Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin
viếng thăm Vatican

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin, viếng thăm Vatican.

 Tin Vatican: Theo thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, thì Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin đã được ÐTC Gioan Phaolô II tiếp kiến, vào lúc 6:30 chiều thứ Hai, mùng 5 tháng 6/2000. Về nội dung của cuộc gặp gỡ, thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh chỉ cho biết vắn tắt như sau: hai vị đã bàn đến vai trò của Tòa Thánh và của Liên Bang Nga trong tiến trình hội nhập giữa Ðông và Tây. Tổng thống Putin cho rằng Tòa Thánh có sứ mạng quan trọng trong tiến trình hội nhập nầy.

 Trong khi đó thì Dư luận báo chí lưu ý nhiều đến chuyến viếng thăm này củûa Vị Tân Lãnh đạo Nước Nga tại Vatican; đồng thời nêu lên những đề tài có thể được thảo luận trong cuộc gặp gỡ quan trọng này.

 Dĩ nhiên, các vấn đề liên hệ đến Giáo hội công giáo sẽ là những đề tài chính của cuộc gặp gỡ này. Một đề tài khác chắc chắn cũng được lưu ý cách riêng là việc mời Ðức Gioan Phaolô II viếng thăm Nga. Rồi các đề tài liên hệ đến nền hòa bình thế giới và cách riêng chiến tranh tại Cecenia. Trước đây, Tổng thống Mikhail Gorbaciov đã mời ÐTC viếng thăm Liên xô và sau đó Tổng thống Boris Eltsin cũng lặp lại lời mời này, khi ông tới Vatican. Nhưng chuyến viếng thăm của ÐTC tại Moscova vẫn bị Giáo hội chính thống phản đối.

 Mới đây trong chuyến viếng thăm Tokyo, Ðức Alexis đệ nhị, Giáo chủ Giáo hội chính thống Nga, tuyên bố: Việc thảo luận về chuyến viếng thăm vẫn tiếp tục; nhưng trên phương diện thực tế, chưa có gì được quyết định và chương trình của chuyến viếng thăm cũng chưa được phác họa. Ðức Giáo chủ nói thêm: Nếu cuộc gặp gỡ thực sự có, cần phải chuẩn bị tương xứng và dĩ nhiên không phải chỉ là một cuộc gặp gỡ "biểu diễn" trên đài truyền hình. Lời tuyên bố ngoại giao này nói lên nhiều khó khăn. Trong những ngày vừa qua, Ðức Alexis đệ nhị còn tuyên bố mạnh mẽ hơn và có tính cách đe dọa rằng: Tổng thống Putin mời Ðức Gioan Phaolô II viếng thăm Moscowa; nhưng ông cũng nên nhớ rằng: tại Nga có tới 80% dân cư theo Giáo hội chính thống Nga (thực sự chỉ có 5% thực hành đạo). Ðây là một số phiếu rất quan trọng cho việc bầøu cử của Ông. Vị Giáo chủ quả quyết: Trước chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II, vấn đề Giáo Hội Công Giáo chiêu mộ các tín hữu của Giáo hội chính thống, cần được giải quyết dứt khoát. Giáo hội chính thống vẫn tự cho mình có độc quyền tại Nga trong quá khứ cũng như hiện tại và luôn luôn tố cáo Giáo hội công giáo chiêu mộ tin hữu của mình. Cho tới nay, Giáo hội chính thống Nga là giáo hội duy nhất vẫn giữ lập trường không "gần gũi" Giáo hội Roma. Cựu Tổng thống Boris Eltsin là một tín hữu chính thống sùng đạo, đã dành nhiều đặc ân cho Giáo hội chính thống trong sắc lệnh 1997. Nhưng thái độ của Tân tổng thống lại khác hẳn.

 Cho dù là một tín hữu chính thống, Tổng thống Putin chủ trương phải có một cuộc gặp gỡ sớm hết sức với Ðức Gioan Phaolô II, vì ông biết rằng: ngài là một nhân vật uy tín nhất trên thế giới hiện nay. Cách đây không lâu, ông tuyên bố: Cuộc gặp gỡ giữa Vatican và Moscowa sẽ giải quyết được nhiều vấn đề và sự cộng tác giữa hai bên sẽ góp phần rất lớn cho nền hòa bình thế giới.

 Thái độ của Tổng Thống Putin đối với Giáo hộïi chính thống đã được biểu lộ rõ ràng ngay từ lúc ông lên cầm quyền tại Ðiện Cẩm Linh. Ngày mồng 10 tháng Giêng 2000, lúc còn tạm quyền Tổng thống, sau khi Tổng thống Boris Eltsin từ chức, ông đã ký một sắc lệnh về an ninh quốc gia, nhằm thay thế sắc lệnh của cựu Tổng thống Eltsin năm 1997. Tất cả đều lưu ý rằng: sắc lệnh mới dự tính: trong trường hợp bị đe dọa về an ninh quốc gia, trước tiên, Nga có quyền xử dụng cả bom nguyên tử. Nhưng không một người nào lưu ý đến điểm quan trọng khác trong sắc lệnh mới sánh với sắc lệnh năm 1997. Ông không đả động gì đến vai trò của Giáo hội chính thống trong việc bảo vệ các giá trị thiêng liêng của dân tộc Nga, cũng không nhắc đến "vai trò phá hủy" của các giáo phái khác. Ðược ghi trong sắc lệnh năm 1997, "vai trò phá hủy" này đã được thay thế trong sắc lệnh mới (năm 2000) bằng những lời lẽ nhẹ nhàng hơn: thay vì nói: "vai trò phá hủy", thì lại nói: "ảnh hưởng tiêu cực của các nhà truyền giáo ngoại quốc". Sắc lệnh mới không còn dành nhiều ưu tiên và đặc ân cho ba tôn giáo, được coi là truyền thống tại Nga: Chính thống, Hồi giáo và Phật giáo; tuy nhiên Sắc lệnh mới vẫn duy trì một sự kiểm soát các nhà truyền giáo ngoại quốc, để tránh những "ảnh hưởng tiêu cực của các vị này".

 Ngày 26 tháng 3/2000, Tổng thống Putin ký một sắc lệnh gia hạn cho đến cuối năm 2000 việc "đăng ký" chính thức của các tổ chức tôn giáo ngoại quốc. Cũng sắc lệnh này ấn định các tổ chức tôn giáo không đăng ký PHẢI bị giải tán do pháp luật. Trái lại sắc lệnh cũ 1997 ghi rõ: CÓ THỂ bị giải tán.

 Một cử chỉ khác của Tổng thống Putin cần lưu ý: Dịp lễ Phục sinh vừa qua, ông dã tham dự Phụng vụ chính thống tại Pietroburg, thành phố quê hương của ông. Trong dịp này, ông mang theo cả Bộ trưởng Ngoại giao, ông Ivanov. Nhưng ngày mồng 7 tháng 5/2000, trong lễ nghi tuyên thệ nhậm chức tại Ðiện Cẩm Linh, những khía cạnh tôn giáo được coi như ngoài lề, tách biệt hẳn khỏi khía cạnh chính trị. Ban lễ nghi đã lưu ý đến việc xếp đặt đại diện các tôn giáo trên cấp bậc bình đẳng, kể cả hai vị đại diện cao cấp của Giáo hội công giáo, Ðức TGM Tadeuz Kondrusewicz, giám quản Tông tòa Miền Nga Châu Âu và Ðức TGM George Zur, tân sứ thần Tòa Thánh tại Moscova.

 Tất cả các sự việc trên đây xem ra xác nhận sự giá lạnh rõ ràng trong mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Putin và Ðức Giáo chủ Alexis đệ nhị; sự giá lạnh này được nghe nói đến mỗi ngày mỗi nhiều tại Mosowa. Dĩ nhiên những gương mù về tài chánh mới đây không có lợi gì cho Ðức Giáo chủ Alexis. Tòa Giáo chủ liên lụy vào những vụ buôn bán được Tổng thống Eltsin dành riêng cho với mục đích giúp đỡ gián tiếp về kinh tế cho giáo hội này. Nhưng nếu có sự giá lạnh thực, thì sự giá lạnh này do những đòi hỏi chính trị của Tổng thống hơn là tôn giáo.

 Tổng thống Putin muốn đặt quyền của Nhà Nước vào trung tâm và đặt dưới quyền kiểm soát của Ðiện Cẩm Linh những đặc ân trong quá khứ đã dành cho các Cộng hòa và các miền, cách riêng những đặc ân đã được ghi trong sắc lệnh năm 1997. Trong sắc lệnh này, việc tự do phụng tự được dành riêng cho ba tôn giáo truyền thống: Chính thống, Hồi giáo và Phật giáo.

 Trong các miền quan trọng, như miền Tatarstan, đa số theo Hồi giáo hoặc miền Kalmucchia, nơi Phật giáo chiếm đại đa số, giây liên kết giữa các chủng tộc tôn giáo và quyền bính địa phương rất chặt chẽ. Tổng thống khó có thể thay đổi. Chiến tranh tại Cecenia trong miền Caucaso là một bài học rất đau thương và cũng là một báo hiệu về nguy hiểm của Hồi giáo.

 Ðối với Giáo hội công giáo, Cha Stanislaw Opela, thư ký HÐGM Nga, nhấn mạnh rằng: Trong các miền xa Moscowa, thường gặp nhiều khó khăn hơn, nhưng tại các giáo xứ công việc tiến triển khả quan. Cha Mariano Serra, thuộc Dòng Claret, chủ tịch Liên hiệp các Tu sĩ nam, nữ tại Nga, lại nhấn mạnh đến "con người của Tổng thống mới". Ngài nói: Tổng thống Putin thường nhắc đến "chính sách độc tài của pháp luật". Nhiều người hồ nghi rằng: trong thực tế, ông muốn nói: "Luật pháp là chính tôi". Ông muốn tập trung quyền hành, đó là một sự kiêïn quá rõ ràng.

 Luật sư Galina Krylova, người giúp đỡ nhiều cộng đồng tôn giáo trong mối quan hệ với Nhà Nước, tuyên bố: Luật 1997 có tính cách kỳ thị; nhưng quyền hành địa phương càng ngày càng trở nên tệ hơn. Hơn nữa Viện Bảo Hiến tuyên bố một cách đáng lo ngại rằng: "Trong những tình hình nhất định, Nhà Nước có quyền can thiệp vào các hoạt động truyền giáo". Cha Mariano Sera kết luận: Không phải ngẫu nhiên Tổng thống Putin muốn viếng thăm Vatican ngay sau khi nhận chức vụ. Ðàng khác cũng không phải tình cờ: tại Moscowa việc nói đến một chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II mỗi ngày mỗi được phổ biến mạnh mẽ hơn. Một đàng ông muốn kiểm soát các hoạt động của các nhà truyền giáo ngoại quốc, cách riêng các vị đến từ Hoa kỳ. Các vị này tức khắc được ghi vào sổ của cơ quan an ninh, để được theo dõi cho biết thực sự có phải là những nhân viên "CIA" trá hình không. Ðàng khác, Ông muốn thu hẹp lại sức ép của các tôn giáo truyền thống: Chính thống, Hồi giáo và Phật giáo; đồng thời sẵn sàng đối thoại với Giáo hội công giáo và mở một con đường mới trong mối quan hệ ngoại giao với một uy tín lớn lao của Ðức Gioan Phaolô II. Vì thế, ông đã muốn đến Vatican thảo luận với ÐTC và mời ngài viếng thăm Moscowa.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page