Hội Nghị các Hội Ðồng Giám Mục Châu Phi

tại đảo Mauritius

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Hội Nghị các Hội Ðồng Giám Mục Châu Phi tại đảo Mauritius.

Hội nghị các HÐGM Châu phi, gồm các quốc gia của Lục địa và  đảo Madagascar (--- được gọi tắt là Scecam hay Secam: Symposium des Conférences Eùpiscopales d' Afrique et Madagasacr/ Symposium Episcopal Conferences Africa-Madagasacar ---), là một tổ chức được thành lập từ nhiều năm, hoạt động mạnh mẽ và có một tiếng nói uy tín trước dân chúng và chính quyền. Nhưng các Giám mục nhận thấy cần phải được biến đổi thành một cơ quan, thực sự là  "phát ngôn viên " của Hàng Giám mục Châu phi, về các vấn đề "thời điểm khẩn cấp ", có khả năng hành động và phản ứng  trong những lúc xẩy đến cơn khủng hoảng tại các nước trong Lục địa. Vì thế, Hội đồng thường vụ được triệu tập từ ngày thứ hai 12.11.2001, tại đảo Mauritius để thảo luận về vấn đề được nêu lên. Công việc của Hội đồng thường vụ được kết thúc  vào ngày 19 tháng 11/2001.

Thực ra, tiến trình cải cách đã được khởi sự từ lâu, do những đòi hỏi của việc canh tân, trở nên mỗi ngày mỗi khẩn cấp hơn. Trong những ngày họp, Hội đồng thường vụ  thảo luận về "Instrumentum laboris " (văn kiện làm việc) để đi đến việc cải cách thực sự Hội nghị (Symposium) các HÐGM Châu phi.

Theo chương trình,  có việc biến đổi Hội nghị (Symposium) thành một cơ quan thực sự đại diện, bằng việc thiết lập một Tổng Văn Phòng;  bên cạnh Vị Tổng Thư ký, sẽ có ba vị phó Tổng thư ký đại diện cho ba tiếng nói chính tại Châu Phi: Anh, Pháp, Bồ đào nha.

Ngoài ra, còn cần xúc tiến sự hoạt động của vài cơ quan, như Ủy Ban Thần học và Trung Tâm Thánh Kinh tại Nairobi (thủ đô Kenya): Công việc của Ủy ban và Trung tâm này phải được coi như có giá trị cho toàn Lục địa. Hơn nữa, Hội đồng cũng đưa ra đề nghị này là  trong những trường hợp khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội, có thể gửi  một phái đoàn đến Quốc gia hay các Quốc gia liên lụy, để ấn định giới hạn và thể thức của một việc cứu trợ có thể làm được.

Việc cải cách được loan báo là một biến đổi sâu xa. Trước tình hình hiện nay của Châu phi, bị đè bẹp bởi chiến tranh, bởi cảnh nghèo khổ, bởi bệnh tật và kém phát triển, cần đến những tố giác và công việc khẩn cấp về thăng tiến con người về phía Giáo hội. Hai khía cạnh này (tố giác và thăng tiến con người) trong lúc này hơn lúc nào hết không thể tách lìa nhau được, như đã nói rõ trong văn kiện được công bố 6 tháng 11/2001, sau Khóa họp khoáng đại của Symposium, diễn ra trung tuần tháng 10/2001 tại Ghana.

Văn kiện quan trọng này đã do Ðức Cha Laurent Pasinya, TGM giáo phận Kisangani (Cộng hòa dân chủ Congo-ex Zaire), chủ tịch Secam/Sceam, và Vị Tổng thứ ký Peter Lwaminda cùng  ký. Ðây là một bản phân tích-tố giác, được nghiên cứu cẩn thận và đầy đủ tài liệu về tình hình hiện nay tại Châu phi, trong đó phát xuất một vai trò mới mà Giáo hội phải lãnh nhận. Trong hơn 100 khoản và 30 trang của Văn kiện, tình hình Châu phi hoàn toàn được thấy rõ trước mắt như một tấm hình chụp. Văn kiện nêu lên những lý do nội bộ và những lý do quốc tế, gây nên những cản trở cho việc phát triển Lục địa Châu Phi. Trong các trang đầu, các Giám mục nói đến sự thiếu sót và khác biệt về kinh tế, hiện còn ở trong thời kỳ thuộc địa và do bên ngoài điều hành, nghĩa là "sống trong những hoàn cảnh, trong đó chúng tôi tiếp tục sản xuất cái chúng tôi không tiêu thụ và chúng tôi tiêu thụ cái chúng tôi không sản xuất", qua việc nhập cảng những đường lối  chính trị phát triển không xứng hợp, được ghi dấu  bởi kế hoạch luôn luôn lệ thuộc". Trong các lý do bên ngoài, đường lối chính trị của các Quốc gia giầu có "không trả đúng giá cho những nguyên liệu của các nước nghèo" và "món nợ ngoại quốc: đây là vấn đề công bình và bác ái, trước khi là vấn đề luân lý".

Nói tóm lại, đường lối chính trị quốc tế và "hòa bình do thế gian ban cho"  dựa trên những vũ khí và trên nguyên tắc "do ut des" (có đi có lại). Cả hai đường lối này không giúp gì cho việc phát triển đích thực. Thêm vào hai đường lối này, cần phải nói đến sự kiện này là nhiều nước không có "căn cước quốc gia" thực sự và vững chắc; và giai cấp lãnh đạo chính trị không có khả năng, không nghĩ đến "công ích", mà chỉ quan tâm đến giữ vững quyền bính và những ích lợi riêng mình, gia đình, bè phái.

Trong bản phân tích chi tiết về tình hình Châu phi, phát xuất một vai trò mới, mà Giáo hội phải lãnh nhận và thi hành, trước hết bằng việc cải cách Hội Ðồng Các Giám Mục PhiChâu (Sceam/Seam). Giáo hội phải nghiên cứu, suy tư về  những căn cớ gây nên chiến tranh tại Lục địa Châu Phi; Giáo hội phải giáo dục người dân, để đi đến những giá trị của tinh thần ái quốc thực; Giáo hội phải cổ võ tình liên đới, phải giúp đỡ để xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh; Giáo hội phải chiến đấu chống nạn tham nhũng, những bất công trong việc không trừng phạt những người vi phạm luật pháp.

Văn kiện còn nhấn mạnh đến quan niệm về Giáo hội-gia đình của Thiên Chúa (theo Tông huấn  Hậu-THÐ về Châu phi năm 1994, "Giáo Hội tạiChâu Phi"  (Ecclesia in Africa).  Quan niệm này phải được phổ biến và thực hiện trên mọi cấp bậc, bắt đầu từ các giáo xứ đến các Giáo phận, cách riêng tại các quốc gia gồm nhiều chủng tộc, bộ lạc, ngôn ngữ  khác nhau, nhiều lúc là căn cớ gây những tranh chấp và nội chiến đẫm máu. Giáo hội phải giáo huấn các tín hữu về vai trò mới và trách nhiệm của người giáo dân trong các hoạt động trần thế, để họ cùng với Giáo hội đem lại cho Châu phi một niềm hy vọng mới.

 


Back to Home Page