Ðức Tổng Giám Mục Jean-Louis Tauran

bày tỏ sự quan tâm của Ðức Thánh Cha

đến nền hòa bình của Afghanistan

 

 

Ðại diện các Các nhà lãnh đạo bốn phái đoàn của Afghanistan

trong cuộc đàm phán tại Koenigswinter, ngoại vi thành phố Bonn, Ðức

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Ðức Tổng Giám Mục Jean-Louis Tauran bày tỏ sự quan tâm của Ðức Thánh Cha đến nền hòa bình của Afghanistan.

(Vatican 27/11/2001) - Hôm thứ hai 26/11/2001, Ðức Tổng Giám Mục Jean-Louis Tauran, thư ký bộ Quan Hệ Với Các Nước, đã gặp gỡ cựu hoàng Afghanistan Mohammad Zaher Shah, tại biệt thự của cựu hoàng tại Rôma để bày tỏ sự quan tâm của Ðức Thánh Cha. Tiến Sĩ Joaquin Navarro-Valls, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã cho biết như trên hôm thứ ba 27/11/2001.

Cuộc gặp gỡ với cựu hoàng 87 tuổi này đã diễn ra tại biệt thự nơi ông đã sống lưu vong từ năm 1973. Tiến Sĩ Joaquin Navarro-Valls cho biết cuộc gặp gỡ là một cơ hội để Ðức Tổng Giám Mục Tauran lập lại những mối quan tâm của Ðức Thánh Cha và sự sẵn sàng giúp đỡ nền hòa bình và điều tốt đẹp cho nhân dân Afghanistan.

Tiến Sĩ Joaquin Navarro-Valls  cho biết thêm "Hai bên đã thảo luận sự cần thiết về một cuộc thương thảo hòa bình và sự liên đới của cộng đồng quốc tế trong việc tái thiết Afghanistan, trong sự nhất trí rằng vũ khí, tự nó khô?g thể đem lại hòa bình và an ninh".

Tiến Sĩ Navarro-Valls cho biết "Quốc vương cũng bày tỏ những lời biết ơn chân thành về mối bận tâm của Ðức Thánh Cha và các tổ chức nhân đạo Công Giáo".

(BBC 27/11/2001) - Trong khi đó hôm thứ Ba 27/11/2001, một cuộc hội nghị về tương lai hậu chiến của Afghanistan cũng đã được tổ chức tại Bonn, Ðức Quốc với sự tham dự của 4 nhóm. Nhóm "Rôma" gồm những người ủng hộ cựu hoàng, nhóm "Peshawar" gồm đại diện những người Pashtun cũng gần gũi với cựu hoàng, nhóm "Cyprus" đại diện cho những người Afghanistan đang lưu vong tại Iran và nhóm Liên Minh Phương Bắc đang kiểm soát gần như toàn bộ đất nước. Cựu hoàng không tự mình tham dự đại hội nhưng cử đại biểu đến dự.

Các thành viên từ những phe nhóm đối nghịch của Afghanistan tham dự hội đàm Ðức đã đồng ý trên nguyên tắc việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp đại diện rộng rãi.

Các thành viên tại hội nghị do LHQ bảo trợ đã đặt cho họ một hạn chót trong vòng từ ba đến năm ngày để đồng ý về hình thức của chính quyền lâm thời và có thể một lực lượng quốc tế tại Afghanistan, theo lời phát ngôn nhân LHQ Ahmed Fawzi.

Trưởng phái đoàn của Liên Minh Miền Bắc, Bộ Trưởng Nội Vụ Yunus Qanooni nói nhóm ông không mưu tìm quyền lực độc đoán tại Afghanistan mặc dù đã đạt nhiều thắng lợi quân sự đối với Taliban.

Nhưng một câu hỏi hóc búa vẫn còn là hội nghị này được đại diện rộng rãi như thế nào - đặc biệt là nhóm sắc tộc lớn nhất, người Pashtun.

Phe Taliban có sự ủng hộ nhiều nhất từ cộng đồng này, nhưng họ không có đại diện tại cuộc hội đàm.

Các nhà lãnh đạo của bốn phái đoàn trong cuộc đàm phán tại Koenigswinter, ngoại vi thành phố Bonn, sử dụng cùng một ngôn từ để gọi một giai đoạn mới của hòa bình và nhân phẩm, theo ông Fawzi.

Các tham dự viên bày tỏ lạc quan rằng cuộc hội đàm sẽ đánh dấu một khúc quanh lịch sử và đồng thanh chấp thuận ba điểm chính trong nghị trình.

Ðiểm thứ nhất, ông Fawzi nói, là lập một "hội đồng tối cao lâm thời" để đưa Afghanistan từ giai đoạn chuyển tiếp đến dân chủ, LHQ hy vọng giai đoạn này sẽ mất sáu tháng.

Một chính phủ đại diện rộng rãi hơn, lúc đó sẽ được chấp thuận, và sau cùng là một "loya jirga" hay hội đồng bô lão sẽ được triệu tập tại Afghanistan để quyết định quốc gia sẽ được cai trị như thế nào sau sáu tháng chuyển tiếp.

Khi hội nghị khai mạc, ông Lakhdar Brahimi đã đọc thông điệp của Tổng Thư Ký LHQ Kofi Annan, thúc dục mọi nhóm đừng lặp lại những lỗi lầm củ bằng cách đưa Afghanistan vào đường nội chiến.

Liên Minh Miền Bắc và Pakistan cho thấy họ muốn đóng lại trang sử thù nghịch của quá khứ.

Phân tích viên của BBC cho rằng điều này có ảnh hưởng sâu xa cho tương lai của Afghanistan - nhất là nếu Liên Minh Miền Bắc trở nên một đảng chính trong chính quyền chuyển tiếp.

Liên Minh, gồm đa số là người Tajiks và Uzbeks, nói phái đoàn của họ có "quân bằng về sắc tộc" vì họ có cả đại diện của người Pashtuns và thành viên của những nhóm khác.

Nhưng phái viên BBC Brian Hanrahan tại cuộc hội đàm, nói rằng mặc dầu những đại diện của Cựu Hoàng cũng có người Pashtuns, nhưng họ sống ở nước ngoài và không có ai đại diện cho người Pashtuns từ can cứ địa của họ.

Trong lúc các phái đoàn tiếp tục cuộc hội đàm tại nhà khách sang trọng Lâu Ðài Petersburg bên giòng sông Rhine, một lãnh tụ bộ lạc Afghan đã điện thoại cho giới chức LHQ bày tỏ sự ủng hộ cho tiến trình hòa bình.

Ông Fawzi thuật lời của Hamid Karzai, một lãnh tụ chống Taliban có uy tín tại miền nam Afghanistan, nói rằng: "Cuộc họp này là con đường đi đến cứu nước,"

Ông Karzai nói "Chúng tôi là một quốc gia, một văn hóa, chúng tôi đoàn kết và không chia rẽ, Chúng tôi tất cả đều tin vào Hồi Giáo nhưng là một Hồi Giáo của tình thương."

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page