ÐIỂM BÁO
về Công Nghị Phong Tước Hồng Y
ngày 21 và 22/02/2001

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

ÐIỂM BÁO về Công Nghị Phong Tước Hồng Y ngày 21 và 22/02/2001.

 Các phương tiện truyền thông xã hội: Ðài phát thanh, truyền hình và báo chí trong hai ngày vừa qua, 21 và 22 tháng 2/2001, đã nói nhiều về lễ nghi phong tước Hồng Y cho 44 vị giáo sĩ cao cấp trong Giáo hội công giáo.

 Ðài truyền hình quốc gia Ý truyền hình trên hệ thống "Toàn Âu Châu" (Eurovision) Công Nghị Hồng Y vào sáng thứ tư 21-2.2001, được cử hành tại Quảng trường Thánh Phêrô, với sự tham dự của khoảng 50 ngàn tín hữu đến từ các nước trên thế giới, cách riêng từ các nước có Hồng Y mới. Trong số các người dự lễ nghi phong tước và thánh lễ tạ ơn hôm sau, đông hơn cả, dĩ nhiên là các tín hữu đến từ các miền khác nhau trong nước Ý. Lý do dễ hiểu: nước Ý gần Vatican hơn cả, và con số Hồng Y mới người Ý cũng đông hơn các nước khác: tức bẩy vị. Sau nước Ý đến các đoàn hành hương từ Ðức. Xét về phương diện địa dư, Ðức cũng không xa Roma. Giáo hội Ðức lần này có bốn vị Hồng Y mới. Sau hai nước Ý và Ðức, phải kể đến Hoa kỳ. Lần này Giáo hội công giáo Hoa kỳ có ba Hồng Y mới.

 Ngoài mấy quốc gia trên đây, chúng tôi phải kể đến Việt nam. Một số ít đến thẳng từ Việt nam, trong đó có 5 Ðức Giám mục: Ðức Cha Phạm minh Mẫn, TGM Saigon, Ðức Cha Nguyễn như Thể TGM Huế; Ðức Cha Trần xuân Hạp, cựu Giám mục Vinh, Ðức Cha Nguyễn văn Sang, Giám mục Thái Bình và Ðức Cha Nguyễn văn Yến, Giám mục Phát diệm. Không kể 5 Ðức Giám mục đến từ Việt nam, còn có nhiều Linh mục, Tu sĩ Nam, Nữ và Anh chị em Giáo dân đến từ Hoa kỳ, Canada, Ðức, Pháp, Anh, Australia, tất cả khoảng trên 500, để mừng Ðức Tân Hồng Y Nguyễn văn Thuận.

 Chúng tôi cũng nhận được những tin tức là tại vài nơi ở Việt Nam, như nhà thờ chính tòa Saigon, nơi Ðức Tân Hồng Y đã được bổ nhiệm làm TGM phó với quyền kế vị tháng tư năm 1975, tại Phủ cam, tại Nha Trang, và tại LaVang, có tổ chức thánh lễ trọng thể tạ ơn và cầu nguyện cho Ðức Tân Hồng Y.

 Tại Roma, Ðức Tân Hồng Y Việt nam đã được đài truyền hình, phát thanh và báo chí lưu ý cách riêng. Chú giải lễ tấn phong và thánh lễ tạ ơn hôm sau, đài truyền hình Ý cũng như Ðài Truyền Hình Hòa Bình (Telepace) đều ca ngợi sự cảm của Ðức Tân Hồng Y Nguyễn văn Thuận và coi ngài là "một vinh dự" cho Hồng Y Ðoàn", vì ngài đã thực hiện, điều mà trước khi được tôn phong làm Hồng Y, ÐTC căn dặn, khi trao mũ đỏ cho mỗi tân Hồng Y, qua công thức: "Ðể vinh danh Thiên Chúa và vinh dự Tòa Thánh, Hiền đệ hãy nhận mũ đỏ này, như dấu hiệu của Phẩm Chức Hồng Y. Mũ đỏ nói lên ý nghĩa này là Hiền đệ phải tỏ ra mình là những người can trường, đến độ đổ máu, để tăng trưởng đức tin công giáo, để đem lại hòa bình và yên hàn cho Dân Chúa và để Giáo hội công giáo Roma được tự do và lan rộng khắp nơi".

 Nhật báo "Tương Lai" số ra ngày 21.2.2001, đăng bài phỏng vấn Ðức Tân Hồng Y Viêt nam. Chúng tôi sẽ dịch lại và chia sẽ trong buổi phát thanh sau.

 Tờ "Roma Thời Báo" (IL Tempo di Roma) số phát hành ngày 22.2.2001, nơi trang nhất, để hình mầu về các Hồng Y dự lễ nghi tấn phong. Nơi trang ba, dành ba bài để nói về lễ tấn phong sáng 21.2.2001 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Bài nhất có tựa đề: ÐTC bổ nhiệm các Hồng Y đầu tiên "của Ngàn năm mới. Giảng trong lễ nghi tấn phong, Ðức Gioan Phaolô II nói: "Chúng ta hãy kéo buồm lên để gió của Chúa Thánh Thần thổi vào". Lời này cũng đồng nghĩa với lời ngài căn dặn trong ngày lễ bế mạc Năm Thánh 2000, mồng 6 tháng Giêng 2001: "Duc in altum": Hãy ra khơi thả lưới bắt cá".

 Bài hai nói đến cuộc chào thăm các tân Hồng Y chiều 21 tháng 2/2001. Báo này lưu ý cách riêng đoàn người lũ luợt đến chào mừng Ðức Tân Hồng Y Crescenzo Sepe, cựu Tổng thư ký Ủy ban trung ương Năm Thánh. Cũng trong bài này, tờ Báo thuật lại những lời tuyên bố của Ðức Tân Hồng Y Karl Lehmann, Giám mục giáo phận Mainz bên Ðức. Trả lời báo chí, Ðức Hồng Y Lehmann quả quyết rằng: "Tôi đã không bao giờ bênh vực ÐHY Ratzinger (cũng người Ðức, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Ðức tin), nhiều như trong những tuần vừa qua. Không bao giờ có một sự cãi vã giữa ÐHY Ratzinger và tôi. Những điều báo chí viết lên, chỉ là những tưởng tượng mà thôi".

 (Chúng tôi sẽ dịch sau bài phỏng vấn Ðức Tân Hồng Y Lehmann dành cho nhật báo Corriere della sera 22.2.2001).

 Trong bài thứ ba, tờ "Roma Thời Báo" ghi lại tiểu sử một vài vị Hồng Y được lưu ý cách riêng, như Ðức Ignatius Moussa Daoud, Hồng Y tiên khởi người Syrie, được ÐTC vừa bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Ðông phương - Ðức HY Giovanni Battista Re, vị được ÐTC gọi là "Người cộng tác rất chặt chẽ, rất quí mến, rất trung thành của tôi". Nên nhớ Ðức Tân Hồng Y trước đây là Phụ tá Quốc Vụ khanh (nhân vật thứ ba, sau ÐTC và ÐHY Quốc Vụ Khanh) được ÐTC bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giám mục cách đây ít tháng. - Ðức Hồng Y Juan Luis Cirpiani Thorne, TGM giáo phận Lima, thủ đô Perù, vị Hồng Y tiên khởi của cộng đoàn Opus Dei, một người rất hâm mộ thể thao, chiếm giải vô địch tại Lima về môn "bóng rổ". Trước khi vào Tu hội Opus Dei, ngài đã là kỹ sư và sau đó, đậu tiến sĩ Thần Học tại Roma.

 Vị thứ bốn được tờ báo đề cao là Ðức Tân Hồng Y Nguyễn văn Thuận, với tít đề: "Có cả một cựu tù nhân Việt nam". Ngài thuộc gia đình của các vị tử đạo. Ông Tổ của gia đình đã kể lại: Lúc ông còn trẻ đã đi bộ 15 cây số để đem cơm và muối cho người cha bị giam tù, vì là người công giáo. - Rồi báo này nhắc lại vắn tắt tiểu sử của Ðức Tân Hồng Y: sinh tại Huế ngày 17.4.1928, lớn lên trong một gia đình luôn luôn có những tâm tình cao quí: chiếc hải đăng của cuộc đời ngài là Thánh Nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu thành Lisieux. Thụ phong Linh mục năm 1953. Ðược bổ nhiệm làm TGM phó Saigon năm 1975. Nhưng bị bắt giữ, không xử, và bị giam tù hơn 13 năm, trong số này có 9 năm hoàn toàn cô lập. Trong suốt thời kỳ này ngài cử hành thánh lễ lén lút vào lúc 3 giờ chiều. Ðược trả tự do ngày 21 tháng 11 năm 1988.

 Tờ Báo ở Mỹ - Los Angeles Times nhận định: ÐHY Nguyễn Văn Thuận có nhiều khả năng kế vị Ðức Gioan Phaolô II. Trong bài "The Men Who Would Be Pope" (Người có thể lên ngôi Giáo Hoàng) đăng trên báo Los Angeles Times ra ngày Thứ Tư 21/02/2001, 14 vị Hồng Y được dự đoán là có nhiều khả năng kế vị Ðức Giáo Hoàng. Bài báo chia 14 Ðức Hồng Y thành nhiều khuynh hướng khác nhau theo ý kiến chủ quan của tác giả. Ðặc biệt, theo bài báo này, Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận có rất nhiều khả năng kế vị Ðức Gioan Phaolô II. Mặc dù đây có thể chỉ là một dự đoán nhưng cũng cho thấy Ðức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận có một uy tín lớn lao trên thế giới.

 Vị Tân Hồng Y khác được đề cao: Ðức Hồng Y Cresenzo Sepe, "linh hồn của Năm Thánh 2000". Ngài là một nhân vật được cả thế giới biết đến, qua các đài phát thanh và truyền hình, cách riêng trong Năm Ðại Toàn xá, vì ngài là Tổng thư ký Ủy Ban trung ương Năm Thánh. Rồi Ðức Tân Hồng Y Poletto, TGM Torino, được gọi là "Linh mục thợ thuyền", vì trong những năm làm linh mục, ngài đã xin phép Ðức Giám mục cho làm việc "nửa buổi" tại các nhà máy, để có dịp tiếp xúc với anh chị em thợ thuyền.

 Vị sau cùng là Ðức Tân Hồng Y Ghattas, người Ai cập, giáo chủ Giáo hội công giáo theo lễ nghi Copte, được gọi là "Vị cùng với ÐTC theo vết chân của Maisen". Chính ngài đã tháp tùng ÐTC trong cuộc hành hương lịch sử tại Sinai, nơi Chúa truyền Mười Giới răn cho Maisen.

 Ðài Truyền hình quốc gia Ý và nhật báo "Người đưa tin chiều" (Corriere della sera) số phát hành ngày 22.2.2001, đã nhấn mạnh đến những con số kỷ lục sau đây: - Chưa bao giờ trong lịch sử có một Vị Giáo Hoàng bổ nhiệm tới 44 Hồng Y một lần trong một Công Nghị Hồng Y - Chưa bao giờ trong lịch sử Giáo hội con số Hồng Y cao như vậy: 184 vị. Chưa bao giờ trong lịch sử Giáo hội con số những Hồng Y còn quyền bầu Giáo Hoàng"đông đảo như vậy: 135 vị. Chưa bao giờ có tới 68 quốc gia, được đại diện trong Hồng Y Ðoàn.

 Nhật báo "Người Ðưa Tin Chiều" nầy còn nhắc đến luật trừ trong Công Nghị Hồng Y lần này; đó là Hai vị Giáo chủ thuộc lễ nghi Ðông phương, ÐHY Daoud và ÐHY Husar đã xin và được phép không mặc áo đỏ (là phẩm phục của Hồng Y), để giữ y phục của Vị Giáo chủ. Hai vị cũng không lãnh mũ, vì các ngài có mũ và khăn riêng trên đầu, và cũng không có tước hiệu của một nhà thờ ở Thành Roma, nhưng giữ tước hiệu nhà thờ Giáo chủ của mình. Trong lúc quì trước ÐTC, các ngài chỉ lãnh Sắc lệnh bổ nhiệm làm Hồng Y mà thôi.

 Nhật báo "Người Ðưa Tin Chiều" cũng nhắc lại lời thề của các Tân Hồng Y. "Tôi xin hứa: từ nay trở đi và mãi mãi bao lâu tôi còn sống, tôi xin hứa sống trung thành với Chúa Kitô và với Phúc Âm của Người - luôn luôn vâng phục Tòa Thánh, Giáo hội Roma, Thánh Phêrô nơi bản thân của ÐTC Gioan Phaolô II và các vị kế nghiệïp của ngài". Trước khi đọc lời tuyên thệ, các Tân Hồng Y cùng nhau đọc kinh Tin Kính (Credo) bằng tiếng Latinh, để tuyên xưng Ðức tin của Giáo hội công giáo. Một lễ nghi đơn sơ, nhưng rất cảm động.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page