Dư luận quốc tế
chung quanh vị tân Hồng Y Việt Nam
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Dư luận quốc tế chung quanh vị tân Hồng Y Việt Nam, Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

 Ðã từ lâu, tôi rất tâm đắc với một lời tuyên bố rất ý nghĩa sâu sắc của cố Tổng Thống Mỹ John Fitzerald Kennedy (1917 - 1963) nói với người dân Hoa Kỳ: "Ðừng đòi hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho bạn, nhưng hãy tự hỏi bạn đã đóng góp gì cho sự phồn thịnh để vinh danh Tổ Quốc bạn?!"

 Trong thời gian qua, lời tuyên bố lịch sử trên đây quả thật đã trở thành phương châm cho mọi sinh hoạt của rất nhiều người Mỹ, đặc biệt cho giới trẻ Hoa Kỳ dấn thân phục vụ Tổ Quốc họ. Qua đó đã làm cho Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ trở thành một quốc gia giàu mạnh trên mọi lãnh vực và hiện nay là siêu cường số một trên bàn cờ thế giới.

 Trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo và Dân Tộc Việt Nam, lần đầu tiên một người Việt Nam được bổ nhiệm làm Chủ Tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, tương đương với chức vụ Tổng Trưởng trong Quốc Gia Vatican. Chưa hết, lần đầu tiên một người Việt Nam được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lựa chọn để giảng thuyết trong suốt một tuần lễ Tĩnh Tâm Mùa Chay Năm Thánh 2000 cho chính Ðức Thánh Cha và toàn thể nhân viên cao cấp thuộc Giáo Triều Vatican. Và cũng lần đầu tiên, chính con người sống ngoài Việt Nam ấy lại được vinh thăng Hồng Y, trong một thánh lễ đại trào vô cùng long trọng ngày 21 tháng 2, 2001 tại Quảng trường Thánh Phêrô, cái nôi của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Phải chăng đó không phải là một ơn phước, niềm hãnh diện to lớn cho Giáo Hội Công Giáo và Tổ Quốc Việt Nam sao?!.

 Tuần qua, báo chí Mỹ và dư luận quốc tế đã loan tải nhiều tin tức và bình luận việc Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vinh thăng 44 Tân Hồng Y, trong đó có một người Việt Nam là Tân Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, với việc đánh giá Ngài có nhiều khả năng trở thành vị Giáo Hoàng trong tương lai. Ðể chi tiết và khai triển những ý kiến trên, chúng tôi đã theo dõi dư luận quốc tế chung quanh sự kiện quá đặc biệt này qua các nhật báo lớn như L'Osservatore Romano, The Washington Post, The New York Times, The Los Angeles Times, The New York Post và cuốn sách bình luận giá trị The Next Pope để cống hiến quý độc giả.

 MỘT NGHI LỄ TẤN PHONG HỒNG Y LỚN NHẤT LỊCH SỬ GIÁO HỘI.

 Chính vì đây là một vinh dự và hãnh diện lớn lao cho dân tộc Việt Nam, hầu hết các nhật báo, tuần báo, đặc san Việt Ngữ hải ngoại, đặc biệt tại Hoa Kỳ, đều loan tin về nghi lễ tấn phong Hồng Y, trong đó có vị Tân Hồng Y Việt Nam là Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, Chủ Tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình tại Giáo Triều Vatican. Người ta thấy các cơ quan truyền thông quốc tế, báo chí truyền thanh truyền hình đều tường thuật với nhiều hình ảnh về sự kiện lịch sử có một không hai này trong Lịch sử Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ.

 Nhật báo The Los Angeles Times, số phát hành ngày 22 tháng 02, 2001, đã tường thuật diễn tiến nghi lễ tấn phong Hồng Y lớn nhất lịch sử này và chúng tôi xin được tóm lược nội dung như sau:

 Nghi lễ tấn phong 44 vị Tân Hồng Y đã được diễn ra ngày thứ tư 21 tháng 2, 2001 dưới bầu trời trong xanh và ánh nắng rực rỡ huy hoàng của Mùa Xuân. Trước tiền đình quảng trường đền thờ Thánh Phêrô là một quang cảnh vô cùng ngoạn mục đầy màu sắc. Trước hết là màu đỏ trên phẩm phục của 44 vị Tân Hồng Y và 80 Hồng Y trong Hồng Y Ðoàn; màu tím của 250 Tổng Giám Mục và Giám Mục; màu đen của 12 Thượng Phụ Công Giáo theo nghi lễ Ðông Phương; màu trắng của các linh mục tham gia trong đoàn đồng tế và giúp lễ. Thêm vào đó là đủ loại màu sắc của quốc kỳ các quốc gia đang tung bay. Ngay cả đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ cũng đội nón với ngù đỏ, thỉnh thoảng lại bay tung lên phất phới trong gió Xuân. Tất cả đã tạo thành một quang cảnh vô cùng rực rỡ đẹp mắt.

 Ðức Tân Hồng Y người Ý Giovanni Battista Re, Bộ Trưởng Thánh Bộ Giám Mục, đã dẫn đầu đoàn rước tiến ra trong tiếng hoan hô vỗ tay liên tục của trên 50,000 người khắp thế giới hiện diện tại buổi lễ. Tiếp theo sau các Hồng Y là đoàn đồng tế và các Tổng Giám Mục và Giám Mục, Ðức Thánh Cha đã đến sau đó vài phút. Ngài tiến ra từ bên trong đền thờ Thánh Phêrô và đi thẳng về ghế của Ngài trước tiền đình đền thờ.

 Trên 250 ký giả, trong đó có 2 ký giả người Việt thuộc Thông Tấn Xã Việt Nam Công Giáo, đã được Tòa Thánh cấp thẻ ký giả đặc biệt trong biến cố này cùng với 40 nhiếp ảnh gia. Buổi lễ đã được hệ thống truyền hình RAI của nước Ý cùng với 74 đài truyền hình lớn và 180 đài truyền thanh đã phóng sự trực tiếp nghi lễ tấn phong Hồng Y sáng ngày 21 tháng 2, 2001 cho gần 100 nước trên thế giới. Các trạm phát tin trên Internet như EWTN cũng truyền trực tiếp trên mạng lưới điện toán toàn cầu.

 Cảm tưởng chung của những người theo dõi nghi lễ này thì đây là một biến cố tôn giáo vô cùng cảm động. Còn các vị Tân Hồng Y được tấn phong thì sao? Ðức Hồng Y Avery Dulles, Giáo sư Ðại Học Fordham, Thành phố New York, là một người lúc bình thường diễn thuyết rất hùng hồn, nhưng khi nhận mũ Hồng Y, Ngài đã run quá cứ làm rớt mũ hoài!! Trong khi đó, Ðức Hồng Y Theodore Edgar McCarrick, Tổng Giáo Phận Hoa Thịnh Ðốn, cho biết khi lên nhận mũ Hồng Y Ngài đã chú tâm cầu nguyện sốt sắng cho đỡ run!! Ngài thú nhận: "Lúc đó, tôi xúc động quá! Tôi chỉ mong sao đừng trượt té lúc bước xuống thềm đền thờ là mừng lắm rồi! Ðây là giây phút mà suốt đời tôi không thể nào quên được! Hy vọng đó là giây phút hồng ân mà Thiên Chúa muốn dùng để tăng sức mạnh cho tôi làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình."

 Tân Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, vị thứ hai tiến lên nhận mũ đỏ và sắc tấn phong chưa cho biết cảm tưởng, nhưng giữa những tràng pháo tay và những tiếng hoan hô của các phái đoàn Việt Nam đến từ khắp nơi trên thế giới, có thể cho người ta thấy Ngài cũng hết sức xúc động!! Ðược biết phái đoàn từ Việt Nam sang mừng lễ gồm có Ðức Tổng Giám Mục Phạm Minh Mẫn, Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Như Thể, Ðức Cha Nguyễn Văn Sang, Ðức Cha Nguyễn Văn Yến, Ðức Cha Trần Xuân Hạp, hai nữ tu đại diện, ngoài ra còn có các linh mục và nữ tu Việt Nam đang phục vụ tại Rôma, các phái đoàn linh mục, tu sĩ nam nữ và trên một ngàn giáo dân đồng hương đến từ Hoa Kỳ, Úc và các nước Âu Châu.

 Thông tấn xã Reuters cho biết: Với nghi lễ tấn phong 44 Tân Hồng Y thuộc 27 quốc gia, gồm đủ 5 lục địa, tổng số các Hồng Y trên thế giới đã lên đến con số chưa từng thấy 183 vị. Kể từ khi được bầu lên chức Giáo Chủ Công Giáo, trở thành Giáo Hoàng thứ 264 ngày 16 tháng 10, 1978, đây là lần thứ 8 Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tấn phong hồng y và cũng là lần có nhiều tân hồng y nhất. Ðiểm này cho thấy bản thân Ðức Thánh Cha cảm thấy Ngài không còn sống được bao lâu nữa. - Trong Hồng Y Ðoàn (College of Cardinals) hiện nay, trong số 183 vị chỉ có 135 vị dưới 80 tuổi có quyền bầu Giáo Hoàng tương lai, mà trong số 135 hồng y này ngoại trừ 10 vị (tức 92.5%) đều do Ðức Gioan Phaolô II tấn phong. Như vậy lại càng thêm khả năng là vị Giáo Hoàng kế vị sẽ là một người bảo thủ về thần học theo hình ảnh Giáo Hoàng hiện nay.

 Sau lần tấn phong Hồng Y ngày 21 tháng 2, 2001, trong số 62 quốc gia có Hồng Y, quốc gia có nhiều Hồng Y nhất vẫn là Ý Quốc với 41 vị (24 được bầu Giáo Hoàng), theo sau là Hoa Kỳ với 13 vị (11 được bầu Giáo Hoàng), Ðức Quốc với 9 vị (5 được bầu Giáo Hoàng), Ba Tây với 8 vị (7 được bầu Giáo Hoàng), Tây Ban Nha với 7 vị (4 được bầu Giáo Hoàng).- Về phương diện tuổi tác, Hồng Y lớn tuổi nhất hiện nay là Hồng Y Corrado Bafile nước Ý 97 tuổi và vị Hồng Y trẻ nhất hiện nay là Hồng Y Vinko Puljic của Bosnia 55 tuổi.- Trong tổng số 183 Hồng Y tiêu biểu cho 5 lục địa, trong số này có 96 vị thuộc Âu Châu, 18 vị thuộc Bắc Mỹ, 33 thuộc Châu Mỹ La Tinh, 17 thuộc Á Châu, 16 thuộc Phi Châu và 4 thuộc Úc Châu và Châu Ðại Dương.

 Về nhiệm vụ và trách nhiệm của Hồng Y, Giáo luật đã ghi rõ từ khoản 349 đến 359: Các Hồng Y lập thành một tập đoàn riêng biệt gọi là Hồng Y Ðoàn, với thẩm quyền bầu Tân Giáo Hoàng chiếu theo quy luật riêng. Ngoài ra các Hồng Y còn được gọi là "Hoàng Tử của Giáo Hội" (The Prince of The Church) được coi như những cố vấn của Ðức Giáo Hoàng để Ngài tham khảo ý kiến trong các vấn đề quan trọng và giúp Ngài điều hành Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ.- Y phục của Hồng Y là màu đỏ tượng trưng màu máu tử đạo của hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ, sẽ là những chủ chăn sẵn sàng chết vì Ðạo. Còn màu áo của Ðức Giáo Hoàng là màu trắng, lý do là Giáo Hoàng Piô V (1566 - 1572) là một giám mục dòng Ða Minh khi được bầu Giáo Hoàng có thói quen mang y phục màu trắng.

 DƯ LUẬN QUỐC TẾ CHUNG QUANH TÂN HỒNG Y VIỆT NAM.

 Nhân dịp loan tin Tòa Thánh Vatican tấn phong 44 Tân Hồng Y, nhiều nhật báo lớn và rất uy tín với hàng triệu độc giả đã đặc biệt quan tâm đến Tân Hồng Y Việt Nam là Ðức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận như L'Osservatore Romano, The Washington Post, The New York Times, The Los Angeles Times và The New York Post. - Nhật báo L'Osservatore Romano, cơ quan ngôn luận chính thức của Tòa Thánh, số phát hành ngày thứ tư 22 tháng 2, 2001, đã đăng hình lớn Ðức Thánh Cha đang ôm hôn Tân Hồng Y Việt Nam ngay trang nhất chiếm 4 cột báo rất trịnh trọng. Và trong tiết mục lược tóm tiểu sử 44 Tân Hồng Y, Ngài là người thứ hai chỉ đứng sau Tân Hồng Y Giovanni Battista Re, Bộ Trưởng Thánh Bộ Giám Mục. Và tiểu sử đức Tân Hồng Y Nguyễn Văn Thuận được viết dài nhất chiếm hẳn 3 cột báo, khởi đầu từ tổ tiên Ngài bị bách hại vì Ðạo Chúa từ năm 1698. Cụ tổ của dòng họ làm sứ thần nhà vua triều Nguyễn tại Trung Hoa, sau này trở lại công giáo, bị trục xuất khỏi triều đình và tài sản bị tịch thu hoàn toàn cho đến bản thân Ðức Tân Hồng Y bị cộng sản giam 13 năm tù ngục và hiện nay là Chủ Tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình trong Giáo triều Vatican.

 Nhật báo The Washington Post và The New York Times, số phát hành ngày 22 tháng 2, 2001, sau khi tường thuật lễ nghi tấn phong các Tân Hồng Y, đã viết về 3 vị Tân Hồng Y người Mỹ là Theodore Edgar McCarrick, Tổng Giáo Phận Hoa Thịnh Ðốn, Edward Michael Edgar, Tổng Giáo Phận New York và Avery Dulles, Dòng Tên, Giáo Sư Ðại Học Fordham, New York, đã nhấn mạnh đến trường hợp Ðức Tân Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.- Ngài là một nhân chứng sống về Niềm Tin Công Giáo với 13 năm tù ngục. Và hai nhật báo này đã chú ý đến một hành vi rất đặc biệt: Ngài là vị Tân Hồng Y duy nhất được Ðức Thánh Cha trực tiếp đội mũ hồng y trên đầu Ngài, trong khi 43 vị kia sau khi nhận mũ thì tự mình đội lên đầu. Phải chăng hành vi này chứng tỏ lòng ưu ái đặc biệt của Ðức Giáo Hoàng với Tân Hồng Y Việt Nam và gián tiếp với dân tộc chúng ta.

 Nhật báo The Los Angeles Times, số phát hành ngày 21 tháng 2, 2001, trong một bài báo nhan đề "The Men Who Would Be Pope?" (Người Có Thể Lên Ngôi Giáo Hoàng?) đã dự đoán 14 vị Hồng Y có nhiều khả năng kế vị Ðức Giáo Hoàng. Bài báo chia 14 Hồng Y này thành nhiều khuynh hướng khác nhau theo ý kiến chủ quan của tác giả. Ðặc biệt, theo tác giả, Tân Hồng Y Nguyễn Văn Thuận có rất nhiều khả năng được bầu kế vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. - Theo thiển ý của chúng tôi, mặc dầu đây chỉ là một dự đoán, nhưng cũng cho thấy Tân Hồng Y Việt Nam có một uy tín lớn lao trên thế giới... Ai biết được Thánh Ý Thiên Chúa an bài thật huyền nhiệm và kỳ diệu.

 Trong khi đó Nhật báo The New York Post, số ngày Chúa Nhật 25 tháng 2, 2001, cũng đăng bài nhan đề "Is Asian Cardinal In Line For Papacy ?" (Một Hồng Y Á Châu Có Thể Lên Ngôi Giáo Hoàng?) của ký giả Rod Dreher.- Chúng tôi xin lược tóm bài báo này như sau để cống hiến quý độc giả:

 Ðứng trong ngôi đền thờ xây trên mộ Thánh Tử Ðạo Phêrô từ thế kỷ thứ IV, Ðức Tân Hồng Y Edward Michael Egan, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận New York, đã nói về một chứng nhân anh hùng trong thời đại ngày nay, - người đã cùng nhận mũ đỏ với Ngài hồi đầu tuần này - là một Tân Hồng Y anh hùng được rất nhiều người tin là một trong những ứng viên sáng giá nhất cho ngôi vị Giáo Hoàng tiếp theo.

 Tân Hồng Y Phanxicô Xavie, 73 tuổi, đã từ chối không bỏ nhiệm sở của Ngài là Phó Tổng Giám Mục Sàigòn khi Miền Nam rơi vào tay những người cộng sản. Họ đã bỏ tù Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, bởi vì Ngài là người Công giáo, một linh mục, hơn nữa một Tổng Giám Mục! Người cộng sản đã ném Ngài vào lao tù và giam Ngài trong 9 năm cơ cực! Sau khi chịu đựng tổng cộng 13 năm tù ngục, Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận được trả tự do năm 1987 nhưng vẫn bị quản chế tại gia! Năm 1991, chính quyền cộng sản Việt Nam trục xuất Ngài và Ngài đã đến Vatican làm việc trong Hội Ðồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, mà nay Ngài là Chủ Tịch. Chính trong ngày được tấn phong, Tân Hồng Y Việt Nam này đã đeo quanh cổ mình một cây thánh giá bằng gỗ mà Ngài đã tự tay làm lấy tại nhà giam. Ðức Hồng Y Edward Egan nói về Hồng Y bạn mình như sau: "Chúng ta có thể nói chắc chắn rằng Ngài đã tuyên xưng Ðức Tin bằng chính máu của Ngài."

 Qua tiếp xúc với Ngài, người ta không thể nào biết hết những gian truân cơ cực mà vị cao niên hiền lành này đã phải hứng chịu! Ngài nói rất ngọt ngào, trìu mến và rất dịu dàng dễ thương. Trong buổi tiếp tân chúc mừng Ngài, tôi (ký giả Rod Dreher) hỏi Ngài làm sao sống nổi qua những trại tù cộng sản sắt máu mà không mất niềm tin, không mất trí nhớ và lòng thương cảm!? Ngài trả lời nhẹ nhàng: " Tôi nhận được những ân huệ này từ Thiên Chúa. Nếu chỉ riêng mình tôi thì tôi yếu đuối lắm! Cũng nhờ những lời cầu nguyện của Cộng Ðoàn Dân Chúa và của riêng tôi."

 Bất chấp chế độ lao tù tàn bạo, Ngài đã cố dâng thánh lễ hàng ngày trong xà lim. Tôi cử hành Phụng Vụ Thánh Thể mỗi ngày với ba giọt rượu và một giọt nước trong bàn tay tôi. Với sự trợ giúp của một chú bé 7 tuổi, Ngài đã lén chuyển ra ngoài, mỗi ngày một trang, cuốn sách đầu tiên của Ngài "Ðường Hy Vọng."

 Ðức Hồng Y Edward Egan nói với ký giả Rod Dreher: "Hãy nói với độc giả của anh, đừng bao giờ quên rằng còn có quá nhiều anh chị em ở các nước khác đang chịu đau khổ vì Ðức Tin, ngay cả cái chết."- Những người biết Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đều nói rằng cá tính hay mắc cỡ của Ngài và những bài diễn văn tuy đơn sơ nhưng che dấu trí thông minh, lòng can đảm và sự hiểu biết, những điểm mà Ðức Thánh Cha đã nhìn thấy rất rõ khi tấn phong Hồng Y cho Ngài.

 Linh mục Robert Sirico, một người bạn của Ngài hiện là Giám Ðốc Học Viện Acton tại Tiểu Bang Michigan Hoa Kỳ, cho biết: "Ngài không phải là người ăn nói luồn lách giỏi. Những gì Ngài đã nhận được và đã đến với Ngài đều do sự chân thật toát ra từ bản thân Ngài. Ngài chính là niềm linh hứng cho những ai được hân hạnh gặp gỡ và nghe chuyện của Ngài."- Tân Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã viết nhiều sách và gần đây đã đối thoại trong một diễn đàn công khai với Bill Gates và đã nói thẳng với nhà tỷ phú Microsoft là hiện tượng toàn cầu hóa chỉ có thể là một động lực tốt, khi nó không bỏ lại ai đằng sau.

 Tân Hồng Y Việt Nam đã tấn công vào khoảng cách ngày càng xa giữa kẻ giàu người nghèo trong tuần giảng Tĩnh Tâm Mùa Chay năm ngoái cho Ðức Giáo Hoàng và Giáo Triều Vatican. Những bài giảng tĩnh tâm đã được xuất bản trong cuốn "Những Nhân Chứng Của Hy Vọng" (Testimoni Della Speranza), một cuốn sách bàn sâu về những băn khoăn xã hội, phương pháp thánh hóa cá nhân và những suy tư khôn ngoan được nói lên rất đơn sơ của một vị có thể sẽ là người kế vị Ðức Giáo Hoàng.

 Liệu Ðức Tân Hồng Y Nguyễn Văn Thuận có thể trở thành Giáo Hoàng không? Những người bên trong Tòa Thánh nói rằng "Có" và đây là những lý do tại sao:

 - Ngài nói thông thạo bảy ngôn ngữ (Pháp, Anh, Ý, Ðức, Latinh, Nga, Trung Quốc), một điều kiện bắt buộc trong thế giới hiện nay.
- Ngài đến từ một nước thuộc Thế Giới Thứ Ba, nơi Công Giáo đang phát triển mạnh.
- Ngài đã chứng minh Ðức Tin xuyên qua những đau khổ tù ngục.
- Ngài giảng dạy với một phương thức mà người bình thường có thể hiểu được.
- Ngài không còn trẻ, một thuận lợi nếu các Hồng Y cử tri thấy Giáo Hội không sẵn sàng cho một triều đại Giáo Hoàng lâu dài nữa.

 Riêng Linh mục Sirico thì cho rằng các Ðức Hồng Y có thể muốn chọn Ngài để bên cạnh khả năng của Ðức đương kim Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về Huấn Giáo, Giáo Hội sẽ có thêm một vị Giáo Hoàng nhấn mạnh thuần túy hơn về mục vụ, một vị Giáo Hoàng mà cuộc đời Ngài toát lên sự thánh thiện: "Vị này làm được điều đó. Ngài là một vị thánh. Ngài là một người khôn ngoan. Ngài có thận trọng và khả năng của một vị Giáo Hoàng."

 Trên đây là dư luận qua các nhật báo lớn có tính cách quốc tế viết về Tân Hồng Y Việt Nam. Còn các sách khác đã xuất bản có bình luận vấn đề này thì sao? Những ai theo dõi dư luận qua các sách đạo đời, người ta thấy gần đây khi mà tình trạng sức khỏe của Ðức đương kim Giáo Hoàng ngày càng giảm bớt, rất nhiều sách đã viết và bình luận vấn đề kế vị của Ðức Thánh Cha. Một vấn đề thật tế nhị và khó lượng đoán.- Trong phạm vi một bài báo, chúng tôi chỉ đề cập đến một cuốn sách rất có uy tín mà tác giả là một người Mỹ, ông Peter Hebblethwaite, vì ông chồng qua đời đột ngột nên bà vợ là Margaret Hebblethwaite đã duyệt lại, cập nhật hóa và nhà Xuất Bản Harper, tại San Francisco đã ấn hành ngày 19 tháng 9 năm 1999, nghĩa là trước khi Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận được tấn phong Hồng Y gần một năm sau. Ðó là cuốn "The Next Pope" (Vị Giáo Hoàng Tương Lai).

 Sau khi điểm qua và đánh giá một số nhỏ Hồng Y rất có thể được đa số Hồng Y cử tri bầu lên ngôi Giáo Hoàng, xuyên qua một danh sách chọn lọc rất thận trọng trong các vị Hồng Y được coi là nổi tiếng, uy tín, thánh thiện trong 62 quốc gia và 5 lục địa, tác giả đã viết về Tân Hồng Y Việt Nam Nguyễn Văn Thuận được tóm lược như sau:

 Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, 72 tuổi, Chủ Tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, là người kế nghiệp vị tiền nhiệm người Pháp, Hồng Y Roger Etchegaray. Nhiều người nghĩ rằng khi vị Tổng Giám Mục này được vinh thăng Hồng Y, Ngài sẽ là ứng viên sáng giá cho ngôi Giáo Hoàng tiếp theo. Ngài là một con người mà cuộc sống luôn toát ra sự thánh thiện, khôn ngoan, khéo léo, mềm dẻo. Ngài đã bị tống giam trong tù ngục cộng sản 13 năm, trong đó có 9 năm biệt giam. Trong thời gian dài kiên trì chịu đựng một cuộc sống tận cùng khổ đau, thiếu thốn tất cả, Ngài được ơn linh ứng viết một cuốn sách tu đức rất giá trị sâu sắc với những lời văn đơn sơ nhưng đầy tính thuyết phục.

 Một khi Ngài được vinh thăng Hồng Y, mà chắc chắn vấn đề này sẽ xảy ra thì trong Cơ Mật Viện (Consistory) để bầu Tân Giáo Hoàng, Ngài sẽ là người có rất nhiều khả năng trở thành vị Giáo Hoàng tương lai, nếu các Hồng Y cử tri muốn chọn một người có thể tiếp nối đường lối của đức đương kim Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. - Sở dĩ người ta có thể tiên đoán như vậy, vì Ngài có nhiều điểm tương đồng như Hồng Y Karol Woityla của Ba Lan, chính là Ðức Gioan Phaolô II hiện nay: khiêm tốn, e lệ, dịu dàng, đời sống nội tâm phong phú, không thích tranh luận. Nhưng cả hai vị này đều ôm ấp một sứ mạng chung: Làm thế nào đem Tin Mừng Ðức Kytô cho một thế giới phàm tục xa lìa Thiên Chúa. Với những lý do trên đây, một lá phiếu bầu cho Hồng Y Nguyễn Văn Thuận lên ngôi Giáo Hoàng sẽ là một lá phiếu bảo đảm nhất và cũng ý nghĩa nhất cho ngôi vị Giáo Hoàng hơn bất cứ vị nào khác.

 Trên đây với tư cách một nhà báo, chúng tôi đã chia sẻ với quý độc giả những thông tin mà dư luận quốc tế đã đề cập đến Tân Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Qua đó, là những người Việt Nam trong hay ngoài nước, không phân biệt tôn giáo, chính kiến, giai cấp xã hội, chúng ta vui mừng vì qua sự kiện tấn phong Hồng Y này đã minh chứng một người đồng bào của chúng ta là Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã có một uy tín khá lớn lao trên thế giới. Với uy tín đó, trong cương vị Chủ Tịch Hội Ðồng Công Lý và Hòa Bình, chắc chắn Ngài đã và sẽ âm thầm phục vụ cho Công Lý và Hòa Bình được ngự trị trên quê hương Việt Nam đau khổ này, vì chính bản thân Ngài đã là một nạn nhân, một người tù đã nếm mùi cải tạo 13 năm.

 Quê Hương Việt Nam chúng ta chỉ có 8 triệu giáo dân, so sánh với Phi Luật Tân là một quốc gia 79 triệu người mà 84% là người công giáo, đứng đầu các nước Á Châu về dân số công giáo, mà chỉ có 2 Hồng Y ! Trong khi Giáo Hội Việt Nam đã có 4 vị Hồng Y: Ðó là Ðức cố Hồng Y tiên khởi Giuse Trịnh Như Khuê, Tổng Giám Mục Hà Nội, tấn phong ngày 24 tháng 5, 1976, Ðức cố Hồng Y Giuse Trịnh Văn Căn (30.06.1979), Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng (30.10.1994) và nay là Ðức Tân Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận (21.02.2001).

 Theo Lịch sử và Giáo luật, danh hiệu Hồng Y (Cardinal) do nguyên tự Latinh là Cardo (bản lề của cánh cửa) phải hiểu đúng nghĩa là một tước hiệu danh dự, không phải là một chức thánh như phó tế, linh mục và giám mục, được Ðức Giáo Hoàng chọn làm Phụ Tá và Cố Vấn cho Ngài. Tước hiệu Hồng Y có thể được hiểu như một món quà đặc biệt mà Ðức Giáo Hoàng ban cho những ai do Ngài tuyển chọn, chứ không phải tự động ban cho các Giám mục các Tổng Giáo Phận. Ngày nay Ðức Thánh Cha thường chọn làm Hồng Y những vị cố vấn thân cận trong Giáo Triều Vatican, các Tổng Giám Mục trên thế giới có ảnh hưởng quan trọng về lịch sử hay mục vụ hoặc những người đã đóng góp đặc biệt cho Giáo Hội về Thần Học và Ðạo đức.

 Nếu hiểu đúng ý nghĩa Lịch sử và Giáo Luật như trên, chúng ta cần nhận định rằng Ðức Gioan Phaolô II quả thật đã có lòng ưu ái đặc biệt với Dân Tộc và Giáo Hội Việt Nam. Ngoài việc Ngài đã chọn một linh mục Việt Nam là Ðức Ông Vixentê Trần Ngọc Thụ làm Bí Thư riêng cho Ngài, ngay khi vừa lên ngôi Giáo Hoàng ngày 26 tháng 10, 1978. Hơn nữa Ngài đã tôn phong lên bậc hiển thánh 117 Anh Hùng Tử Ðạo Việt Nam để mọi giáo dân trên khắp thế giới tôn thờ, nguyện cầu, noi gương ngày 19 tháng 6, 1998. Và ngày 21 tháng 2, 2001 vừa qua, Ngài lại chọn một người Việt Nam thứ tư lên Hồng Y, nghĩa là một " Hoàøng Tử của Giáo Hội".

 Phải chăng hoàn cảnh lịch sử bị bách hại của Giáo Hội Ba Lan cũng giống Giáo Hội Việt Nam đã bị đàn áp vì Ðạo Chúa dòng dã trên 4 thế kỷ qua, từ ngày tiếp nhận Ánh Sáng Tin Mừng. Và hiện này Giáo Hội Việt Nam vẫn còn đang bị bách hại tinh vi và khủng khiếp dưới chế độ cộng sản. Và phải chăng Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là người duy nhất trong 44 Tân Hồng Y đã sống những năm tháng tận cùng của vực thẳm khổ đau tinh thần và vật chất trong tù ngục, để trung kiên với Niềm Tin Thiên Chúa và trung thành với sứ mệnh chủ chăn của mình. Lòng ưu ái đặc biệt của Ðức Gioan Phaolô II với Dân Tộc Việt Nam phải được hiểu trên những nguyên nhân đó hơn là những cảm tình cá nhân bên ngoài.

 Với dư luận về khả năng trở thành vị Giáo Hoàng tương lai của Ðức Tân Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, qua các cơ quan truyền thông quốc tế, đặc biệt với nhận định của Nhật báo The Los Angeles Times, Nhật báo The New York Post mà ký giả Rod Dreher trình bày ý kiến của Ðức Hồng Y New York, Edward Michael Egan, và cả hai tác giả Peter và Magaret Hebblethwaite trong cuốn sách The Next Pope, chúng tôi xin được đóng góp vài suy tư thô thiển sau đây:

 - Theo Giáo luật điều 330 đến 335, Hồng Y Ðoàn chỉ được triệu tập Cơ Mật Viện bầu Tân Giáo Hoàng, khi xảy ra hai trường hợp duy nhất lúc Tòa Thánh trống ngôi: Ðức Giáo Hoàng băng hà hoặc Ngài tự nguyện từ chức vì lý do sức khỏe hoặc bị cản trở không thi hành nhiệm vụ được.

 - Những lý do mà dư luận quốc tế nhận định Ðức Tân Hồng Y Nguyễn Văn Thuận có thể trở thành Giáo Hoàng chỉ có giá trị theo nhận định chủ quan của tác giả. Tuy nhiên những lý do này rất chính đáng, hợp tình hợp lý, chứng tỏ Ngài là một ứng viên sáng giá cho ngôi Giáo Hoàng tương lai. Và rất có thể, Ngài là ứng viên có khả năng trở thành Giáo Hoàng, tùy theo nhận định của các Hồng Y cử tri.

 - Tuy nhiên chúng ta không thể nào loại trừ một yếu tố quan trọng nhất là sự hoạt động của Chúa Thánh Thần và sự quan phòng kỳ diệu huyền nhiệm của Thiên Chúa, vì không gì mà Thiên Chúa không làm được!! Và cũng không ai biết trước hoặc đo lường được Thánh Ý Thiên Chúa với trí khôn bé nhỏ nông cạn của mình. Trung tuần tháng 10 năm 1978, không một ai có thể nghĩ rằng Thiên Chúa lại chọn một vị Hồng Y Ba Lan là Ðức Karol Woityla lên ngôi Giáo Hoàng, sau trên 4 thế kỷ không vị Giáo Hoàng nào ngoài nước Ý! Thế mà ngày 16 tháng 10, 1978 Hồng Y Ba Lan Karol Woityla đã trở thành vị Giáo Hoàng thứ 264 kế vị Thánh Phêrô, Tông Ðồ trưởng.

 - Nếu giả thiết, xin nhắc lại chỉ là giả thiết thôi, nếu Thiên Chúa chọn một người Việt Nam là Ðức Tân Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận lên ngôi Giáo Hoàng, như Thiên Chúa đã ưu ái chọn một người Ba Lan, thì đây chính là một hồng phúc quá lớn lao cho dân tộcViệt Nam, từ ngày con dân đất Việt nhận lãnh Ðức Tin không bao giờ dám mơ ước! Và nếu trường hợp này xảy ra thì phải chăng lịch sử đã tái diễn: Ông Mikhail S. Gorbachev, cựu Tổng Thống Sô Viết, đã viết trên tuần báo La Tampa ngày 3 tháng 3, 1992, đồng thời được ấn hành trên 115 tờ báo lớn trên thế giới, khi ông quả quyết Ðức Gioan Phaolô II đã đóng một vai trò rất lớn trong việc lật đổ chế độ cộng sản tại Ðông Âu và Liên Xô. Nếu Thiên Chúa muốn xóa bỏ chế độ cộng sản tại Á Châu thì phải chăng Tân Hồng Y Việt Nam sẽ là con người tiền định mà Thiên Chúa sẽ xử dụng.

 - Thái độ khôn ngoan và thích hợp nhất cho chúng ta là hãy cầu nguyện xin Thiên Chúa hãy thực hiện những gì tốt đẹp nhất cho Dân Tộc Việt Nam chúng ta đang quá đau khổ hiện nay.

 Linh Mục Trần Quý Thiện
 
 


Back to Home