ÐTC tiếp

các Vị tham dự Khóa họp khoáng đại

của Hội đồng Tòa Thánh về đối thoại Liên tôn

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC tiếp các Vị tham dự Khóa họp khoáng đại của Hội đồng Tòa Thánh về đối thoại Liên tôn.

Sáng thứ sáu (09/11/2001) tại Phòng Khánh Tiết Clementina của Phủ Giáo Hoàng, ÐTC tiếp chung các vị Hồng Y, Tổng giám mục, Giám mục, Linh mục và Giáo dân,  tham dự  Khóa họp khoáng đại của Hội dồng Tòa Thánh về Liên tôn,  do ÐHY Francis Arinze, Chủ tịch Hội đồng, hướng dẫn. Trong số các Vị tham dự, có Ðức Cha Stephano Nguyễn như Thể, TGM Huế. Khóa họp được khai mạc thứ hai vừa qua 5/11/2001 và bế mạc thứ bẩy 10/11/2001. Ðề tài thảo luận của Khóa họp lần này là: "Linh đạo của việc đối thoại".

Trong diễn văn đọc cho các Vị tham dự, trước hết ÐTC nhắc lại rằng: Khóa họp khoáng đại lần này của Hội đồng về đối thoai liên tôn, diễn ra sau biến cố khủng khiếp tại Hoa kỳ ngày 11 tháng 9/2001 vừa qua: một biến cố gây nên xúc động trên cả thế giới. Do biến cố này, người ta đã nói rằng: chúng ta đang chứng kiến một sự va chạm lớn giữa các tôn giáo. Nhưng ÐTC nói: "Như tôi đã quả quyết trong nhiều dịp khác nhau, nói như vậy có nghĩa là làm sai lạc chính tôn giáo. Các tín hữu của các tôn giáo biết rõ  rằng: không những phải xa tránh làm sự dữ, nhưng còn bắt buộc phải làm sự lành, phải hoạt động để làm giảm bớt những đau khổ của nhân loại, phải cùng nhau xây dựng một thế giới công bình và hòa hợp hơn".

ÐTC nói tiếp: Nếu mệnh lệnh của Cộng đồng quốc tế là cổ võ những mối giao hảo tốt đẹp giữa con người, giữa các dân tộc thuộc các tôn giáo khác nhau, thì việc khẩn cấp là chính các tín hữu phải cổ võ những mối quan hệ được ghi dấu  bởi việc cởi mở và tín nhiệm;  những yếu tố này đưa đến việc cùng nhau lo lắng cho nền thịnh vượng của tất cả gia đình nhân loại. Rồi ÐTC  nhắc lại lời ngài viết trong Tông thư "Novo Millennio ineunte" (Khởi đầu ngàn năm mới) được công bố ngày bế mạc Năm Ðại Toàn xá 2000, như sau: "Trong hoàn cảnh nhiều hình thức văn hóa và tôn giáo , như ta thấy đang diễn ra trong ngàn năm mới, việc đối thoại  giữa các tôn giáo và văn hóa rất cần thiết, nhất là để thiết lập một nền tảng chắc chắn của hòa bình và làm xa đi những đe dọa của chiến tranh tôn giáo, đã gây đổ máu trong nhiều thời kỳ của lịch sử nhân loại. Thánh danh một Thiên Chúa duy nhất phải luôn mãi trở nên "tên gọi của hòa bình và mệnh lệnh của hòa bình" (số 55). Theo kinh nghiệm hằng ngày- ÐTC nhận xét - chúng ta biết rõ: đạt tới mục  đích trên đây thật khó khăn. Thực ra, chúng ta hiểu rằng: hòa bình không phải là thành quả của các nỗ lực con người; không phải là cái gì mà thế gian này có thể ban cho chúng ta, như chính Chúa Giêsu đã nói rõ ràng: "Ta ban hòa bình của Ta cho các con. Hòa bình của Ta không phải  là hòa bình của thế gian". Như vậy hòa bình là một ơn ban của Thiên Chúa. Ðể lãnh nhận ơn ban này, --ÐTC căn đặn,--- chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng tâm hồn của chúng ta, nghĩa là phải trở lại với Người và tuân giữ các giới răn của Người. ÐTC nhấn mạnh: "Khi xẩy ra những vụ tranh chấp, thì hòa bình chỉ có thể là thành quả của tiến trình đối thoại và hòa giải, và việc này đòi phài có sự khiêm tốn cũng như lòng quảng đại".

Giải thích bổn phận của Hội đồng Tòa Thánh về Ðối Thoại Liên Tôn, từ ngày được thành lập đến nay,  ÐTC nói như sau: "Về những gì liên hệ đến Tòa Thánh, chính Hội đồng của các anh chị em, từ ngày thành lập tới nay, do sáng kiến của Vị Tiền nhiệm của tôi, Ðức Phaolô VI (lúc đó được gọi là Văn Phòng phụ trách các người không Kitô), có bổn phận riêng biết và cổ võ việc đối thoại liên tôn. Từ lúc được thành lập, Hội đồng đã hoạt động để cổ võ những tiếp xúc với đại diện các tôn giáo khác nhau, với tinh thần hiểu biết và cộng tác mỗi ngày mỗi thêm nhiều, một tinh thần đã thấy rõ ràng, thí dụ, trong Khóa họp liên tôn diễn ra tại đây, ở Vatican này, trước lúc khai mạc Ðại Toàn xá. Trong lễ nghi kết thúc, tôi đã nhắc lại một trong các bổn phận chính yếu, trước mắt chúng ta,  hệ tại ở chổ làm mọi cách cho mọi người thấy rằng: tôn giáo, tín ngưỡng tôn giáo, tất cả đều hướng dẫn đến hòa bình, khuyến khích tình liên đới, cổ võ công bình và bênh vực tự do (x. Diễn văn đọc tại Quảng Trường Thánh Phêrô, 28.10.1999).

ÐTC nhắc đến đề tài của Khóa họp lần này: "Linh đạo của Ðối thoại",  nhằm  gíup đỡ những ai dấn thân trong công cuộc đối thoại liên tôn. Ðối với các tín hữu Kitô, chúng ta vẫn tin rằng: Thiên Chúa luôn luôn mặc khải và đối thoại với nhân loại (trong Cụu ước) và sau cùng  chính Ngôi Lời Thiên Chúa (Ðức Giêsu Kitô) nhập thể làm người để sống giữa nhân loại, để đối thoại trực tiếp với nhân loại.  Vì thế, ÐTC nhấn mạnh, trong việc đối thoại liên tôn, chúng ta phải luôn luôn nhớ lời khuyên của Thánh Phaolô: "Anh em hãy có chính những tâm tình của Chúa Giêsu" (Ph. 2,5). Thánh Tông đồ nhấn mạnh đến sự khiêm tốn  của Chúa Giêsu. Như Chúa Kitô, chúng ta quên mình đi bao nhiêu, chúng ta sẽ thực tình cởi mở tâm hồn cho người khác bấy nhiêu và như vậy chúng ta cùng với họ đồng hành tiến đến số phận mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.

ÐTC cũng đã nêu lên những khó khăn của đối thoại. Ðối thoại, dĩ nhiên không phải dễ dàng và không thiếu đau khổ. Nhiều sự không hiểu  nhau, những thành kiến, giơ tay ra mà bị từ chối... ÐTC căn dặn: "Một Linh đạo dích thực của đối thoại phải lưu ý đến những tình trạng này và đưa ra những lý do, những sáng kiến mới,  để tiếp tục con đường đối thoại, cả lúc bị chống đối hoặc những thành quả ít ỏi. Luôn luôn phải có sự nhẫn nại, bởi vì thành quả sẽ đến, lúc phải đến (xem Cv 1,3), "khi gieo trong nước mắt, sẽ gặt trong hân hoan" (xem Cv 126, 5).. Nói đến sự nhẫn nại, chúng ta phải theo gương chính ÐTC. Trong biết bao năm,  ngài tìm mọi  cách để lướt thắng các khó khăn trong việc đối thoại với Giáo hội chính thống và vẫn tiếp tục giơ tay ra,  muốn đối thoại cách riêng với Giáo hội chính thống Nga. Ngài đã thành công trong việc phá đổ được bức tường ngăn cách giữa Giáo hội công giáo với nhiều Giáo hội chính thống, cách riêng, mới đây, với Giáo hội chính thống Hy lạp, vốn thù địch với Giáo hội Roma.

Trong đối thoại  có những khó khăn và đau khổ; nhưng theo ÐTC cũng có nhiều an vui và khích lệ. Ngài nói như sau: "Việc tiếp xúc với các tín hữu của các tôn giáo khác thường là nguồn an vui lớn lao và khuyến khích. Ðiều này giúp chúng ta khám phá ra cách nào đó, Thiên Chúa hoạt động trong tâm trí con người, cũng như trong các lễ nghi và phong tục của họ. Cái mà Thiên Chúa đã gieo vãi trong cách này, có thể được thanh luyện  và hoàn hảo hóa bằng đối thoại" (xem Lumen gentium , số 17). ÐTC kết luận: "Linh đạo của đối thoại vì thế sẽ tìm cách phân biệt cẩn thận hành động của Chúa Thánh Thần và cảm tạ Người,  về những thành quả của tình yêu, của an vui và hòa bình mà Người đem đến trong tâm hồn con người. Xin Ðức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Giáo hội bầu cử cho mọi người.


Back to Home Page