Nghĩa Cử Yêu Thương

(Những Bài Suy Niệm Hằng Ngày Theo Chủ Ðề

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu - Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Ðiều Ác Hay Tội Lỗi

 

Ðể tiếp tục đi vào huyền nhiệm của đau khổ và sự dữ, hôm nay chúng ta bàn đến nguồn gốc của sự dữ luân lý, tức là điều ác hay tội lỗi.

Ðiêu ác hay tội lỗi do đâu mà đến?

Câu trả lời thật là đơn giản, tội lỗi là do bởi con người, chính con người với tất cả ý thức và tự do được thúc đẩy bởi tính ích kỷ, kiêu ngạo và các thứ đam mê đã phạm tội. Như vậy nguồn gốc của tội lỗi như Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng chính là trái tim hay lòng dạ con người. Nếu trái tim hay lòng dạ con người đã trở nên nhơ bẩn xấu xa, là bởi con người đã lạm dụng tự do của mình để chọn lựa điều xấu.

Như vậy đối với người Kitô giáo, sự xấu đến từ chính con người hay đúng hơn từ trái tim hay lòng dạ con người. Từ trái tim hay lòng dạ ấy sự dữ lan tràn ra khắp thế giới, tạo ra bao nhiêu sự dữ về thể lý cũng như tinh thần khiến cho bao người phải khổ đau. Vậy, chính từ tội lỗi con người mà xuất phát dòng thác khổ đau và chết chóc đang nhận chìm nhân loại. Nhưng câu hỏi cần nêu lên là:

Tại sao con người vốn hướng về điều thiện lại trở thành nô lệ cho sự dữ và để cho tội lỗi thống trị?

Tại Tây Phường, kể từ thời kỳ thường được mệnh danh là ánh sáng vào thế kỷ XVIII, người ta cho rằng con người tự nó là tốt, sự dữ không xuất phát từ lòng dạ con người, mà chỉ từ xã hội bên ngoài mà thôi.

Với khám phá khoa học, khiến cho con người lạc quan đến độ tin tưởng rằng: khoa học sẽ mang lại cho nhân loại một tương lai phồn thịnh hòa bình, dựa trên tính tự thiện của con người chỉ cần xây dựng một xã hội dân chủ là có thể loại trừ được sự dữ ra khỏi thế giới. Với khoa học chỉ cần loại trừ sự dốt nát là có thể giải quyết mọi vấn đề và bảo đảm hạnh phúc cho con người.

Trong ba thế kỷ liền, điều lạc quan trên đây bởi những huyền thoại của lý trí tự do, khoa học và tiến bộ người ta nhìn vào thế giới với một niềm tin tưởng mãnh liệt vào những tiến bộ kỳ diệu của nhân loại.

Thế nhưng thế chiến thứ nhất đã lung lay tận gốc rễ niềm tin ấy. Nhiều người chợt nhận ra rằng chính lý trí, khoa học và những tiến bộ đã quay lưng lại với nhân loại, chỉ mang lại toàn những chết chóc và khổ đau mà thôi, kế đó phải 50,000,000 sinh linh con người bị tế thần.

Thế chiến thứ hai lại càng cho thấy được bộ mặt thật của những huyền thoại trên đây. Với đủ loại khí giới hạt nhân, sự hủy diệt nhân loại lại càng lúc càng tỏ hiện chân trời của lịch sử. Ðiểm lạc quan mà thời kỳ ánh sáng đã mở ra nay đi vào một cơn khủng hoảng trầm trọng, khiến xuất hiện nhiều tiên tri loan báo chết chóc và hủy diệt.

Như vậy, rõ ràng là lý trí và khoa học vốn được thời kỳ lý trí đề cao một sức mạnh vạn năng tự nó không thể mang lại một hạnh phúc đích thực cho con người, thay vì phục vụ cho sự tiến bộ của nhân loại, lý trí và khoa học ấy đã quay lưng chống lại con người. Câu hỏi nền tảng vẫn còn đó: Tại sao con người hướng về điều thiện lại trở thành nô lệ cho sự dữ và để cho tội lỗi thống trị?

Lịch sử đã chứng minh rằng lý trí mà khoa học là con đẻ đã không đủ khả năng để mang lại một giải pháp cho vấn đề sự dữ của con người. Lịch sử cũng đã chứng minh rằng lý trí ấy cũng chẳng có đủ khả năng để trả lời cho câu hỏi căn cội trên đây. Bao nhiêu giải đáp là bấy nhiêu thất vọng, bao nhiêu giải pháp là bấy nhiêu khổ đau.

Ðồng hành với nhân loại, Kitô giáo đã mang lại ánh sáng cho vấn đề ấy khi khẳng định rằng, mỗi một con người đều sinh ra trong tình trạng tội lỗi, chính tình trạng của tội lỗi ấy đã lôi kéo con người vào vòng vây của sự dữ, Kitô giáo gọi đó là tội Nguyên Tổ. Tổ tiên loài người đã khước từ sự tự do đích thực mà Thiên Chúa đã trao tặng, hành động này đã ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại. Mỗi người kể từ giây phút đầu tiên được cưu mang trong lòng mẹ đã bị ô nhiễm bởi tỳ vết của tội Nguyên Tổ, đây vốn là chân lý mà nếu không được ánh sáng Thần Linh soi dẫn, lý trí con người không thể nào đạt tới.

Cùng với tỳ vết của tội Nguyên Tổ ấy, niềm tin Kitô giáo còn nói đến sự hiện hữu của điều còn được gọi là quyền lực của tăm tối của tội lỗi. Kinh Thánh của Kitô giáo đầy những trang nói về sự hiện hữu và tác động của quyền lực này. Quyền lực này không ngừng chống lại Thiên Chúa và con người, nó tìm cách phá hủy công trình của Thiên Chúa, lôi kéo con người vào cuộc chiến chống lại Thiên Chúa, trói buộc con người vào vòng nô lệ của tội lỗi, lầm lạc, ích kỷ, hận thù, nó tác hại ngay trong chính tâm hồn con người. Dĩ nhiên sự hiện hữu của quyền lực tăm tối này nó không phải là đối tượng trực tiếp của sự cảm nghiệm của con người, nhưng trong lịch sử nhân loại có những sự kiện mà nếu không nại đến sự tác động của quyền lực ấy, con người không thể nào lý giải được.

Chúng ta hãy thử nhìn lại một vài sự kiện như sau: sự dối trá ngự trị như chân lý, còn chân lý thì bị chế diễu và chụp lên cái mũ của dối trá. Sự dữ thắng thế trên sự thiện và công lý, những kẻ bất lương, những anh cướp ngày lại được tung hô và chạy theo trong khi những người lương thiện và vô tội bị bách hại và lãng quên. Thiên Chúa không những bị chối bỏ mà còn bị oán ghét, nguyền rủa. Các lò hơi ngạt của Ðức Quốc Xã, các quần đảo Gulac đủ loại của chủ nghĩa cộng sản, đó là bằng chứng điển hình và hiển nhiên nhất về sự hiện hữu và tác động của quyền lực tăm tối ấy. Bóng tối của nó bao trùm lên con người đến độ khiến cho con người không còn khả năng để phân biệt phải trái và thiện ác, nọc độc của nó tiêm nhiễm vào tận đáy tâm hồn con người, nó làm con người hầu như tê liệt để không còn có thể làm điều thiện mình muốn, nhưng lại làm điều ác mình không muốn.

Vết nhơ của Nguyên Tổ loài người và sự tác động của quyền lực tăm tối trong tâm hồn con người, đó là chân lý mà kitô giáo muốn cống hiến cho nhân loại như ánh sáng chiếu rọi vào mầu nhiệm cuộc khổ đau và sự dữ vậy.

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page