Nghĩa Cử Yêu Thương

(Những Bài Suy Niệm Hằng Ngày Theo Chủ Ðề

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu - Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Biểu Tượng Của Rắn

 

Quí vị và các bạn thân mến!

Cũng như nhiều dân tộc khác, Việt Nam có rất nhiều truyền thuyết về rắn. Trong những câu truyện được ông bà, cha mẹ kể lại từ thuở còn nằm trong nôi, người Việt Nam chúng ta không ai còn lạ gì với câu chuyện Con Rắn Khổng Lồ trong truyện Thạch Sanh Lý Thông. Con rắn trong câu truyện này tàn ác đến độ bắt dân làng phải nộp cho nó ăn thịt, nếu không nó sẽ gây ra thiệt hại cho dân làng. Mãi cho đến khi Thạch Sanh ra tay diệt trừ con rắn, cả làng mới thoát khỏi họa diệt vong.

Nhưng pha lẫn huyền thoại với lịch sử có lẽ là câu truyện của Thị Lộ, người vợ bé của Nguyễn Trãi. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của một trung thần với nước, Nguyễn Trãi từ quan về sống an nhàn tại Lệ Chi Viên. Trước khi ra làm quan, ông đã từng mở trường dạy học tại làng quê của mình.

Một ngày kia khi đang lúc đùa nghịch, ông phát hiện một ổ rắn và đã ra tay giết sạch gia đình rắn. Tuy nhiên con rắn mẹ đã nhanh chân chạy thoát và trốn mất. Nguyễn Trãi lo lắng vô cùng vì cho rằng thế nào cũng có sự chẳng lành, vì loài rắn có thâm thù, và khi đã có thù tất sẽ có báo oán.

Một ngày kia đang ngồi đọc sách bên áng thư, Nguyễn Trãi chợt thấy có một giọt máu từ trên trần nhà rơi xuống thấm ướt ba trang sách. Ngẩng đầu nhìn lên, vị nho sĩ nhìn thấy một con rắn lẩn trốn mất ở đầu kia rường cột trên mái nhà. Không nói ra nhưng Nguyễn Trãi biết rằng con rắn đó chính là con rắn mẹ đã từng thoát chết, nó đến để cho ông biết rằng nó đến để trả thù cho cái chết của bầy con thơ bữa trước.

Truyền thuyết cho rằng con rắn đó đã hóa thân thành nàng Thị Lộ vừa đẹp, vừa hay chữ. Nàng giả đò làm cô gái bán chiếu. Sau một lần đối đáp thơ văn, Nguyễn Trãi đem lòng say mê người đẹp. Ông mời Thị Lộ về làm thê thiếp của ông để ngày đêm sáng tối kề cận đối thoại thơ phú.

Ngày kia vua Lê Thái Tôn đến Lệ Chi Viên thăm vị trung thần. Nguyễn Trãi đã cho Thị Lộ đến hầu hạ và họa thơ với nhà vua. Không rõ chuyện gì đã xảy ra tối hôm đó nhưng sáng hôm sau thì vua Lê Thái Tôn băng hà tại Lệ Chi Viên khiến cả nước bàng hoàng. Triều đình mở phiên tòa xét xử và phán rằng, Thị Lộ và Nguyễn Trãi đã âm mưu ám hại vua. Toàn bộ gia đình vị trung thần bị chu di tam tộc.

Giọt máu thấm ướt ba trang sách hóa ra ám chỉ chu di tam tộc của Nguyễn Trãi. Sử sách không nói gì về Thị Lộ sau khi vua Lê Thái Tôn băng hà. Có lẽ nàng đã biến mình trở lại thành con rắn độc mà luồn vào hang đá tảng ở Lệ Chi Viên mà biến mất một khi đã trả thù được Nguyễn Trãi chăng?

Hư thực thế nào không biết nhưng từ đó mỗi khi nói về rắn bao giờ người ta cũng nghĩ đến một loài súc vật có trí khôn gian xảo và rất căm thù của nó.

 

Truyền thuyết của Việt Nam trên đây cũng như của nhiều dân tộc khác trên thế giới xem ra cũng có nhiều điểm tương đồng với Kinh Thánh. Ngay từ những trang đầu của Kinh Thánh, con rắn đã là biểu tượng của sự dữ, của lừa dối, của bội bạc dối trá. Chúa Giêsu ít nhắc đến biểu tượng ấy, trái lại Ngài bảo các môn đệ hãy khôn ngoan như con rắn.

Ngoài ra, câu chuyện con rắn đồng được Ngài chú ý đến đặc biệt. Trong cuộc đàm đạo với người biệt phái tên là Nicôđêmô giữa đêm lén lút đến gặp Ngài, Chúa Giêsu đã nhắc đến biểu tượng con rắn đồng được Moisê cho sử dụng để chữa trị dân Israel. Trên đường về đất hứa dân chúng đã phàn nàn trách móc Moisê, Thiên Chúa đã trừng phạt cảnh cáo họ khi cho rắn từ trong sa mạc bò ra cắn chết và làm bị thương nhiều người. Moisê ra lệnh cho đúc một con rắn đồng treo lên cây cao để tất cả những ai bị rắn cắn nhìn vào con rắn đồng đều được chữa lành.

Câu truyện đã được Chúa mượn để nói về thập giá của Ngài, Ngài sẽ chịu treo trên thập giá như con rắn đồng. Thập giá ấy sẽ là nguồn cứu thoát cho toàn thể nhân loại.

Lấy độc trị độc, nọc độc của rắn được dùng để pha với huyết thanh để chữa trị những người bị rắn cắn. Con rắn đồng được Moisê cho treo lên cây để được nhìn ngắm và có sức chữa trị những người bị rắn cắn.

Là biểu tượng của sự độc ác tột cùng mà đế quốc La Mã đã sáng chế, thập giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu. Trong quyền năng của Chúa quan phòng, tất cả mọi tăm tối và độc ác đều phục vụ cho chính chương trình tình yêu của Ngài. Thánh Phaolô người đã từng tuyên bố: "Chỉ biết có mỗi một mình Chúa Kitô chịu đóng đinh". Luôn tin tưởng rằng với những ai yêu mến Chúa, tất cả mọi sự đều qui về thiện hảo.

Suy nghĩ về hình tượng của rắn, chúng ta được hướng dẫn đến tình yêu quan phòng của Chúa. Hôm qua đã thuộc về quá khứ. Ngày mai là mầu nhiệm. Chúng ta chỉ có giây phút hiện tại này đây. Chúa mời gọi chúng ta đón nhận từng giây phút hiện tại như quà tặng của Ngài. Hãy mở rộng tâm hồn đón lấy và sống giây phút hiện tại một cách sung mãn.

 

Lạy Chúa, Chúa là chủ tể của sự sống, thời gian là của Chúa, xin cho chúng con biết đón nhận từng giây phút hiện tại với niềm cậy trông phó thác. Xin cho chúng con luôn tin rằng trong tình yêu quan phòng của Chúa, tất cả mọi sự xảy đến đều qui về điều thiện hảo cho chúng con.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page