Báo chí tiếp tục bàn luận
về việc bổ nhiệm 37 vị Hồng y mới

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Báo chí tiếp tục bàn luận về việc bổ nhiệm 37 vị Hồng y mới.

 Báo chí tiếp tục viết về việc bổ nhiệm Hồng Y mới và bình luận nhiều cách khác nhau. Về con số 37 vị Hồng Y mới - Tất cả đều cho rằng: đây là con số kỷ lục trong tám lần bổ nhiệm Hồng Y của Ðức Karol Wojtyla. Với việc bổ nhiệm lần này, (không kể 5 vị 80 tuổi), con số vào Mật Viện bầu Giáo Hoàng lên tới 128 Vị, thay vì 120 , như Ðức Phaolô VI ấn định từ năm 1970, và vẫn được chính Ðức Gioan Phaolô II theo như vậy trong sáu lần bổ nhiệm Hồng Y trước đây.

 Với lần bổ nhiệm này, báo chí cho rằng: trục bầu Giáo Hoàng nay hướng sang Mỹ châu. Nhật báo "Người Ðưa Tin" viết như sau: Xét theo phương diện địa dư, đã rõ: nay có một sự tăng cường mạnh mẽ của các Hồng Y Mỹ Châu Latinh. Ðức Gioan Phaolô II xem ra ý thức về một sự chuyển hướng của Giáo hội, từ Châu Âu sang Trung-Nam Mỹ châu, nơi đây có sự hiện diện công giáo mạnh mẽ và đông đảo hơn cả trên thế giới. Nhật báo viết thêm: Nhưng trong sự lựa chọn, ta cũng thấy rằng: ngài theo đường lối ôn hòa và hơi bảo thủ, nhằm đến việc cải cách, nhưng một cải cách sáng suốt. Báo này nhắc đến hai Hồng Y người Colombia giữ chức vụ quan trọng trong Giáo Triều Roma hiện nay: Alfonso Lopez Trujillo, Hồng Y từ năm 1983, năm nay 65 tuổi, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình và ÐHY Dario Castrillon Hoyos, Tổng trưởng Bôï Giáo sĩ. Nhật báo tại Roma còn nêu thêm một yếu tố khác của việc tăng cường con số Hồng Y Châu Mỹ Latinh: Ðức Hồng Y Angelo Sodano, trước khi được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh, đã giữ chức sứ thần nhiều năm tại Chile. Nhờ đó ngài biết rõ các vị chủ chăn và công việc của các ngài trong miền này. Tiếng nói của ngài dĩ nhiên có một ảnh hưởng lớn trong việc lựa chọn và bổ nhiệm Hồng Y.

 Thực ra, con số Các Vị Hồng Y từ Mỹ Châu hiện nay vào Mật Viện, chưa chiếm đa số. Trong số 128 vị dưới 80 tuổi vào Mật viện bầu Giáo Hoàng mới, có 60 vị Châu Âu - 39 vị Mỹ châu, số còn lại thuộc Châu Phi, Châu Á và Châu Ðại dương. Các Hồng Y Mỹ châu, đóng vai trò quan trọng mỗi ngày mỗi thêm trong trong Giáo hội và trong việc bầu Giáo Hoàng, nhưng thực sự chưa phải là một lực lượng hùng hậu. Trong lần bổ nhiệm này, có 8 Hồng Y thuộc Trung và Nam Mỹ châu, nhưng thuộc 7 quốc gia khác nhau: Argentina - Brazil (hai vị) - Colombia - Ecuador - Honduras - Perù và Venezuela. Trái lại nguyên nước Ý mà thôi có tới 7 vị, trong số này chỉ có một vị gần 80 tuổi, là Cha Roberto Tucci. Sánh với trước đây, số Hồng y nước Ý giảm bớt nhiều do việc quốc tế hóa Giáo Triều Roma, được Ðức Phaolô VI khởi xướng và được Ðức Gioan Phaolô II tiếp tục, theo tinh thần Công đồng chung Vatican II "tính cách hoàn vũ của Giáo hội". Nhưng thực ra số các Hồng y Ý vào Mật viện vẫn nhiều hơn bất cứ nước nào: 24 vị trong số 60 vị Châu Âu.

 Bình luận về việc bổ nhiệm Ðức TGM Crescenzo Sepe, người Ý, 57 tuổi, Tổng thư ký Ủy Ban trung ương Năm Thánh, làm Hồng Y và là một vị trẻ nhất trong 37 vị, báo chí viết: Việc bổ nhiệm này xác nhận sự lựa chọn của Ðức Karol Wojtyla vẫn hướng nhiều về "những vị phục vụ" đắc lực và trung thành Giáo hội, như ngài nhắc đi nhắc lại nhiều lần: Thừa tác vụ trong Giáo hội là một phục vụ hơn là là một danh dự. Chính Chúa Giêsu đã nói rõ ràng: "Ta đến để phục vụ, không phải để được phục vụ". Ðức TGM Sepe là một trong các vị phục vụ Giáo hội cách rất hăng say và nhiệt thành, trước đây tại Phủ Quốc vụ Khanh, rồi trong chức vụ Tổng Thư ký Bộ Giáo sĩ và Tổng Thư Ký Ủy Ban Trung Ương Năm Thánh. Việc bổ nhiệm ngài làm Hồng Y là để thưởng công cách riêng trong việc tổ chức và điều hành công việc trong Năm Ðại Toàn xá. Với việc bổ nhiệm Ðức Sepe, báo chí gán ghép cho ngài những chức vụ quan trọng khác sau ngày được tấn phong Hồng Y, chẳng hạn như chức vụ Tổng trưởng Bộ rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc (thay thế Ðức Hồng Y Tomko về hưu) hoặc sẽ kế vị Ðức Hồng Y Jan Schotte, trong chức vụ Tổng thư ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Trong trường hợp này, Ðức Hồng Y Jan Schotte sẽ có thể được chỉ định điều khiển Bộ rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc. Báo chí tự do bình luận là quyền của họ; nhưng chúng ta phải công nhận điều này: việc chỉ định sau cùng thuộc thẩm quyền ÐTC. Những quyết định của ngài không theo tiêu chuẩn và những dự tính của loài người.

 Bình luận về việc bổ nhiệm Ðức TGM Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, báo chí và đài phát thanh, truyền hình đều công nhận sự kiện này: Mũ và áo đỏ dành cho ngài là để nêu cao chứng tá đức tin của vị chủ chăn này, đã biểu lộ cách can đảm trong các nhà giam hơn 13 năm trời. Kinh nghiệm của ngài xem ra nói lên "việc trung thành" cho đến việc hy sinh mạng sống mình, mà ÐTC vẫn căn dặn các vị Hồng Y trong lễ nghi tấn phong.

 Một điểm nổi bật khác trong việc bổ nhiệm Hồng Y vẫn được ÐTC tuân theo, là "khía cạnh mục vụ". Ðọc danh sách các vị được bổ nhiệm lần này cũng như các lần trước, ta thấy rõ: hầu hết các vị đứng đầu các giáo phận quan trọng trên thế giới đã được bổ nhiệm (21 vị). Chúng tôi xin nhấn mạnh là: hầu hết. Thực sự có nhiều giáo phận lớn và chắc chắn có Hồng Y, lại không có, ít ra trong lần này, như: Zagreb (thủ đô Cộng hòa Croat), Nairobi (thủ đô Kenya), Lagos và Onisha (hai giáo phận lớn của Nigeria, truớc đây đã có Hồng Y) - Marseille (Pháp) - Seoul (thủ đô Nam Hàn) - Armagh (tòa Giáo chủ Ái nhĩ lan) - Tokyo (thủ đô Nhật), hoạc Nagasaki - Colombo (thủ đô Sri Lanka) - New Dehli (thủ đô Ấn độ) v.v... Các Cộng đồng công giáo tại các nước này không khỏi buồn; nhưng ÐTC nhấn mạnh sau khi loan báo danh sách 37 Hồng Y mới: Còn có nhiều vị rất yêu quí đối với tôi và có nhiều công trong Giáo hội, tôi hy vọng có thể nghĩ đến các ngài trong lần bổ nhiệm tới đây.

 Sau khi công bố dánh sách 37 Hồng Y mới, ÐTC nói thêm: Tôi sẽ tiết lộ tên các vị Hồng Y còn được giữ kín "in pectore" từ năm 1998 (không tiết lộ vì hoàn cảnh chưa cho phép). Chúng ta chờ đợi ngày 21 tháng 2/2001 tới đây để biết các vị được bổ nhiệm này là ai? Cũng nên nhớ lại: năm 1979, ÐTC đã bổ nhiệm một vị Hồng Y "in pectore": Ðức Hồng Y Ignatius Kung Pin-mei (Trung quốc, nạn nhân chế độ cộng sản). Tên của ngài đã được tiết lộ trong lễ nghi tấn phong Hồng Y ngày 28 tháng 6 năm 1991, nghĩa là lúc ngài được trả tự do, ra khỏi nước đến Roma gặp ÐTC.

 Với việc bổ nhiệm 37 Hồng Y mới, Viện Hồng Y nay lên tới 178 vị, trong số này có 128 vị dưới 80 tuổi sẽ vào Mật viện bầu Giáo Hoàng mới. Con số 128 vị được phân chia như sau theo địa dư: Châu Âu: 60 vị - Bắc Mỹ: 13 - Châu Mỹ Latinh: 26 - Châu Phi: 12 - Châu Á: 13 - Châu Ðại dương: 4. 128 vị đại diện 54 quốc gia khác nhau, trong số này, những nước có nhiều Hồng Y hơn cả, Ý: 24 vị - Hoa kỳ: 11 - Brazil: 7 - Ðức: 5 - Tây ban nha: 4 --- Vị cao niên hơn cả trong số 178 vị: ÐHY Corrado Bafile (người Ý): 98 tuổi. Vị trẻ hơn cả: ÐHY Vinko Puljic (sinh ngày 8.9.1945 - 55 tuổi, TGM Sarajevo, thủ đô Cộng hòa Bosnia-Erzegovina), thăng Hồng Y tháng 11 năm 1994 - Sau đó là ÐHY Christoph Schoenborn (sinh 22.01.1945 - 56 tuổi) , TGM giáo phận Wiêna (thủ đô Áo quốc), thăng Hồng Y 21.2.1998.
 
 


Back to Home