Vatican - 22.01.2001 - Trong giờ đọc kinh Truyền Tin Trưa Chúa nhật 21 tháng Giêng 2001, trước dân chúng tụ họp đông đảo tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ÐTC Gioan Phaolô II loan báo: Ngài sẽ triệu tập Hội nghị Hồng Y vào ngày 21 tháng 2/2001, để bổ nhiệm thêm các vị mới và ngày 22 lễ Thánh Phêrô lập Tòa, ngài sẽ chủ tế thánh lễ với các vị Tân chức. Trong Thánh lễ, ngài sẽ trao nhẫn Hồng Y cho các vừa được bổ nhiệm. Cuối thánh lễ, các Hồng Y mới sẽ kính viếng mộ Thánh Phêrô, ngay dưới bàn thờ: tại đây các ngài sẽ đọc bản tuyên xưng đức tin, sẵn sàng hy sinh mạng sống.
Như chúng tôi đã loan tin: Ðây là Hội nghị Hồng Y lần thứ tám, để bổ nhiệm Hồng Y của Triều Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II. Từ trước tới giờ, chưa có lần nào ngài bổ nhiệm con số đông đảo như lần này: 37 vi và trong lịch sử Giáo hội cũng chưa có vị Giáo Hoàng nào bổ nhiệm nhiều Hồng Y như ngài: trong 22 năm, Ðức Gioan Phaolô II đã tôn phong 154 vị lên bậc Hồng Y, trong số này có nhiều vị đã qua đời.
37 Vị Hồng Y mới là những ai? và từ đâu đến?
Các ngài, một số là những giáo sĩ cấp cao đang làm việc hoặc giữ những chức vụ quan trọng tại Giáo Triều Roma, hoặc đang đứng đầu một Giáo phận lớn hoặc là những vị nổi tiếng về thần học và có nhiều công trong Giáo hội.
Các vị đang giữ những chức vụ quan trọng trong Giáo Triều Roma:
- Ðức TGM Giovanni Battista Re, đứng đầu danh sách các Vị Tân Hồng Y, hiện là Tổng trưởng Bộ Giám mục, một trong các Bộ quan trọng vào bậc nhất của Giáo Triều. Bộ này có nhiệm vụ cứu xét hồ sơ của các ứng cử viên Giám mục trên cả thế giới (không thuộc lãnh thổ của Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc) và sau đó tường trình lên ÐTC để ngài duyệt y và bổ nhiệm.
- Ðức TGM Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, đứng thứ hai trong danh sách, hiện là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình. Cơ quan này có nhiệm vụ về chính trị: (trong cộng tác chặt chẽ với Phủ Quốc Vụ Khanh và Bộ Ngoại giao Tòa Thánh), tiếp xúc với các đại diện ngoại giao cạnh Tòa Thánh, mỗi khi các vị này yêu cầu hoặc do Bộ Ngoại giao gửi tới và nhiệm vụ xã hội: cổ võ công lý, hòa bình, phát triển các dân tộc, thăng tiến phẩm giá con người, bênh vực nhân quyền và phổ biến giáo lý xã hội của Hội Thánh công giáo.
- Ðức TGM Agostino Caccciavillan, Chủ tịch Ủy Ban Quản trị tài sản của Tòa Thánh,
- Ðức TGM Sergio Sebastiani, Chủ tịch Ủy Ban Kinh tế vụ của Tòa Thánh,
- Ðức TGM Zenon Grocholewski, Tổng trưởng Bôï Giáo dục công giáo, trách nhiệm về các chủng viện, các đại học và trường công giáo trên cả thế giới,
- Ðức TGM José Saraiva Martins, Tổng trưởng Bôï Phong Thánh,
- Ðức TGM Crescenzo Sepe, Tổng thư ký Ủy Ban trung ương Năm Thánh 2000,
- Ðức TGM Jorge Maria Mejia, Thủ Thư viện Vatican và Công Hàm mật Tòa Thánh, - Ðức Giáo chủ Ignace Moussa I ( đệ nhất ) Daoud, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Ðông phương,
- Ðức TGM Francesco Mario Pompeda, Chủ tịch Tòa Án tối cao Tòa Thánh,
- Ðức GM Walter Kasper, Thư ký Hội đồng Tòa Thánh về cổ võ sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.
11 vị Tân Hồng Y trên, đang làm việc tại Giáo Triều Roma thuộc các quốc tịch khác nhau: 5 vị người Ý (các Ðức TGM: Re - Cacciavillan - Sebastiani - Sepe - Pompeda) - một Việt nam (Ðức TGM Nguyễn văn Thuận) - một Ba lan (Ðức TGM Grocholewski) - một Bồ đào nha (Ðức TGM Saraiva Martins) - một Brazil (Ðức TGM Mejia) - một Syrie (Ðức Giáo chủ Daoud và là Hồng Y đầu tiên người Syrie), một Ðức (Ðức TGM Kasper).
Các Vị chủ chăn các Giáo phận quan trọng tại các quốc gia:
- Antonio Josè Gonzales Zumarraga, TGM giáo phận Quito (Thủ đô Ecuador - Nam Mỹ),
- Ivan Dias, TGM giáo phận Bombay (Ấn độ - Á Châu),
- Geraldo Majella Agnelo, TGM giáo phận São Salvador da Bahia và Giáo chủ Brazil (Nam Mỹ),
- Pedro Rubiano Saenz, TGM giáo phận Bogotà (thủ đô Colombia - Nam Mỹ),
- Theodore Edgar McCarrick, TGM giáo phận Washington (thủ đô Hoa kỳ - Bắc Mỹ),
- Desmond Connell, TGM giáo phận Dublin (thủ đô Ái nhĩ lan - Âu châu),
- Audrys Juozas Backis, TGM giáo phận Vilnius (thủ đô Lituanie - Âu châu),
- Francisco Javier Errazuriz Ossa, TGM giáo phận Santiago de Chile (thủ đô Chile - Nam Mỹ),
- Oscar Andres Rodriguez Maradiaga, TGM giáo phận Tegucigalpa (thủ đô Honduras - Trung Mỹ),
- Bernard Agré, TGM giáo phận Abidjan (cựu thủ đô Côte D'Ivoire - Phi Châu),
- Louis Marie Billé, TGM giáo phận Lyon, Giáo chủ Pháp (Âu châu),
- Ignacio Antonio Velasco Garcia, TGM giáo phận Caracas (thủ đô Venezuela - Nam Mỹ),
- Juan Luis Cipriani Thorne, TGM giáo phận Lima (thủ đô Perù - Nam Mỹ),
- Francisco Alvarez Martinez, TGM giáo phận Toledo, Giáo chủ Tây Ban nha (Âu châu),
- Claudio Hummes, TGM giáo phận São Paulo (Brazil-Nam Mỹ),
- Varkey Vithayathil, TGM giáo phận Ernakulam-Angamaly của các tín hữu thuộc lễ nghi Siro-Malabarese (Ấn độ - Á Châu),
- Jorge Mario Bergoglio, TGM giáo phận Buenos Aires (thủ đô Argentina - Nam Mỹ),
- Josè da Cruz Policarpo, Giáo chủ Lisboa (thủ đô Bồ đào nha - Âu châu),
- Cormac Murphy O'Connor, TGM giáo phận Westminster (Anh quốc - Âu châu),
- Edward Michael Egan, TGM giáo phận New York (Hoa kỳ- Bắc Mỹ).
Các vị có công nghiệp nhiều trong Giáo hội:
- Stephanos II (đệ nhị) Ghattas, Giáo chủ Alexandria của các tín hữu theo lễ nghi Copto (Ai cập),
- Jean Honoré, cựu TGM giáo phận Tours (Pháp-Âu châu),
- Cha Roberto Tucci, Dòng Tên, Chủ tịch Ủy ban quản trị Ðài Vatican, từ năm 1982, trách nhiệm tổ chức các chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC tại các nước trên thế giới (người Ý, Âu châu),
- Cha Leo Scheffczyk, nhà thần học, thuộc Tổng giáo phận Muenchen (người Ðức - Âu châu),
- Cha Avery Dulles, Dòng Tên, người Hoa kỳ, nhà thần học, cựu Giáo sư Fordham Univeristy ở New York, con trai của Ngoại Trưởng John Foster Dulles, thời Tổng thống Eisenhower (Bắc Mỹ).
Ðọc danh sách các Tân Hồng Y , chúng ta nhận thấy ngay tính cách hoàn vũ của Giáo hội công giáo. Các vị được bổ nhiệm thuộc các Lục địa và Quốc gia khác nhau. Hồng Y Ðoàn càng ngày càng được quốc tế hóa và được đại diện theo tỉ số các Cộng đồng công giáo trên thế giới. Trong danh sách các Tân Hồng Y, một phần lớn các vị được bổ nhiệm thuộc Châu Mỹ Latinh (10 vị). Gần một nửa tổng số các người công giáo trên thế giới hiện nay sinh sống tại Châu Mỹ Latinh. ÐTC vẫn thường nói: Châu Mỹ Latinh là hy vọng của Giáo hội. Ngài đã viếng thăm nhiều lần các Giáo hội tại đây và chủ tọa các lễ nghi mừng 500 năm truyền giáo (1492-1992) tại Bán cầu này. Ngay từ đầu Triều Giáo Hoàng của ngài (tháng Giêng năm 1979), Ðức Gioan Phaolô II đã viếng thăm Cộng hòa Mexico, để chủ tọa Hội nghị khoáng đại các Giám mục Châu Mỹ Latinh tại Puebla, trong chương trình chuẩn bị mừng kỷ niệm 500 năm rao giảng Tin Mừng tại Tân thế giới.
Trong số 37 vị tân Hồng Y có 18 vị thuộc Châu Âu - 13 Vị thuộc Mỹ châu - 4 vị thuộc Á châu - 2 vị thuộc Phi châu.
Sau lúc loan báo danh sách các Tân Hồng Y, ÐTC phàn nàn vì còn có nhiều vị rất xứng đáng và nhiều Giáo hội địa phương ước mong; nhưng ngài chưa thõa mãn được. Ngài hy vọng sẽ có thể đáp lại những mong ước chính đáng này trong lần tới đây.
(Bài nầy viết
liền sau khi ÐTC công bố danh sách
lần thứ I, gồm 37 vị, vào trưa
Chúa Nhật 21 tháng 1/2001. Lần thứ
hai, vào trưa Chúa Nhật 28 tháng 1/2001,
ÐTC cống bố thêm 5 vị, và
nói ra danh sách 2 vị đã được
giữ kín từ năm 1998).