Những điều nên biết về
bệnh THAN (Anthrax)
Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Những điều nên biết về bệnh THAN (Anthrax) trước nguy cơ chiến tranh sinh học.
1. Hỏi: Bệnh Than (Anthrax) là bệnh gì?
Ðáp: Bệnh Anthrax tiếng Việt gọi là bệnh Than là một bệnh nhiễm trùng cấp tính gây nên bởi các hạt mầm (spores) chứa đựng vi trùng Bacillus Anthracis. Bệnh than thường xẩy ra cho các động vật có vú như trâu, bò, cừu, dê, lạc đà, hươu cao cổ... nhưng bệnh than cũng có thể xẩy ra cho người nếu họ bị tiếp xúc với các động vật bị nhiễm trùng hoặc với các tế bào của các động vật bị nhiễm trùng.
2. Hỏi: Bệnh than có phải là bệnh thông thường dễ mắc phải không và ai có thể mắc phải bệnh này?
Ðáp: Bệnh than thường xảy ra ở những vùng nông trại, trồng tỉa và chăn nuôi ở đó dễ có những thú vật bị nhiễm trùng bệnh than và những người làm việc về canh nông, chăn nuôi có thể bị mắc bệnh than khi họ tiếp xúc với các thú vật bị bệnh hoặc các sản phẩm do các thú vật này thải ra. Ngoài ra, những người làm việc với xác các thú vật chết nhập cảng từ các nước kém mở mang cũng có thể mắc bệnh này (Những người làm nghề thuộc da, làm áo lông...). Gần đây, lần đầu tiên trong lịch sử loài người ở Mỹ đã mắc phải bệnh than vì cầm phải hay hít phải những thư từ có chứa vi trùng bệnh than do bọn khủng bố gây ra.
3. Hỏi: Bệnh than truyền bệnh như thế nào?
Ðáp: Bệnh than có thể truyền bệnh dưới ba hình thức: Nhiễm trùng ngoài da (bệnh than da), qua đường hô hấp (bệnh than phổi) hoặc qua đường tiêu hóa (bệnh than tiêu hóa).
Những hạt mầm chứa đựng vi trùng than (spores) có thể sống ở dưới đất sỏi hàng trăm năm, khi súc vật ăn hoặc hít phải các hạt mầm này sẽ bị nhiễm bệnh và những người tiếp xúc với các súc vật hoặc sản phẩm của các súc vật bị bệnh này sẽ có thể bị lây bệnh than. Ăn những thịt không nấu chính đủ của những súc vật bị bệnh cũng có thể mắc bệnh. Nên lưu ý là trong cả ba trường hợp, các hạt mầm (spores) cần có một môi trường ẩm và ấm như trong cơ thể súc vật hoặc cơ thể con người mới có thể sinh sôi nẩy nở và gây bệnh được.
4. Hỏi: Triệu chứng của bệnh than như thế nào?
Ðáp: Triệu chứng của bệnh than thay đổi tùy theo hình thức truyền bệnh và triệu chứng thường xảy ra trong bảy ngày sau khi vi trùng vào cơ thể:
+ Bệnh truyền bằng đường ngoài da thường bắt đầu bằng những vết nổi ngứa trên da giống như bị các côn trùng đốt hoặc ong đốt, những vết nổi ngứa này sẽ nhanh chóng biến thành những vết lở đường kính khoảng từ 1 tới 3cm không đau (painless ulcers) với vết đen đậm ở chính giữa và vì vậy có danh từ bệnh than da. 95% những người mắc bệnh than là do vi trùng xâm nhập vào các vết rách hoặc vết trầy trên da trong khi họ tiếp xúc với da, lông... của các thú vật mắc bệnh. 20% những người mắc bệnh than da có thể bị chết nếu không được chữa chạy.
+ Trong trường hợp bệnh truyền bằng đường hô hấp (inhalation) thì khởi đầu bệnh nhân thường có những triệu chứng của bệnh cảm cúm như mệt mỏi, đau nhức, ho, sổ mũi... nhưng bệnh sẽ trở nặng rất mau làm bệnh nhân bị sưng phổi (Pneumonia) hoặc sưng màng óc (Meningitis) và cuối cùng vi trùng xâm nhập vào trong máu làm nhiễm trùng máu (septicemia) đưa đến bị kích súc (shock) mà chết. Bệnh than phổi nếu không được chữa chạy đúng cách 90% bệnh nhân sẽ bị chết. Ðây là trường hợp của 2 nhân viên bưu điện ở Washington DC đã bị chết.
+ Vi trùng bệnh than cũng có thể xâm nhập bằng đường tiêu hóa (gastrointestinal anthrax) khi chúng ta ăn phải thịt các súc vật bị bệnh than. Nhưng triệu chứng đầu tiên thường là buồn ói, ăn mất ngon, ói mửa, sốt nóng tiếp theo là đau bụng ói ra máu và tiêu chảy. Khoảng 25 đến 60% bệnh than tiêu hóa sẽ bị chết nếu không được chữa chạy sớm.
5. Hỏi: Vi trùng bệnh than có thẻ truyền từ người này sang người kia không?
Ðáp: Ðiều đáng mừng là bệnh than không được coi là bệnh hay lây (not contagious). Trực tiếp truyền bệnh từ người này qua người kia hầu như không có ở bệnh than phổi và bệnh than tiêu hóa. Còn về bệnh than da cũng rất hiếm có trường hợp truyền bệnh từ người này sang người khác được tường trình.
6. Hỏi: Bác sĩ nói thế có nghĩa là nếu một người trong gia đình mắc bệnh than những người khác trong gia đình không cần kiêng cử gì cả và vẫn có thể gần gũi người bệnh?
Ðáp: Vâng, chúng ta không cần để người bệnh ở một phòng riêng, khi nói chuyện với người bệnh không cần phải đeo khẩu trang, nhưng chúng ta cần băng kín những vết trầy hoặc vết rách ngoài da nếu có và khi săn sóc vết lở than da cho người bệnh cần phải đeo bao tay và rửa sạch tay bằng sà bông và nước lã.
7. Hỏi: Có cách chữa bệnh than hay không?
Ðáp: Bệnh than có thể chữa bằng các loại trụ sinh như penicillin, tetracyline và nhất là bằng ciprofloxacin (Cipro). Nhưng muốn có kết quả tốt cần phải cho bệnh nhân dùng trụ sinh ngay khi bệnh mới chớm phát. Nếu không chữa chạy hoặc chữa chạy trễ bệnh nhân có thể bị nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy những người bị tiếp xúc với vi trùng bệnh than và có nguy cơ có thể mắc bệnh được khuyên nên uống trụ sinh Cipro 500mg ngay, ngày 2 lần trong 10 ngày trong khi chờ đợi thử nghiệm.
8. Hỏi: Có nên uống trước trụ sinh hoặc chứa sẵn trụ sinh chữa bệnh than ở trong nhà không?
Ðáp: Như đã trình bày ở trên chỉ những người có tiếp xúc vói vi trùng bệnh than và có nguy cơ mắc bệnh hoặc đã mắc bệnh rồi mới nên dùng trụ sinh còn những người đang khoẻ mạnh dùng trụ sinh trước để ngừa bệnh than sẽ không có hiệu quả gì mà còn tạo nên tình trạng lờn thuốc khi mắc bệnh thật thì sẽ rất khó chữa. Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Tật ở Atlanta loan báo mới đây thì hiện nước Mỹ có thuốc trụ sinh dự trữ đủ để chữa bệnh than cho 2 triệu dân Mỹ trong 60 ngày và trong vài tuần tới số thuốc dự trữ sẽ đủ dùng cho 12 triệu người. Chúng ta không nên đua nhau đi mua thuốc dự trữ để tạo nên trường hợp khan hiếm giả tạo chỉ có lợi cho các công ty dược phẩm.
9. Hỏi: Liệu có cách gì để phòng ngừa mắc phải bệnh than không?
Ðáp: Bệnh than thường xảy ở những nước chậm tiến chuyên về canh nông mà sự chủng ngừa súc vật không được lưu ý. Ở những vùng này nên tránh đụng chạm vào gia súc, và tránh ăn thịt không được kiểm soát bởi thú y và thịt phải được nấu chín. Nên nhớ các hạt mầm chứa đựng bệnh than (spores) có thể rửa sạch bằng sà bông và nước lã vì vậy khi bị nghi ngờ là có đụng chạm tiếp xúc với vi trùng bệnh than (anthrax) cần phải tắm rửa sạch sẽ ngay hoặc ít nhất rửa sạch tay và mặt. Ngoài ra, chủng ngừa chống vi trùng anthrax cho những người có nguy cơ dễ mắc bệnh than cũng là phương thức phòng ngừa tốt. Trước tình trạng bọn khủng bố reo rắc bệnh than qua thư từ, cần tránh mở những thư của những người xa lạ, địa chỉ không quen, những bức thư có dính bột hoặc nước, hoặc căng phồng quá đáng... và phải đeo găng hoặc rửa sạch tay bằng sà bông và nước lã sau khi bóc thư.
10. Hỏi: Ai nên chủng ngừa chống bệnh than?
Ðáp: Theo sự cố vấn của ủy ban chủng ngừa tại Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Tật ở Atlanta (Centers for disease control and prevention in Atlanta) thì những người liệt kê dưới đây nên được chủng ngừa:
+ Những người làm việc trực tiếp với loại vi trùng này trong các phòng thí nghiệm.
+ Những người làm việc với các loại da hoặc lông thú nhập cảng từ ngoại quốc nhất là từ những vùng kém mở mang không đủ phương tiện để kiểm soát bệnh than.
+ Những thú y sĩ hoặc các chuyên viên canh nông phải săn sóc và tiếp xúc với các thú vật.
+ Các binh sĩ đồn trú tại các vùng có nhiều nguy cơ (high risk) tiếp xúc với loại vi trùng này hoặc nguy cơ đối phó với chiến tranh sinh học (Biological warfare weapon).
+ Ðàn bà chỉ nên chủng ngừa trong trường hợp tối cần thiết.
Có lẽ trước nguy cơ bọn phá hoại khủng bố dùng vũ khí vi trùng, vấn đề chủng ngừa cho mọi người, mọi giới sẽ được chính phủ khuyến cáo.
Nếu muốn biết thêm chi tiết về thuốc chủng ngừa bệnh than (Anthrax vaccine) có thể liên lạc US Army General Office 1-877-438-8222 hoặc http://www.anthrax.osd.mil
October 30, 2001
Bác Sĩ Nguyễn Quốc Quân
Chủ Tịch Hội Y Tế Việt Nam miền Ðông Bắc Hoa Kỳ.