Tổng thống Bush của Hoa Kỳ
sẽ dùng hội nghị APEC tại Thượng Hải
để thảo luận với các nhà lãnh đạo
về những diễn biến của trận chiến
chống khủng bố toàn cầu do Hoa Kỳ cầm đầu
Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Tổng thống Bush của Hoa Kỳ sẽ dùng hội nghị APEC tại Thượng Hải để thảo luận với các nhà lãnh đạo về những diễn biến của trận chiến chống khủng bố toàn cầu do Hoa Kỳ cầm đầu.
(Tin
tổng hợp 19 October 2001) - Trong bài thời sự tuần này, chúng
tôi xin nói đến hai đề tài:
-- Tổng thống George Bush của Hoa Kỳ tại cuộc họp của Diễn Ðàn Hợp Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương ở Thượng Hải,
-- Những khó khăn của tướng Pervez Musharraf, nhà lãnh đạo của Pakistan, đang phải đương đầu vì sự ủng hộ của ông đối với Hoa Kỳ trong chiến dịch chống khủng bố và chính quyền Taliban ở Afghanistan,
Thứ năm 18/10/2001, tổng thống George Bush và ngoại trưởng Colin Powell của Hoa Kỳ đã đến Thượng Hải để tham dự cuộc họp thượng đỉnh của tổ chức Diễn Ðàn Hợp Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương, gọi tắt là APEC. Tổ chức này qui tụ 21 quốc gia thành viên, trong đó có Hoa Kỳ. Thông thường kinh tế là vấn đề chính của nghị trình hội nghị nhưng năm nay chắc chắn đề tài khủng bố và cuộc tấn công của Hoa Kỳ vào Afghanistan sẽ được các nhà lãnh đạo mang ra thảo luận nhiều. Hội nghị lần này của APEC diễn ra trong bối cảnh những diễn biến nghiêm trọng, đặc biệt là tại vùng Nam Á do cuộc tấn công của Hoa Kỳ vào Afghanistan. Với các cuộc không kích dữ dội của quân đội Hoa Kỳ và Anh Quốc, tình hình nghiêm trọng và lo sợ của dân chúng Mỹ về các vụ thư từ mang vi khuẩn của bệnh than (anthrax), sự bất ổn tại Trung Ðông sau vụ tổ chức Hamas của Palestine ám sát vị bộ trưởng du lịch của Israel vào hôm thứ tư 17/10/2001, tổng thống Bush của Hoa Kỳ sẽ dùng hội nghị APEC tại Thượng Hải lần này để thảo luận với các nhà lãnh đạo của Nga, Trung Quốc và Nhật, cũng như các nước đồng minh khác của Hoa Kỳ về những diễn biến của trận chiến chống khủng bố toàn cầu do Hoa Kỳ cầm đầu hiện nay.
Hẳn nhiên, ông Bush không tránh khỏi phải thảo luận với giới lãnh đạo thành viên của khối APEC về các vấn đề thương mại giữa lúc nền kinh tế èo uột của thế giới đang có nguy cơ bước vào tình trạng suy thoái. Nhưng tổng thống Bush đã quyết định dùng phần lớn thời gian của ông tại Thượng Hải để củng cố thế liên minh giữa các quốc gia với Hoa Kỳ mà ông đã xây dựng sau vụ khủng bố tại Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9/2001 vừa qua. Ðiều này được cố vấn an ninh quốc gia của ông là bà Condoleezza Rice tóm lược qua lời phát biểu sau đây: "Chúng tôi có một quan hệ rất tốt đẹp với các nhà lãnh đạo mà tổng thống Bush sẽ hội kiến tại Thượng Hải. Ðây là cơ hội để tổng thống Bush xem lại coi Hoa Kỳ đang ở vị trí nào và phải làm gì để tiếp tục các nỗ lực chống khủng bố". Ðứng trước tình thế khủng hoảng trên thế giới hiện giờ, các hội nghị thượng định qui tụ các nhà lãnh đạo thế giới sẽ không tránh khỏi phải đương đầu với những vấn đề hóc búa, nhất là trong vị thế của Hoa Kỳ là quốc gia cầm đầu liên minh chống khủng bố hiện giờ. Vào ngày thứ sáu 19/10/2001, tổng thống Bush có cuộc hội kiến với chủ tịch Giang Trạch Dân của Trung Quốc, nước chủ nhà. Chúa Nhật 21/10/2001, ông sẽ gặp tổng thống Vladimir Putin của Nga. Giữa thứ sáu và Chúa Nhật, ông sẽ tiếp các vị lãnh đạo khác, trong số này có hai vị lãnh đạo của Indonesia và Malaysia, hai quốc gia có đông dân số Hồi Giáo trên thế giới. Hoa Kỳ hiện đang bị vài nước trong tổ chức APEC chỉ trích vì vụ tấn công Afghanistan. Malaysia gọi cuộc tấn công của Mỹ là sai lầm, trong khi tại Indonesia, một số giới chức chính quyền cao cấp đã tỏ ý chống lại lời hứa ủng hộ mà bà tổng thống Sukarnoputri Megawati đã bày tỏ với Hoa Kỳ tháng vừa qua (09/2001). Bà Condoleezza Rice, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ đã bày tỏ cảm nghĩ như sau: "Các lãnh tụ tại hội nghị của APEC hiểu được mối đe dọa của khủng bố, và có lẽ họ hiểu rõ khủng bố hơn cả người Hoa Kỳ. Họ biết rằng, các tay khủng bố cực đoan cũng đang đe dọa tới sự ổn định tại riêng quốc gia của họ. Vì vậy, Hoa Kỳ tin rằng chúng tôi và những quốc gia này có chung một chánh nghĩa và chúng ta có thể hợp tác để đạt tới một sự cảm thông và hiểu biết nhau hơn.
Bà Condoleezza Rice cũng cho biết thoạt đầu, ngay sau ngày xảy ra vụ khủng bố, tổng thống George Bush đã nghĩ đến chuyện hủy bỏ chuyến công du dự hội nghị của APEC tại Thượng Hải, nhưng sau đó ông Bush đã quyết định làm điều mà ông đã kêu gọi dân chúng Mỹ nên làm, đó là tiếp tục cuộc sống và những việc làm thường ngày. Ông Bush tin rằng, dự hội nghị APEC là một trong những công tác quan trọng mà ông phải làm trong cương vị nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ, và ông cần phải có mặt tại Thượng Hải để tiếp tục xây dựng thế liên minh của Hoa Kỳ với các quốc gia khác, giải quyết những bế tắc kinh tế, và tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của các quốc gia khác để chống lại nạn khủng bố. Trong chuyến đi Thượng Hải lần này, có nhiều quan tâm về sự an toàn của ông Bush. Tuy nhiên theo lời của phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc thì sự lo ngại về an ninh của tổng thống Bush không quan trọng hơn những gì mà ông có thể đạt được khi ông trực diện hội đàm với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, Nga và Nhật Bản và các vị lãnh tụ khác. Nó vượt quá bất cứ mối nguy hiểm nào về an ninh của riêng cá nhân tổng thống Bush hay cả về mặt chính trị. Ðối với tổng thống Bush, đây là một thời điểm quan trọng để xây dựng thế liên minh mà Hoa Kỳ đang có với các quốc gia khác trong trận chiến chống nạn khủng bố hoàn cầu ……
Vừa
rồi là vài nét về sứ
mạng của tổng thống Hoa Kỳ tại hội nghị APEC ở Thượng Hải.
Nay quay sang Pakistan, quốc gia vùng Nam Á đang được thế giới chú ý đến nhiều hiện giờ trong trận chiến của Hoa Kỳ và Anh Quốc chống khủng bố và nhà cầm quyền Taliban tại Afghanistan. Hôm thứ ba 16/10/2001, ngoại trưởng Colin Powell của Hoa Kỳ kết thúc chuyến công du một ngày của ông tại Pakistan, nơi ông đã gặp tướng Pervez Musharraf của Pakistan để thảo luận về tình hình cuộc tấn công của Hoa Kỳ và Anh Quốc vào Afghanistan, trong đó Pakistan đóng một vai trò hỗ trợ trọng yếu. Xuất hiện trước các ký giả cùng với ngoại trưởng Powell trước khi ông Powell lên máy bay đi Ấn Ðộ, tướng Musharaff đã lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ nên mau chóng kết thúc các trận không kích vào Afghanistan. Trích dẫn những áp lực mạnh của các thành phần Hồi Giáo bảo thủ chống quyết định của ông ủng hộ cho liên minh phương Tây, tướng Musharaff đã phát biểu như sau: "Ðiều rõ ràng là đa số người dân Pakistan chống lại các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ và đồng minh tại Afghanistan. Họ muốn cuộc tấn công này chấm dứt càng sớm càng tốt, và đây là điều tôi muốn kêu gọi tới liên minh quân sự Tây Phương". Lời kêu gọi này của tướng Musharaff cho thấy ông đang đứng vào một tình thế hết sức tế nhị và khó xử.
Theo các nhà phân tích thì việc đối phó với hàng chục ngàn người Pakistan xuống đường biểu tình để phản đối việc tướng Musharaff ủng hộ Hoa Kỳ chống lại Afghanistan, một quốc gia Hồi Giáo, là một chuyện dễ. Nhưng thách đố lớn nhất mà tướng Musharaff đang trực diện hiện giờ đến từ các sĩ quan, binh sĩ trong quân đội Pakistan cũng như các viên chức tình báo dưới quyền của ông. Một cách kín đáo những người này đang cho tướng Musharaff thấy là họ nghĩ rằng những người dân Pakistan xuống đường biểu tình là đúng. Một cuộc thăm dò dư luận tại Pakistan cho thấy, 87% dân chúng Pakistan chống lại việc Hoa Kỳ mở cuộc tấn công quân sự vào Afghanistan. Ðứng trước tình thế này, tướng Musharaff đang tạo áp lực với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ để kết thúc chiến dịch dội bom xuống Afghanistan càng sớm càng tốt. Tướng Musharaff đã lập lại lời kêu gọi này khi ngoại trưởng Colin Powell của Hoa Kỳ đặt chân đến Pakistan vào hôm thứ hai 15/10/2001. Hiện nay, nhà lãnh đạo của Pakistan đang nhờ vả rất nhiều vào quân đội và cảnh sát Pakistan để kiềm chế làn sóng biểu tình phẫn nộ của dân chúng Pakistan. Các cuộc biểu tình có chiều hướng ngày một trở nên bạo động hơn.
Một vị tướng về hưu và các nhà phân tích quân sự của Pakistan cho rằng có những giới hạn và ranh giới trong việc hợp tác của các lực lượng bảo vệ an ninh chống lại chính đồng bào của họ, và trong việc mở chiến dịch quân sự địa phương để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ trong trận chiến đánh Afghanistan. Tướng Mirza Aslam Beg, cựu tham mưu trưởng quân đội Pakistan, đã phát biểu như sau: "Có một giới hạn trong sự khoan nhượng". Hiện nay thì chưa có ai nói đến chuyện làm phản chống lại tướng Musharaff vì lập trường thân Tây Phương của ông, một phần vì ông vẫn được các tướng lãnh cao cấp khác của Pakistan ủng hộ mạnh kể từ sau khi ông đứng ra cầm đầu cuộc đảo chánh chính phủ và giải tán quốc hội cách đây hai năm. Tuy nhiên các sĩ quan cấp dưới của quân đội Pakistan thì đã bày tỏ lập trường một cách rõ ràng là họ không thể tiếp tục bảo vệ chính sách của Hoa Kỳ, một chính sách mà theo cái nhìn của họ là không thể nào còn bảo vệ và ủng hộ được nữa. Tướng Mirza Beg nói như sau: "Các vị sĩ quan thuộc cấp này sẽ tìm một cách rất kính phục để nói với vị chỉ huy của họ rằng, chúng tôi không thể tiếp tục sát hại chính đồng bào của chúng tôi. Tại Pakistan, hiện đang có một tâm thức chung rằng đây là một cuộc chiến giữa Hồi Giáo và Tây Phương. Tâm thức này rất mạnh trong hàng ngũ quân đội cũng như trong dân chúng nói chung".