Báo Newyork Post của Mỹ nhận định:
ÐHY Nguyễn Văn Thuận là ứng viên sáng giá
cho chức vụ Giáo Hoàng tương lai

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Báo Newyork Post của Mỹ nhận định: ÐHY Nguyễn Văn Thuận là ứng viên sáng giá cho chức vụ Giáo Hoàng tương lai.

 Newyork - 25/2/2001 - Trong số báo ra ngày Chúa Nhật 25/2/2001, tờ Newyork Post đã đăng bài "Is Asian Cardinal in line for papacy?" của Rod Dreher. Nội dung bài báo này như sau:

 Ðứng trong ngôi nhà thờ xây trên mộ của các thánh Tử Ðạo Kitô Giáo hồi thế kỷ thứ Tư, Ðức Hồng Y Edward Egan (của Tổng giáo phận Newyork) đã nói về một chứng nhân anh hùng trong thời đại ngày nay, người đã cùng nhận mũ đỏ cùng với ngài hồi đầu tuần này - một vị tân Hồng Y anh hùng được tin là một trong những ứng viên sáng giá cho ngôi Giáo Hoàng tiếp theo.

 Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê, nay đã 73 tuổi, đã từ chối không bỏ nhiệm sở của ngài là Giám Mục Sàigòn khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay những người cộng sản.

 Họ đã bỏ tù Ðức Cha Thuận bởi vì ngài là người Công Giáo, và khi một người mang đến cho ngài ít cá gói trong giấy báo lấy từ một tạp chí Công Giáo, người cộng sản đã ném ngài vào kiên lao.

 Trong 9 năm trời cơ cực.

 Sau khi chịu đựng tổng cộng 13 năm tù. Ðức Cha Thuận được trả tự do năm 1987, nhưng bị quản chế tại gia.

 Năm 1991, nhà cầm quyền Việt Nam trục xuất ngài và ngài đã đến Vatican làm việc cho ủy ban Công Lý và Hòa Bình, mà nay ngài là chủ tịch.

 Trong chính ngày được tấn phong Hồng Y, Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đeo quanh cổ một cây thánh giá bằng gỗ của nhà giam. Ðức Hồng Y Egan nói về Ðức Hồng Y bạn mình như sau: "Chúng ta có thể nói chắc chắn, ngài đã tuyên xưng đức tin bằng máu của ngài"

 Qua tiếp xúc với ngài, người ta không thể nào biết những gian truân mà vị cao niên hiền lành này đã phải chịu. Ngài rất ngọt ngào, nuông chiều và rất dịu dàng.

 Trong buổi tiếp tân chúc mừng của ngài, tôi hỏi ngài làm sao sống nổi qua những trại tù mà không mất niềm tin, trí nhớ và lòng thương cảm.

 Ngài trả lời nhẹ nhàng "Tôi nhận được những ân huệ từ Thiên Chúa. Chỉ mình tôi thì tôi yếu đuối lắm. Cũng nhờ những lời cầu nguyện của tôi và của cộng đoàn dân Chúa".

 Bất chấp chế độ lao tù tàn bạo, ngài đã cố dâng Thánh Lễ hàng ngày trong xà lim. "Tôi cử hành phụng vụ Thánh Thể mỗi ngày với ba giọt rượu và một giọt nước từ bàn tay tôi. Những người bên ngoài có lần đã gởi cho tôi rượu nho như là thuốc chữa bệnh đau bao tử và tôi đã cố tiết kiệm".

 Với sự trợ giúp của một chú bé 7 tuổi, ngài đã lén chuyển ra ngoài, mỗi lần một trang, cuốn sách đầu tiên của ngài "Ðường Hy Vọng".

 Ðức Hồng Y Edward Egan nói "Hãy nói với độc giả của anh, đừng bao giờ quên rằng quá nhiều anh chị em ở các nước khác đang chịu đau khổ vì đức tin, ngay cả cái chết".

 Những người biết Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận nói rằng cá tính hay mắc cở của ngài và những bài diễn văn đơn sơ che dấu trí thông minh, lòng can đảm và sự hiểu biết, những điều mà Ðức Thánh Cha đã nhìn thấy rất rõ khi tấn phong Hồng Y cho ngài.

 Cha Robert Sirico, một người bạn của ngài đang là giám đốc học viện Acton ở Michigan cho biết "Ngài không phải là người ăn nói, luồn lách giỏi. Những gì ngài đã nhận được đã đến với ngài vì sự chân thật toát ra từ ngài. Ngài chính là niềm linh hứng cho những ai gặp gỡ và nghe chuyện của ngài".

 Ðức Hồng Y Thuận đã viết nhiều sách và gần đây đã chạm trán trong một diễn đàn công khai với Bill Gates và đã nói thẳng với nhà tỷ phú Microsoft là hiện tượng toàn cầu hóa chỉ có thể là một động lực tốt khi nó không bỏ ai lại đằng sau.

 Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã tấn công vào khoảng cách ngày càng xa giữa kẻ giầu người nghèo trong tuần tĩnh tâm Mùa Chay cho Ðức Giáo Hoàng và giáo triều Rôma năm ngoái. Những bài giảng tĩnh tâm đã được xuấn bản trong cuốn "Chứng Tá Hy Vọng", một cuốn sách bàn sâu về những băn khoăn xã hội, thánh hóa cá nhân và những suy tư khôn ngoan được nói ra cách đơn sơ của một vị có thể sẽ là người kế vị Ðức Giáo Hoàng.

 Liệu Ðức Hồng Y Thuận có thể trở thành Giáo Hoàng không? Những người bên trong Tòa Thánh nói 'có' và đây là lý do tại sao:

 Ngài nói được nhiều thứ tiếng, một điều bắt buộc trong thế giới đương đại.
Ngài đến từ một nước thuộc Thế Giới Thứ Ba nơi Công Giáo đang phát triển mạnh.
Ngài đã chứng minh đức tin qua đau khổ.
Ngài giảng dạy trong một cách thế mà người bình thường có thể hiểu được.
Ngài không còn trẻ - một thuận lợi nếu các Hồng Y cử tri thấy Giáo Hội không sẵn sàng cho một triều đại Giáo Hoàng dài nữa.

 Cha Sirico thì cho rằng các Ðức Hồng Y có thể muốn chọn ngài để bên cạnh khả năng ngoại thường của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về huấn giáo, Giáo Hội sẽ có thêm một vị Giáo Hoàng nhấn mạnh thuần tuý hơn về mục vụ, một vị mà đời của ngài toát lên sự thánh thiện.

 "Vị này làm được điều đó. Ngài là một vị thánh. Ngài là một người khôn ngoan. Ngài có sự thận trọng và khả năng của một vị Giáo Hoàng."

 Ông Ðàm Phong, người đã đi từ Atlanta sang dự lễ tấn phong Hồng Y của Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận nói: "Ngài chắc sẽ là một vị Giáo Hoàng vĩ đại. Nhưng chỉ có Chúa biết điều gì sẽ xẩy ra".
 
 


Back to Home