ÐTC gửi sứ điệp cho ÐHY Walter Kasper

nhân dịp Khóa họp khoáng đại

của Hội đồng Tòa Thánh

về sự hiệp nhất các tín hữu Kitô

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC gửi sứ điệp cho ÐHY Walter Kasper, nhân dịp Khóa họp khoáng đại của Hội đồng Tòa Thánh về sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Khóa họp khoáng đại của Hội đồng Tòa Thánh về  sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã được khai mạc hôm thứ hai 12/11/2001, dưới quyền chủ tọa của ÐHY Walter Kasper, Chủ tịch Hội đồng, để thảo luận về đề tài: "Hiệp thông: ơn ban và dấn thân. Phân tích các thành quả của việc đối thoại và tương lai của việc tìm kiếm sự hiệp nhất".

Và sau đây là những điểm thiết yếu của sứ điệp ÐHY gửi cho Khóa họp khoáng đại:

1 - Một lựa chọn không thể lùi bước - Sau khi chào thăm ÐHY chủ tịch và các Vị tham dự Khóa họp khoáng đại, ÐTC viết: "Ai cũng phải công nhận rằng: việc tiến đến hiệp nhất và hiệp thông hoàn toàn là con đường còn dài và khó khăn; nhưng đây là ưu tiên mục vụ  luôn luôn hiện diện trong tâm trí tôi từ đầu Triều Giáo Hoàng". Công đồng Vatican II đã nói rõ ràng: Ðây là dấn thân của Giáo hội công giáo và là một dấn thân không thể lùi lại đàng sau được. Ðây là một sự lựa chọn mà Ðức Gioan Phaolô II  đã muốn lãnh nhận hoàn toàn như một sự lựa chọn của ngài.

2 - Những đấu hiệu khích lệ trên con đường tiến đến hiệp nhất và hiệp thông hoàn toàn.  Trong sứ điệp, ÐTC nhắc lại biết bao cuộc cử hành chung về đại kết, cách riêng những cuộc cử hành đặc biệt trong Năm Ðại Toàn xá 2000 vừa qua. Những cuộc cử hành này là những dấu hiệu báo trước cho chúng ta ý thức mỗi ngày mỗi nhiều thêm mãi rằng: Giáo hội là như một mầu nhiệm của hiệp nhất.

Ngoài những cuộc cử hành phụng vụ trong nhiều dịp khác nhau, ÐTC nhắc lại công việc làm chung trong các thập niên vừa qua, từ sau Công đồng chung Vatican II đến nay;  Ðó là những việc sau đây: 1. Việc nghiên về thần học với những sáng kiến trên bình diện quốc tế và quốc gia --- 2. việc dần dần cảm thấy sự cần thiết của hiệp nhất, qua việc giảng dạy giáo lý, qua việc huấn luyện và qua sự cộng tác trong khi thi hành việc từ thiện bác ái, cổ võ hòa bình và tình liên đới  giữa các Giáo hội Kitô, và nhất là những cuộc tiếp đón và gặp gỡ trong tình huynh đệ nhân dịp các chuyến viếng thăm, các cuộc hành hương  của ÐTC tại các nước trên thế giới. Ðức Gioan Phaolô II viết như sau: " Biết bao dấu hiệu tiên tri, biết bao dấu hiệu của thời đại, biết bao sự khích lệ... đã làm thoải mái tâm hồn và nâng đỡ bước tiến của chúng ta trên con đường tiến đến hiệp nhất và hiệp thông hoàn toàn, từ Công đồng Vatican cho tới lúc này! Ðứng trước một lịch sử của những chia rẽ và nhiều lúc đi đến cả những bạo động, chúng ta đang bước trên con đường trở lại và tha thứ cho nhau, phú thác hoàn toàn cho lòng thương xót của Thiên Chúa, để chúng ta có thể tiến đi trong Linh đạo của hiệp thông, của sự liên kết việc đối thoại về chân lý với cuộc gặp gỡ trong tình huynh đệ".

3 - Một bầu khí mới - Ðức Gioan Phaolô II viết tiếp như sau: "Tiếc thay sự hiệp thông hoàn toàn giữa các tín hữu Kitô chưa đạt tới. Nhưng không thể không công nhận điều này là một đoạn đường dài đã hoàn tất, và bầu khí hiện nay khác hẳn - tôi xin nhắc lại: so sánh với quá khứ -hiện đang diễn ra bầu khí khác hẳn giữa các người công giáo và các tín hữu Kitô khác. Chúng ta bước vào Ngàn năm thứ ba với ý thức rõ ràng là chúng ta đang ở trong một tình hình mới, rất khó tưởng tượng trước cách đây 50 năm. Giờ đây là lúc đẩy mạnh nhịp độ của bước tiến. Nhưng thử hỏi trong chiều hướng nào?

4 - Sự hiệp thông, quan niệm chìa khóa. Ðề tài của Khóa họp khoáng đại lần này đề cao "việc đối thoại thần học, đang thực hiện,  tiến đến chỗ đồng quan điểm như thế nào, trên các cấp bậc khác nhau, và với những sắc thái khác nhau, chung quanh quan niệm chìa khóa của "hiệp thông". Theo cái nhìn của Công đồng Vatican II và những văn kiện của Công đồng: hiệp thông là điểm nền tảng. Việc đào sâu ý nghĩa thần học và bí tích của quan niệm hiệp thông, xét cho đến cùng, và theo đúng giáo huấn của công đồng,   là địa bàn cho sự dấn thân tiến đến hiệp nhất trong ngàn năm thứ ba. Trong khi đào sâu việc tìm kiếm và cuộc tranh luận về đề tài này, thần học về đại kết sẽ phải đối phó với một thử thách đòi nhiều dấn thân hơn nữa. Một khi hiểu biết rõ ràng quan niệm thực của giáo hội về "hiệp thông", một sự hiệp thông dần dần được thanh luyện khỏi những khác biệt về nhân loại học, về xã hội học... thì sự hiểu biết nầy sẽ có thể đưa đến một sự phong phú lẫn nhau mỗi ngày mỗi nhiều hơn. ÐTC viết: "Ước gì việc đối thoại đại kết được sống bởi mỗi người trong chúng ta như một cuộc hành hương tiến đến sự sung mãn của tính cách công giáo (catholicité), mà Chúa Giêsu muốn  cho Giáo hội của Người, bằng việc hòa hợp tính cách đa dạng của các tiếng nói trong một hòa âm duy nhất về chân lý và tình yêu".

5 - Hành động và cầu nguyện - ÐTC viết như sau: "Con đường vẫn còn dài và gồ ghề. Chúa không đòi hỏi chúng ta đo lường những khó khăn của con đường bằng kích thước loài người. Ngày nay có một viễn tượng mới, khác hẳn, nếu  sánh với quá khứ gần đây: Chúng ta cảm tạ Chúa. Ước gì  điều này đem đến sự can đảm và dẫn đưa mọi người đến việc loại bỏ khỏi "tự điển đại kết" những danh từ như: cơn khủng hoảng, chậm trễ, chậm chạp, bất động, thỏa hiệp... Dù ý thức về những khó khăn hiện tại, tôi xin mời gọi hãy nhận lấy như những lời chìa khóa cho thời đại mới này những lời về tín nhiệm, nhẫn nại, kiên trì, đối thoại, hy vọng;  và tôi muốn thêm vào những danh từ này cả việc thúc đẩy hành động nữa". ÐTC giải thích thêm như sau: "Thúc đẩy hành động, tôi không chủ ý gợi lại thái độ của Marta; theo Chúa Giêsu - bà lo lắng, xung xăng về nhiều sự, bỏ qua việc lắng nghe giáo huấn của Người . Thực sự lời cầu nguyện và việc lắng nghe liên lỉ Lời Chúa rất cần thiết, bởi vì chính Người là Ðấng,  cùng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần,  cải hóa tâm hồn và làm cho mọi bước tiến trên con đường đại kết trở nên cụ thể".

Trong phần kết thúc sứ điệp, ÐTC phú thác chương trình của Khóa họp cho Chúa Giêsu, Ðấng đã ước muốn "Ut unum sint" ( xin cho mọi người trở nên một). Rồi ÐTC cầu xin Ðức Maria, Mẹ Giáo hội, Mẹ của sự hiệp nhất, giúp các tín hữu Kitô luôn luôn hoạt động đúng theo giới răn hiệp nhất mà Chúa Giêsu đã để lại cho các môn đệ trong  bửa Tiệc li.


Back to Home Page