Hồi Giáo cực đoan đe dọa

cứ một người Afghanistan chết

thi hai người Kitô giáo Pakistan sẽ bị giết

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Hồi Giáo cực đoan dọa: Một người Afghanistan chết thì hai người Kitô Giáo Pakistan sẽ bị giết.

Pakistan - Wednesday 10/10/2001 -  Các Giám Mục đang họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới đã được Ðức Thánh Cha cho phép về lại nhiệm sở để đối phó với tình hình mới. Giáo dân Công Giáo tại Pakistan đã được chỉ thị giữ gìn lời ăn tiếng nói và hành động cách hoà hoãn. Các linh mục tại Pakistan đã được yêu cầu theo dõi sát diễn biến của các nhóm Hồi Giáo cực đoan, liên lạc chặt chẽ với giáo dân và các tòa Giám Mục. Các thừa sai nước ngoài được phép rời khỏi các giáo phận tại Pakistan bất cứ lúc nào cảm thấy nguy hiểm cho sinh mạng. Các văn phòng cứu trợ Công Giáo phải đóng cửa và gọi nhân viên đang hoạt động ở các tỉnh về gấp thủ đô. Ðó là những biện pháp Giáo Hội Công Giáo tại Pakistan đã phải thi hành trong hai ngày qua từ sau cuộc tấn công vào Afghanistan của Hoa Kỳ và Anh quốc tối hôm 7/10/2001.

Tại Karachi, Ðức Giám Mục phó Everest Pinto của giáo phận Karachi đã gặp các viên chức địa phương tại tỉnh Sindh hôm 6/10/2001 để thỉnh cầu việc bảo vệ cho các cộng đoàn Công Giáo trong tỉnh sau khi nhận được thư hăm dọa từ các nhóm Hồi Giáo cực đoan trong vùng.

Bức thư có đoạn viết: "Cứ một người Afghanistan chết thì chúng tôi sẽ giết hai người Kitô Giáo".

Ðức Cha Pinto cho biết "Ngay tại thời kiểm này, các tín hữu rất là lo lắng và sợ hãi". Cho biết về phản ứng của chính quyền, Ðức Cha Pinto nói: "Chính quyền cho biết họ sẽ cho tuần tiễu chung quanh các các cộng đoàn Công Giáo vào ban đêm". Tuy nhiên, Ðức Cha Pinto nói thêm "nhưng họ cũng nói rõ là quân số của họ rất hạn chế."

Ðức Cha đã gặp 15 cha sở trong giáo phận hôm 6/10/2001 để bàn thảo các biện pháp tăng cường an ninh tại các nhà thờ và các giáo khu.

Các Ðức Giám Mục khác cũng đã bày tỏ lo âu cho an nguy của cộng đoàn thiểu số các tín hữu nước này sau khi liên minh Hoa Kỳ và Anh quốc mở cuộc tấn công vào phe Taleban tại Afghanistan. Các vị sợ rằng các nhóm Hồi Giáo cuồng tín sẽ tấn công các Kitô hữu để trả thù. Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ, Ðức Tổng Giám Mục Lawrence J. Saldanha của giáo phận Lahore, chủ tịch ủy ban công lý và hòa bình nhận định rằng cuộc tấn công khởi sự hôm 7/10/2001 là "một biện pháp cần thiết". Tuy nhiên, Ðức Cha nói:

"Chúng tôi đã hy vọng rằng một giải pháp có thể đạt được trong một cách thức hòa bình hơn. Giờ đây, chúng tôi chỉ còn biết trông sao cho cuộc hành quân này diễn ra chóng vánh và đem lại lợi ích nào đó".

Ðức Tổng Giám Mục Saldanha cho biết ngài đã yêu cầu các linh mục báo cho giáo dân "hãy thận trọng cảnh giác trong lời nói và việc làm".Ngài nói: "Chúng ta cần hành động và nói năng cách hòa hoãn và thận trọng hơn. Chúng ta là thiểu số ở đây, do đó an nguy của chúng ta luôn là một điều đáng lưu tâm".

Ðức Cha nhận xét trong thành phố Lahore, hầu hết tín hữu Công Giáo sống thành khu xóm và được một lực lượng cảnh sát bảo vệ. Tuy nhiên, những gia đình Công Giáo sống trong các làng xa thành phố thì cư trú rải rác và không được ai trợ giúp.

Ðức Tổng Giám Mục cho biết từ sau cuộc khủng bố ngày 11/09/2001 tại Newyork và Washington, ngài đã gặp chính quyền địa phương và các lãnh tụ Hồi Giáo để khẳng định "chúng tôi những người Kitô Giáo cũng là người Pakistan".

Ðức Cha Anthony T. Lobo của giáo phận Islamabad-Rawalpindi, đang dự họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục tại Vatican, đã được phép của Ðức Thánh Cha để cấp tốc trở về Pakistan hôm 8/10/2001. Ngài đã cấp tốc triệu tập các linh mục trong giáo xứ trong một phiên họp đặc biệt vào ngày 13/10/2001 tới đây.

Tại tổng giáo phận Karachi và tại giáo phận Hyderabad, các trường Công Giáo được lệnh đóng cửa từ hôm 8/10/2001. Một vài trường học Công Giáo khác trên toàn lãnh thổ Pakistan cũng đã được lệnh đóng cửa.

Ðức Giám Mục Max J. Rodrigues của giáo phận Hyderabad thông báo cho các linh mục phải giữ liên lạc thường xuyên với các kỳ lão trong các làng Công Giáo để theo dõi các chuyển biến. Ngài cũng yêu cầu các linh mục hạn chế di chuyển, tránh xa các nơi biểu tình và nhất là về đêm.

Ðức Cha Max J. Rodrigues cho thông tấn xã CNS biết ngài đã thông báo với các vị truyền giáo người nước ngoài hãy "chú ý lắng nghe những thông báo của các tòa đại sứ liên hệ và ngài cho phép họ rời bỏ giáo phận bất cứ khi nào họ cảm thấy sinh mạng bị đe dọa".

Ðức Cha Rodrigues cho biết ngài không ủng hộ cuộc tấn công của Hoa Kỳ vì e ngại sự tổn thất nhân mạng những người vô tội và những hành động quân sự kéo dài của Hoa Kỳ tại Afghanistan có thể dẫn đến những cuộc tấn công chống người Kitô Giáo tại Pakistan. Ngài cho biết những cuộc trả thù kiểu giận cá chém thớt như vậy "luôn luôn xảy ra dù rằng chúng tôi chả có liên hệ chính trị gì với Hoa Kỳ bất cứ về phương diện gì. Trên hết và trước hết, chúng tôi trung thành với đất nước chúng tôi và mong muốn những điều tốt nhất cho Pakistan".

Hôm Chúa Nhật 7/10/2001, toàn thể tín hữu trong giáo phận Hyderabad đã được kêu gọi ăn chay và cầu nguyện cho một giải pháp hòa bình trong cuộc xung đột tại Afghanistan.

Ðức Cha Rodrigues cũng cho biết ngài hy vọng cộng đồng thế giới sẽ chú ý nhiều hơn đến số phận những người tị nạn và những người phải tản cư tại Afghanistan do ảnh hưởng của cuộc nội chiến, hạn hán và xung đột hiện nay với Hoa Kỳ. Ngài nói: "Chúng ta hãy giúp đỡ người Afghanistan. Họ là những người anh em của chúng ta đang phải chịu đựng vì những chuyện không do lỗi của họ".

Làn sóng chống Mỹ đã nổ ra tại Pakistan từ hôm thứ Hai 8/10/2001. Cuộc biểu tình bạo động dữ dội nhất đã diễn ra tại Quetta, trong giáo phận Hyderabad. Các văn phòng Liên Hiệp Quốc đã bị tấn công và đốt cháy. Dịch vụ Cứu Trợ Công Giáo của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ đã phải đóng cửa văn phòng tại Islamabad hôm thứ Hai 8/10/2001 trước làn sóng bạo động. Tất cả các nhân viên cứu trợ Công Giáo đang làm việc tại các tỉnh bên ngoài thủ đô Islamabad đã được lệnh trở về thủ đô.

Giám đốc Dịch vụ Cứu Trợ Công Giáo của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ, anh Luc Picard cho biết "Bổn phận chúng tôi trước hết là lo lắng đến sự an nguy của các nhân viên chúng tôi, tiếp theo là những người tị nạn và cộng đồng Công Giáo nơi đây".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page