Nghĩa Cử Yêu Thương

(Những Bài Suy Niệm Hằng Ngày Theo Chủ Ðề

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu - Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Sinh Nhật Thứ Năm Mươi

 

Một học sinh kể lại như sau:

Hôm ấy là ngày sinh nhật thứ năm mươi của ba tôi, mọi người trong gia đình đều muốn làm một cái gì như món quà ngạc nhiên cho ba.

Tối hôm đó, ngày họp mặt mong chờ từ lâu đã tới, các con tan học về nhà trước và cuối cùng ba tôi cũng tan sở trở về nhà. Xem ra ba tôi đã đoán được điều các con muốn làm cho mình, nên ba tôi thản nhiên ngồi xuống ghế salon và vui vẻ hỏi xem điều gì mà trong nhà vui nhộn khác thường vậy?

(1) Người đầu tiên ra trình diễn là bé gái út cưng của ba, bé đứng trước mặt ba, vừa làm điệu vừa đọc cho ba nghe bài thơ mà bé đã học thuộc lòng cả tháng rồi.

Nghe xong, ba mỉm cười ôm bé vào lòng và khen bé thật ngoan.

(2) Kế đến là cậu con thứ vừa bước lên bậc trung học, thay vì bài thơ học thuộc lòng như bé út, cậu đã chuẩn bị sẵn bài diễn văn ngắn để chúc mừng ba với những tâm tình và tư tưởng riêng của mình.

Ba khen cậu và không ngờ là cậu lại biết làm văn hay như thế.

(3) Diễn viên thứ ba là cô con cả, cô chẳng có văn thơ gì, nhưng trong tay có một bông hồng tươi đỏ thắm, cô đến chúc mừng ba với tất cả tâm hồn xúc động không nói lên lời, hai má ửng đỏ.

Và ba đã hiểu lòng hiếu thảo của con.

(4) Sau cùng, đến lượt má tôi đến chúc mừng ba. Má chẳng cho ba quà tặng nào, cũng chẳng nói câu nào hết. Má chỉ nhìn vào ba và ba cũng chỉ nhìn má, hai cặp mắt gặp gỡ nhau nhưng chứa đựng biết bao nhiêu điều thầm kín. Trong ánh mắt, trong cái nhìn đầy tình thương đó để lại một món quá khứ dài, cả một cuộc đời vui buồn, sướng khổ, hạnh phúc, khó khăn của cả gia đình. Không còn gì khác hơn nữa.

 

Có thể nói được rằng, bốn kiểu cách chúc mừng trên đây tượng trưng cho bốn cách cầu nguyện trong đời sống người tín hữu, đó là:

(1) cầu nguyện bằng môi miệng.

(2) Cầu nguyện bằng những công thức với những bản kinh có sẵn.

(3) Cầu nguyện bằng trí khôn qua việc suy gẫm về Chúa.

(4) Cầu nguyện bằng lòng yêu mến của trái tim và sự cầu nguyện bằng chiêm niệm với tất cả thân xác, tâm trí của mình hướng thẳng về Chúa, hiệp nhất thân mật với Ngài.

Cách cầu nguyện nào cao trọng hơn?

Tất cả bốn cách cầu nguyện trên đây đều đẹp lòng Chúa và đều được Cha khen ngợi. Tùy theo khả năng của mỗi người, như người cha chấp nhận và hài lòng với từng đứa con và của vợ mình. Thiên Chúa cũng hài lòng với lời kinh nguyện của mỗi tạo vật, mỗi con người dâng kính Ngài.

Thiên Chúa là Cha nhân từ quảng đại, Ngài không so sánh cách hẹp hòi, bởi vì Ngài không chỉ nhìn hình thức bên ngoài nhưng thấu rõ mỗi người có thể làm được gì và thực sự yêu mến Ngài bao nhiêu, Thiên Chúa tạo dựng mỗi người độc nhất vô nhị. Tất cả tạo vật đều là kỳ công tốt đẹp do tay Ngài dựng nên, Ngài cũng không muốn chúng ta so đo ganh tị nhau.

Trong kinh nguyện Ngài muốn chúng ta đến với Ngài với tất cả chính mình, với những gì mỗi người thực sự là trước mặt Ngài. Ngài không đòi hỏi những gì chúng ta không thể làm được, nhưng Ngài hài lòng với mọi nỗ lực cố gắng và cũng không quá quan tâm đến thành công hay thất bại của mỗi người.

Cầu nguyện là đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, với tâm tình của người con hiếu thảo, với thái độ nội tâm khiêm tốn chấp nhận thân phận thụ tạo của mình, với những khả năng cũng như với những thiếu sót và cả tội lỗi nữa.

Thói quen so đo phân bì trong cuộc sống cũng ảnh hưởng tiêu cực trong đời sống thiêng liêng nữa, nó có thể tạo nên những mặc cảm tự cao tự đại trước mặt Chúa, như người Pharisiêu trước mặt Chúa trong Phúc Âm đã bị Chúa Giêsu khiển trách, hoặc ngược lại là thái độ mặc cảm tự ti đầy lo sợ, xấu hổ và ghen ghét.

Cầu nguyện chân thành là cầu nguyện với tất cả lòng thành thật, khiêm tốn nhìn nhận sự cao cả và phẩm giá của mình phát sinh từ phẩm giá được làm con cái Chúa. Với ơn Chúa ta mới có thể chu toàn sứ mệnh cao cả ấy cho mình mà thôi, hôm nay trong lúc này không ai có thể thay thế hoặc bù trừ được.

 

Lạy Thiên Chúa là Cha nhân từ, Chúa quá rõ chúng con chỉ là thụ tạo thấp hèn bất lực, nhiều lúc chúng con không biết cầu nguyện hoặc thân thưa gì với Chúa, nhưng con cũng không sợ đến với Chúa vì đã có Thánh Thần Chúa cầu thay nguyện giúp cho chúng con và thay cho chúng con. Phần chúng con không biết nói gì, như đứa trẻ chúng con sẽ mượn lời kinh của chính Chúa Giêsu Con Chúa đã dạy, cả khi không nói lên lời, chúng con sẽ ngước mắt nhìn lên Chúa vì biết rằng Chúa đã thấy mọi tư tưởng, mọi cảm nghĩ, mọi nhịp đập của trái tim và Chúa biết rõ con yêu mến Chúa dường bao.

Lạy Chúa, xin đừng ngoảnh mặt làm ngơ trước lời chúng con cầu xin. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page