Phỏng Vấn Ðức Tân Hồng Y Karl Lehmann
chủ tịch HÐGM Ðức Quốc

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Phỏng Vấn Ðức Tân Hồng Y Karl Lehmann, chủ tịch HÐGM Ðức Quốc.

 Trong phần điểm báo hôm nay về lễ tấn phong 44 Vị Tân Hồng Y, chúng tôi xin thuật nguyên văn bài phỏng vấn của Ðức Tân Hồng Y Karl Lehmann, Giám mục giáo phận Mainz, Chủ tịch HÐGM Ðức, đăng trên nhật báo "Người Ðưa Tin Chiều" (Corriere della sera) số ra ngày 22.2.2001.

 Ðức Karl Lehmann được nói đến nhiều trong những tháng vừa qua, vì --- theo báo chí --- ngài đã có những lời tuyên bố mạnh bạo về việc từ chức của ÐTC và vì lập trường, được coi là "cấp tiến". Việc bổ nhiệm ngài làm Hồng Y được loan báo trong danh sách thứ hai, vào trưa Chúa nhật 28.01.2001 cũng gây nhiều thắc mắc. Ðọc bài phỏng vấn, chúng ta thấy rõ đâu là sự thật về Ðức Tân Hồng Y và đâu là những cái mà chính Ðức Hồng Y gọi là "do tưởng tượng" (Fantaisies).

 Ðược giới thiệu với giới báo chí trong một cuộc họp báo chiều 21.2.2001,
Ðức Tân Hồng Y Lehmann nói: Tôi rất hài lòng vì được lãnh mũ Hồng Y và tôi cảm thấy mình được đón tiếp nồng nhiệt trong Hồng Y Ðoàn. Sáng nay với ÐTC tôi đã có thể trao đổi vài lời mà thôi. Tôi không bao giờ cảm thấy mình đi ngược lại với ngài. Tôi nghĩ rằng các Hội đồng Giám mục phải có một vai trò riêng của mình trong cộng đồng công giáo, nhưng không bao giờ đối lập với Tòa Thánh.

 Và sau đây là chính bản văn của bài phỏng vấn, được đăng trên nhật báo "Người Ðưa Tin Chiều".

 Hỏi - Kính thưa Ðức Hồng Y, ÐHY vẫn thường được trình bày như một vị cấp tiến hoặc một vị "phản động" đối với quyền bính Giáo hội. Vậy Ðức Hồng nói gì về việc này?

 Ðáp - Tôi nghĩ: tôi hoàn toàn bị hiểu lầm do những ai trình bày tôi như vậy. Tôi đã học trong bẩy năm tại Roma này; tôi đã đậu hai bằng Tiến sĩ và tôi đã dạy học trong nhiều năm tại các đại học Ðức và từ nhiều năm nay tôi làm giám mục giáo phận Mainz. Do đó, tôi không cần phải cải chính gì nữa. Thực sự tôi luôn luôn tìm đối thoại với nền văn hóa tân tiến ngày nay, mà tôi coi như là một thách thức mạnh mẽ, đối với đức tin công giáo. Tôi nghĩ rằng cần phải có sự đối chiếu này, nhưng dĩ nhiên trong sự chính xác của giáo lý, bằng việc luôn luôn tham khảo đến nguồn mạch này.

 Hỏi - Vậy đã có lần Ðức Hồng Y đề cập đến việc từ chức của ÐTC, phải không?

 Ðáp - Tôi không nói: ÐTC phải từ chức, nhưng chỉ nói rằng: ngài là người có thể làm việc này, lúc ngài thấy mình không còn sức khỏe để tiếp tục công việc phục vụ của ngài. Lời của tôi đã bị giải thích sai lầm. Tôi không hề có ý muốn trở lại vấn đề này nữa.

 Hỏi - Việc loan tin Ðức Giám mục Mainz làm Hồng Y đến vào phút cuối cùng, lúc mà các phương tiện truyền thông xã hội trên cả thế giới đã ghi việc loại trừ Ðức Hồng Y, sau khi ÐTC loan báo triệu tập Công Nghị Hồng Y, vào trưa Chúa Nhật 21 tháng giêng 2001. Vậy Ðức Hồng Y nghĩ sao về diễn tiến này?

 Ðáp - Tôi không biết những lý do của sự việc. Có thể đây là một trong các lý do, vì sự cần thiết loan báo hai lần, bởi vì ÐTC muốn bổ nhiệm Ðức TGM Giáo phận Lviv (Ukraine) làm Hồng Y của các người công giáo theo lễ nghi Bizantin, nhưng chưa được Hội nghị của Giáo hội này chọn làm TGM trước ngày 21 tháng Giêng 2001. Liên kết với tên của ngài có một vị khác cũng người Ukraine thuộc lễ nghi Latinh, là một trong hai Hồng Y được bổ nhiệm "in pectore" năm 1998 cùng với một vị khác nguời Lettonie cũng được bổ nhiệm "in pectore". Do đó, có việc loan báo lần thứ hai. Nhưng tôi không biết tại sao tên tôi lại ở trong số các vị được loan báo lần này.

 Hỏi - Vậy Ðức Hồng Y biết mình được bổ nhiệm lúc nào?

 Ðáp - ÐTC loan báo tên của tôi cùng với sáu vị khác vào Chúa nhật 28 tháng Giêng 2001. Tin về việc bổ nhiệm đã được Vị Sứ Thần Tòa Thánh tại Ðức báo cho biết qua điện thoại vào thứ sáu trước đó.Ngài nói: ÐTC sẽ loan báo các vị Hồng Y khác và Ðức Cha là một trong các vị này. Lúc đó tôi xem ra không thể tin vào lời báo tin của Vị Sứ Thần. Hỏi - Theo Ðức Hồng Y, thì có một ơn gọi vào chức vụ Giáo Hoàng không? Ðáp - Dĩ nhiên có ơn gọi đó, nhưng không phải ơn gọi tự nhiên, mà là ơn gọi lịch sử, và chúng ta đã thừa hưởng từ nhiều thế kỷ. Nhưng trong một thế giới đổi khác nhiều như thế giới hiện nay, cần phải xem ơn gọi này được hiểu và được giải thích như thế nào. Tôi không muốn lý luận về vấn đề này và tôi đã học được bởi cuộc đời là không làm những lý luận như vậy. Tôi ở Quảng trường Thánh Phêrô lúc Ðức Gioan XXIII được bầu làm Giáo Hoàng và mọi người nghĩ rằng: ngài sẽ là một vị Giáo Hoàng chuyển tiếp, trong thời gian vắn và không để lại dấu vết sâu trong Giáo hội. Rồi như chúng ta đã thấy, Vị Giáo Hoàng tuổi tác này và Giáo hội cùng với ngài đã có khả năng gây nên biết bao ngạc nhiên.

 Hỏi - Vậy những mối quan hệ của Ðức Hồng Y với Ðức Hồng Y Ratzinger như thế nào? Người ta nói có sự mẫu thuẫn lớn lao.

 Ðáp - Trong dời tôi không có lúc nào tôi đã bênh vực Ðức Hồng Y Ratzinger nhiều như trong những tuần vừa qua. Tôi bảo đảm với các ngài là không có một sự tranh chấp, xung khắc nào giữa tôi và Ðức Ratzinger. Ðây tất cả là những tưởng tượng (fancies).
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page