Ðức Hồng Y Theodore McCarrick

kêu gọi giáo dân hãy ăn chay hãm mình

cầu nguyện cho hòa bình

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

ÐHY Theodore McCarrick kêu gọi Giáo dân thủ đô Washington, Hoa Kỳ, hãy ăn chay hãm mình cầu nguyện cho hòa bình.

Washington - (AP - Monday 15/10/2001) - Ðức Hồng Y Theodore McCarrick của tổng giáo phận Washington đã kêu gọi các tín hữu hãy giữ chay mỗi tuần một ngày cho đến khi nào chấm dứt chiến cuộc tại Afghanistan.

Theo thông tấn xã AP, Ðức Hồng Y đã đưa ra lời kêu gọi trên trong thánh lễ tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Matthêu ở Washington. Theo ngài, đó một cách để chúng ta nhớ đến những người đã chết trong vụ khủng bố dã man hôm 11/09/2001.

"Tôi kêu gọi các tín hữu Công Giáo trong tổng giáo phận Washington hãy ăn chay mỗi tuần ít nhất là một lần, theo các luật chay tịnh thông thường của Giáo Hội, và tiếp tục thực hiện việc thống hối và đền tội khi chiến tranh vẫn còn xảy ra".

Bà Susan Gibbs, phát ngôn viên tòa Giám Mục cho biết luật giữ chay cho phép ăn một bữa như bình thường, và hai bữa khác ít hơn thường lệ.

Mặc dù ngày giữ chay tùy thuộc cá nhân, Ðức Hồng Y đề nghị ngày thứ Sáu hàng tuần.

PTrong lúc đó, những phong trào p hản chiến ở Hoa Kỳ phải gặp nhiều vất vả hơn, họ bị dân Mỹ nổi giận, la mắng.

Boston (AP) - Với mái tóc dài được cột đuôi gà, người đàn ông 52 tuổi, giơ cao cái bảng chống chiến tranh dưới phố, một lần nữa để phẫn nộ với cuộc chiến mà Hoa Kỳ đang tham dự. Nhưng lần này, cái bảng viết khác: Dân Mỹ rất sợ hơn bao giờ hết. "Ðể thuyết phục dân chúng, có thể anh phải đi xa hơn một chút, vì quốc gia này đã bị tấn công", Bill Leary, một cựu quân nhân trong cuộc chiến Việt Nam, người đã trở thành dân phản chiến 30 năm về trước, đã nói thế. Trên toàn quốc, những dân phải chiến (hay chuộng hoà bình) như Bill Leary, một lần nữa lại xuống đường, cầm bảng biểu tình chống việc Hoa Kỳ tấn công A Phú Hãn. Nhưng lần này, họ có vẻ dịu hơn, không la lối như trong quá khứ, và tìm cách hoà đồng với tình hình chính trị hiện tại, gây ra bởi vụ khủng bố hôm 9/11/2001. Họ tránh vi phạm luật pháp và những vụ xung đột. "Tình hình bây giờ thật khác, và nó đã tạo nên một sự thử thách cho nhóm phản chiến của chúng tôi", Howard Zinn, một dân phản chiến cũng là một sử gia, đã nói "Nhóm phản chiến của chúng tôi phải đương đầu với một hoàn cảnh mà tình cảm của dân chúng đang bị giao động... như họ chưa từng bị giao động bao giờ." "Chúng tôi khó có thể thuyết phục họ lần này", Ofer Levy, bác sĩ 35 tuổi, mang trên ngực áo một dấu hiệu phản chiến tại cuộc biểu tình ở Boston, đã nói "Những người không đồng ý với chúng tôi đã kêu rằng "Chúng ta vừa mất gần 6,000 người ngay trên đất nước của chúng ta. Anh muốn gì, hoà bình?'"

Nhóm phản chiến, những người đã chuẩn bị khi Hoa Kỳ tuyên bố là sẽ trừng phạt, đã tổ chức những cuộc biểu tình tại Boston, Washington, Chicago, San Francisco và những nơi khác. Chỉ trong vòng mấy tiếng sau khi có cuộc tấn công A Phú Hãn, hơn 1,000 người biểu tình đã tụ tập tại công viên thành phố chỉ cách hai toà nhà Trung tâm Thương mại Quốc tế chưa đầy hai dặm. Trong ngày biểu tình hôm thứ Ba 9/10/2001, ban tổ chức đã hy vọng rằng sẽ có 1,000 người tham dự. Nhưng chỉ có khoảng 100 người đến. Họ đốt nến, dương biểu ngữ chống chiến tranh, nghe những bài diễn văn bằng tiếng Ả rập và cuối cùng giải tán. Phần lớn những người qua lại từ chối không nhận những truyền đơn do nhóm phản chiến phân phát. Nhưng một người chạy bộ, rõ ràng là rất tức giận với đám biểu tình, đã giơ cánh tay lên làm một dấu hiệu tục tằn khi anh chạy qua và la lớn "giết hết chúng đi". Gần đó, Patrick Faherty, một học sinh 15 tuổi, đứng nhìn đám biểu tình với hai người bạn. "Họ muốn hoà bình? Họ không muốn chiến tranh? Tôi thù ghét họ. Cả ngàn người vô tội bị giết. Tôi thật sự muốn tham dự cuộc chiến" cậu nói, "tôi rất bực bội khi nói về chuyện này" Kevin Martin, chủ tịch của Peace Action tại Washington, nói rằng những người phản chiến đã nhận được nhiều thư chửi rủa và ngay cả hăm doạ. "Ðây là điều có thể thông cảm vì sợ và tức giận về vụ khủng bố 9/11/2001 mà người dân Hoa Kỳ ủng hộ chiến tranh" ông nói "Tôi nghĩ chúng ta nên nhạy cảm với họ… những nghi vấn về an ninh cá nhân, mà thực sự họ đã không có kể từ khi Thế chiến thứ II". Ngay cả những dân phản chiến kỳ cựu cũng cảm thấy lòng tan nát. Charles Deemer, một văn sĩ hiện đang dạy tại Portland State University, Oregon, cũng đã bỏ cuộc. "Khi đất nước chúng ta bị tấn công, sự quyết định đầu tiên là nên hàng hay nên chiến", ông đã viết cho một tờ báo địa phương "tôi tin rằng không có sự trung dung, một là chúng ta đánh hai là không, và nếu chúng ta không làm gì, đồng nghĩa là chúng ta đầu hàng." Ông đã thân ái chúc những người mà ông đã một thời đồng tình được nhiều thắng lợi. Ông cũng khuyên họ nên tìm một phương thức mới. Ðể bắt đầu, ông khuyên những người biểu tình nên cầm cờ Hoa Kỳ để chứng tỏ lòng yêu nước của họ. Nhiều người biểu tình phản chiến đã cất đi những cái bảng cũ có những câu như "Hãy cho Hòa Bình một cơ hội" vì sợ rằng nghe quá ngây thơ và không tác dụng đối với một quốc gia đang bị tấn công. Những lời phản chiến mới của họ là "Ðừng thêm nạn nhân vô tội". Sau vụ khủng bố 9/11/2001, họ hy vọng sẽ mang sự an ủi thật lòng đến cho những người dân vô tội bất cứ nơi nào trên thế giới. "Nếu giết những người vô tội ở hai toà nhà Trung tâm Thương Mại là sai lầm, thì tại sao chúng ta lại giết thêm người nữa", Mechael Borkson, một người biểu tình tại Boston, với cây đàn guitar đeo trên lưng, đã hỏi như vậy. Những người phản chiến lần đầu tiên phối hợp một cuộc phản chiến toàn diện trên hệ thống mạng lưới toàn cầu. Một câu phản chiến đồng nhất đã hiện lên trên các trang nhà "Vụ khủng bố ngày 9/11/2001 là một hành động dã man của những kẻ giết người tập thể, và những kẻ khủng bố này phải được đối phó bằng phương cách ngoại giao và pháp luật. Chiến tranh chỉ gây thêm sự khủng bố trong nước, làm những quốc gia như Pakistan bất an, và cuối cùng sẽ làm thế giới thêm nguy hiểm" Những nhóm phản chiến cũng lên tiếng đồng tình với những người biểu tình Hồi giáo và Ả rập. Họ đòi hỏi sự bảo vệ mạnh mẽ cho sự tự do, ủng hộ quyền của những người Mỹ gốc Ả rập, và ngay cả giảng dạy nguồn gốc Hồi giáo cho những người theo họ. Họ hy vọng sẽ nâng cao phong trào phản chiến trong những ngày sắp tới, nhất là cuộc chiến càng ngày càng trở nên khốc liệt và đẫm máu. Nhưng Joseph Gerson, một thành viên của American Friends Service Committee, nói "Nhưng nếu chúng ta bị một vụ khủng bố nữa ngay trên đất nước Hoa Kỳ, nó cũng sẽ là một cái tát mạnh cho những người phản chiến".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page