Nghĩa Cử Yêu Thương

(Những Bài Suy Niệm Hằng Ngày Theo Chủ Ðề

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu - Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Thiên Chúa Là Cha

 

Thời niên thiếu, Albert Schweiser bị bệnh tật nên thường bị thua kém trong việc học hành. Thế nhưng ông đã thành công vẻ vang trong nhiều lãnh vực về âm nhạc, văn chương, triết học và thần học. Tuy danh tiếng nổi như cồn khắp Châu Âu, nhưng ông đã khước từ tất cả để tình nguyện sang Phi Châu thành lập bệnh viện cho các bệnh nhân phong cùi Tagabôn. Nơi đây, ông tận tâm phục vụ trong suốt bốn mươi năm trường và đã an nghỉ trong sự ngưỡng mộ và lòng quí mến của tất cả các bệnh nhân cũng như của mọi người tại đó.

Bí quyết thành công của ông được tóm gọn trong khẩu hiệu: "Yêu Mến Sự Sống". Câu nói có nghĩa gì? Ông Albert Schweiser giải thích như sau:

"Hãy làm tất cả những gì bạn có thể làm một cách đơn sơ, nhiệt thành, đừng chỉ hài lòng với sự sống còn, đừng chỉ nói rằng: tôi làm đủ tiền nuôi gia đình tôi, thế là tôi làm tròn bổn phận tôi rồi, mọi sự xuôi chảy cả, nhưng bạn phải làm điều gì hơn nữa? Hãy làm thêm một việc tốt ở nơi này hay nơi khác.

Mỗi người một cách khác nhau, nhưng hãy tìm cách để hoàn hảo hơn chính mình và phải thể hiện trong đời sống những giá trị mình xác tín trong lòng. Hãy dành một chút thời giờ của bạn cho tha nhân, mặc dù chỉ là một việc nhỏ bé thôi, nhưng bạn đừng bao giờ có thái độ dửng dưng trước những nhu cầu của người khác. Bạn đừng làm gì để chỉ mong được chút lợi lộc, nhưng hãy coi đó như là một vinh dự. Bạn đừng bao giờ quên rằng bạn chỉ có thể sống trong thế giới riêng của bạn, nhưng có anh em của bạn bên cạnh nữa".

 

Lời nói của ông Albert Schweiser "người đã đoạt giải thưởng Nobel 1952" vẫn là bí quyết thành công cho bạn hôm nay nữa, không chỉ trong lãnh vực văn hóa, tinh thần mà thôi, nhưng nhất là trong đời sống đức tin của người tín hữu. Bạn có thể nói rằng: "Tôi biết nhiều, nghe nhiều về Chúa, về đạo rồi, nhưng chưa đủ. Chúng ta cần ước ao được hiểu biết thêm nữa để sống một cách sâu xa và thiết thực hơn đức tin mà chúng ta tuyên xưng bằng môi miệng".

Trong cuộc hành trình chúng ta phải tiến bước luôn, không dừng lại, nếu dừng lại là lùi bước vậy, bởi vì cuộc sống con người là cuộc lữ hành tiến về vùng đất mới để khám phá ra chân trời mới của sự công chính, của hòa bình, của hiệp thông và để đạt tới chiều kích mới của lòng tin yêu hoàn hảo hơn. Là những người tín hữu, chúng ta cũng đang tiến bước trong lịch sử để tới những bước đường mới và hiểu biết sâu xa hơn về mầu nhiệm vô tận là chính Thiên Chúa. Chúng ta không sợ lạc đường hoặc bị đắm tàu, bởi vì Chúa Kitô là đường và chúng ta có Thiên Chúa Cha quan phòng che chở và nâng đỡ.

Quê hương thật của chúng ta không phải là miền đất xa lạ nào khác, nhưng là vòng tay nhân từ đầy lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, Ðấng đã tạo dựng mỗi người và tất cả tạo vật từ hư vô. Với niềm tin vững mạnh đó, người tín hữu không cần phải khiếp sợ trước những sóng gió và thử thách, những tăm tối của đức tin, vì có Chúa Giêsu là Thầy, là sự thật, là sự sống và là nguồn tình yêu.

Chúng ta sẽ được dịp tiến thêm một bước trong những cố gắng tìm hiểu Tin Mừng mà Chúa Kitô muốn tỏ lộ cho nhân loại về Thiên Chúa Cha. Dưới ánh sáng Lời Chúa, hy vọng mỗi người sẽ khám phá thêm về ý nghĩa mới về tình thương vô điều kiện của Chúa đối với những con chiên lạc đường không hiểu biết hoặc sống xa tình thương của Ngài. Chương trình giáo lý mới vốn là cơ hội tốt đẹp và cảm nghiệm được niềm an ủi trong việc cầu nguyện với Chúa Cha để lắng nghe lời chỉ bảo, lời tha thứ của Chúa, và để tìm đường về với Ngài trong niềm tin tưởng yêu thương và hy vọng, cũng nhằm mục đích giúp chúng ta sống trọn vẹn tinh thần phó thác vào chương trình cứu độ nhiệm mầu của Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng từ bi nhân ái. Ngài luôn sẵn sàng nâng đỡ an ủi chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để khi được Chúa nâng đỡ chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó.

Thật vậy, hơn 2,000 năm qua, người tín hữu không ngừng tuyên xưng vào niềm tin duy nhất: Thiên Chúa Cha là Ðấng Toàn Năng tạo dựng trời đất muôn vật hữu hình cũng như vô hình, Ngài không những là Ðấng tạo dựng nhưng còn là Cha nhân từ. Cha là danh từ êm ái dịu ngọt nhất nói lên mối dây liên kết giữa Ðấng Tạo Thành và con người, đồng thời một thụ tạo được nâng lên địa vị làm con cái Thiên Chúa trong sự săn sóc gần gũi và yêu thương che chở của Ngài.

Chúa Giêsu ca ngợi tình thương quan phòng của Thiên Chúa Cha đối với các tạo vật do tay Ngài làm nên với những lời sau đây: "Thầy bảo cho anh em biết, đừng lo lắng cho mạng sống mình... như chim trời không gieo không gặt mà Cha các con còn lo cho chúng..." (x. Mt 6,25-34).

Tin tưởng và cầu xin với Ðức Chúa Cha không phải là một giải pháp của trẻ nhỏ như một số nhà phân tâm học đã chủ trương, họ cho rằng tôn giáo là một thứ bệnh tâm thần, và nền tảng của tôn giáo là thứ mặc cảm về người cha của mình. Thiên Chúa Cha chỉ là ảo ảnh của lẻ phóng đại tô mầu về trần gian, vì thế đứa trẻ khi đã lớn dần, trưởng thành với thời gian thì mất dần đi mặc cảm về cha mình và lòng tin của nó về Thiên Chúa Cha cũng dần tan biến mất.

Trong những năm gần đây, khoa phân tâm lý học đã đạt được những bước tiến dài hơn và đã phải nhìn nhận rằng: "Căn nguyên của sự thiếu quân bình hay bệnh tâm thần không phải là bệnh tôn giáo, nhưng trái lại là vì thiếu tôn giáo, vì không tin vào một Ðấng tối cao quyền phép mà con người có thể nương tựa và được trấn an che chở. Sở dĩ có những kiện chứng tâm lý phát sinh cũng chính là vì từ nhỏ con người đã không biết nhìn nhận người cha của mình".

Thiên Chúa được Kinh Thánh nói đến là người Cha giải thoát dân Ngài, là Ðấng yêu thương vô giới hạn và cũng biết đón nhận con cái Ngài nữa. Thật vậy, Thiên Chúa là Cha, là nguồn phát sinh ơn cứu thoát. Ðể được sống trong quyền tự do của con người, chỉ nơi Ngài con người mới tìm được tình yêu chân thật và sự hiệp thông sâu xa. Ngài không phải là ông chủ nghiêm khắc chỉ biết đàn áp bất công, nhưng Ngài là đá tảng vững chắc, là thuẫn mộc che chở vận mệnh giòn mỏng của con người.

Ðức Hồng Y Tephan Wichky người Balan nói: "Tình thương của người cha trần gian chỉ là phản ảnh lu mờ, chỉ là một tia hỏa yếu ớt của lò lửa bừng cháy tình yêu vô tận của Thiên Chúa Cha. Ngài không tuyên bố án phạt và cũng không bao giờ thất vọng, ngay cả khi nhìn thấy vô số những người cha già trên trần gian này chỉ biết kết án và luận phạt con cái mình".

Gọi Thiên Chúa là Cha quả là danh hiệu tốt đẹp và xứng hợp biết bao. Gọi Thiên Chúa là Cha tức là nhìn nhận con người bé bỏng thấp hèn của thân phận thụ tạo, đồng thời tuyên xưng quyền năng của Thiên Chúa là Ðấng tạo thành. Cầu xin Thiên Chúa với tước hiệu là Cha, tức là kết hợp với Chúa Giêsu, Ðấng đã tuyên bố rằng: "Ta và Cha Ta, Chúng Ta chỉ là một" (Jn 10,30). Gọi Thiên Chúa với tước hiệu là Cha không những chúng ta chỉ mời Chúa đến trong đời sống và tâm hồn mà thôi, nhưng là chúng ta được tham dự vào đời sống của Chúa, được gia nhập vào đại gia đình con cái Chúa cùng tiến bước về nhà Cha chung và khám phá ra người Cha thật của mình, có lẽ là Ðấng chúng ta chưa bao giờ biết tới hoặc không bao giờ chúng ta biết cho đủ được.

Trên đây là sơ qua vài nét tìm hiểu về cuộc hành trình của Thiên Chúa Cha mà Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta tiến bước theo Ngài để được nhìn ngắm chiếc gương của Thiên Chúa Cha cách tỏ tường hơn. Chính Ngài đã đích thân đến trần gian để rao giảng Tin Mừng cho nhân loại qua mọi thế hệ, cho mỗi cá nhân chúng ta nữa.

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page