sai đi làm phó  cho cha mình, lúc đó đang làm chánh xứ.

Sau một năm giúp thân phụ, cha Pavol Peter được bổ nhiệm làm giám đốc một Cư xá của Giáo phận, đồng thời dạy giáo lý tại trường trung học đệ nhị cấp. Sau đó cha được gọi về làm việc tại Tòa Giám mục, kiêm cả việc coi sóc các tín hữu tại Sabinox, như một cha phó. Năm 1919, cha được bổ nhiệm làm giám đốc văn phòng Tòa Giám mục.

Nhưng đột nhiên, ngày 20 tháng 7 năm 1922, cha xin vào tu dòng Thánh Basilio Cả ở Cernecia Hora, gần Mukacev. Cha được mặc áo dòng ngày 27 tháng Giêng năm 1923, nhận tên Dòng là Pavol. Lựa chọn con đường này, Cha muốn sống đời khổ tu và như vậy được hoàn toàn thuộc về Chúa.  Nhưng Chúa muốn thể khác: Cha phải phục vụ Chúa trong thừa tác vụ Giám mục. Ngày 14 tháng 9 năm 1926, Cha được bổ nhiệm làm Giám quản Tông Tòa giáo phận Presov. Trong lễ nghi nhận chức, Ðức Giám quản thông báo chương trình  tông đồ bằng lời lẽ sau đây: "Với sự giúp đỡ của Thiên Chúa tôi muốn trở nên một người cha của các người mồ côi, sự giúp đỡ của các người nghèo nàn và người an ủi những ai đau khổ".

Hành động đầu tiên của Vị Giám quản mới là ký bức thư mục vụ nhân diïp mừng kỷ niệm 1,100 năm sinh nhật hai Thánh  Cirillo và Metodio, Tông đồ dân tộc Slave, để tuyên xưng lòng trung thành với Roma, như các ngài.

Chỉ sau ít tháng, ngày 7 tháng 3 năm 1927, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục tước hiệu Harpas (thuộc miền Tiểu Á). Lễ tấn phong được cử hành ngày 25 tháng 3 cũng năm 1927, dịp Lễ Truyền Tin, trong Ðền thờ Thánh Clemente thứ nhất Giáo Hoàng, vị tử đạo ở  trung tâm Roma, nơi đây kính cách riêng hai Thánh Tông đồ dân tộc Slave. Sau lễ tấn phong, Ðức Tân Giám mục kính viếng Ðền thờ Vatican và cầu nguyện bên mộ Thánh Tông đồ  Phêrô. Ngày 29 tháng 3 cũng năm 1927, cùng với Ðức Giám mục Nyaradi, ngài được ÐTC Pio XI (1922-1939) tiếp kiến riêng. Trao tặng vị Giám mục mới một Thánh giá, ÐTC Piô XI lúc đó đã nói với ngài như sau: "Thánh giá này chỉ là biểu hiệu nhỏ bé của những thánh giá lớn lao Thiên Chúa sẽ gửi  đến cho con, hỡi con thân mến, trong thừa tác vụ giám mục của con". Phải chăng đây là lời tiên tri báo trước cuộc đời tử đạo của Ðức Cha Gojdic?

Ðể thi hành Thừa tác vụ của vị chủ chăn nhân lành, Ðức Cha Pavol Peter Gojdic nhận khẩu hiệu: "Thiên Chúa là Tình yêu, chúng ta hãy yêu mến Người". Là Giám mục, ngài dấn thân cổ võ đời sống thiêng liêng của các Linh mục và các tín hữu trong giáo phận. Ngài quan tâm cách riêng đến việc cử hành Phụng vụ và các Lễ trọng của Giáo hội. Ngài lập thêm nhiều giáo xứ và năng viếng thăm. Ngài xây cất một viện mồ côi và trao cho các nữ tu Ðầy tớ Ðức Maria vô nhiệm coi sóc. Ngài chú ý nhiều đến việc mở các trường công giáo để huấn luyện giới trẻ. Năm 1936, ngài lập Trường trung học tại Presov. Ngài tìm mọi phương thế để phổ biến nền văn hóa Kitô. Ngài thiết lập các chủng viện , cư xá sinh viên.

Một dấu hiệu đặc sắc của Ðức Cha Pavol Peter Gojdic là lòng sùng kính Thánh Thể, luôn luôn tăng cường sức thiêng liêng bằng Thánh Thể, được giữ đêm ngày trong nhà nguyện của tòa Giám mục. Ngài có lòng sùng kính cách riêng Thánh Tâm Chúa. Khi còn học tại chủng viện Budapest (thủ đô Hungari) ngài đã hiến dâng mình cho Trái Tim Chúa. Mỗi sáng khi thức dậy, ngài cầu nguyện: "Tất cả các lời cầu nguyện, các hy sinh và thánh giá lớn nhỏ con xin dâng lên Chúa để đền tội của tất cả thế giới". Ngài kính mến cách riêng  Ðức Trinh Nữ Maria và giữ trong nhà nguyện của Tòa Giám mục một bức ảnh Ðức Trinh Nữ Kolkocov và cầu nguyện mọi ngày trước ảnh này, phú thác cho Mẹ Thiên Chúa tất cả Giáo phận.

Công việc tông đồ của Ðức Giám mục bị gián đoạn bởi chiến tranh (đệ nhị thế chiến 1939-1945) và sau đó, bởi việc đảng cộng sản lên nắm chính quyền năm 1948 tại Tiệp khắc (lúc đó hai nước: Tchèque và Slovak  hợp thành một). Ý thức hệ cộng sản báo hiệu một cuộc chiến đấu quyết liệt đang chờ đợi Vị chủ chăn can đảm này. Ngài cương quyết từ chối đề nghị của chế độ về việc sáp nhập Giáo hội Hy lạp công giáo vào Giáo hội chính thống, được Nhà nước ủng hộ. Ngài biết trước rằng: với việc từ chối này ngài sẽ bị tra tấn, giam tù và hy sinh cả mạng sống nữa. Ðúng như vậy, Ðức Giám mục dần dần bị cô lập khỏi hàng giáo sĩ và giáo dân. Dù bị áp lực mạnh mẽ từ chối đức tin công giáo và đoạn tuyệt hiệp nhất với Roma, ngài chỉ thưa như sau: "Tôi đã 62 tuổi rồi và tôi đã hy sinh mọi của cải và cả tòa giám mục nữa, nhưng đức tin của tôi, bất cứ cách nào, tôi không bao giờ từ bỏ, bởi vì tôi muốn rằng: linh hồn tôi được cứu rỗi. Tôi xin các ông đừng bao giờ đến tìm tôi nữa. Tôi sẽ không bao giờ thay đổi lập trường".

Ngày 25 tháng 4 năm 1950, Nhà nước cộng sản tuyên bố: Giáo hội Hy lạp công giáo ngoài luật pháp, cấm mọi hoạt động. Ðức Giám mục bị bắt giam. Và từ đó bắt đầu con đường Thánh giá, bằng việc chuyển từ nhà giam này qua nhà tù khác trong nước,  cho tới lúc ngài chết rũ tù.

Trong hai ngày 11 và 15 tháng Giêng năm 1951, trong vụ xử  các Giám mục, Ðức Cha Pavol Peter Gojdic bị án chung thân và nộp phạt 200 ngàn "tiền mặt ", mất mọi quyền công dân, vì tội phản bội Nhà Nước. Trong những năm bị giam hết nhà tù này sang nhà tù khác, Ðức Cha bị tra tấn, bị xỉ nhục và đau khổ tinh thần , bị bắt làm những việc nặng nhọc và hèn hạ. Nhưng không bao giờ ngài than phiền hay xin nài một sự dễ dàng nào. Ngài lợi dụng mọi giây phút để cầu nguyện. Ngài dâng thánh lễ lén lút. Năm 1953, Chủ tịch Nhà nước ơng Zapotocky tuyên bố ân xá. Nhờ ân xá này,  án tù chung thân của Ðức Cha được giảm xuống 25 năm. Lúc đó ngài đã 66 tuổi và sức khỏe mỗi ngày mỗi tồi tệ hơn. Ngài chỉ được ra khỏi tù với điều kiện: từ bỏ lòng trung thành với Giáo hội và với Roma. Ngài thuật lại: Một ngày kia, có viên chức cấp cao Nhà Nước tiếp ngài trong một căn phòng nhỏ, kế bên nhà giam, thông báo cho ngài hay: ngài được trở lại tòa giám mục tức khắc, nếu sẵn sàng trở nên vị Giáo chủ của Giáo hội chính thống trong toàn Tiệp khắc. Ngài từ chối, xin lỗi viên chức và giải thích: "Ðây là một tội rất nặng chống lại Thiên Chúa, một sự phản bội với ÐTC và với lương tâm, với các tín hữu, nhiều người trong số này đã bị bách hại và đã hy sinh mạng sống, để trung thành với Ðức tin". Trong cơn thử thách ngài chỉ biết phú thác theo thánh ý Chúa, như lời ngài nói lên: "Tôi không biết phải đổi phúc tử đạo với cuộc sống tự do trong một vài năm hay không. Nhưng tôi xin hoàn toàn để Chúa quyết định".

Nhân dịp sinh nhật 70 tuổi, Ðức Cha Gojdic nhận được một điện tín của Ðức Pio XII (1939-1958), trong đó ÐTC viết: "Không hề quên người con anh hùng này trong lời cầu nguyện hằng ngày". Ðây là một ngày vui mừng và an ủi nhất trong lúc bị giam tù. Ước mong duy nhất của Ðức Giám mục là được lãnh các bí tích trước khi chết và được chết trong ngày sinh nhật. Cả hai ước muốn đã được thỏa mãn. Trong một phòng nhỏ của bệnh viện kế nhà giam Leopodov, nơi Ðức Giám mục được điều trị trong những ngày cuối cùng, có cha Alojz Vrana đến giải tội cho ngài. Chén  đắng của ngài đã đầy tràn. Y tá Frantisek Ondruska, chứng nhân duy nhất, bạn tù với ngài, tuyên bố:  "Ðức Giám mục đã tắt thở đúng ngày 17 tháng 7 năm 1960, trùng ngày sinh nhật của ngài: 17 tháng 7 năm 1888, vữa chẵn 72 tuổi. Ngài bị chết vì nhiều chứng bệnh, gây nên bởi những tra tấn tàn bạo, và bởi việc làm nặng nhọc, bởi thiếu ăn, thiếu thuốc. Ðức Cha Gojdic được chôn cất tại đất thánh của nhà tù, không một nghi lễ nào cả, trong một mộ không ghi tên, mà chỉ ghi số 681.

Năm 1968, tình hình chính trị thay đổi, sau nhiều lời yêu cầu, ngày 29 tháng 10 năm 1968, Nhà nước cộng sản cho phép đem thi hài của Ðức Cha Gojdic về an táng tại Presov và sau đó, được đem về trong hầm nhà thờ chính Tòa của Presov, kính Thánh Gioan Tẩy giả. Ngày 15 tháng 5 năm 1990, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, thi hài được đặt trong một hòm kính và được giữ trong nhà nguyện của nhà thờ chính tòa Presov. Ngày 27 tháng 9 cũng năm 1990, Nhà nước Slovak phục hồi Ðức Cha Gojdic và trao tặng Huy chương cao nhất  của Quốc gia để kính nhớ vị anh hùng của dân tộc. Trong chuyến viếng thăm lịch sử tại Slovak cuối tháng 6 năm 1995, ÐTC Gioan Phaolô II đã quì cầu nguyện bên mộ Vị chủ chăn can đảm và trung thành này. Và Chúa nhật  mùng  4 tháng 11, năm 2001,  chính ÐTC tôn phong Ðầy Tớ Chúa Pavol Peter Gojdic, giám mục tử đạo, lên Bậc Chân phước, với sự tham dự của Phái đoàn chính phủ Slovak, do Tổng thống cầm đầu.

 


Back to Home Page