Những ngày Toàn xá tại Roma
ÐHY Sodano với giới báo chí

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Những ngày Toàn xá tại Roma - ÐHY Sodano với giới báo chí.

 Nhân ngày Toàn xá của giới báo chí, chiều thứ Bảy, mùng 03.6.2000, trong Thính đường Phaolô VI, có cuộc gặp gỡ giữa ÐHY Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh, và khoảng 2 ngàn phóng viên báo chí từ nhiều quốc gia đến Roma tham dự Ngày Toàn xá. Hiện diện trong cuộc họp báo này còn có Ðức TGM John Foley, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về truyền thông xã hội, Ðức TGM Phanxicô Xavie Nguyễn văn Thuận, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, Ðức Giám mục Diarmuid Martin, thư ký Hội đồng này, Ðức Ông Celestino Migliore, thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, Tiến sĩ Navarro Valls, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh.

 Cuộc họp báo, theo chương trình, được truyền hình trên hệ thống "Truyền Hình Thế Giới" (Mondovision), tiếp vận với Washington, Johannesburg, Manila, Thành phố Mexico; nhưng vì vấn đề kỹ thuật, chỉ có thể tiếp vận được với hai Thành phố Washington và Johannesburg mà thôi.

 Trước hết ÐHY nhắc lại một nguyên tắc bất di dịch của nghề báo chí và truyền thông. Nguyên tắc này không phải chỉ dành cho các phóng viên báo chí và truyền thông công giáo, nhưng cho bất cứ ai, thuộc bất cứ tôn giáo, khuynh hướng chính trị nào, hoạt động trong ngành truyền thông xã hội. Nguyên tắc bất di dịch này là "Tôn trọng sự thật và tự do". Ðây là nguyên tắc nền tảng đã được nhắc đến trong Văn Kiện mới, có tựa đề là "Luân lý trong ngành truyền thông" (Etica nella comunicazione), do Hội đồng Tòa Thánh công bố cách đây ít ngày, trong cuộc họp báo trước Ngày Toàn xá của giới báo chí.

 ÐHY gọi nguyên tắc này là một "luật tự nhiên", nghĩa là một luật đã được ghi trong lương tâm của mỗi một con người. Ngoài ra, giới báo chí công giáo còn có nhiệm vụ góp công vào sứ vụ của Giáo hội nữa, bởi vì - theo lời của ÐHY - "trên con thuyền của Phêrô, không một người nào là du khách cả, trái lại mọi người đều hết sức chèo, để, vuợt qua các khó khăn, sóng gió bão táp, thuyền có thể cập bến bình an".

 Trước một cử tọa đông đảo và có tính cách quốc tế này, ÐHY Quốc Vụ Khanh nói đến dấn thân của Tòa Thánh cho hòa bình thế giới. Ngài bảo đảm rằng: dấn thấn này sẽ không bao giờ giảm bớt, bởi vì số phận nhân loại luôn luôn bị đe dọa. Vì thế cả trong thế kỷ XXI này, hoạt động của Giáo hội sẽ tiếp tục con đường đã theo từ trước tới giờ, cách riêng trong thế kỷ vừa qua, từ Ðức Benedicto XV (1914-1922) đến Ðức Gioan Phaolô II hiện nay. Các ngài là "người Samaritano nhân lành" trên các ngả đường của thế giới, để giúp đỡ, trước hết tất cả những ai đau khổ vì chiến tranh và sau đó, để hoạt động với mục đích đi đến việc đề phòng các cuộc tranh chấp khác có thể xẩy đến trong tương lai.

 Về các hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh, ÐHY Sodano nhận xét rằng: có người muốn một hành động có tính mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế, người khác lại ưa thích một hành động âm thầm và phương pháp hơn, theo phương pháp của đường lối ngoại giao quốc tế; người khác nữa lại chủ trương phải lên tiếng tố cáo công khai và mạnh mẽ; rồi lại có người đề nghị Tòa Thánh hiến thân cho những hoạt động sâu xa và âm thầm nơi những vị cầm quyền.

 Về các ý kiến khác nhau này, ÐHY Quốc Vụ Khanh trả lời rằng: phương pháp có thể khác nhau; nhưng chỉ có một xác tín là sự dấn thân của Tòa Thánh cho công việc tìm kiếm hòa bình sẽ không bao giờ thiếu sót, vì số phận của nhân loại luôn luôn ở trong thế nguy hiểm.

 Nguy hiểm được ÐHY nhắc lại đây, mọi người đầu thấy rõ, cách riêng giới báo chí. Các cuộc chạy đua vũ trang không những không ngừng, trái lại còn gia tăng. Quốc gia này, quốc gia khác, không kể chi đến cảnh nghèo khổ của người dân, vẫn dành những ngân sách khổng lồ cho việc sản xuất và mua sắm các loại vũ khí tối tân nhất của thời đại. Nhiều cường quốc không ngừng sản xuất vũ khí để bán cho các nước nghèo, thay vì giúp đỡ họ phát triển.

 Nhiều câu hỏi được đặt ra; nhưng câu hỏi hợp thời hơn cả trong Năm Ðại Toàn xá là việc tha hẳn hoặc giảm bớt các món nợ của các nước nghèo. Ðây là câu hỏi liên hệ đến các món nợ ngoại quốc của các nước nghèo. Trả lời cho câu hỏi: "Các ngài có hài lòng về những kết quả đã thu lượm được trong việc xin tha nợ cho các nước nghèo trong Năm Thánh này không?". Ðức Cha Diarmuid Martin, thư ký Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, trả lời như sau: Ban đầu đề tài được dư luận quốc tế lưu ý. Mọi người cho rằng: đây là một sự cần thiết xét về phương diện kinh tế cũng như về luân lý. Nhưng nay chúng tôi thất vọng về thái độ của các quốc gia giầu thịnh. Ðức Cha Martin nói thêm: Không những thành quả không thu lượm được như chúng tôi mong đợi, nhưng cả những lời hứa hẹn trong ba cuộc gặp gỡ với "Tám Quốc Gia Kỷ Nghệ Bậc Nhất Thế Giới", được gọi là nhóm "G8", cũng không được tôn trọng.

 Ngày thứ hai trong bốn ngày Toàn xá của giới báo chí, ban chiều được kết thúc bằng cuộc gặp gỡ với ÐHY Angelo Sodano Quốc Vụ Khanh; ban sáng được bắt đầu bằng bài suy tư của ÐHY Dario Castrillon Hoyos, Tổng rưởng Bộ Giáo sĩ, về đề tài: "Sự thật và chứng tá". Cảù giới báo chí trong dấn thân nghề nghiệp cũng có thể rút kéo lợi ích bởi gương sáng của Chúa Kitô. Ngài là một Vị truyền thông của Chúa Cha, một phóng viên báo chí lỗi lạc của Lịch sử. Cả trong giới báo chí cũng cần phải có những vị thánh.

 Vào chiều ngày khai mạc, tức chiều thứ Năm mùng 1 tháng 6/2000, sau diễn văn chào mừng của Ðức TGM John Foley, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về truyền thông xã hội, trong phần suy tư, Bà Theresa Eo-Chon, chủ tịch Hiệp hội quốc tế báo chí, nhấn mạnh: Công việc của giới báo chí, truyền thông không phải chỉ là một nghề nghiệp mà thôi, nhưng còn là một sứ vụ, một dấn thân phục vụ mỗi một con người, qua việc bênh vực không thể bỏ qua cho tự do. Ngày nay, "là một phóng viên báo chí hay nhân viên truyền thông công giáo, có nghĩa là chu toàn dấn thân này qua việc tham khảo liên lỉ Lời Chúa. Bà chủ tịch nói thêm: Chúng ta là những người chuyên nghiệp trong một lãnh vực rất quan trọng đối với dân chúng trên thế giới, một thế giới đang có những tiến bộ rất nhanh chóng về truyền thông. Chúng ta có ảnh hưởng lớn lao trong việïc huấn luyện lương tâm con người, huấn luyện về các giá trị cao quí, về phê phán đứng đắn nơi dân chúng. Chúng ta có thể và phải nêu lên những thiếu sót trong việc tôn trọng tự do, công bình và nhân quyền. Ðây là một thách đố lớn lao đối với các phóng viên báo chí và nhân viên truyền thông công giáo trong Ngàn Năm thứ ba. Vì thế, chúng ta, phóng viên báo chí công giáo, phải đi sâu vào đời sống xã hội và dấn thân nhiều hơn trong đó. Hay nói thể khác "phải trở nên muối và men" của nghề nghiệp, hơn nữa của sứ vụ của chúng ta.

 Chiều thứ Bẩy 3/6/2000, giới báo chí tham dự Lễ nghi đại kết cử hành Lời Chúa trong Ðền Thờ Thánh Phaolô ngoại thành, do ÐHY Edward Cassidy, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về cổ võ sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, chủ tọa. Chúa nhật 4/6/2000, ngày bế mạc, cũng là Ngày thế giới về truyền thông, với sự hiện diện của khoảng 8 ngàn phóng viên báo chí và nhân viên truyền thông đến từ khắp thế giới, ÐHY Roger Etchegaray, Chủ tịch Ủy Ban trung ương Năm Thánh, chủ tế thánh lể trong Thính đường Phaolô VI và sau đó, cũng tại đây, ÐTC tiếp chung giới báo chí và truyền thông tham dự Ngày Toàn xá.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page