Sinh Hoạt Năm Thánh 2000
của người công giáo tại Nga

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Người công giáo tại Nga sống Năm Thánh như thế nào?

 Cha Bernado Antonini, linh mục công giáo thứ nhất đặt chân lên Ðất Nga sau hơn 70 sống dưới chế độ cộng sản vô thần. Cha sinh tại Trento (tỉnh miền bắc nước Ý giáp giới Áo quốc), năm 1932, thụ phong linh và phục vụ trong giáo phận Verona, một giáo phận nổi tiếng về tinh thần và công việc truyền giáo. Năm 1989, Cha tình nguyện đi truyền giáo tại Moscowa. Cha tới thành phố này ngày mồng 2 tháng 7/2000. Lúc đó Liên xô của ông Mikhail Gorbaciov bị lung lay rất nhiều. Nhưng Bức tường Berlin con đứng được bốn tháng nữa. Ai cũng thấy rằng chế độ Liên xô sớm chiều sẽ sụp đổ. Cha Antonini, trước đó đã có chương trình đi truyền giáo tại Liên xô; vì thế đã học tiếng Nga. Ngài tuyên bố như sau: Tôi có theo mấy lớp tiếng Nga, nhưng sau khi đặt chân lên Moscowa, tôi mới hiểu rằng: hầu như tôi không biết gì cả. Nhưng Thiên Chúa đã đốt lên trong tâm hồn tôi một ngọn lửa mạnh mẽ đến độ không cản trở nào thắng nổi sức hèn yếu của tôi. Tôi tạ ơn Người, bởi vì trong 11 năm nay tại Nga tôi đã có biết bao công việc phải khám phá, phải khởi sự, phải thực hiện... Tôi không có thì giờ, nói đúng ra, để ma quỉ đến quấy tôi.

 Trước sự can đảm và chí cương quyết của vị linh mục mảnh khảnh này, người ta tự đặt câu hỏi: đây là một vị anh hùng hay một vị thánh sống? Chính cha trả lời như sau: Không phải anh hùng, cũng không phải thánh sống, tôi chỉ là một nhà truyền giáo mà thôi, một nhà truyền giáo say mê miền đất và những người mà Chúa Kitô đã thúc đẩy tôi đến gặp gỡ và phục vụ.

 Ngày 20.7. 1989, Cha Antonini cử hành thánh lễ đầu tiên công khai trên Ðất Nga. Cha nhắc lại: Tôi đến Nga được ít tuần lễ, vừa học và vừa dạy tại Ðại học "N.G.U", một trong các đại học thời danh của thành phố Moscowa. Chính vị Viện trưởng đã cho phép tôi cử hành thánh lễ công khai.

 Hiện nay Cha Antonini vừa là chưởng ấn, vừa là đại diện giám mục lo việc huấn luyện liên tục hàng giáo sĩ và các tu sĩ nam, nữ. Nhưng công việc chính mà Ðức GM giáo phận Moscowa trao cho cha là viếng thăm các cộng đồng công giáo xa xăm trên cả miền Nga Châu Âu trong năm Toàn xá này. Mỗi tuần, cha vượt từng ngàn cây số và có lúc phải dùng máy bay "Airopflot" theo kiểu cũ của Nga, đầy nguy hiểm, để tới các cộng đồng và thành phố xa xăm, nhiều lúc không tìm thấy tên trên bản đồ nữa, vì đã trở nên những "nơi giam các tín hữu công giáo" dưới thời Stalin. Chính cha cho biết: Trong những ngày vừa qua tôi đã thực hiện một chuyến ra đi xa xôi và khó khăn, để viếng thăm mấy địa điểm trong miền Siberia, cách xa Moscowa hơn 2 ngàn cây số. Người dân tại miền này nghèo nàn, nhưng có một phẩm giá, một tinh thần cao thượng. Họ đang chờ đợi cũng như tại Moscowa và các nơi xa xăm của Quốc gia mênh mông này cái mà được coi như "một phép lạ", đó là chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II tại Ðất Nga. Cha tuyên bố: Mới đây tôi đã được gặp Ông Vladimir Putin, tân Tổng thống Nga. Và đo đó tôi biết rằng: chuyến viếng thăm của ÐTC là một trong các ước vọng đầu tiên của Ông, dù hiện nay còn rất nhiều vấn đề vô cùng khó khăn, cần được giải quyết nhanh chóng, sau những năm dưới chế độ cộng sản. Nền kinh tế sụp đổ, rất nhiều gia đình phải sống với đồng lương quá thấp, phải làm việc thêm để có tiền chi dụng cho những nhu cầu hằng ngày. Người già cả và người hưu trí, nhiều lúc không đủ sống. Số người có một đời sống khá hơn đó là những người làm việc trong các xí nghiệp xưa kia hoặc mới thành lập sau này, vì có liên hệ với thế giới Tây phương, như hãng ráp xe hơi FIAT tại Togliattigrad.

 Trước cảnh nghèo khó, nạn tham nhũng và "Mafia" nơi người làm chính trị, nhiều người dân nhớ tiếc mức sống của chế độ cộng sản, tuy không có tư sản, không thể ngóc đầu lên được về kinh tế, nhưng ít ra không phải chết đói, cho dù đại đa số người dân công nhận rằng: chính chế độ cộng sản đã đưa người dân Nga đến hoàn cảnh này. Cách riêng, trong dân chúng hiện nay có một sự gớm tởm càng ngày càng lan rộng, chống lại Stalin và những tội ác của ông ta. Nhưng thực ra, chế độ cộng sản tại Nga cũng như tại các nơi khác không bao giờ dám nhắc đến những tội các của các vị lãnh đạo của mình. Trái lại họ lớn tiếng hô hào qua các phương tiện truyền thông xã hội hùng mạnh những tội ác của Hitler (Ðức quốc xã), của Mussolini (chế độ Phát xít tại Ý), của tướng Pinochet (chế độ Quân Phiệt tại Chili). Theo nhận xét của nhà truyền giáo Antonini, thì người dân Nga hiện nay đói khát những giá trị mới (thực sự là những giá trị này đã cắm rễ sâu trong tâm hồn con người, bất cứ thuộc dân tộc nào) đó là các giá trị thiêng liêng, luân lý, tôn giáo; họ đói khát đức tin, đói khát Thiên Chúa. Cha Antonini giải thích thêm như sau: Tôi cử hành thánh lễ rất lâu, vì trong thánh lễ tôi cũng giảng dạy giáo lý, giải thích về ý nghĩa lễ nghi, về những cử chỉ biểu tượng. Tôi đặt ra những câu hỏi và những câu trả lời về Ðại Toàn xá. Cha nói tiếp: người dân chất phác, khiêm tốn, nhưng không thiếu lòng quảng đại và tình liên đới giữa nhau. Nhiều lần tôi nghĩ rằng không còn tiền bạc, thực phẩm để giúp cho các công việc xã hội hiện đang được thiết lập, như Nhà Mồ côi tại Moscowa, một tòa nhà ba lầu, hiện đang được các Cha Salésiens sửa lại, hay nhà đón nhận của Tu hội các Nữ tu Domodossola. Nếu không có đức tin và tín nhiệm nơi Chúa Quan phòng, công việc này sẽ không thể thành công.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page