ÐTC tiếp chung các Giám mục Thái Lan
đến Roma viếng Tòa Thánh (Ad Limina)
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
ÐTC tiếp chung
các Giám mục Thái Lan đến Roma viếng
Tòa Thánh (Ad Limina).
Sáng thứ sáu
16/11/2001, sau thánh lễ đồng tế tại Nhà nguyện riêng của
ngài, ÐTC tiếp chung các Giám mục Thái Lan, do ÐHY Kitbunchu, TGM
Bangkok, hướng dẫn đến Roma viếng thăm Tòa Thánh và tường
trình về tình hình của các Giáo hội địa phương.
Mở đầu bài
diễn văn, ÐTC chào thăm cách rất thân mật các Vị chủ chăn
Giáo hội nhỏ bé tại Thái
Lan và qua các ngài, chào thăm các Linh mục, Tu sĩ nam nữ và
anh chị em giáo dân, nhất là những ai dấn thân làm tông đồ
và truyền giáo, dưới quyền hướng dẫn của các vị chủ chăn.
ÐTC khuyến khích mọi người trung thành với Ðức tin và vững
mạnh trong Ðức mến.
ÐTC giải thích
ý nghĩa cuộc gặp gỡ giữa ngài và các vị chủ chăn Giáo
hội công giáo tại Thái Lan như "là
dấu hiệu của sự hiệp thông tâm hồn, liên kết quý
Ðức Cha với vị Kế Nghiệp Phêrô trong Tông đồ đoàn".
Sau
đó ÐTC nêu một số vấn đề để cùng suy tư:
Trước hết,
Năm Toàn xá mừng kỷ niệm 2000 năm Chúa Giáng sinh. Năm này
đã đem lại biết bao ơn ích thiêng liêng cho các linh hồn trên
thế giới, cũng như tại Thái Lan.
Biết bao tín hữu Kitô đã dược lãnh nhận tình yêu thương
xót của Thiên Chúa. Giờ đây, chúng ta có trách nhiệm
nghĩ đến tương lai và hưởng lấy hiệu quả của ơn thánh
đã lãnh nhận "bằng cách phác họa chương trình cụ thể về
canh tân mục vụ, để có thể thỏa mãn những nhu cầu của
Giáo hội trong lúc bước vào
Ngàn Năm mới".
Cũng như trong
diễn văn đọc cho các Giám mục Malaysia, Singapor và Brunei tuần
trước đây, ÐTC nhắc đến Khóa họp thường lệ thứ 10 của
THÐGM. Khóa họp này đã tập trung sự chú ý vào "hình ảnh
của vị Giám mục như người của Thiên Chúa, lo lắng trước
hết đến sự thánh thiện riêng mình và sự thánh thiện của
Dân Chúa". ÐTC nói: "Các Nghị phụ đã nhiều lần nhấn mạnh
rằng: Giám mục phải là người cầu nguyện và lớn mạnh
thêm mãi trong ơn thánh, nhờ các Bí tích, phải là người có
một đời sống gương mẫu, tận hiến cho việc giảng dạy, việc
thánh hóa và hướng dẫn phần của đoàn chiên, được
Thiên Chúa phú thác cho sự lo lắng mục vụ của mình.
Hôm nay đây, tôi muốn khuyến khích quý Ðức Cha đặt hết tín
nhiệm vào Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã gọi và đã thánh hiến
các Ðức Cha cho công việc này.
Ðức Gioan
Phaolô II nói đến dấn thân truyền giáo tại Thái Lan và tại
Châu Á. "Dấn thân và hy sinh của biết bao nhà truyền giáo
ngoại quốc đã góp công rất nhiều vào việc phát triển
Giáo hội tại Châu Á và gương sáng, lòng nhiệt thành của
các ngài phải được noi theo với
tâm tình biết ơn. Nhưng, ngày nay, điều cần là trước hết
chính các người Châu Á thực hiện những cố gắng về truyền
giáo. Công việc khẩn cấp của rao giảng Tin Mừng tại Quê hương
các Ðức Cha tùy thuộc vào chứng tá đời sống có sức
thuyết phục, tùy thuộc vào dấn thân lo lắng và vào việc xử
dụng mọi nghị lực mới từ phía các tín hữu công giáo Thái
Lan". ÐTC ca ngợi "Hội truyền giáo Thái Lan, được thành
lập trong những năm vừa qua và ngài khuyến khích các vị chủ
chăn Thái Lan nâng đỡ công việc quan trọng và hữu ích này,
bởi vì "chính trong lúc ban cho người khác, thì chính các
Ðức Cha cũng sẽ nhận được nơi Chúa
điều mình cần đến".
Nói đến việc
rao giảng Tin Mừng, ÐTC nhấn mạnh đến việc phải làm cho người
dân có một sự nhận biết đích thực và có hệ thống về
"Con Người và Sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô, một sự hiểu
biết sâu xa để có thể truyền thông cho người khác sứ điệp
cứu rỗi của Tin Mừng. Là Thầy dạy Ðức Tin trong giáo phận,
bổn phận của các Ðức Cha là làm cho sứ điệp của Tin Mừng
dễ đến và dễ hiểu đối với người dân và làm cách nào
để họ có thể trả lời
cho những câu hỏi do xã hội ngày nay nêu lên".
Một phương thế
hiệu nghiệm của việc rao giảng Tin Mừng tại Thái Lan là các
trường công giáo trên nhiều cấp bậc khác nhau, góp công lớn
vào đời sống Giáo hội và xã hội. Bổn phận của học
đường không phải chỉ thông truyền sự
hiểu biết và huấn luyện con người, nhưng điều quan trọng là
phải thông truyền một cái nhìn theo các giá trị Tin Mừng, để
giới trẻ được lớn lên trong tự do đích thực và trong
khôn ngoan. Xã hội ngày nay cần đến các trường công giáo
để đem đến một nền giáo dục vững chắc về luân lý và
giúp đỡ giới trẻ lãnh nhận được những nhân đức và
khả năng cần thiết cho việc phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
Cần phải liên lụy giới trẻ vào những hình thức phục vụ
và vào phong trào tự nguyện để có thể chu toàn cách tích
cực hơn sứ mệnh của Giáo hội và để học biết góp công
vào việc canh tân xã hội.
ÐTC rất quan tâm
đến vấn đề gia đình tại Thái Lan cũng như tại các nơi khác.
Ngài nói: "Gia đình bị đe dọa do bởi nhiều hình thức của
thuyết duy vật và do những vi phạm được phổ biến khắp nơi
đến phẩm giá con người, như nạn phá thai, việc khai thác
dục tính người phụ nữ và trẻ em... Cần phải nỗ lực
liên lỉ trong cộng đồng của các Ðức Cha để dối phó với
những khó khăn này. Gia đình là nền tảng xã hội và là nơi
đầu tiên trong đó con người học biết những giá trị sẽ hướng
dẫn họ trong đời sống. Vì thế gia đình phải là một sự lo
lắng mục vụ ưu tiên của các Ðức Cha. Trong mỗi Giáo phận, mục vụ gia đình phải nhằm đến việc
bảo đảm điều này là cha mẹ và con cái nhận được sự
giúp đỡ để sống xứng đáng ơn gọi của mình, theo ý muốn
của Chúa Giêsu Kitô và các vợ chồng trong hôn phối hỗn
hợp cần được theo dõi để đức tin của họ không bị
sút kém và mất đi".
Ðức Gioan
Phaolô II khuyến khích các Giám mục Thái lan trong việc huấn
luyện người giáo dân để họ chu toàn sứ mệnh riêng biệt của mình
trong trật tự trần thế, trong mọi lãnh vực: văn hóa,
xã hội, kinh tế, chính trị.
Ngài nhấn mạnh
đến sự cần thiết của các giáo lý viên giáo dân và tu sĩ.
Theo ý của ÐTC, "vai trò của họ rất quan trọng trong Cộng đồng
dân Chúa của các Ðức Cha. Họ phải được tiếp tục chuẩn
bị để có thể chu toàn công việc tốt lành này" (x. 2 Tim 3,
16).
Ngoài các giáo
lý viên, các tu sĩ nam nữ , với đời sống riêng của họ,
có thể đem lại chứng tá hiệu nghiệm về tình yêu thương của
Thiên Chúa, và góp công ý nghĩa cho đời sống Giáo hội tại
Thái Lan, ÐTC còn nhắc đến việc cầu nguyện là một bí quyết
thành công của Kitô giáo trong mọi thời đại (x. Novo Millennio
ineunte, số 32). Vì thế ngài khuyến khích các vị chủ chăn Giáo
hội Thái lan cổ võ đời sống chiêm niệm. ÐTC nói: "Công
đồng Vatican II nhắc lại cho chúng ta rằng: những người sống
đời chiêm niệm làm cho Giáo hội tăng trưởng bằng "nguồn
mạch tuôn trào các ơn thiêng liêng" (Perfectae caritatis, số
7).
ÐTC cảm tạ
Chúa vì hiện nay Giáo hội Thái Lan có nhiều ơn kêu gọi. Ngài
nài xin các giám mục hãy lo lắng để các chủng sinh
được một nền giáo dục vững chắc về các khoa học
Giáo hội, một sự huấn luyện chu đáo về thiêng liêng, để
họ hiểu biết rõ ràng : thừa tác vụ sẽ lành nhận là một
"sự trở nên đồng hình ảnh với Chúa Giêsu Kitô",
không phải như những công chức thế gian.
Nói đến các
Linh mục, những người cộng tác trực tiếp của các Giám mục,
ÐTC nhấn mạnh đến "sự quan tâm huấn luyện và đến những
nhu cầu đời sống của các ngài. Giám mục phải tỏ ra mình
là người cha thực sự, người anh, người bạn hữu của các
người cộng tác của mình". Ðức Gioan Phaolô II nhắc lại lễ
phong Chân phước cho một linh mục tử đạo Thái Lan trong Năm
Thánh vừa qua. "ÐTC nói như sau: "Trong Năm Toàn xá, tôi
vui mừng được tôn phong một linh mục Thái Lan, Cha Nicolas
Bunkend Kit Bamrung, lên bậc Chân phước.Gương sáng của ngài
thúc đẩy các chủng sinh và linh mục hiểu rằng: Linh mục nghĩ
về mình như nghĩ đến một dụng cụ sống động của Chúa Kitô,
Linh mục Thượng phẩm và đời đời" (x. Presbyterorum ordinis,
số 12).
Về đối thoại
liên tôn, ÐTC nói: "Tại Thái Lan cũng như tại cả Châu Á,
vấn đề đối thoại liên tôn là một vấn đề rất khẩn cấp.
Tiếp xúc, đối thoại và cộng tác với các tín đồ của các
tôn giáo khác, đối với
các Ðức Cha, vừa là một
bổn phận vừa là một thách đố".
Về hội nhập
Tin Mừng vào nền văn hóa, ÐTC giải thích như sau: "Tiến trình
này đòi nơi các Ðức Cha sự phân biệt rõ ràng, nhằm bảo
đảm những nguyên tắc của tính cách phù hợp với Phúc
Âm và sự hiệp thông với Giáo hội hoàn cầu. Các nguyên
tắc này phải được luôn luôn tôn trọng. Ðã rõ, việc hội
nhập văn hóa là cái gì hơn và khác với việc thích nghi bên
ngoài, bởi vì nó đòi một sự biến đổi các giá trị văn
hóa đích thực, nhờ sự sáp nhập vào Kitô giáo và nhờ
sự ăn rễ sâu của Kitô
giáo vào các nền văn hóa khác nhau" (x. Redemptoris missio, số
52).
Trong phần kết thúc diễn văn dài, ÐTC nói: "Tôi thường nghĩ đến Quê hương của quý Ðức Cha và Dân tộc Thái Lan. (-- ÐTC viếng thăm mục vụ Thái Lan tháng 5 năm 1984 )--. Với tình yêu mến, tôi cầu nguyện để các ơn thánh của Năm Ðại Toàn xá tiếp tục củng cố sự dấn thân của các Ðức Cha trong việc rao giảng Tin Mừng. Tôi khẩn xin Ðức Maria, Ngôi Sao sáng của việc rao giảng Tin Mừng trong mọi thời đại, bầu cử cho các Ðức Cha, cho những người quý Ðức Cha phục vụ và dẫn đưa đến cuộc gặp gỡ cứu rỗi với Ðấng Cứu chuộc chúng ta, Con cực thánh của Mẹ Maria. Tôi xin phú thác cho Mẹ những nhu cầu, những hy vọng cũng như những gánh nặng, niềm an vui của thừa tác vụ giám mục của các Ðức Cha cho Mẹ. Tôi tận tình ban phép lành Tòa Thánh cho các Ðức Cha, các Linh mục, Tu sĩ nam nữ và Giáo dân trong giáo phận của các Ðức Cha.