Thánh lễ tôn phong
Chân Phước Faustina Kowalska lên Bậc Hiển Thánh
được cử hành Chúa nhật II Phục sinh
30/4/2000

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Thánh lễ tôn phong Chân Phước Faustina Kowalska lên Bậc Hiển Thánh được cử hành Chúa nhật II Phục sinh 30/4/2000.

 Chúa nhật tới đây 30.4.2000, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ÐTC sẽ chủ tế Thánh lễ trọng thể tôn phong Chân Phước Faustina Kowalska, Tông đồ của Lòng Thương xót Chúa, lên bậc Hiển Thánh. Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi, Chân Phước Faustina luôn luôn nhắc đi nhắc lại lời này: Tin cậy vào lòng thương xót Thiên Chúa. Và lời này đã thu hút từng triệu tín hữu theo gương Chân Phước để sống sứ điệp thiêng liêng Chân Phước đã lãnh nhận và để lại. Chỉ trong ít năm, sau khi Chị Faustina qua đời, Phong trào Tông đồ của Lòng Thương xót Chúa lan rộng khắp thế giới. Số người tham dự Thánh lễ Phong Hiển Thánh của Vị Nữ Tu khiêm tốn này, đồng thời là một vị tu đức huyền bí lỗi lạc của thế kỷ này, sẽ rất đông , theo dự tính trên 200 ngàn, đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, cách riêng từ Ba lan, sinh quán của Vị Thánh mới. Sự hiện diện đông đảo này minh chứng rằng việc tôn sùng Lòng thương xót Chúa đã được phổ biến rộng rãi trên cả thế giới, đồng thời nói lên tính cách hợp thời của Sứ điệp Chân Phước Faustina Kowalska đã lãnh nhận nơi chính Chúa Giêsu và truyền lại cho Giáo hội.

 Vị Thánh mới Faustina Kowalska là ai? - Faustina Kowalska sinh tại Glogowiec, một xã nhỏ miền Trung Ba lan năm 1905 và qua đời tại Cracovia, năm 1938, lúc mới có 33 tuổi. Faustina là thứ ba trong 10 người con của một gia đình nông dân, rất sùng đạo. Dĩ nhiên đức tin của cha mẹ đã góp phần lớn vào việc giáo dục Faustina. Lúc 16 tuổi, Faustina làm việc trong những gia đình khá giả. Năm 20 tuổi, Faustina xin vào tu tại Dòng các Nữ tu Ðức Trinh Nữ rất thánh, Mẹ của lòng Thương xót. Từ nhỏ Faustina đã nổi bật về đức tin, lòng sùng đạo và sự vâng phục. Faustina thường lặp đi lặp lại lời này: "Nơi Chúa Giêsu có tất cả sức mạnh của tôi". Trong 13 năm sống trong Dòng, Faustina được nhiều ơn mạc khải và thị kiến (visions), và được nhận dấu thánh Chúa (như trường hợp Thánh Phanxicô và Cha Pio), và cả ơn tiên tri nữa. Faustina viết một cuốn nhật ký về cuộc đời mình. Bất cứ ai đọc nhật ký này cũng thấy rõ sự sâu xa và kho tàng đức tin của Vị Nữ tu được Chúa chọn cách riêng, để làm những việc kỳ diệu. Cuốn nhật ký hiện đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau, cả tiếng Nga và Ả rập. Chính Chúa Kitô đã hiện ra với Chị Faustina chiều ngày 22 tháng 2 năm 1931 trong phòng của Chị tại Tu viện ở Plock và dạy Chị vẽ bức ảnh theo Chúa chỉ dạy. Ảnh này sẽ chiếm một địa vị nòng cốt trong việc sùng kính Lòng Thương xót Chúa. Ảnh thánh diễn lại Chúa Kitô sống lại và ban phép lành. Chúa Giêsu nói với Chị Faustina: "Con hãy vẽ một ảnh theo kiểu mẫu mà con đã thấy, rồi con ghi dưới ảnh này: Lạy Chúa Giêsu, con tin cậy nơi Chúa. Cha muốn rằng ảnh này được tôn kính trước hết trong nhà nguyện của các con và sau đó trên cả thế giới".

 Ngày nay một bức họa lại ảnh thánh nguyên thủy được đặt trong nhà thờ Chúa Thánh Thần, kế bên Vatican. Nhà thờ này cũng là nơi dành cho việc phổ biến "Con đường Tu đức về Lòng Thương xót Chúa". Sau đây là những đặc điểm của bức ảnh Chúa dạy Nữ Tu Faustina vẽ ra: "Từ Trái tim Chúa Giêsu phát xuất hai luồng ánh sáng. Chúa giải thích ý nghĩa của hai luồng ánh sáng như sau: Luồng ánh sáng xanh lạt chỉ Nước, thánh hóa các linh hồn; luồng ánh sáng đỏ chỉ Máu, sự sống của các linh hồn. Phúc cho ai sẽ sống dưới bóng của hai luồng ánh sáng này". Ðây không phải là một mạc khải mới lạ. Khi tắt thở trên Thánh giá, một quân nhân đã dùng đòng đâm vào Trái tim Chúa. Từ Trái tim này có Máu và Nước chảy ra. Máu chỉ Bí Tích Thánh Thể và Nước chỉ Bí tích Rửa tội.

 Ngoài việc tôn kính ảnh thánh do Chúa muốn, Chị Faustina còn đưa ra một số hình thức sùng kính khác như: tràng hạt về Lòng Thương xót Chúa, lễ kính Lòng Thương xót, được cử hành vào Chúa nhật sau Lễ Phục sinh và giờ kinh của Lòng Thương xót... Chúa Giêsu xin Chị cầu nguyện hằng ngày vào lúc 15 giờ; như Chị đã ghi lại trong cuốn nhật ký "Vì trong giờ này Lòng thương xót Chúa đối với các linh hồn được mở toang ra". (15 giờ cũng là chính giờ Chúa tắt thở trên Thánh giá và bị anh lính cầm đòng đâm vào Trái Tim, làm cho Máu cùng Nước chảy ra).

 Về ơn tiên tri: Chị Faustina cũng báo trước việc bùng nổ thế chiến, rồi ngày, tháng, năm Chị sẽ qua đời. Ngoài ra, Chị còn loan báo trước: sẽ có một Vị Giáo Hoàng người Ba lan, và ngài sẽ thay đổi thế giới. Các lời tiên tri này đã trở thành sự thật: đệ nhị thế chiến bùng nổ năm 1939-45; Chị qua đời ngày 15.10.1938; Ðức Hồng Y Karol Wojtyla, người Ba lan, TGM Cracovia, nơi Chị qua đời, đã được bầu làm Giáo Hoàng (16.10.1978); ngài thay đổi thế giới: chế độ cộng sản Ðông Âu hùng mạnh chiếm nửa thế giới, bị sụp đổ nhanh chóng, không đổ máu; các nước Trung-đông Âu được tự do. Bức Tường Berlin phân chia Châu Âu bị phá hủy. Chính Vị Giáo Hoàng Ba lan này, từ tháng sáu năm 1978, lúc còn làm Hồng Y TGM giáo phận Cracovia, đã hoạt động để việc tôn sùng "Lòng Thương xót Chúa" được trở nên việc phụng tự công khai, theo hình thức Chị Faustina đã truyền lại. Khi được chọn làm Giáo Hoàng, Ðức Karol Wojtyla đã dành một Thông điệp về Lòng thương xót Chúa: "Dives in Misericordia" (Thiên Chúa giầu lòng thương xót), công bố ngày 30.11.1980. Sau này, ngài còn trở lại đề tài Lòng Thương xót Chúa trong nhiều diễn văn và bài giảng thánh lễ. Ngày 19.6.1999, ÐTC nói: "Anh chị em hãy truyền lại cho các thế hệ tương lai sứ điệp của Lòng thương xót Chúa. Anh chị em hãy đem sứ điệp này vào thời đại mới, như mầm non của niềm hy vọng và như bảo đảm của ơn cứu rỗi". Lời khuyến khích này nói lên sự quan trọng của việc sùng kính "Lòng Thuơng xót Chúa" trong giáo huấn của Ðức Gioan Phaolô II. Chính ÐTC đã tôn phong Nữ Tu Faustina Kowalska lên bậc Chân Phước ngày 18 tháng 4 năm 1993 và Chúa nhật 30.4.2000, sau 7 năm, cũng chính ngài cất nhắc Chân Phước lên Bậc Hiển Thánh. Ðây cũng là Lễ phong Hiển Thánh đầu tiên được cử hành trong Năm Toàn xá 2000, năm của sự Tha thứ, của Canh tân đời sống, của việc trở về với Thiên Chúa, Người Cha nhân từ, thương xót, chờ đón người con hoang đàng trở về.

 Giáo hội vẫn ca ngợi, tung hô: Mirabilis Deus in Sanctis Suis: Thiên Chúa kỳ diệu và làm những việc kỳ diệu nơi Các Thánh của Người. Người đã dùng một Nữ tu đơn sơ, khiêm khiêm tốn, nhưng đồng thời là một vị tu đức huyền bí, để nhắc lại cho thế giới chân lý của Lòng thương xót Thiên Chúa đối với nhân loại, như xưa Người đã dùng Thánh Nữ Margarita Maria Alacoque (1647-1690) để mạc khải Tình Yêu Chúa trong Thánh Thể và lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa, nguồn mạch của Tình Yêu thương. Nữ Tu Faustina đã và hiện đang góp công vào việc canh tân thiêng liêng. Sứ điệp của Tân Thánh Nữ Faustina thật hợp thời và khẩn cấp, cách riêng trong Năm Ðại Toàn xá này.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page