Ðức Gioan Phaolô II mời gọi
đại diện các tôn giáo họp nhau tại Assisi
để cầu nguyện và ăn chay cho hòa bình thế giới
Prepared for internet by Msgr Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Ðức Gioan
Phaolô II mời gọi đại diện các tôn giáo họp nhau tại
Assisi để cầu nguyện và ăn chay cho hòa bình thế giới.
Trước những
căng thẳng càng ngày càng đe dọa và chia rẽ thế giới,
nhất là sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại New York và
Washington, rồi tiếp đến chiến tranh tại Afganistan, một chiến
tranh nhằm tiêu diệt sào huyệt của nhóm khủng bố quốc tế,
Chúa nhật vừa qua 18.11.2001, trong giờ đọc kinh Truyền tin với
dân chúng tụ họp tại Quảng Trường Thánh Phêrô, Ðức Gioan
Phaolô II mời gọi các tín hữu công giáo ăn chay và bố thí
vào ngày 14 tháng 12/2001 tới đây. Ngài nói: "...Trong một tình
hình trở nên thê thảm bởi
những đe dọa của nạn khủng bố luôn luôn đè nặng, ám ảnh,
chúng ta cảm thấy sự khẩn thiết
kêu lên Thiên Chúa. Các khó khăn và viễn tượng đen
tối xem ra không thể vượt qua bao nhiêu, thì lời cầu nguyện
của chúng ta phải gia tăng mức độ mạnh hơn bấy nhiêu, để
khẩn xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn hiểu biết nhau, hòa thuận
và hòa bình".
ÐTC nói tiếp:
"Chúng ta biết rằng lời cầu nguyện có một sức mạnh lạ
lùng, nếu được kèm theo bằng việc ăn chay và bố thí". ÐTC
nhắc lại việc ăn chay của các tín hữu công giáo trong Mùa
Chay và Mùa Vọng. Người hồi giáo dành một tháng để ăn
chay và cầu nguyện, gọi là Ramadam. Rồi ngài nhắc đến Mùa
Vọng sắp bắt đầu, để chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, ngày
sinh nhật của Vua Hòa bình. Nhân cơ hội thuận tiện này, ÐTC
xin các tín hữu công giáo ăn chay vào ngày 14 tháng 12/2001 tới
đây và "cầu nguyện sốt sắng để xin Thiên Chúa ban cho thế
giới một nền hòa bình bền bỉ, xây dựng trên công lý và
xin Ngài giúp để tìm ra những giải pháp tương xứng cho nhiều
cuộc tranh chấp đang gây đau khổ cho thế giới". ÐTC đề nghị
những gì để dành ra được do ngày ăn chay, sẽ dùng để giúp đỡ các người nghèo túng
và nhất là những người đau khổ vì chiến tranh và những
nạn nhân của khủng bố.
Ngoài việc kêu
gọi các tín hữu công giáo ăn chay, bố thí và cầu nguyện,
một lần nữa ÐTC mời gọi đại diện các tôn giáo lớn trên
thế giới họp nhau tại Assisi, như năm 1986 và 1993, để cầu
nguyện, mỗi tôn giáo theo thể thức riêng của mình, cho hòa bình
thế giới. ÐTC nói: "Tôi còn muốn mời gọi đại diện các
tôn giáo thế giới đến Assisi ngày 24 tháng Giêng năm 2002,
để cầu nguyện xin ơn lướt thắng những lập trường
đối địch nhau và để cổ võ hòa bình chân chính". Ðức Gioan
Phaolô II nói tiếp: "Cách riêng, chúng ta, tín hữu Kitô và
Hồi giáo, cần gặp nhau, để tuyên xưng trước thế giới rằng:
tôn giáo không bao giờ được trở nên lý do của tranh chấp,
thù ghét và bạo động. Ai đón nhận cách thành thực lời
Chúa, Ðấng nhân lành và
thương xót, không thể không loại trừ khỏi tâm hồn bất cứ
hình thức nào của giận
ghét và thù địch. Trong lúc này nhân loại cần được thấy
những cử chỉ về hòa bình và cần được nghe những lời
đem lại hy vọng". Ðức Gioan Phaolô II nói thêm: "Như tôi
đã nói cách đây 15 năm, lúc loan báo cuộc gặp gỡ cầu
nguyện cho hòa bình, đã được cử hành tại Assisi vào tháng
10 năm tiếp sau đó (1986) rằng:
"Việc khẩn cấp trong lúc này là một lời khẩn cầu chung
nhau bay lên liên lỉ từ Trái đất lên tận Trời cao, để xin
Ðấng quyền năng, Ðấng nắm vận mệnh thế giới trong tay, ơn
lớn lao của hòa bình, điều kiện cần thiết cho mọi dấn thân
trong việc phục vụ cho công cuộc phát triển thực sự của
nhân loại".
Bình luận về
lời kêu gọi các tín hữu công giáo cầu nguyện, ăn chay,
bố thí, và lời mời gọi đại diện các tôn giáo thế
giới tụ họp cầu nguyện tại Assisi, nhật báo "Tương Lai"
số ra ngày 20.11.2001, viết như sau: "Ý muốn của Ðức Gioan
Phaolô II được công bố hôm Chúa nhật
18 tháng 11/2001, trong giờ đọc Kinh Truyền Tin, đã từ lâu
ở trong tư tưởng của ngài. Có thể từ sau vụ khủng bố xẩy
ra tại New York và Washington ngày 11 tháng 9/2001 vừa qua. Tư tưởng
này thêm mãi với sự căng thẳng quốc tế, qua việc lên tiếng
mỗi ngày mỗi rõ ràng về sự gia tăng của lập trường đối
địch nhau không thể chịu đựng được nữa giữa các người
cùng tin một Thiên Chúa duy nhất. Có lẽ căn cứ vào sự
gia tăng thù địch này, mà trong lời mời gọi Chúa nhật
18/11/2001 vừa qua, ÐTC đã nói lên lời này:
"Một sự đe dọa luôn luôn đè nặng và ám ảnh có
thể xẩy đến". Nhật báo viết tiếp: "Và như vậy, sau biết
bao lời kêu gọi được lặp đi lặp lại trong những tuần vừa
qua về đối thoại, lời khuyên đừng đi đến những cám dỗ
của một chính sách cuồng tín, một chính sách không liên hệ
gì với đức tin, Chúa nhật 18/11/2001 vừa qua ÐTC
đã đưa ra một đề
nghị - theo SIR (Servizio Italiano
Religioso, hãng thông tấn của các Giám mục Ý) - được khắc ghi vào trong "chương trình lớn
lao của Triều Giáo Hoàng của ngài, nhằm đến việc đối thoại
đại kết và liên tôn. Và do đó, cũng như tháng 10 năm 1986
và tháng Giêng năm 1993, Assisi sẽ đón tiếp cuộc gặp gỡ đặc
biệt này. Trong cuộc gặp này "không phải mọi người sẽ cầu
nguyện "với nhau", nhưng sẽ sát cánh nhau trong lời cầu
nguyện", (nghĩa là mỗi tôn giáo cầu nguyện theo lễ nghi của
mình bên cạnh các tôn giáo khác). Như vậy để mọi người
hiểu rằng: đây không phài là một cuộc hòa đồng, tổng
hợp hay lẫn lộn tôn giáo; nhưng là việc mỗi người tự do biểu lộ tín ngưỡng của tôn giáo mình, bên
cạnh nhau.
Ðài Phát Thánh
Vatican bình luận rằng: "Ðức Gioan Phaolô II đang thu lượm
được những ưng thuận trên cấp bậc quốc tế. Chắc chắn sẽ
có những phản ứng tích cực và rộng rãi, cho tới lúc này
còn quá sớm để có thể đưa ra con số của các người tham
dự. Con số này chỉ có thể biết rõ vào những ngày cuối
cùng trước cuộc gặp gỡ: 24 tháng Giêng năm 2002". Theo nhận
xét của Ðài Phát thanh Vatican, cần khoảng 15 ngày để tổ chức
biến cố, để biết rõ con số tham dự và để phác họa dứt
khoát chương trình. Trong công việc tổ chức, một công việc vừa
khẩn cấp, vừa tế nhị, cần đến sự góp công - một cách
thận trọng - của Tòa Thánh, bắt đầu từ các Tòa Sứ Thần
và dĩ nhiên với sự cộng tác của Hội đồng Tòa Thánh về
cổ võ sự hiệp nhất các tín hữu Kitô (do ÐHY Walter Kasper lãnh
đạo), của Hội đồng Tòa
Thánh về đối thoại liên tôn (ÐHY Francis Arinze làm chủ tịch)
và của Hội đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa bình (ÐHY
Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận đứng đầu). Ðài Vatican kết
luận: Cho tới lúc này bầu khí đang thở là một bầu khí lạc
quan và rất có thể sự hiện diện của các vị tham dự
còn có ý nghĩa sâu rộng hơn năm 1986, nhất là về phía
Hồi giáo.
Nhật báo L'Osservatore
Romano số ra ngày 19-20/11/2001, viết như sau: "Lời mời gọi của
ÐTC là một "lời khẩn xin đặc biệt, một tiếng kêu phát
xuất bởi thành tín bên trong, một tiếng kêu trở nên hùng
hồn bởi động lực của lời cầu nguyện, được kèm theo và
sống trong việc ăn chay".
Nhật báo Avvenire giải thích: Vì thế Ðức Gioan Phaolô II đã muốn cuộc gặp gỡ tới đây tại Assisi, cũng như năm 1986 và 1993, được kèm theo bằng ngày cầu nguyện và ăn chay. Khác với hai lần trước, lần này ÐTC mời gọi các tín hữu công giáo ăn chay vào ngày 14 tháng 12/2001 này: dĩ nhiên không do tình cờ, bởi vì ngày 14 tháng 12/2001 tới đây trùng hợp với ngày kết thúc tháng cầu nguyện và ăn chay "Ramadam" của Hồi giáo. Một sự trùng hợp mang ý nghĩa sâu xa.