Nghĩa Cử Yêu Thương

(Những Bài Suy Niệm Hằng Ngày Theo Chủ Ðề

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu - Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Tình Liên Ðới

 

Những cuộc đàn áp tôn giáo tại Trung Quốc chứng tỏ rằng, dưới mắt đảng Cộng Sản Trung Quốc, hơn bất cứ một bất đồng chính kiến nào, tôn giáo là một trong những mối đe dọa nhất cho chế độ độc tài.

Vị Lạt Ma mười bốn tuổi, mà chính quyền Trung Quốc đã nhìn nhận, đào thoát khỏi thiên đàng mà Cộng Sản Trung Quốc đã dựng lên tại Tây Tạng để trốn sang Ấn Ðộ.

Trong một hành động đầy thách đố đối với Tòa Thánh Vatican, chính quyền Trung Quốc lại dựt dây cho Giáo Hội Công Giáo quốc doanh, tiến hành tấn phong Giám Mục mà không có sự bổ nhiệm của Ðức Thánh Cha và đúng vào ngày Ðức Thánh Cha tấn phong cho mười hai vị tân Giám Mục, trong khi đó chính quyền ra tay đàn áp môn phái Pháp Luân Công.

Chủ tịch Giang Trạch Dân lại long trọng tuyên bố rằng, chiến dịch này là một trong ba cuộc đấu tranh không chính trị lớn nhất. Chủ tịch nhà nước Trung Quốc muốn khẳng định rằng, đè bẹp một tổ chức tinh thần không chính trị là một ưu tiên hàng đầu của đảng.

Các nhà ngoại giao và các nhóm tranh đấu cho nhân quyền Tây Phương cho biết, cuộc đàn áp đã lan rộng ra các Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành, hầm trú vốn qui tụ từ ba đến bốn  mươi triệu Kitô hữu đang lén lút thực hành Kitô giáo trong các tư gia. Cùng với môn phái Pháp Luân Công chính phủ Trung Quốc Bắc Kinh cũng tuyên bố đặt ngoài vòng pháp luật mười giáo phái Kitô giáo khác.

Trung tâm nhân quyền và phong trào dân chủ tại Trung Quốc có trụ sở tại Hồng Kông cho biết, có hàng trăm người lãnh đạo các giáo phái bị bắt giữ. Ông Phan Lưu giám đốc trung tâm nói rằng, cùng với việc bắt giữ các nhà tranh đấu cho dân chủ, chính phủ Bắc Kinh cho thấy họ đang thực sự lo sợ trước sức mạnh của tôn giáo.

Những người lãnh đạo Ðảng Cộng Sản cho biết, hiện đang có một lỗ hổng tinh thần tại Trung Quốc, họ biết rằng phần lớn dân chúng không những không màng đến chính trị, mà cũng chẳng quan tâm đến các tranh đấu cho những hoạt động tranh đấu cho dân chủ, nhưng họ đang đi tìm một đấng cứu rỗi mới.

Bước vào một kỷ nguyên mới, Trung Quốc đang chứng kiến điều mà ngay cả các báo chí công cụ của nhà nước cũng gọi là thời vàng son của tôn giáo, mặc dù chính phủ cũng nhìn nhận một số tôn giáo lớn như Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo, các giáo phái đang mọc lên như nấm tại Trung Quốc, đền thờ, chùa chiền và đủ các loại nơi thờ phượng đang thách đố chủ nghĩa vô thần duy vật của nhà nước.

Trong nhiều trường hợp, nhà nước đang nhắm mắt trước sự hồi sinh hay phát sinh giáo phái và một số đảng viên, nhân viên thách thức chính phủ trung ương bằng cách công khai thực hành niềm tin của họ. Trung Quốc trong những ngày này như đang ở trong những ngày tàn của một đế quốc. Các giáo phái đang thách thức mọi thứ luật lệ của hoàng đế.

Trong những bài diễn văn đọc trước ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh ngày 11/01/2000, Ðức Thánh Cha nói như sau: "Hơn trước kia, ngày nay chúng ta biết được một điều, đó là chúng ta không bao giờ sống hạnh phúc và bình an mà không có nhau. Chúng ta lại càng không sống hạnh phúc và bình an nếu người này chống lại người khác. Ðức Thánh Cha khẩn thiết kêu gọi đừng bao giờ có sự chia rẽ giữa các dân tộc nữa, đừng bao giờ có một số người chống lại những người khác nữa. Tất cả mọi người phải sống chung với nhau dưới con mắt dõi theo của Thiên Chúa".

Theo Ðức Thánh Cha, tình liên đới còn phải đòi hỏi loài người khước từ các thần tượng như đeo đuổi sự thịnh vượng bằng mọi giá, tìm kiếm của cải vật chất như giá trị duy nhất, xem khoa học như cách thế độc nhất để giải thích thực tại. Tình liên đới còn đòi hỏi mọi người phải tôn trọng và áp dụng pháp quyền mọi nơi để tự do cá nhân được bảo đảm, tình liên đới cũng giả dụ rằng Thiên Chúa phải được đặt vào chỗ nhất của cuộc sống con người.

Xét cho cùng, liên đới là tôn trọng niềm xác tín sâu xa nhất của con người, là tự do tôn giáo. Sự sống còn của một dân tộc là tùy thuộc vào sự sống còn của tự do tôn giáo. Mọi người chỉ thực sự cảm nhận được hạnh phúc khi yêu mến và tôn trọng phẩm giá của người khác.

 

Lạy Chúa, chúng con bày tỏ khát vọng được sống khang an và hạnh phúc, xin cho chúng con được xác tín rằng, chúng con chỉ được hạnh phúc khi biết tôn trọng, khi chúng con yêu mến và phục vụ tha nhân mà thôi.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page