Ðức Hồng Y Cung Phần Mai
Dũng Sĩ của Mẹ

Lm. Phạm Quốc Hưng, C.Ss. R.

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Ðức Hồng Y Cung Phần Mai (Ignatius Kung Pin-Mei), nguyên Giám Mục Thượng Hải tại Trung Quốc. đã từ trần ngày 12-03-2000 vì ung thư bao tử tại Stamfort, Connecticut, hưởng thọ 98 tuổi.

 Khi từ trần, Ðức Hồng Y Cung là vị Hồng Y cao niên nhất của Giáo Hội, và có lẽ ngài cũng xứng danh là hoàng tử hào hùng nhất của Hội Thánh trong thế kỷ 20 và một chiến sĩ dũng cảm của Mẹ Maria.

 Trong ba năm cuối đời, Ðức Hồng Y Cung sống với Ông Giuse Cung, một người cháu của ngài tại Stamfort. Ông Giuse Cung, 67 tuổi, người sáng lập Hiệp Hội Ðức Hồng Y Cung, nói rằng Ðức Hồng Y Cung sẽ được nhớ đến như một anh hùng của những người Công Giáo thuộc Giáo Hội thầm lặng tại Trung Hoa: "Ngài phải được nhớ đến như một anh hùng, một chứng nhân đức tin, một người có lòng sùng mộ lạ lùng đối với Giáo Hội, với Thiên Chúa, với Ðức Thánh Cha, và như một biểu tượng của niềm tin Công Giáo tại Trung Hoa".

 Ðức Hồng Y Cung thụ phong linh mục ngày 28-05-1930 và được tấn phong giám mục ngày 07-10-1949, sau khi Cộng Sản chiếm quyền tại Trung Hoa. Ngài là vị giám mục Thượng Hải gốc Trung Hoa đầu tiên.

 Ngày 08-09-1955, Ðức Cha Cung bị Cộng Sản bắt giữ cùng với hơn 200 linh mục. Vài tháng sau, Ðức Cha bị dẫn đến một trường đua chó ở Thượng Hải. hàng ngàn người được lệnh phải đến tham dự để nghe Ðức Cha công khai "thú tội". Với hai tay bị trói lại sau lưng và trong một bộ đồ ngủ, Ðức Cha gầy yếu bị đẩy đến trước micrô để xưng thú.

 Ðức Cha đã khiến bọn công an Cộng Sản ngạc nhiên, khi ngài thay vì xưng thú đã hô to: "Chúa Kitô Vua muôn năm! Ðức Giáo Hoàng muôn năm!"

 Công an thấy vậy liền vội vã kéo Cha ra xe đem đi. Ðức Cha Cung bị mang đi biệt tín. Mãi đến năm 1960, ngài bị mang ra tòa xét xử và bị án tù chung thân. Trong khi đang ở tù, ngài được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II bí mật nâng lên chức Hồng Y năm 1979. Ngày 28-06-1991, Ðức Thánh Cha đã công khai tuyên bố việc thăng chức này.

 Trong 5 năm trước khi bị bắt, Ðức Cha Cung đã là một trong những kẻ thù đáng sợ nhất của Cộng Sản Trung Hoa. Ngài đã khiến cho 3 triệu dân Công Giáo tại Trung Hoa lúc ấy chú tâm và mộ mến.

 Giữa những cảnh bách hại tại Trung Hoa khi ấy, Ðức Cha đã công bố năm 1952 là Năm Thánh tại Thượng Hải. Trong suốt năm 1952, việc lần chuỗi Mân Côi đã được thực hiện 24 tiếng mỗi ngày không ngừng trước một tượng Ðức Mẹ Fatima được rước đi vòng quanh các giáo xứ.

 Thánh tượng này cuối cùng đã được rước vào Nhà Thờ Chúa Kitô Vua, nơi các linh mục đã bị bắt một tháng trước đó. Ðức Cha Cung đã đến viếng thăm và đích thân hướng dẫn mọi người lần chuỗi Mân Côi, trong khi hàng trăm công an võ trang đứng trông chừng. Ðến cuối buổi lần chuỗi Mân Côi, Ðức Cha Cung hướng dẫn cộng đoàn cầu nguyện như sau: "Lạy Mẹ Rất Thánh, chúng con không xin Mẹ phép lạ. Chúng con không xin Mẹ chấm dứt những cuộc bách hại. Nhưng chúng con xin Mẹ nâng đỡ chúng con là những người yếu đuối".

 Biết rằng mình và các linh mục sẽ bị bắt bớ, Ðức Cha Cung đã huấn luyện hàng trăm giáo lý viên. Những nỗ lực của những giáo lý viên này, sự tử đạo của họ cũng như sự tử đạo của những tín hữu và giáo sĩ đã tạo nên sức sống của Giáo Hội Công Giáo thầm lặng ngày nay với khoảng mười triệu tín hữu tại Trung Hoa.

 Ðêm trước ngày bị đưa ra xét xử, viên công tố chánh đã một lần nữa xin ngài từ bỏ Giáo Hội để cộng tác với Giáo Hội Quốc Doanh. Ngài đã trả lời: "Tôi là một giám mục của Hội Thánh Công Giáo. Nếu tôi lên án Ðức Thánh Cha, không những tôi không đáng là một giám mục, nhưng còn không đáng là một tín hữu Công Giáo nữa. Ông có thể lấy mất đầu tôi, nhưng ông không bao giờ lấy mất những bổn phận của tôi".

 Trước khi được ra khỏi tù năm 1985 để chuyển sang tình trạng quản thúc tại gia, Ðức Hồng Y Cung được phép tham dự một bữa tiệc do chính quyền Thượng Hải tổ chức để đón tiếp Ðức Hồng Y Jaimes Sin, Tổng Giám Mục Manila (Phi Luật Tân), khi đến thăm hữu nghị. Hai vị hồng y được xếp ngồi ở hai đầu bàn tiệc với khoảng 20 viên chức Cộng Sản ở giữa. Giữa buổi tiệc, Ðức Hồng Y Sin đề nghị mỗi người hát một bài để liên hoan. Khi đến lượt Ðức Hồng Y Cung, ngài nhìn thẳng vào Ðức Hồng Y Sin và hát: "Tu es Petrus et super hanc petram aedificabo Ecclesiam meam" (Con là Ðá và trên đá này Ta sẽ xây Giáo Hội của Ta). Ðức Hồng Y Sin sau đó đã chuyển đến Ðức Thánh Cha những lời này của Ðức Hồng Y Cung.

 Năm 1987, Ðức Hồng Y Cung được ra khỏi tù và được phép đến Hoa Kỳ để chữa bệnh. Cháu ngài đã được phép đưa ngài về Connecticut, nơi ngài sống cho đến năm 1997 như quý khách của Ðức Cố Giám Mục Walter Curtis của Ðịa Phận Bridgeport tại nhà hưu dưỡng dành cho các linh mục.

 Khi Ðức Giáo Hoàng trao mũ hồng y cho Ðức Hồng Y Cung tháng 06-1991, ông cụ 90 tuổi tự đứng khỏi xe lăn, cất gậy đi và bước đến quỳ trước Ðức Thánh Cha. Ðức Giáo Hoàng cảm động thấy rõ nên đã nâng ngài dậy và trao cho ngài mũ hồng y rồi nhẫn nại đứng chờ Ðức Hồng Y Cung trở lại xe lăn giữa tràng pháo tay vang rền suốt bảy phút của một cử tọa 9,000 quan khách đã đứng lên mừng ngài tại Thính Ðường Vatican.

 Khi nghe tin Ðức Hồng Y Cung qua đời, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ngỏ lời: "Tôi cầu nguyện rằng sau khi đã chia sẻ cách thâm sâu những đau khổ của Chúa Kitô, giờ đây xin chúa cho ngài đón nhận triều thiên vinh quang bất diệt mà Chúa Chiên Lành dành sẵn cho những ai đã trung thành theo Người đến cùng".

 Việc Ðức Hồng Y Cung Phần Mai sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ để trung thành yêu mến Thiên Chúa, Mẹ Maria, Ðức Thánh Cha và Giáo Hội đã khiến ngài trở thành chứng nhân đức tin hào hùng của Hội Thánh trong thế giới hôm nay.

 Ðiều đánh động hơn cả về câu truyện trên đây của Ðức Hồng Y Cung là những lời cầu nguyện thật chân tình của ngài trước thánh tượng Ðức Mẹ Fatima. Ðức Hồng Y đã không xin Mẹ cất đi những cơn bách hại, nhưng đã nhìn nhận thân phận yếu đuối của chính mình và nài xin sự nâng đỡ của Mẹ. Chính thái độ khiêm nhường cậy trông đó của ngài đối với Ðức Mẹ đã cho thấy ngài thực là một tôi trung, con thảo và một dũng sĩ của Ðức Mẹ.

 Thật vui mừng khi thấy tâm tình yêu mến cậy trông Mẹ một cách đích thực trên đây của Ðức Hồng Y Cung cũng được thể hiện nơi chị Anna Trương, một người con đau khổ của Mẹ, qua những dòng thư thật chân tình như sau:

 "Con muốn cao rao Mẹ không phải Mẹ chữa bệnh, không phải được quyền này vật kia theo kiểu thế trần; nhưng con hết lòng tung hô Mẹ vì Mẹ đã tạo sức mạnh cho kẻ khổ đau và từ trong khổ đau Mẹ dẫn đến chân lý. Vậy quả thật, đau khổ là một giá tuyệt vời dẫn chúng ta đến Tình Yêu. Nhưng chúng ta đừng buông tay Mẹ hiền; nếu buông tay Mẹ thì đau khổ là một hố thẳm đưa chúng ta đến tuyệt vọng mà thôi! Vậy nên, không lạ gì, con người cứ van nài Ðức Mẹ ban ơn cho mình tránh khổ như xin cho lành bệnh, được việc tốt v.v.... Ðành rằng, Mẹ biết chúng ta yếu đuối; nhưng chỉ dừng lại, hay kích thích lòng sùng kính Mẹ bằng những ơn xin như thế, chắc chắn Mẹ buồn lắm!!! Vì Mẹ muốn chúng ta hiểu hơn sứ mệnh của Mẹ là dẫn con cái Mẹ theo đường hẹp, con đường Thánh Giá Con Mẹ đã đi mà chính Mẹ đã đi theo. Làm sao Mẹ lại muốn đi một đường chúng ta đi một nẻo.

 "Cha ơi! Tại sao con tâm sự với Cha điều này! Bởi vì hôm nay con thấy có nhiều linh mục, hay là dòng nữa, cứ kích thích lòng sùng kính, tạ ơn Ðức Mẹ trên những giá trị vật chất, vụ lợi, mà họ xin nhiều quá!!! Một thế giới tự bản chất phá chân lý chính là sự trục lợi, hưởng thụ, buông thả... thì phải giúp cho con người tránh xa ý muốn ấy càng được bao nhiêu càng tốt, đừng nên đưa lên phổ biến kích thích. Chúa chẳng dạy "Tiên vàn tìm Nước Trời, rồi mọi sự khác Chúa sẽ ban cho sao? Ý Chúa muốn là ý Mẹ muốn. Chúa muốn chúng ta hiểu giá trị của khổ đau của Ngài là Tình Yêu Cứu Chuộc nhân loại. Ai hiểu thì lòng biết ơn mới đạt được trong ý nghĩa tôn thờ Chúa Kitô là Tình Yêu dẫn đến cùng Thiên Chúa Cha mới thâm sâu được, và sự khổ đau của chúng ta chính nhờ sức mạnh trong Ngài mà được thánh hóa. Ai yêu mến Mẹ chân thành sẽ cảm nghiệm được như thế.

 "Trong công tác mục vụ chắc cha thấy rất rõ, nếu cha bảo kể ơn lành Mẹ ban là hầu hết thấy những ơn vật chất. Mà nếu con người chỉ sung sướng như thế và dừng lại ở đây, thì thật, thưa Cha, Mẹ sẽ rất buồn ban ơn lắm lắm! Xin Cha mở đường dẫn những ai chỉ biết ơn Mẹ như thế, nên đi xa hơn nữa, sâu thâm hơn nữa vào tận cung lòng và ý muốn điều gì cho ta? Có phải là những vật chất chóng qua không? Hay là một cơ thể được chữa lành, rồi không phải chết phải không? Vậy cái gì bất tử, nơi nào là hạnh phúc thật, tận cung lòng Mẹ, chúng ta sẽ gặp được ai? Nếu cho đó là ân ban mà chúng ta không tiếp tục gặp gỡ Lời Hằng Sống mà hiểu được những giá trị khổ đau thì thật, ta chỉ là những con người cám ơn theo vụ lợi; có đau khổ, liệu chúng ta còn cám ơn Mẹ nữa chăng? Nên việc con người kích thích những ơn Mẹ ban theo kiểu vụ lợi thật quá hại cho linh hồn tín hứu, Cha ơi!"

 Từ những tâm tình chia sẻ đầy niềm tin trên đây của chị Anna Trương, và còn có rất nhiều người khác cũng đang âm thầm làm dũng sĩ của Mẹ. Ðó là những con người biết cậy trông vào sự trợ giúp của Mẹ, không phải để thánh hóa mọi khổ đau trong cuộc sống và bổn phận hàng ngày để được biến đổi nên giống Chúa Kitô Chịu Ðóng Ðinh và Mẹ Sầu Bi.

 Ơn biết vui nhận và thánh hóa mọi khổ đau để nên một trong tình yêu với Chúa Kitô Chịu Ðóng Ðinh và Mẹ Sầu Bi phải chăng chính là ơn trọng nhất mà Mẹ có thể ban cho những ai muốn trở nên dũng sĩ của Mẹ?

 (April 14, 2000)
 
 


Back to Home