Giáo Hội Ðài Loan
chuẩn bị để thích ứng
một khi Toà Thánh tái bang giao
với Trung Quốc

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Giáo Hội Ðài Loan chuẩn bị để thích ứng một khi Toà Thánh tái bang giao với Trung Quốc.

 Tin VATICAN và KAOHSIUNG, Ðài Loan (UCAN 19/1/2000) -- Một số nhân vật Giáo hội nói rằng Giáo hội tại Ðài Loan nên giúp chuẩn bị cho người Công giáo địa phương chấp nhận thực tế Tòa Thánh có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ðài Loan.

 Nữ tu Agnes Lee, giám tỉnh dòng Nữ tu Truyền giáo tại Ðài Nam, phía nam Ðài Loan, nói với UCA News: "Nếu Vatican thật sự cắt đứt quan hệ với Ðài Loan, người Công giáo có một lý do để cảm thấy tức giận. Ngay cả một số linh mục và nữ tu cũng khó chấp nhận một thay đổi như thế." Nữ tu nói: "Tuy nhiên, đây là dịp để Giáo hội tại Ðài Loan suy nghĩ về căn tính của mình và xét xem liệu Giáo hội chúng ta có sức sống hay không." Nữ tu Lee nói: "Báo chí đã đưa tin về quan hệ lung lay và dự đoán về quan hệ ngoại giao giữa Ðài Loan và Vatican. Ít ra các Giám mục phải đứng lên và phát biểu điều gì đó. Các ngài không thể bình chân như vại coi như không có gì xảy ra." Nữ tu nói thêm rằng nhiều dòng tu đã thảo luận và chuẩn bị cho vấn đề này. Nhưng giáo quyền đang làm quá ít để chuẩn bị cho giáo dân. Khi đưa tin về việc có thể chấm dứt quan hệ giữa Tòa Thánh và Ðài Loan, báo chí đã dựa vào suy đoán mới đây về tiến bộ trong quan hệ giữa Trung Quốc và Vatican.

 Ðức Giám mục phụ tá Philip Huang Jaw-ming, giáo phận Kaohsiung, miền nam Ðài Loan, nói: "Nếu vì lợi ích của Giáo hội tại Trung Quốc, chúng ta phải ủng hộ việc lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Tòa Thánh." Ngài nói: "Tuy nhiên, nếu việc này khiến cho người Công giáo ở đó thất vọng nhiều hơn, thì Tòa Thánh phải suy tính kỹ." Ngài nói: "Nếu việc này thực sự xảy ra, thì cần phải giúp giáo dân chấp nhận thực tế này. Chúng ta không nên đánh lừa giáo dân nằng cách nói với họ rằng sẽ không xảy ra việc này." Ngài nói thêm: "Tòa Thánh đã hứa thông báo và cho chúng ta thời gian để chuẩn bị cho những người trong Giáo hội. Cho đến nay chưa nghe Tòa Thánh nói gì về vấn đề này."

 Tuy nhiên, Ðức Giám mục Joseph Wang Yu-jung, giáo phận Ðài Trung, miền trung Ðài Loan, nói rằng tin tức về việc có thể thay đổi trong quan hệ ngoại giao giữa Ðài Loan và Tòa Thánh đã râm ran từ nhiều năm nay, và người Công giáo ở đây đã được chuẩn bị về mặt tâm lý. Ngài nói thêm: "Sẽ không tránh được việc một số tín hữu sẽ có phản ứng tiêu cực. Một số người có thể nghĩ rằng Tòa Thánh thích một chế độ đàn áp chính người Công giáo chúng ta hơn. Nhưng chúng ta sẽ giải thích cho họ, và tôi tin rằng đa số sẽ hiểu và chấp nhận quyết định của Ðức Giáo hoàng." Tuy nhiên, một số người Công giáo rất sẵn sàng chấp nhận những thay đổi.

 Lee Ching-chih, một phụ nữ giáo dân ở giáo phận Ðài Trung, nói: "Tôi thấy có thể chấp nhận được điều này. Xét cho cùng, nó cũng chẳng ảnh hưởng tới đức tin chúng tôi." Nhưng chị nói thêm rằng một số tín hữu và người ngoài Giáo hội sẽ có thể có cảm tưởng tiêu cực về Giáo hội Công giáo.

 Tuy nhiên, Ðức Giám mục Joseph Cheng Tsai-fa, giáo phận Ðài Nam và Ðức Giám mục Huang lo lắng về tác động của việc này đối với công cuộc truyền giáo. Các ngài nói rằng nếu quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Ðài Loan chấm dứt, nó có thể gây phương hại đến việc truyền giáo, vì công chúng sẽ nghĩ rằng ngay cả Giáo hội Công giáo cũng từ bỏ công lý và hòa bình và cũng chẳng khác gì với các thực thể chính trị. Ðức Giám mục Cheng giải thích rằng có hai điều kiện mà Bắc Kinh đòi hỏi trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Trung Quốc, đó là đoạn tuyệt ngoại giao với Ðài Loan và không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc; điều thứ nhất chỉ là thứ yếu, vì vấn đề quan trọng nhất là việc bổ nhiệm các giám mục. Sứ vụ chủ yếu của Ðức Giáo hoàng là loan báo Tin mừng và chăm sóc tín hữu, chứ không quan tâm đến chính trị, quân sự hoặc thương mại. Ngài nói thêm rằng vì vậy với bất cứ nước nào cho phép rao giảng Tin mừng, Tòa Thánh có thể thiết lập ngoại giao với nước ấy. Nếu không, Tòa Thánh phải suy tính kỹ càng. Ðức cha nói: "Nếu bỏ đi nguyên tắc Ðức Giáo hoàng bổ nhiệm vốn được lưu truyền từ thời các tông đồ, thì việc thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ vô nghĩa."
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page