Cuộc biểu tình chống cuộc oanh tạc

biến thành cuộc tàn sát người Thiên Chúa Giáo

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Cuộc biểu tình chống cuộc oanh tạc biến thành cuộc tàn sát người Thiên Chúa Giáo.

LAGOS, Nigeria (CNN 14/10/2001). Thông tín viên trưởng Jeff Koinange của CNN cho biết có hằng trăm người ở thành phố Kano miền bắc Nigeria đãbị giết sau cuộc biểu tình chống Hoa Kỳ oanh tạc Afghanistan.

Cuộc biểu tình xảy ra hôm thứ Sáu 12/10/2001 tại thành phố Kano là nơi phần đông cư dân là người Hồi Giáo. Ban đầu, cuộc biểu tình diễn ra ôn hoà, nhưng sau đó đã trở thành bạo động, đẫm máu.

Ða số nạn nhân bị giết là người Thiên Chuá Giáo và rất nhiều người khác bị thương. Hàng chục nhà thờ bị đốt. Những người Thiên Chúa Giáo đã phải chạy đến trú ẩn tại các đồn cảnh sát, các trại lính để được bảo vệ tính mạng. Một số người khác được xe buýt có hộ tống chạy về miền Sabon Gari là nơi hầu hết cư dân không phải là Hồi Giáo.

Một viên chức lãnh đạo cộng đồng cho biết các người biểu tình đã giết sáu em gái học sinh trung học đang đến trường tham dự kỳ thi vào đại học.

Vào thứ Bảy 13/10/2001, lệnh giới nghiêm đã được ban hành từ 7 giờ tối đến 6 giờ sáng. Xe thiết giáp đi tuần trong thành phố và cảnh sát, quân đội được lệnh bắn vào những người vi phạm lệnh giới nghiêm. Tuy nhiên, theo thông tín viên Jeff Koinange, rất nhiều người coi thường lệnh này và có vẻ quân đội đã không trấn áp được cuộc tàn sát.

Một cư dân ở vùng Sabon Sari, có vẻ như là người Hồi Giáo, điện đàm với thông tín viên của hãng Reuters cho biết lúc ông đang nói chuyện thì ngoài đường còn thấy một xác người đang bị thiêu cháy.

Thông tín viên Koinange nói chưa rõ nguyên nhân nào đưa đến vụ thảm sát, nhưng hình như, vụ này đã âm ỉ trong mấy tuần qua. Và mặc dầu cuộc thảm sát có dính líu đến việc Chống Hoa Kỳ oanh tạc Afghanisatan, nhưng chuyện xung đột tôn giáo đã là hiện tượng thường thấy ở Nigeria trong hai năm qua, đã giết chết hàng ngàn người.

Dân số Nigeria khoảng 120 triệu người trong đó một nửa là Hồi Giáo, một nửa là Thiên Chúa Giáo.

 

Cũng tương tự, tại Australia, hôm thứ Bẩy 13/10/2001, một nhà thờ thuộc giáo hội Tin Lành Uniting Church tại Bass Hill, Sydney, Australia, đã bị đốt. Một phần của nhà thờ bị thiệt hại nhưng nhà thờ này vẫn còn sử dụng được. Ðây là vụ tấn công thứ tám vào các nhà thờ Kitô Giáo từ sau ngày xảy ra vụ khủng bố tại Hoa Kỳ. Trong khi đó, có 2 đền thờ Hồi Giáo tại Brisbane và Adelaide đã bị phóng hỏa. Cảnh sát không loại trừ khả năng có những kẻ muốn kích động một cuộc chiến giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo theo lời kêu gọi của Bin Laden.

Tại Pakistan, sau buổi cầu nguyện Hồi Giáo hôm thứ Sáu 12/10/2001 hàng nghìn người Hồi Giáo đã biểu tình chống chính phủ. Những người này đã đụng độ với quân đội và cảnh sát chống bạo động khi các lực lượng an ninh cố bảo vệ phi trường Jacobabad tại tỉnh Synd.

Ðây là một trong hai phi trường đã được trao cho Hoa Kỳ trong khuôn khổ những cam kết mà Pakistan đưa ra trước đó để giúp Hoa Kỳ truy lùng bin Laden và tổ chức của ông ta tại nước láng giềng Afghanistan.

Những người biểu tình cố gắng bao vây phi trường; và thương vong đã xảy ra khi cảnh sát sử dụng hơi cay và bắn đạn thật vào đám biểu tình. Tuy nhiên, các người tổ chức biểu tình thề quyết duy trì áp lực hiện nay song song với cuộc tổng đình công toàn quốc diễn ra trong ngày hôm nay thứ Hai 15/10/2001.

Những người biểu tình cũng kêu gọi chính phủ phải chấm dứt ngay lập tức chính sách chống Taliban; nếu không họ sẽ kêu gọi các tướng lãnh Pakistan lật đổ chính phủ quân nhân đương cầm quyền.

Tuy vậy, Tổng Thống Pakistan Pervez Musharraf không có ý định nhượng bộ những đòi hỏi của các người biểu tình. Ông đang chuẩn bị đón tiếp Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Colin Powell.

Tổng thống cũng đã chấp thuận kế hoạch bắt giam thêm các lãnh tụ tôn giáo chủ trương cứng rắn. Kế hoạch này dự tính sẽ bắt khẩn cấp 1,000 thành phần Hồi Giáo cứng rắn, đặc biệt là những lãnh tụ của tổ chức Jamiat-Ulmeah-Islam (JUI), tổ chức chủ lực trong vụ bao vây phi trường Jacobabad và Pasni (ở Balochistan), là hai phi trường đã được trao cho Hoa Kỳ sử dụng.

Bộ trưởng nội vụ Pakistan, tướng Moinuddin Haider cho phóng viên Fides biết quan điểm của ông: "Ðền thờ là nơi cầu nguyện, không phải là chỗ để xúi giục bạo lực".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page