Vài điểm nội dung đáng chú ý
trong bài diễn văn của ÐTC
dịp tiếp kiến các Nhà Khoa Học
về Roma tham dự Ngày Toàn Xá

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài điểm nội dung đáng chú ý trong bài diễn văn của ÐTC dịp tiếp kiến các Nhà Khoa Học về Roma tham dự Ngày Toàn Xá.

 Trưa thứ Năm, 25.5.2000, sau thánh lễ kết thúc những ngày Toàn xá của giới Khoa học, do ÐHY Paul Poupad, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tế Văn hóa, chủ tế trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, ÐTC tiếp chung giới Khoa học.

 Sau diễn văn chào mừng của ÐHY Poupard và Giáo sư Nicola Cabibbo, Chủ tịch Hàn Lâm viện Tòa Thánh về Khoa học, ÐTC đọc diễn văn quan trọng cho các Vị tham dự. Sau đây là những điểm chính.

 Khoa học và Ðức tin - Trong dòng các thế kỷ qua đi, Khoa học, với những khám phá đầy hấp dẫn, đã chiếm một địa vị quyết định và nhiều lúc đã được coi như tiêu chuẩn duy nhất của chân lý hoặc như con đường đưa đến hạnh phúc. Một việc suy tư chỉ dựa trên những yếu tố khoa học mà thôi gây nên chước cám dỗ này là làm cho chúng ta quen thuộc với một nền văn hóa của nghi hoặc và hồ nghi. Nền văn hóa này khước từ việc có Thiên Chúa và việc nghiên cứu về con người, trong mầu nhiệm của nguyên thủy và cứu cánh... Nhiều lúc nền văn hóa này nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ là một sáng tạo của trí tuệ con người, vì không có khả năng hiểu biết khoa học. Những thái độ như vậy đã đưa khoa học xa khỏi con người. Ngày nay, một thách đố lớn lao đang chờ đợi chúng ta, thách đố về thực hiện việc di chuyển từ hiện tượng sang đến nền tảng, một việc chuyển vận rất cần thiết và khẩn cấp. Không thể chỉ dừng lại nơi thí nghiệm mà thôi. Ðiều cần thiết là suy tư này phải đạt tới bản chất thiêng liêng và nền tảng chắc chắn nâng đỡ bản chất này.

 Giáo hội luôn luôn nuôi dưỡng một sự tôn trọng lớn lao đối với các sưu tầm khoa học và kỹ thuật, bởi vì nó tạo nên một biểu lộ về thiên tài của con người đối với việc tạo dựng và biểu lộ việc phục vụ đối với chân lý. Từ Copernico đến Mendel, từ Aberto Cả đến Pascal, từ Galilei đến Marconi, lịch sử của Giáo hội và lịch sử của khoa học cho chúng ta thấy rõ ràng có một nền văn hóa khoa học được ăn rễ sâu trong Kitô giáo. Thực ra, có thể nói: việc sưu tầm hoa học, trong khi tìm tòi cùng một lúc cái lớn hơn cả cũng như cái nhỏ hơn cả, góp công vào việc làm vinh danh Thiên Chúa.

 Bất cứ việc tiếp xúc, nghiên cứu khoa học nào cũng cần đến một sự nâng đỡ của luân lý và của việc cởi mở khôn ngoan hướng đến một nền văn hóa biết tôn trọng các đòi hỏi của con người.

 Cuối cùng, ÐTC kêu gọi các nhà khoa học như sau: Thưa các nhà khoa học nam, nữ, anh chị em đang ở trong những việc sưu tầm và tiến bộ. Trong khi tìm kiếm, khám phá liên lỉ những mầu nhiệm của thế giới, hãy để tâm hồn của anh chị em mở rộng cho những chân trời mà đức tin mở ra trước mắt anh chị em.

 Khung cảnh mênh mông của nền văn hóa hiện đại mở ra những viễn tượng chưa hề thấy và đầy hứa hẹn trong việc đối thoại giữa khoa học và đức tin, như giữa triết lý và thần học. Với mọi tài năng và nỗ lực, anh chị em hãy tham dự vào việc tạo nên một nền văn hóa và một chương trình khoa học, luôn luôn cho thấy rõ sự hiện diện và sự can thiệp quan phòng của Thiên Chúa.

 Các nhà khoa học thân mến, anh chị em là những người xây dựng niềm hy vọng cho tất cả nhân loại. Xin Thiên Chúa theo dõi anh chị em và làm cho các nỗ lực của anh chị em đem lại nhiều thành quả tốt đẹp trong phục vụ con người.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page