Chính phủ Bắc Kinh phản ứng

về sứ điệp ÐTC gửi cho Ðại hội quốc tế

nhân dịp kỷ niệm 400 năm Cha Matteo Ricci

nhà truyền giáo thời danh, đến Trung quốc

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

Chính phủ Bắc Kinh phản ứng về sứ điệp ÐTC gửi cho Ðại hội quốc tế nhân dịp kỷ niệm 400 năm Cha Matteo Ricci, nhà truyền giáo thời danh, đến Trung quốc.

Trong hai ngày 24 và 25 tháng 10/2001 vừa qua, Ðại học Gregoriana của các Cha Dòng Tên ở trung tâm Roma cùng với Viện Ý-Trung quốc tổ chức Ðại hội quốc tế tại Ðại học, để mừng kỷ niệm 400 năm Cha Matteo Ricci, Dòng Tên người Ý, đến truyền giáo tại Trung quốc. Cha Matteo Ricci không những là một nhà truyền giáo, nhưng còn là một nhà khoa học, rất được  Nhà Cầm quyền Trung quốc và dân tộc Trung quốc xưa và nay kính nhớ biết ơn.  Cha đã biết hội nhập Phúc Âm vào nền văn hóa Trung quốc. Cha không những nói, viết thành thạo tiếng Trung quốc, nhưng còn trở nên "một người trong các người Trung quốc, cho và vì người dân Trung quốc, theo gương Thánh Phaolô: "Tôi trở nên mọi sự cho mọi người".  Trong sứ điệp gửi cho các người tham đự Ðại hội, ÐTC nói rõ ràng rằng: "Cha Matteo Ricci đã làm cho mình thành "người Trung quốc với các người Trung quốc" đến độ trở nên thực sự là một người thành thạo tiếng nói, phong tục Trung quốc,  trong ý nghĩa rất sâu xa về văn hóa và thiêng liêng của danh từ, bởi vì nơi con người của ngài, ngài biết thực hiện một sự hòa hợp lạ lùng giữa linh mục và nhà khoa học, giữa người công giáo và và người Á Châu, giữa người Ý và người Trung quốc" (L'Osservatore Romano, 25.10.2001, p.5).

Trong sứ điệp, trước hết ÐTC nhắc lại lịch sử truyền giáo tại Trung quốc. Trong thời kỳ này, dĩ nhiên đã có những hoạt động của một số thành viên của Giáo hội công giáo tại Trung quốc không tránh khỏi những lầm lỗi, "thành quả cay đắng của giới hạn của tâm hồn và của hành động con người và hơn nữa bị điều kiện hóa bởi những tình hình khó khăn, liên kết với những biến cố lịch sử phức tạp và những quyền lợi chính trị tương phản nhau". ÐTC cũng nhắc lại những tranh chấp về thần học" để lại những đáng tiếc nơi tâm hồn và tạo nên những cản trở lớn lao cho tiến trình rao giảng Tin Mừng. Trong thời cận đại, còn có một sự "che chở, bảo hộ nào đó" của một số cường quốc, đã nhiều lần giới hạn và ngăn trở cả chính sự tự do hoạt động của Giáo hội công giáo và vì thế gây nên những phản ứng tiêu cực đối với Trung quốc...".

Trước những sự việc đáng tiếc này, ÐTC thành thực công nhận như sau: "Tôi cảm thấy sự phàn nàn sâu xa trước những sai lầm và giới hạn này của quá khứ và tôi rất tiếc vì những sự việc này đã gây nên nơi nhiều người cảm giác về sự thiếu sót trong sự tôn trọng và kính nể của Giáo hội công giáo đối với dân tộc Trung quốc, vừa làm cho nhiều người nghĩ rằng: Giáo hội công giáo có những tâm tình thù địch đối với Trung quốc". Với những lời lẽ và cử chỉ khiêm tốn, như ngài đã làm trong Năm Thánh vừa qua đối với các Giáo hội khác, ÐTC nhấn mạnh: "Vì thế, tôi xin tha thứ và thông cảm nơi những ai cảm thấy bị xúc phạm, bất cứ bằng cách nào, bởi những hình thức hành động như vậy của các tín hữu Kitô" (ibid.).

ÐTC viết thêm: "Giáo hội không phải sợ sự thật lịch sử và sẵn sàng - dù phải đau khổ sâu xa trong tâm hồn - công nhận trách nhiệm của các con cái mình. Ðiều này cũng có giá trị cho tất cả những gì liên kết với mối quan hệ của Giáo hội, quá khứ và hiện đại, với Dân tộc Trung quốc. Sự thật lịch sử cần phải tìm kiếm trong bình thản và vô tư và cho đến cùng. Ðây là bổn phận quan trọng các học giả phải làm và anh chị em nữa (những người tham đự Ðại hội quốc tế này, những người thành thạo về các thực tại Trung quốc) có thể góp phần vào công việc tìm kiếm sự thật. Tôi bảo đảm với anh chị em là Tòa Thánh luôn luôn sẵn sàng góp phần và sự cộng tác trong công việc tìm kiếm này".

Trong phần kết thúc sứ điệp dài, ÐTC viết: "Và chính với tư  tưởng được canh tân và mạnh mẽ của tình thân thiện đối với Dân tộc Trung quốc (Tình bạn hữu mà Cha Matteo Ricci đã viết lên trong cuốn sách của ngài về "Tình bạn hữu" (số 1 và số 3), tôi ước mong chóng được thấy thiết lập các con đường cụ thể về thông thương và về cộng tác giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung quốc. Tình thân thiện được nuôi dưỡng bằng những tiếp xúc,  những chia sẻ tâm tình trong hoàn cảnh vui buồn, bằng tình liên đới, trao đổi sự giúp đỡ. Tòa Thánh tìm kiếm cách thành thực trở nên bạn hữu của mọi dân tộc và cộng tác với các người thiện chí trên cấp bậc thế giới".

Trước những lời lẽ thành thực và khiêm tốn của Ðức Gioan Phaolô II trong sứ điệp gửi cho Ðại hội quốc tế nhân dịp mừng kỷ niệm 400 năm Cha Matteo Ricci đến truyền giáo tại Trung quốc, Chính phủ Bắc kinh có những phản ứng tức khắc, nhưng với sự dè dặt. Hôm 25 tháng 10/2001, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giáo Bắc Kinh, tuyên bố: "Chúng tôi sẽ nghiên cứu với nhiều chú ý sứ điệp này. Trung quốc luôn luôn muốn hoàn thiện mối quan hệ với Vatican". Nhưng phát ngôn viên nhắc lại hai điều kiện vẫn được đặt ra: (1) Ðoạn tuyệt ngoại giao với Ðài Loan; (2) không can thiệp vào nội bộ của Trung quốc. Lần này phát ngôn viên không nhắc lại điều kiện thứ ba như trước đây: công nhận Hội công giáo ái quốc trung thành với Chính phủ. Rồi người phat ngôn nói thêm ngay: "Vị phó chủ tịch Hội công giáo ái quốc chào mừng cử chỉ của Ðức Giáo Hoàng, như một bước tiến dài".

Trái lại Ðức TGM Giuseppe Pittau, Tổng thư ký Bộ Giáo dục công giáo, trước đây là Viện trưởng Ðại học Dòng Tên tại Tokyo, và sau giữ chức Viện trưởng Ðại học Gregoriana ở Roma, trước khi được bổ nhiệm làm TGM, một nhân vật thành thạo các vấn đề Viễn Ðông, trong buổi kết thúc Hội nghị, nhận xét như sau: "Vấn đề không phải là Ðài Loan. Ngay từ ngày mai đây, ÐTC có thể sẵn sàng có một thỏa ước đầy đủ với Trung quốc. Và nếu người ta mời ngài đến Bắc kinh, ngài sẵn sàng đến". Ðức TGM nói thêm: "Ðể giải quyết những vẫn đề hiện nay, Ðức Gioan Phaolô II đã nghĩ đến các vấn đề kỹ thuật rồi. Cả vấn đề bổ nhiệm giám mục nữa. Các vấn đề này sẽ được đề nghị với Bắc kinh, khi có cơ hội thuận tiện". Ðức Cha Pittau kết luận với tín nhiệm: "Không một yếu tố nào có thể li khai chúng ta được".

Theo Hãng thông tấn quốc tế Fides, các người công giáo Trung quốc vui mừng về sứ điệp của ÐTC. Một tín hữu công giáo Bắc Kinh tuyên bố: "Chỉ có một người cha đích thực, đầy tình thương  mới có thể làm một cử chỉ như vậy cho con cái mà thôi". Ðức Cha  Giuse Xu, Giám Mục giáo phận Wanxian, biểu lộ: "Chúng tôi vui mừng và cảm động. Không ai có thể hiểu được cái chúng tôi cảm nghiệm trong tâm hồn trong lúc này". Giáo sư He Guanghu, nhà trí thức người Bắc kinh, ÐHY Shan Ku-si, Giám Mục Kaohsiung (Ðài Loan) và Ông Raymond Tai, Ðại sứ Ðài Loan cạnh Vatican, nói đến những diễn tiến có thể có trong tương lai. Giáo sư He Guanghu tuyên bố: "Có nhiều hy vọng, nhưng không trong thời gian vắn". Ngăn trở lớn lao hơn cả là do phe bảo thủ của Ðảng Cộng sản Trung quốc. Ðối với ÐHY: "Cần phải chờ đợi". Tại Ðài Loan, người ta biết rằng: ÐTC có một sự quan tâm đặc biệt đối với Giáo hội bị bách hại tại Trung quốc. Ðại sứ Raymond Tai tuyên bố: "Ðài Loan nhìn với tâm tình  ủng hộ việc  xích lại gần giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh". Nhà ngoại giao Ðài Loan nhấn mạnh: "ÐTC là người duy nhất xin lỗi các người Trung quốc. Không một quốc gia Tây phương nào, trong quá khứ đã xâm chiếm Trung quốc, có một cử chỉ như vậy".


Back to Home Page