Ðức Hồng Y
Phanxicô Nguyễn Văn Thuận
trình bày Sứ Ðiệp Ðức Mẹ Lavang
Prepared
for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trình bày Sứ Ðiệp Ðức Mẹ Lavang.
LOS ANGELES - (11/08/2001) Chỉ còn mấy ngày nữa, nhân ngày kính Lễ Ðức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời, người Công Giáo Việt Nam sẽ tụ họp lại tại Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc ở La Vang để kỷ niệm 100 năm Ðại Hội lần đầu ở La Vang. Ðể sửa soạn tâm hồn chúng ta cho biến cố trọng đại này, chúng tôi cho đăng 10 điểm Suy Niệm về sứ điệp Ðức Mẹ La Vang do chính Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận trình bày. Sứ điệp 10 điểm này gồm: 5 điểm thánh hoá bản thân và 5 điểm phục vụ Giáo hội và Xã hội. Bài đầu tiên hôm nay là Lời Giới Thiệu về Sứ Ðiệp và Ðiểm 1 về Bí Quyết Cầu Nguyện.
SỨ-ÐIỆP gồm 10 điểm:
1- Bí quyết cầu nguyện.
Giới Thiệu
Kỷ niệm 200 năm Ðức Mẹ hiện ra tại La-vang là một biến cố lịch sử quan trọng đối với Giáo Hội và Dân tộc Việt Nam. Sự kiện nầy đã được Toà Thánh công nhận và năm 1961 Nhà thờ La-vang đã được nâng lên bậc Vương cung Thánh đường; La-vang trở thành Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc.
Gợi lại biến cố lịch sử về Ðức Mẹ hiện ra, là để tiếp nhận một sứ điệp quan trọng cho Giáo Hội và Dân tộc Việt Nam. Nếu ta chỉ mừng kỷ niệm ấy với một cuộc Ðại hội thì dù đông đảo, tốt đẹp mấy cũng chưa đủ. Chúng ta phải đào sâu, suy niệm và thực hiện sứ điệp ấy mới đúng ý Ðức Mẹ và lúc ấy sứ điệp Ðức Mẹ La-vang mới thực sự là một mùa xuân mới cho Giáo hội và Ðất nước Việt Nam.
Dựa vào những dữ kiện được rao truyền về Ðức Mẹ đã hiện ra cách đây 200 năm tại vùng rừng núi hẻo lánh La-vang, nơi ẩn lánh của những người Công giáo Việt Nam đang "chịu khốn nạn vì Ðạo Ngay".
Dựa vào những lời kinh của ông bà ta ngày xưa cầu nguyện cùng Ðức Mẹ La-vang, và cách ông bà ta hiểu biết và sống sứ điệp ấy,để mời gọi người Việt Nam Công giáo hôm nay tích cực thánh hoá bản thân, phục vụ Xã hội và Giáo hội,
Tôi xin giới thiệu bản kinh cầu nguyện cùng Ðức Mẹ La-vang, và tóm lược mười Sứ-điệp của Mẹ
1- Bí Quyết Cầu Nguyện
Khi chúng ta chạy đến cùng Ðức Me, việc trước tiên Ðức Mẹ dạy là hãy đến đây cầu nguyện.
Cha ông chúng ta trong những ngày chịu bắt bớ, đã cùng nhau cầu nguyện, kết hiệp liên lỉ với Chúa; và trong bầu khí cầu nguyện đó, Ðức Mẹ đã đến cầu nguyện với họ, khích lệ họ.
Trong kinh cầu nguyện với Ðức Mẹ La-vang, cha ông chúng ta đã đọc:
"Cho con một dạ kính tin
Kính thờ một Chúa hết tình thảo ngay...
Nầy con quỳ gối cúi đầu
Trước bàn thờ Mẹ xiết bao ước nguyền".
Nguy hiểm lớn nhất là chúng ta quên cầu nguyện, đôi khi vì quá ham hoạt động, hoặc vì quá lo vận động, mưu mô quyền thế...
Cầu nguyện là thể hiện cuộc sống Thiên Chúa Ba Ngôi ban cho chúng ta trong phép rửa tội; cầu nguyện là nuôi dưỡng lòng yêu thương người bên cạnh mình.
Cầu nguyện đạt đến mức cao độ khi tham dự Thánh-thể; tất cả chúng ta cùng Mẹ Maria dâng Chúa Giêsu lên Thiên Chúa để được gặp gỡ Chúa Cha, gặp gỡ cộng đoàn con người trong sự sống Chúa Thánh-thần.
Năm 1961, khi nhà thờ La-vang được nâng lên bậc Vương cung Thánh đường, Bề trên giáo phận Huế đã tổ chức chầu Mình Thánh suốt ngày tại Trung tâm Thánh Mẫu La-vang. Trung tâm Thánh Mẫu La-vang trước hết là Trung tâm cầu nguyện.
Cầu nguyện là nguồn sức mạnh mãnh liệt nhất trên trần gian nầy, đưa chúng ta đến gần bên Chúa, nối kết chúng ta với mọi người.
Chuyên tâm cầu nguyện, tham dự các phép Bí tích đó là Sứ-điệp đầu tiên của Mẹ La-vang.
- Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa. Máy móc tự động có thể làm hơn con.
- Thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới đến hoạt động.
- Con hãy cầu nguyện luôn bất cứ ở đâu. Chúa Giêsu đã nói: "Hãy cầu nguyện không ngừng".
- Chúa dạy đọc kinh để giúp con cầu nguyện, nhưng việc chính là gặp gỡ, nói chuyện giữa Cha và con: "Khi con cầu nguyện, đừng lo phải nói gì! Hãy vào phòng đóng cửa, cầu nguyện với Cha của con cách kín đáo, và Cha con thấy mọi sự sẽ nghe lời con". Không cần hình thức, chỉ cần tâm tình phụ tử.
- Con tìm bạn để an ủi, nâng đõ con khỏi cô đơn. Sao con không tìm người bạn không bao giờ phản bội con, và có thể ở với con liên lỉ bất cứ nơi nào?
- Con ngạc nhiên vì sao nhiều người mất ơn Chúa gọi, mất đức tin, phản bội Hội thánh? Trong bao nhiêu lý do, luôn luôn có một lý do chính: họ bỏ cầu nguyện từ lâu.
- "Người ta sống không chỉ nhờ bánh mà còn nhờ lời Chúa": Thánh thể, Thánh kinh, Thánh nguyện. Nếu không, con không có sự sống Thần linh.
(ÐHV, ch 7 - Cầu nguyện)
+ Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận