Tòa Thánh hy vọng
sớm có tự do tôn giáo tại Afghanistan
Ðài Truyền Hình hoạt động trở lại - - - và cảnh chen chúc nhau vào xem phim Movie
Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Tòa Thánh hy vọng sớm có tự do tôn giáo tại Afghanistan.
Tin Tổng Hợp (Monday 19/11/2001) - Trước làn sóng sụp đổ của Taliban tại Afghanistan, Tòa Thánh hy vọng rằng quốc gia này sẽ sớm thiết lập các định chế dân chủ bảo vệ quyền con người, bao gồm quyền tự do thực hành niềm tin tôn giáo của người dân.
Ðức Hồng Y Angelo Sodano, quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng bày tỏ sự quan ngại của Tòa Thánh trước những con số thương vong của thường dân vô tội. Ngài nói: "Tòa Thánh hy vọng rằng giờ đây, sau khi đã phải gánh chịu quá nhiều đau khổ, Afghanistan sẽ được chứng kiến việc thành hình một chế độ đánh dấu bởi tính chất dân chủ, sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do - bắt đầu bằng quyền tự do thực hành niềm tin tôn giáo."
Hôm 18/11/2001, Ðức Hồng Y Angelo Sodano cho báo La Repubblica của Ý biết là: "Chẳng may, trong quá khứ thiểu số người Công Giáo sống trên mảnh đất Afghanistan đã phải chịu quá nhiều đau khổ"
Dân số Afghanistan là 25 triệu người. Trong thời kỳ Taliban cầm quyền, nhà nước có chủ trương tận diệt Kitô Giáo. Tuy nhiên, cho đến năm 2000, theo thống kê của cơ quan bác ái Ðức Shelter Now (mà 8 thành viên của tổ chức này đã bị bắt vì tội truyền bá Tin Mừng - vừa được cứu thoát vào ngày 14/11/2001), có khoảng 7,000 người Kitô Giáo trong tổng số 25 triệu dân của Afghanistan, trong đó đa số là người Công Giáo.
Tại Kabul, có 3 nữ tu dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu (Charles de Foucauld) vẫn còn sống sót. Trong thời gian qua họ vẫn lặng lẽ thực thi công việc bác ái giúp đỡ những người dân khốn khổ tại xứ sở này.
Các đoàn truyền giáo Ý đang chuẩn bị đến Kabul để giúp đỡ anh chị em Công Giáo Afghanistan chuẩn bị đón mùa Giáng Sinh.
Tại thủ đô Kabul ở Afghanistan, đặc sứ Liên Hiệp Quốc cũng đang ra sức vận động các phe phái xứ này họp lại tại một quốc gia trung lập trong thời gian càng sớm càng tốt.
Ðặc sứ Liên Hiệp Quốc, Francesc Vendrell đã gặp lãnh tụ các phe phái tại thủ đô Kabul, kể cả Tổng Thống Burhanuddin Rabbani, sau khi ông này trở về thủ đô Afghanistan hôm thứ Bảy 17/11/2001.
Hiện thời, ông Vendrell đang cố gắng khởi động kế hoạch của Liên Hiệp Quốc nhằm thành hình một cơ chế chia sẻ quyền bính giữa tổ chức với các phe phái trong xứ. Theo như kế hoạch, các bộ tộc lâu nay vẫn nổi tiếng chia rẽ ở Afghanistan phải được vận động ngồi lại cùng bàn quyền lợi chung trong một tiến trình gồm 5 giai đoạn nhằm thành lập một chính phủ quy tụ đại diện đủ mọi sắc dân ở Afghanistan.
Một quan chức Liên Hiệp Quốc cho hay lãnh tụ các phe phái đã tỏ ra sẵn lòng bàn chuyện nhóm họp tại một quốc gia trung lập. Tuy nhiên, trong bối cảnh mối hiềm khích giữa các phe phái ở Afghanistan từ xưa đến nay, tiến trình thương thuyết có lẽ sẽ diễn ra một cách chậm chạp và thiếu sinh khí, ngay cho dù quốc tế đang kêu gọi các phe nên sớm đi đến một giải pháp chính trị cho Afghanistan.
Trong lúc đó, người dân Afghan vui mừng vì từ nay có thể tự do xem chương trình ca nhạc, phỏng vấn và tin tức bằng tiếng Dari và Pashto trên Ðài Truyền Hình vừa mới được phát hình trở lại vào ngày 18/11/2001, sau 5 năm từ khi Taliban cấm chỉ vì phản-Hồi Giáo.
Shimuddin Shamsuddin, một xướng ngôn viên của chương trình, nói rằng việc phát hình trở lại được là điều đặc biệt quan trọng cho phụ nữ, vì những tự do của họ đã bị kềm chế nặng nề dưới chế độ Taliban.
Ông nói "Mọi người muốn bắt đầu làm việc lại cho TV, trong ba ngày chúng tôi đã cố làm để truyền hình lại được. Bây giờ chúng tôi rất sung sướng."
Người cùng xướng ngôn với anh là một thiếu nữ 16 tuổi tên Mariam Shkebar, xuất hiện mang khăn trùm đầu màu nâu và màu kem.
Một chiếc khăn trùm như vậy sẽ bị hiểm nguy trừng phạt nặng nề dưới thời Taliban, khi họ bắt buộc phụ nữ ăn mặc những bộ burga trùm kín từ đầu xuống chân và cấm đoán không được đi làm việc.
Cô Shakebar đã cảm nhận sự cấm đoán của chế độ đầu tiên hơn ai hết. Lúc mới 11 tuổi, cô đã là xướng ngôn viên cho một chương trình truyền hình thiếu nhi, khi Taliban chiếm chính quyền, cô tức khắc bị mất việc làm này.
Ðài truyền hình đã bị tàn phá nặng nề vì chiến cuộc từ năm 1996. Chiếc đĩa vệ tinh của đài đã bị phá hủy vì cuộc giao tranh hồi đầu thập niên 1990.
Thông tấn Reuters nói những chuyên viên người Afghan đã dựng một ăng tên củ trên nóc của Khách Sạn Intercontinental, bên cạnh những dụng cụ tối tân của những hệ thống truyền hình ngoại quốc truyền đi khắp thế giới.
Gần đó là một đĩa vệ tinh nhỏ dùng cho đài phát thanh, cái đĩa lổm chổm lỗ đạn nhưng đã giúp đài bắt đầu truyền thanh trở lại.
Hệ thống truyền thông mới hứa rằng họ sẽ không kiểm duyệt những chương trình.
Buổi phát hình bắt đầu bằng lời chào: "Kính chào quý vị khán giả, chúng tôi hy vọng quý vị được bình an!"
"Chúng tôi rất vui mừng chúng ta đã đánh bại được khủng bố và phe Taliban và có thể trình bày chương trình sau đây đến với quý vị."
Âm nhạc, truyền hình và điện ảnh đã bị cấm 5 năm nay từ khi phe Taliban lên cầm quyền. Bởi vậy, vào ngày 19/11/2001, khi Rạp Phim Ðiện Ảnh ở Kabul mở cửa trở lại với bộ phim Uruj hay Ascension nói về người anh hùng Afghanistan, nhiều người dân Afghan đã tranh nhau vào xem. Vì rạp chỉ chứa được khoảng 600 người, nên nhiều người vì muốn giữ chỗ nên đã chen lấn nhau, có người trèo luôn qua cổng sắt, có người đè lên nhau chỉ cố làm sao vào cho được rạp và thưởng thức bộ phim. Cảnh sát đã tìm mọi cách để giữ trật tự trước rạp phim, nhưng với số người quá đông muốn xem phim, nên đã tạo ra một cảnh hỗn loạn chưa từng thấy của đám dân chúng đang hâm mộ bộ phim sau bao nhiêu năm bị cấm đoán.