Bài phát biểu ý kiến trong Khóa Họp THÐGM
của ÐHY Martini, và của ÐHY Varela
về các chuyến viếng thăm mục vụ
tại các Giáo xứ và các Cộng đồng trong Giáo phận
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Vài
điểm nội dung của bài phát
biểu ý kiến trong Khóa Họp THÐGM: một của ÐHY Martini, và một
của ÐHY Varela, về các chuyến
viếng thăm mục vụ tại các Giáo xứ và các Cộng đồng
trong Giáo phận".
Trong
các phiên họp chung của 10 ngày đầu, các nghị phụ đã tự
do phát biểu ý kiến, nhưng mỗi bài phát biểu không được
quá 8 phút. Vị nào vì ngăn trở không thể lên tiếng trong các
phiên họp, có thể trao bài phát biểu của mình cho Tổng Văn
phòng THÐGM. Và các Bài phát biểu này được đăng trong Bản
tin hằng ngày của Khóa họp, và trên Nhật
báo "Quan Sát Viên Roma". Trong số các vị không phát
biểu tại Phòng Họp THÐGM được, có ÐHY Carlo Maria Martini, TGM
Milano. Lý do là vì khi đến ngày phát biểu đã được ghi trước,
ÐHY phải trở về
Milano gấp, để gần gũi các nạn nhân của vụ tai nạn
máy bay, ở phi trường
Linate của thành phố Milano. Ngài đã muốn đến tại chỗ xẩy
ra tại nạn để an ủi các thân nhân và sau đó cử hành thánh
lễ tại nhà thờ chính tòa Milano cầu nguyện cho 118 người bị
thiệt mạng trong tai nạn này.
Bài
phát biểu của ngài được đăng trên nhật
báo L' Osservatore Romano, số ra ngày 18.10.2001. Ðây là một
trong các bài phát biểu được lưu ý nhiều và có tính cách
quan trọng, đối với một Vị chủ chăn tại Giáo phận.
Bài phát biểu của ÐHY Martini giúp các vị chủ chăn kiểm
điểm lại bổn phận viếng thăm mục vụ của mỗi giám mục,
và giúp tìm tìm phương thế xứng hợp, phác họa chương trình
cụ thể, để các chuyến viếng thăm mục vụ trong giáo phận
đem lại một cuộc canh tân thực sự cho các giáo xứ. Các
giáo xứ kết thành giáo phận. Giáo xứ sống động, giáo
phận sẽ tiến mạnh. Công việc mục vụ và truyền giáo sẽ
thu được nhiều thành quả tốt đẹp.
Trong
bài phát biểu, ÐHY Martini đã
trình bày như sau: Trong các
cuộc thảo luận tại Phòng hội chỉ được nghe nhắc đến rất
ít về "việc Ðức Giám Mục viếng
thăm mục vụ" một cách có hệ thống tất cả các giáo xứ
và các cộng đồng giáo hội trong giáo phận. Việc viếng thăm
này cũng là một dấn thân quan trọng đầu tiên của Giám mục
và đã được nói đến nơi số 121 của tập Tài Liệu Làm Việc của
Khóa Họp THÐGM lần nầy.
Ðiều
quan trọng là chuyến viếng thăm mục vụ cần được chuẩn bị
và phác họa chương trình trong bầu khí đức tin, do chính giám
mục làm, dĩ nhiên với sự
giúp đỡ của các người cộng tác của ngài. Theo Ðức Hồng
Y Martini, thì ta có thể làm như sau: trước hết thực hiện một
cuộc điều tra, nếu thuận tiện và cần thiết,
trong giáo xứ sẽ được viếng thăm, để
thấy rõ các vấn đề và để thực hành như thế nào hình
thức riêng biệt của chuyến viếng thăm, cũng như của những
tiếp xúc của giám mục với tín hữu giáo dân trong giáo xứ.
Cũng
nên biết: Giáo phận Milano của ÐHY Martini là một trong các giáo
phận lớn nhất về con số công giáo: gần 5 triệu
tín hữu, được chia thành hơn một ngàn giáo xứ,
với trên hai ngàn linh mục hoạt động dưới sự hướng
dẫn của Ðức Giám mục. Ðức Phaolô VI (1963-1978), trước khi
làm Giáo Hoàng, đã coi sóc Giáo phận này trong 9 năm. Trong
thời gian này, ngài đã viếng thăm tất cả các giáo xứ
trong giáo phận, cả những nơi hẻo lánh
(thời ngài có hơn chín trăm).
Ðược
bổ nhiệm làm TGM Milano năm 1979, ÐHY Martini coi việc viếng thăm
mục vụ tại các giáo xứ là một trong các bổn phận ưu tiên
của giám mục. Với sự cộng tác của nhiều linh mục, ÐHY
đã đích thân tổ chức các chuyến viếng thăm mục vụ,
để tiếp xúc trực tiếp không những với linh mục coi xứ,
nhưng nhất là còn với các tín hữu trong giáo xứ. Giám mục
không phải chỉ là người ban Phép Thêm sức; nhưng còn
cần nhất là ngồi Tòa Giải tội, để tháo gỡ
những trường hợp khó khăn, rắc rối, và để biết tình
hình của giáo xứ. Các chuyến viếng thăm mục vụ này cần
thực hiện nhất là trong Mùa Chay và Mùa Vọng.
Ðiểm
thứ hai được ÐHY Tổng giám mục Milano đề cập đến trong bài
phát biểu của ngài là: Mối quan hệ giữa Lời Chúa và Giám
mục. ÐHY đã giải thích như
sau: Nhiều bài phát biểu đã bàn đến đúng lúc về những
mối liên hệ giữa Giám mục và Lời Chúa. Ở đây, tôi
xin gợi lại hai lúc:- (1) lúc giám mục tự mình nuôi dưỡng
sự tiếp xúc cầu nguyện bằng Thánh Kinh. Thánh Kinh làm cho ta
thu lượm được trong bản văn Lời hằng sống, lời này chất
vấn, định hướng và huấn luyện cuộc sống con người" (NMI,
39); ---(2) lúc giám mục hướng dẫn và giúp đỡ các tín hữu,
cách riêng giới trẻ, cầu nguyện, nhất là
qua Thánh Kinh. Ðiều
quan trọng là chính Giám mục là người giải thích Thánh Kinh
trong nhà thờ chính tòa và mời gọi các bạn trẻ cầu nguyện
với mình.
ÐYH
Martini là một chuyên viên về Thánh Kinh. Trước khi được bổ
nhiệm làm Tổng Giám mục Milano, ngài đã giữ chức Viện Trưởng
Viện Thánh Kinh của Dòng Tên, bên cạnh Ðại học Gregoriana
ở Roma. Từ khi làm Giám mục, ngài vẫn tiếp tục viết sách,
giáo huấn, phổ biến Thánh Kinh. Lời ngài nói lên có thế
giá, đem lại nhiều kinh
nghiệm cho đời sống thiêng liêng và cho công việc mục vu,
truyền giáo. Dĩ nhiên không
phải mọi Giám mục là những chuyên viên về Thánh Kinh. Nhưng
Giám mục, vì là "Thầy dạy Ðức tin", nên
không thể không nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa và
rao giảng Lời Chúa, lời ban sự sống đời đời, cho các
linh mục và tín hữu của mình.
Trong
bài phỏng vấn dành cho nhật báo "Tương Lai" (16.10.2001), ÐHY
Antonio Maria Rouco Varela, TGM Madrid (Tây ban nha) nhấn mạnh cách riêng
đến Con đường Tu đức riêng của Giám mục. Con đường Tu
đức này dựa trên việc tấn phong Giám mục và dựa trên
Thừa tác vụ riêng của ngài. ÐHY còn nhắc đến một điểm
quan trọng khác là "mối quan hệ tốt đẹp với các linh mục
trong giáo phận". Công đồng Vatican II đã cung cấp những phương
thế cần thiết để tạo nên
mối quan hệ tốt đẹp này: cùng chung Chức Linh mục - Chức
Giám mục là sự sung mãn tuyệt đối của Chức Linh mục.
ÐHY đã nhắc lại các
bài phát biểu của các nghị phụ, trong đó các ngài gọi Giám
mục là bạn hữu, là người anh và nguời cha của các linh
mục. Ðối với tín hữu giáo dân, ÐHY TGM Madrid nói: Công đồng
đề cao vai trò của người giáo dân trong Giáo hội. Ơn gọi
và sứ mệnh của họ phát xuất từ Bí tích Rửa tội; nhưng
môi trường hoạt động của họ là các môi trường khác
nhau của đời sống hằng ngày: gia
đình, xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa... Chúng tôi, các
giám mục, nếu thành thực muốn là những chứng nhân của
Tin Mừng cho niềm hy vọng của thế giới, không thể không cổ
võ, thúc đẩy sự hiện diện này của người giáo dân trên
thế giới. Chính lời mời gọi này đã được lặp đi lặp
lại và nhấn mạnh trong THÐGM.
Về những đề nghị bãi bỏ "những kiểu xưng hô hay những tước hiệu" có vẻ xa cách người dân, ÐHY TGM Madrid nhận xét: Không phải vấn đề về các "xưng hô hay tước hiệu" làm xa cách nguời dân. Thực sự ngày nay các Hồng Y, Giám mục đã gần gũi rất nhiều người dân. Ðối với riêng tôi, tôi thành thực nói rằng: nếu ai gọi tôi qua các tước vị như "Ông Antonio", hay "Ðức Hồng Y", hoặc bằng từ "Cha", điều nầy không quan hệ, cũng vậy thôi. Quan hệ là ở kiểu cách sống đơn sơ, khiêm tốn, hiền lành, nhã nhặn, lịch sự đối với bất cứ người nào: lớn bé, giá trẻ, quyền thế hay thứ dân, giầu sang hay nghèo nàn ... để những ai đến gần tôi nhận ra tôi là chủ chăn, theo gương Chúa Giêsu, Chủ Chăn nhân lành.