Vài nét về Ngày Toàn xá
của các Thày Sáu vĩnh viễn

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài nét về Ngày Toàn xá của các Thày Sáu vĩnh viễn.

 Ngày Toàn xá của Giới nghệ sĩ vừa kết thúc chiều thứ Sáu 18/02/2000 bằng một Hội nghị quốc tế tại Thính đường Phaolô VI, thì Ngày Toàn xá của Các Thầy Sáu vĩnh viễn được khai mạc cùng ngày tại Ðền thờ Ðức Bả Cả. Sau đây là chương trình chi tiết của những ngày Toàn xá của các Thầy Sáu vĩnh viễn:

 Thứ Sáu 18/2/2000, Lễ nghi khai mạc diễn ra trong Ðền thờ Ðức Bà Cả (Santa Maria Maggiore) bằng đọc Kinh Mân côi. Sáng thứ Bẩy 19 tháng 2/2000, sau thánh lễ do Ðức TGM Zenon Grocholewski, tân Tổng trưởng Bộ Giáo dục công giáo, chủ sự, sẽ có bài thuyết trình về gương sáng Thầy Sáu Tử đạo, Thánh Lorenzo, trong bối cảnh hiện đại và sau đó, có cuộc gặp gỡ với ÐTC.

 Ban chiều, các Thầy Sáu sẽ nghe bài thuyết trình về vai trò và căn cước của Thầy Sáu; trong lúc đó các bà vợ và con cái (trên 1,500 người) sẽ tụ họp trong nhà thờ Chúa Thánh Thần in Sassia, kế bên Ðại Lộ Conciliazione, để nghe ÐHY James Stafford, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh phụ trách Giáo dân, giảng thuyết về "Gia đình lý tưởng của Thầy Sáu".

 Chúa Nhật 20/2/2000, ngày bế mạc, Thánh lễ trong Ðền thờ Thánh Phêrô. Trong Thánh lễ ÐHY Dario Castrillon Hoyos, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, sẽ phong chức Phó Thế cho 14 ứng sinh, đến từ Napoli, Firenze (Ý) và Sevilla (Tây ban nha). Số Thầy Sáu trên thế giới hiện nay là gần 25 ngàn, được phân chia như sau: Bắc Mỹ: 12,621 - Châu Âu: 7,536 - Nam Mỹ - 2,265 - Quần Ðảo Antilles: 696 - Trung Mỹ: 685 - Châu Phi: 308 - Châu Ðại dương: 167 - Ðông Nam Á: 90 - Trung Ðông: 39. Tổng cộng: 24,407 Thầy. Trong năm 1970, sau Công đồng chung Vatican II, trên cả thế giới chỉ có 309 Thầy sáu vĩnh viễn. Nên nhớ lại: Chức vụ Thầy Sáu đã có ngay từ đầu Giáo hội (Giáo hội mừng lễ Thánh Stephano, Thầy Sáu, tử đạo tiên khởi từ thế kỷ thứ nhất ) và được nói đến trong Sách Công vụ Tông đồ, đã được Công đồng Vatican II tái lập trong Giáo hội. Từ đó số các Thầy sáu vĩnh viễn mỗi ngày mỗi thêm nhiều, cách riêng tại các nơi khan hiếm ơn gọi Linh mục. Nhưng nên nhớ: Chức vụ Thầy Sáu được tái lập không phải vì khan hiếm linh mục, hoặc để thay thế các ngài.

 Trên nhật báo công giáo Ý "Tương lai" (Avvenire) (18.2.2000), ÐHY Hoyos, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, giải thích về căn cước của Thầy sáu như sau:

 Thầy Sáu tìm thấy nguồn gốc của căn cước riêng mình trong việc hiến dâng và trong sứ vụ của Chúa Kitô, vì Thầy Sáu tham dự vào chính việc hiến dâng và sứ vụ này. Với việc hiến dâng, Thầy Sáu trở nên thừa tác vụ thánh và thành viên của Phẩm trật Giáo hội, nhờ việc đặt tay và kinh cầu nguyện thánh hiến. Do đó, tình trạng theo phương diện thần học và giáo luật của Thầy Sáu trong Giáo hội được ấn định rõ ràng.

 Do lễ nghi phong chức, Thầy Sáu khác hẳn người giáo dân, vì tinh cách thánh thiêng đã được ban cho Thầy trong Chức thánh (tính cách bí tích không thể xóa bỏ được), và tính cách thánh thiêng này làm cho người lãnh nhận chức thánh trở nên "đồng hóa với Chúa Kitô". Tuy có chức thánh (bậc thứ nhất của Bí tích Truyền chức), Thầy Sáu khác linh mục, vì Thầy Sáu lãnh nhận một sứ vụ riêng biệt "để phục vụ". Hành động của Thầy Sáu đi theo ơn gọi và chức vụ riêng. Thầy Sáu không phải là "á linh mục" hay "á giáo dân", mà là một thầy sáu. "Diaconus", tiếng Việt dịch là Thầy Sáu (Phó tế), thực sự không bóc lột được ý nghĩa của danh từ Diaconia (phục vụ). Trong Cựu Ước các con của Levi được chọn để phục vụ Nhà Tạm (nhà Xếp) nơi chứa Hòm Bia thánh. Trong Tân Ước (Sách Công vụ: 6, 1-6), các Thánh Tông đồ, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, đã chọn bẩy người trong cộng đồng Dân Chúa nổi tiếng về đạo đức, về giáo lý, để trở nên những người cộng tác trực tiếp trong Thừa tác vụ của các ngài.

 Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng các dân tộc) về Giáo hội, giải thích rõ ràng sứ vụ của các Thầy Sáu: ban Bí tích Rửa tội cách trọng thể, gìn giữ và ban phát Thánh Thể, nhân danh Giáo hội chủ sự và làm phép Hôn phối (thừa tác viên của Bí tích này là chính người nam và người nữ trước mặt vị đại diện Giáo hội chứng kiến), đem Mình Thánh Chúa (như của ăn đàng) cho Bệnh nhân, đọc Sách Thánh cho cộng đồng tín hữu và giảng khuyên dân Chúa, chủ sự việc phụng tự (trừ việc cử hành Thánh lễ và giải tội), kinh cầu nguyện giáo dân và các á bí tích (như làm phép nhà, làm phép nước thánh v.v.. ), chủ sự lễ nghi an táng (ngoài thánh lễ), (LG. 29).

 Hiện nay trong Giáo hội có hai bậc Thầy Sáu: có gia đình và độc thân. Có gia đình hay sống bậc độc thân, với việc phong chức, xét theo bản chất, các Thầy sáu không khác nhau, bởi vì việc phong chức làm cho người được thánh hiến trở nên đồng hóa với Chúa Kitô "Người phục vụ". Dĩ nhiên Ðức trinh khiết phù hợp hơn nhiều với Bí tích phong chức trong cả ba bậc: Thầy Sáu, Linh mục và Giám mục và phù hợp với truyền thống lâu đời của Giáo hội. Trong số các Thầy Sáu vĩnh viễn có nhiều thầy chọn sống bậc độc thân (tới 16%) và ở trong bậc này, các Thầy có sự sẵn sàng hơn và nhiều thì giờ hơn để phục vụ Cộng đồng Dân Chúa.

 Các Thầy Sáu thuộc nhiều giai cấp và lãnh vực hoạt động khác nhau trong xã hội: giáo sư, bác sĩ, nhạc sĩ, kỹ sư, công chức nhà nước, kỹ nghêï gia, ngân hàng, bưu điện, thợ thuyền, ... Thầy sáu Gilles Rebeche, hiện sống tại Toulon (bên Pháp), giải thích về ơn gọi và sứ vụ của Thầy như sau: "Tôi ưa thích đọc "diaconia" (việc phục vụ của tôi) theo ánh sáng của đoạn Phúc Âm về việc Ðức Maria đi viếng thăm bà Elisabeth. Mẹ Maria, khuôn mặt của Giáo hội, gương mẫu các Thầy Sáu, vội vàng lên đường để giúp đỡ người chị họ mình. Ðây là cuộc lên đường của cả Giáo hội, ra đi để gặp gỡ người khác, trong một thái độ phục vụ khiêm tốn. Ðúng như vậy, tôi đã khám phá được ngay là thừa tác này không phải là một sự việc của cá nhân, nhưng phải lãnh nhận trong đồng trách nhiệm với các thầy sáu khác, với các linh mục, với giám mục và với tất cả các tín hữu giáo dân".
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page