Báo chí Khối Ả rập-Hồi giáo
chấp nhận đề nghị của Ðức Gioan Phaolô II
về Giêrusalem

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Báo chí Khối Ả rập-Hồi giáo chấp nhận đề nghị của Ðức Gioan Phaolô II về Giêrusalem.

 Thứ Hai 31.7.2000, Bà Madeleine Albright, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến Vatican gặp Ðức TGM Jean Louis Tauran, Bộ Trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, để thông báo về cuộc hòa đàm vừa qua tại Camp David giữa Do thái và Palestine, đồng thời- theo tin báo chí - cũng yêu cầu Tòa Thánh đứng làm trung gian, để giàn xếp vấn đề Giêrusalem. Như mọi người biết, đã nhiều lần, Tòa Thánh bày tỏ lập trường của mình và đề nghị phải có một Qui chế riêng biệt cho Thành thánh Giêrusalem, do Cộng đồng quốc tế bảo đảm, để ba Tôn giáo độc thần (Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo) được tự do kính viếng các nơi thánh tại Thánh địa.

 Chúa nhật 30.7.2000, trong buổi đọc kinh Truyền tin tại Trại hè Castelgandolfo, (vào những ngày cuối của cuộc hội đàm tại Camp David), một lần nữa, ÐTC nhắc lại lập trường của Tòa Thánh. Cuộc hội đàm đã thất bại chỉ vì vấn đề bất đồng ý kiến sâu xa giữa Do thái và Palestine. Dù thất bại, hai bên ra về, nhưng hứa hẹn sẽ gặp lại nhau sau ngày 13 tháng 9/2000 tới đây.

 Trước những thất bại của cuộc đàm phán kéo dài hơn 10 ngày tại Camp David, nhiều nhân vật chính trị (như ông George Schutz, cựu Ngoại trưởng Hoa kỳ thời Tổng thống Donald Reagan) và Giáo Trưởng Do Thái ở Giêrusalem, đề nghị: hai bên Do thái và Palestine chấp nhận lập trường của Tòa Thánh: đây là đề nghị hợp lý và duy nhất có thể giải quyết vấn đề phức tạp về thành Giêrusalem và giúp hai bên ra khỏi thế bí.

 Trong những ngày này, báo chí khối Ả rập và Hồi giáo (vẫn ủng hộ cuộc tranh đấu của dân tộc Palestine) lên tiếng ủng hộ lập trường của Tòa Thánh về vấn đề Giêrusalem và quả quyết rằng: Chương trình của Vatican đáng lưu ý và cần cứu xét nghiêm chỉnh.

 Nhật báo al-Hayal, bằng tiếng Ả rập, xuất bản tại London, trong bài xã thuyết, ký giả Mohammed Sayyed Ahmad, người Ai cập, viết như sau: Thế giới Ả rập và Hồi giáo phải cứu xét cách nghiêm chỉnh đề nghị của Ðức Gioan Phaolô II về việc quốc tế hóa Giêrusalem. Hơn nữa phải đón nhận và coi đề nghị này như một góp công của thế giới công giáo và thế giới Hồi giáo vào việc giải quyết vấn đề rất phức tạp này.

 Sau đó ông Ahmad kể ra một lô các lý do gây nên những khó khăn cho tới lúc này trong các cuộc hòa đàm giữa Do thái và Palestine. Ðể lấp đầy "lỗ trống này", cần phải có một thỏa ước do LHQ bảo đảm. Ông Ahmad quả quyết: "Trong thể thức này, Giêrusalem được quốc tế hóa xem ra là một giải pháp tốt hơn cả trước mắt các tín hữu thuộc ba Tôn giáo độc thần". Ký giả cho rằng: đề nghị của Tổng thống Clinton "chủ quyền chung của cả hai bên Do thái và Palestine" trên Giêsrusalem, còn là một ý tưởng cần phải cứu xét sâu xa, vì lý do: "một giải pháp theo kiểu mẫu này thường sẽ đi đến chỗ củng cố địa vị của người hùng mạnh và gây thiệt hại cho người yếu kém".

 Ông al-Husseini, giáo trưởng Hồi giáo, cũng bày tỏ lập trường tương tự trong bài xã thuyết của nhật báo as-Safir xuất bản tại Beyrouth (thủ đô Liban). Ông viết: Không phải các vị giáo trưởng Hồi giáo hay các vị giáo trưởng Do thái hoặc các vị linh mục công giáo, nhưng là các nhà chính trị nại đến các luận đề tôn giáo để củng cố lập trường của mình. Cái đáng kể sau cùng là việc so sánh lực lượng: sẽ đi đến chỗ mất quân bình bởi vịệc ủng hộ của Hoa kỳ dành cho Do thái. Ông as-Husseini giải thích: Trong bối cảnh này, chuyến viếng thăm của Bà Albright tại Vatican là nhằm thuyết phục Ðức Giáo Hoàng từ chối chương trình của mình về Giêrusalem: chương trình này nhằm đặt các nơi thánh dưới sự bảo trợ của một cơ quan đại diện các tôn giáo với sự giám sát của LHQ. Nhà bình luận viết thêm: Dĩ nhiên chương trình này không phải là giải pháp tốt hơn cả do khối Ả rập-Hồi giáo và Công giáo ước mong, nhưng xét đến sự yếu kém tuyệt đối của Palestine và Ả rập, thì đề nghị của Ðức Gioan Phaolô II đáng lưu ý và cứu xét; cả Bà Albright cũng đã tìm cách thuyết phục Vatican bằng việc quả quyết rằng: Người Palestine và Do thái sẽ bác bỏ đề nghị này.

 Ông al-Hussein nhận xét: Chúng ta hiểu sự từ chối về phía Israel, nhưng không về phía Palestine, vì Palestine muốn của đã cướp được giữ trong tay kẻ cuớp hơn là trao cho cảnh sát canh giữ.

 Ông nhấn mạnh: người Ả rập phải thay đổi tâm trạng, ít ra vì hai lý do này: Chấp nhận chương trình này (của Vatican) tức là tước lột Israel khổi những lý lẽ tôn giáo về một Giêrusalem "thủ đô thống nhất và vĩnh cửu", bởi vì đòi diều kiện này là phải hiểu các nơi thánh quốc tế hóa gồm cả các nơi thuộc Do thái. Lý do thứ hai: Thay đổi hẳn bản chất của các cuộc hòa đàm về số phận Thành thánh, bằng việc loại trừ yếu tố tôn giáo với tất cả sự ham say và tình cảm. Lúc đó cuộc hòa đàm trở nên hoàn toàn chính trị và được tập trung vào các lãnh thổ và chủ quyền trên các lãnh thổ này.

 Trong lúc chờ đợi cuộc gặp gỡ khác sau ngày 13 tháng 9/2000 tới đây, ông Arafat, sau những chuyến viếng thăm một số quốc gia Ả rập, để xin tiếp tục ủng hộ cuộc tranh dấu của dân tộc Palestine, đã trở về Gaza. Thủ tướng Barak của Do thái đang gặp khó khăn, nhất là sau cuộc bầu cử Tổng thống (phe hữu thắng) và sau vụ từ chức của Ông Levi, Tổng trưởng ngoại giao. Ông đã viết thư cho các Vị quốc trưởng, nhất là các vị lãnh đạo chính phủ của các nước thuộc Khối Thống nhất Châu Âu cũng xin tiếp tục ủng hộ lập trường hòa bình của ông.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page