Phái đoàn "lịch sử"
Việt Nam và Lào Quốc
tham dự Ngày Thế giới Thanh niên

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Phái đoàn "lịch sử" Việt Nam và Lào Quốc tham dự Ngày Thế giới Thanh niên.

 Những phái đoàn thanh niên đến từ các quốc gia Á châu, tuy ít ỏi xét về con số, nhưng được các phương tiện Truyền Thông xã hội và Ban tổ chức lưu ý rất nhiều.

 Nhật báo "Tương Lai" số phát hành ngày 12.8.2000 đã viết như sau: Á châu không còn là bức tường ngăn cách nữa đối với Ngày thế giới Thanh niên. Ðây là lần thứ nhất một số thanh niên rất đáng kể đã và đang đến Roma. Ðáng kể vì số người công giáo tại Á châu thuộc thiểu số (khoảng 3%, trong một lục địa mênh mông có dân số đông nhất: trên ba tỉ rưởi.

 Nhắc đến hai Phái đoàn Việt nam và Lào quốc, Nhật báo công giáo "Tương Lai" gọi là hai phái đoàn "lịch sử". Lịch sử, vì đây là lần thứ nhất Việt nam và Lào quốc tham dự "cách chính thức" Ngày thế giới Thanh niên năm 2000 tại Roma. Nhật báo giải thích: Chính thức là vì chính phủ của hai quốc gia này công nhận Ngày thế giới Thanh niên và cho phép công khai thanh niên tham dự. Thực sự năm 1997 tại Paris, chỉ bốn thanh niên Việt nam tham dự mà thôi, nhưng không có "tính cách chính thức". Vì tính cách chính thức này, cờ Việt nam được trưng lên tại Khuôn Viên Ðại Học Tor Vergata và Quảng trường Thánh Phêrô với cờ của 160 quốc gia gửi đại diện tham dự.

 Ðây là một vinh dự lớn lao cho Việt nam, một bước tiến rất khích lệ, vì đang có sự hiểu biết và cởi mở thêm giữa Tòa Thánh và Nhà Cầm quyền Việt nam. Ðây là một niềm vui, vì Việt nam được cộng đồng qưốc tế biết đến nhiều hơn; vui mừng hơn nữa cho Cộng đồng công giáo Việt nam được thở bầu khí tự do tôn giáo mỗi ngày mỗi nhiều hơn. Người công giáo Việt nam trong nước cũng như ngoài nước hy vọng bước tiến "lịch sử" này sẽ mở đường cho các bước tiến khác trong mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt nam, trong sự cộng tác giữa Nhà Nước và Giáo hội công giáo tại đây, mỗi bên theo lãnh vực riêng của mình và trong sự tôn trọng lẫn nhau, để mưu công ích và tiến bộ thêm mãi cho toàn dân tộc.

 Trái lại, ít ra cho tới lúc này, cờ Trung quốc (một đại cường quốc) không được trưng lên, dù có phái đoàn từ Hồng kông, Ma cao và Ðài Loan tham dự. Ðại diện của Giáo hội ái quốc Trung quốc từ Bắc kinh cho biết: Giáo hội Trung quốc không nhận được thư mời, nên Bắc kinh không cấp Hộ chiếu, để có thể xuất ngoại. Một số thanh niên thuộc Giáo hội ái quốc "than phiền và đau buồn" vì không thể hiện diện với các bạn trẻ thế giới tại Roma.

 Theo nhật báo công giáo Ý và theo tin chúng tôi thu lượm được, thì phái đoàn Việt nam gồm có 27 thanh niên, hai giám mục và 8 linh mục. Phái đoàn do Ðức Cha Sang, giám mục Thái bình, chủ tịch Ủy Ban giáo dân của HÐGM Việt nam hướng dẫn. Tờ báo giải thích: Trong nội bộ Giáo hội Việt nam chưa có một cơ cấu quốc gia cho thanh niên. Vì thế Ngày thế giới Thanh niên ở Roma là cơ hội tốt để các thanh niên của 25 giáo phận trong nước gặp gỡ nhau (thực sự không phải tất cả 25 giáo phận có đại diện).

 Phái đoàn "lịch sử" thứ hai được nhật báo "Tương Lai" nhắc đến là phái doàn của Lào quốc. Phái đoàn này gồm 16 thanh niên, 4 nữ tu và một linh mục đến từ Giáo phận đại diện Tông Tòa Vientiane. Ðây cũng là lần thứ nhất Lào quốc tham dự Ngày thế giới Thanh niên. Một thành viên của phái đoàn Lào giải thích: "Lào là một quốc gia nhỏ bé. Có thể xảy ra là Ða số các bạn trẻ tham dự Ngày thế giới Thanh niên không biết gì về Lào quốc. Nhưng chúng tôi muốn làm cho họ biết rằng: tại Quốc gia nhỏ bé không được biết đến này cũng có những thanh niên cùng chia sẻ một lý tưởng chung, tức chia sẻ đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu thế duy nhất của nhân loại". Trong dịp này, thanh niên Lào đem đến Roma một loại cây quốc gia của họ, được gọi là cây "Champa", để trồng tại Campus Ðại học Tor Vergata, kế bên Lễ đài, nơi ÐTC sẽ cử hành thánh lễ bế mạc sáng Chúa nhật 20.8.2000 tới đây, và một nhạc khí truyền thống "pha kuan", dùng cho các lễ nghi.

 Ngoài hai phái đoàn "lịch sử" Việt nam và Lào quốc, còn có các phái đoàn sau đây của Á Châu:

 Phái đoàn Hồng kông, Macao và Ðài Loan gồm 900 thanh niên nam nữ. Trên đường đi Roma, đoàn thanh niên Macao hành hương Thánh địa. Còn thanh niên Hồng kông và Ðài Loan hành hương Assisi, trước khi đến Roma. Như chúng tôi vừa nhắc trên đây, Trung quốc (Bắc Kinh) không chính thức gửi phái đoàn nào cả.

 Các giáo phận Nhật bản cử 200 thanh niên tham dự Ngày thế giới Thanh niên. Phái đoàn từ Nhật tới sẽ hợp với phái đoàn Nhật khác ở ngoài nước, gồm 150 người thuộc các phong trào và hội doàn Giáo hội. Như vậy phái đoàn Nhật có con số rất đáng kể, nếu sánh với số người công giáo cả Nước Nhật: trên nửa triệu.

 Phái đoàn đông đảo hơn cả của Á Châu là phái đoàn Philippines gồm 1,200 người. Các thanh niên gặp nhiều khó khăn trong việc xin hộ chiếu vào Nước Ý; nhưng sau cùng những khó khăn đã vuợt qua được. Tại Roma và trong nước Ý sẽ có nhiều thanh niên Philippines khác hợp với phái đoàn này.

 Anh Sulit, một thanh viên của phái đoàn, tuyên bố như sau: "Việc tham dự Ngày thế giới Thanh niên, đối với tôi, là công lao của một năm làm việc, một năm mơ ước, một năm mồ hôi, nước mắt... Chúng tôi không bao giờ quên được Ngày thế Thanh niên năm 1995 tại Manila. Với bất cứ hy sinh nào, tôi cố gắng để có thể tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế này".

 Giáo hội Nam Hàn cũng gửi một phái đoàn khá đông: 610 thanh niên nam, nữ. Hãng thông tấn Fides giải thích thêm như sau: Con số 610 thanh niên này gồm 360 đến từ Nam Hàn và 250 từ Hoa kỳ. Ở trong hay ngoài nước, đoàn thanh niên này đại diện cho 4 ngàn sinh viên của Ðại Học công giáo Taegu đã cử hành từ 25 đến 27 tháng 7/2000 vừa qua Ngày Toàn xá của họ. Trong dịp Ngày Toàn xá tại Taegu, các thanh niên đã bày tỏ ước mong được ÐTC viếng thăm Nam Hàn một lần nữa. Cũng nên nhắc lại: ÐTC đã viếng thăm Nam Hàn hai lần rồi: Tháng 5 năm 1984, nhân dịp kỷ niệm 200 năm lãnh nhận Tin Mừng và tháng 10 năm 1989, để chủ tọa Lễ nghi bế mạc Ðại Hội Thánh Thể quốc tế tại Seoul. Tháng sáu 2000 vừa qua, do trung gian của Tổng thống Nam Hàn, Chủ tịch Nhà Nước Bắc Hàn, đã mời ÐTC viếng thăm miền Bắc. Rất có thể trong chuyến viếng thăm này, ÐTC sẽ trở lại Seoul một lần nữa.

 Một phái đoàn khác của Á châu rất đáng lưu ý là phái đoàn của miền Trung Ðông. Từ Thánh địa đã có 753 thanh niên đến nước Ý và được đón tiếp tại các giáo phận cho tới ngày 14.8.2000. Trong số này có 424 của Israel; 190 thuộc các lãnh thổ của Nhà Cầm quyền Palestine và 139 của Jordanie.

 Ðức Cha Michel Sabbah, Giáo chủ Giêrusalem, tuyên bố: "Ðây là phái đoàn đông đảo nhất của Thánh địa tham dự Ngày thế giới thanh niên, kể từ trước tới nay".

 Sau cùng một phái đoàn đến từ miền núi Hymalaya sẽ hiện diện trong Ngày thế giới thanh niên năm 2000, đó là phái đoàn của Népal gồm 9 thanh niên, do một nữ tu, một vị trách nhiệm giáo dân và một linh mục hướng dẫn. Các thanh niên mang theo một biểu ngữ với hàng chữ "Hoan hô ÐTC, vạn tuế ÐTC" bằng tiếng Nepal.

 Nhân dịp Thượng Hội đồng Giám mục Á Châu tại Vatican tháng tư năm 1998, ÐTC nói: "Ngàn Năm thứ ba phải là ngàn năm của việc rao giảng Tin Mừng tại Lục địa này". Thực sự số người công giáo tại Á Châu còn quá ít. Hy vọng các thanh niên nam, nữ tham dự Ngày thế giới Thanh niên năm 2000 ý thức về trách nhiệm truyền giáo, cách riêng cho các bạn cùng tuổi. ÐTC dã căn dặn thanh niên nhiều lần: "Các con là sứ giả của Tin Mừng, là sứ giả của Chúa Kitô. Các con là hy vọng của Quê hương, của Giáo hội và của Thế giới". Tham dự Ngày quốc tế Thanh niên là cơ hội rất tốt đẹp để cộng tác với các bạn trẻ trên cả thế giới trong việc rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô, Ðấng Cứu thế duy nhất, trong việc xây dựng một Giáo hội hiệp nhất, thánh thiện và một Thế giới hòa bình, huynh đệ.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page