Vài nét về Lập trường của Tòa Thánh
về Thành thánh Giêrusalem

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài nét về Lập trường của Tòa Thánh về Thành thánh Giêrusalem.

 Chúa nhật vừa qua 23.7.2000, tại Castelgandolfo, trong giờ đọc kinh Truyền tin với các tín hữu địa phương và các đoàn hành hương, một lần nữa, ÐTC Gioan Phaolô II nhắc lại lập trường của Tòa Thánh về Thành thánh Giêrusalem. Dĩ nhiên trong những ngày nghỉ tại Les Combes miền Aosta, ÐTC vẫn theo dõi cuộc hội đàm giữa Do thái và Palestine tại Camp David (Hoa kỳ) từ 15 ngày nay. Việc ngài lên tiếng về Thành thánh Giêrusalem không phải là một việc xen lấn vào nội bộ của Do thái hay của Palestine. Lập trường của Tòa Thánh đã có từ nhiều năm nay và không thay đổi. Nhân cuộc hòa đàm quan trọng và quyết định số phận của Do thái và Palestine, cũng như nền hòa bình tại miền Trung Ðông, trong dịp này ÐTC nhắc lại một lần nữa lập trường cố hữu của Tòa Thánh.

 Trước hết, về cuộc hòa đàm tại Camp David, Ngài nói như sau: Về phần tôi, tôi muốn theo dõi cuôïc hòa đàm này bằng lời cầu nguyện và bằng những khuyến khích. Tôi mời gọi các vị trách nhiệm tiếp tục những cố gắng của mình và ước mong rằng các vị luôn luôn được thúc đẩy bởi ước muốn thành thực tôn trọng quyền lợi và công bình đối với mọi người và ước muốn tiến đến một nền hòa bình chân chính và bền bỉ.

 Ðức Gioan Phaolô II nói tiếp: Ðồng thời tôi muốn mời gọi các Phe trong cuộc, đừng bỏ qua sự quan trọng của chiều kích thiêng liêng của Thành Giêrusalem, với các nơi Thánh và các cộng đồng tôn giáo độc thần chung quanh đó. Tòa Thánh tiếp tục ghi nhận rằng: chỉ có một qui chế riêng được quốc tế bảo đảm, mới có thể bảo vệ các nơi thánh thiêng của Thành Thánh và bảo đảm sự tự do tín ngưỡng và phụng tự cho tất cả các tín hữu trong miền và trên cả thế giới: họ đang nhìn vào Giêrusalem như nơi gặp gỡ của hòa bình và của cuộc chung sống.

 Lời của ÐTC không phải là những lời mới mẻ. Những quan niệm và những lời lẽ tương tự cũng đã được ngài nói lên cuối tháng Ba 2000 vừa qua trong cuộc hành hương lịch sử tại Thánh địa. Ðây là những lời không thể giải thích hay lợi dụng về bất cứ phe nào: Do thái hay Palestine.

 Do thái giải thích lời của Ðức Gioan Phaolô II vào ngày Chúa nhật vừa qua như "một việc xen lấn vào nội bộ". Vì vẫn chủ trương Giêrusalem phải là thủ đô đời đời của mình, Do thái bác bỏ đề nghị của Tòa Thánh, vì Do thái cho rằng luật pháp của mình đã có những bảo đảm được Tòa Thánh nêu lên. Trái lại Palestine gán ghép cho những lời của ÐTC một ý nghĩa thuận lợi cho mình: lời của Ðức Gioan Phaolô II ám chỉ việc công nhận những ước vọng của Palestine về lãnh thổ tại Thành thánh.

 Như mọi người đều biết: đối với Tòa Thánh, vấn đề lãnh thổ không liên hệ gì với vấn đề công nhận tính cách thánh thiêng của Giêrusalem. Nói thể khác, Tòa Thánh không lưu ý đến việc Giêrusalem là thủ đô của một Quốc gia hay của hai quốc gia. Nhưng Tòa Thánh không thể không quan tâm đến tính cách đặc biệt của Giêsrusalem, một vấn đề quan trọng đến độ vượt qua mọi giải thích khác.

 Ai cũng thấy rằng: Vấn đề hóc búa hơn cả của cuộc hòa đàm tại Camp David hiện nay là vấn đề Thành Giêrusalem. Lập trường của Tòa Thánh rất có thể là lối thoát và đưa đến kết quả nhanh chóng hơn cho cả hai bên. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Hoa kỳ, ông Boucher, tuyên bố: Sự quan trọng của Giêsrusalem đối vối ba tôn giáo độc thần (Do thái giáo, Hồi giáo và Kitô giáo) giữ một vai trò quan trọng trong cuộc hòa đàm. Ông Tayed Abdel Rabim trả lời: Người Palestine sẵn sàng biến đổi Giêrusalem thành một "thành mở cửa cho mọi tín hữu".

 Vấn đề khó khăn là việc ấn định biên giới. Thủ tướng Barak, cho tới lúc này, chỉ chấp nhận chủ quyền của Palestine trên các khu phố bên đông. Trái lại lãnh tụ đối lập Do thái, ông Sharon cảnh cáo rằng: Không một vị thủ tướng nào của Do thái có quyền nhượng bộ về Giêrusalem. Ông Arafat lại muốn kiểm soát tất cả khu vực Ả râïp của Giêrusalem, đã bị Do thái chiếm đóng từ năm 1967. Vấn đề gay go và hầu như bế tắc. Dĩ nhiên, cuộc đàm phán không thể kéo dài vô hạn. Trong những ngày này các vị trách nhiệm phải tìm một giải pháp công bình và thực tế, để đi đến thỏa ước hòa bình. Nếu không, chiến tranh khốc liệt hơn sẽ trở lại miền Trung đông. Do thái cũng như Palestine và Khối Ả rập ủng hộ cuộc tranh đấu của Palestine sẽ không thoát khỏi tàn phá, như những năm trước đây.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page